Mối quan hệ giữa địa chính trị và địa kinh tế: Lý luận và thực tiễn

Địa kinh tế và địa chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong khi nhân tố địa kinh tế ngày càng gia tăng sức nặng và tầm quan trọng trong chính trị quốc tế thì ngược lại, biến động và đảo lộn địa chính trị sẽ tác động đến địa kinh tế. Nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị, vận dụng, xử lý hiệu quả các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển quốc gia, nhất là chiến lược đối ngoại và hội nhập quốc tế là chìa khóa quan trọng để đưa đất nước đi tới sự ổn định và thịnh vượng.

Mối quan hệ giữa địa chính trị và địa kinh tế: Lý luận và thực tiễn

Tác giả: PGS.TS. Phan Văn Rân & TS. Ngô Chí Nguyện,Viện Quan hệ quốc tế, HV Chính trị quốc gia HCM

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019.

Khái niệm và nội hàm địa chính trị, địa kinh tế

Từ rất sớm trong lịch sử, các nhà tư tưởng phương Tây cổ đại đã bàn đến mối liên quan giữa các đặc trưng và điều kiện địa lý với chính sách và hành vi chính trị của các nhà nước. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khái niệm và nội hàm thuật ngữ “địa chính trị” (Geopolitics) mới lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà khoa học chính trị người Thụy Điển John Rudolf Kjellén vào năm 1899 trong tác phẩm “Nhà nước như một cơ thể sống” (The State as a Living Form). Trong đó, J. R. Kjellén cho rằng, các yếu tố địa lý và môi trường tự nhiên sẽ quy định các đặc điểm về chính trị, kinh tế và quân sự của mỗi quốc gia theo nghĩa chúng có thể tạo thuận lợi hoặc kìm hãm các quá trình phát triển chính trị, kinh tế – xã hội, đồng thời góp phần định hình văn hóa chính trị, bản sắc và lịch sử của mỗi quốc gia. Từ sau đó, thuật ngữ “địa chính trị” được bàn luận nhiều trong các lý thuyết về chính trị và quan hệ quốc tế cũng như được vận dụng phổ biến trong hoạch định và thực thi chiến lược, chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, nhất là của các cường quốc(1).

Mặc dù chưa có sự nhận thức thống nhất trong giới học giả và hoạch định chính sách về khái niệm và nội hàm của thuật ngữ địa chính trị, song về cơ bản, thuật ngữ này được hiểu dưới hai khía cạnh: 1) dưới lăng kính lý thuyết, “địa chính trị” được hiểu như là một cách tiếp cận của khoa học chính trị nghiên cứu về mối quan hệ tương tác có tính nhân quả giữa các yếu tố và điều kiện địa lý, môi trường tự nhiên với đặc điểm và xu hướng vận động của không gian quyền lực chính trị của quốc gia, khu vực cũng như sự vận động của không gian quyền lực trong chính trị quốc tế gắn với quốc gia, khu vực; 2) dưới góc nhìn thực tiễn chính trị quốc tế, “địa chính trị” được nhìn nhận như là chiến lược đối ngoại và hành vi quốc tế của các quốc gia, nhất là chiến lược toàn cầu của các cường quốc nhằm mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng và kiểm soát các không gian quyền lực trọng yếu trên bàn cờ chính trị quốc tế(2).

Trong khi khái niệm “địa chính trị” xuất hiện từ hàng thế kỷ trước và được bàn luận rộng rãi, thuật ngữ “địa kinh tế” (Geo-economics) xuất hiện muộn hơn nhiều và nó vẫn còn khá mới mẻ trong ngôn ngữ cũng như thực tiễn chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại quốc gia. Năm 1942, nhà khoa học người Mỹ George T. Renner là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ địa kinh tế(3). Tuy nhiên, phải đến năm 1990 khi xuất hiện bài báo “Từ địa chính trị tới địa kinh tế: lôgic của xung đột, ngôn ngữ của thương mại” của nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ Edward Luttwak, khái niệm và nội hàm thuật ngữ địa kinh tế mới được nghiên cứu và chứng minh một cách khá rõ ràng về mặt lý thuyết và trong thực tiễn chính trị quốc tế. Trong bài báo đó, Luttwak cho rằng, chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới chuyển từ thời đại địa chính trị sang thời đại của địa kinh tế, mà ở đó cuộc đua tranh giữa các quốc gia dù vẫn được xác định bởi “logic của xung đột” nhưng thông qua “ngôn ngữ thương mại”(4). Theo quan điểm của Luttwak, địa kinh tế là hình thức mới của sự cạnh tranh sức mạnh giữa các quốc gia sau chiến tranh lạnh. Ông cho rằng, chính trị quốc tế thời kỳ hậu chiến tranh lạnh mặc dù vẫn bị chi phối bởi cạnh tranh sức mạnh giữa các nhà nước nhưng chiến trường chủ yếu là kinh tế thay vì quân sự, phương tiện ưa thích được các nhà nước sử dụng để theo đuổi các mục tiêu đối kháng nhau sẽ là kinh tế hơn là quân sự(5). Theo Luttwak, sức mạnh quốc gia trong kỷ nguyên địa kinh tế xuất phát từ vốn tư bản thay vì sức mạnh hỏa lực, đổi mới dân sự thay cho tiến bộ kỹ thuật quân sự và thâm nhập thị trường thay cho các đồn bốt và căn cứ. Trong một kỷ nguyên như vậy, Luttwak dự báo rằng: “các biện pháp trừng phạt kinh tế thay thế các cuộc tấn công quân sự, các cơ chế cạnh tranh thương mại thay thế các liên minh quân sự, chiến tranh tiền tệ phổ biến hơn so với việc chiếm đóng lãnh thổ và việc thao túng giá tài nguyên như dầu mỏ mang lại hậu quả lớn hơn so với các cuộc chạy đua vũ trang thông thường”(6). Ông cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh mới, việc chính phủ sử dụng vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp là tương đương với vũ khí nóng, vào sự phát triển sản phẩm tương đương với việc cải tiến vũ khí, và sự thâm nhập thị trường quốc tế cũng tương đương như triển khai ảnh hưởng ngoại giao(7). Bài báo đó cùng với một loạt công trình nghiên cứu nổi tiếng khác của ông bàn về địa kinh tế đã đưa Luttwak trở thành học giả có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu này. Nhìn chung, địa kinh tế theo quan điểm của Luttwak về bản chất vẫn là chính trị dựa trên sức mạnh dưới góc nhìn hiện thực chủ nghĩa nhưng được thực hiện bởi phương tiện khác, lợi ích quốc gia vẫn là nổi bật, và kinh tế ngày càng trở thành đòn bẩy quan trọng mà các nhà nước sử dụng để theo đuổi các lợi ích quốc gia chiến lược trong quan hệ quốc tế.

Trong những năm gần đây, thuật ngữ địa kinh tế được bàn luận sôi nổi và ngày càng có vị trí nổi bật như một cách tiếp cận nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của các nhà nước. Tuy nhiên, cũng như thuật ngữ “địa chính trị”, cách hiểu về khái niệm và nội hàm thuật ngữ “địa kinh tế” là không thống nhất trong các nghiên cứu của giới học giả. Từ các quan điểm của giới học giả, nổi lên hai trường phái chủ yếu bàn luận về địa kinh tế là trường phái Luttwak và những quan điểm khác với trường phái Luttwak.

Các quan điểm theo trường phái Luttwak nhìn chung xem địa kinh tế như một phương tiện thực hành chính sách đối ngoại của các quốc gia nhằm theo đuổi các mục tiêu chiến lược trong quan hệ quốc tế. Các học giả của trường phái này đã tập trung vào vai trò, tầm quan trọng của nhân tố kinh tế trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia trong chính trị quốc tế. Hudson xem địa kinh tế là chiến lược kiểm soát lãnh thổ mang động lực kinh tế và được thực hiện bằng các phương tiện kinh tế, mà quan trọng nhất là đầu tư và thương mại(8). Theo Hsiung, địa kinh tế là một sự chuyển đổi từ mối quan tâm quân sự sang mối quan tâm về an ninh kinh tế trong chính trị toàn cầu (9). Trong khi đó, một số học giả coi địa kinh tế là một hình thức biểu hiện mới của chính trị cường quyền, đó là việc sử dụng các công cụ kinh tế để bảo vệ và thúc đẩy quyền lực quốc gia cũng như mục tiêu kiểm soát các không gian địa chính trị trọng yếu của thế giới mà không viện tới sức mạnh và sự răn đe quân sự(10). Liên quan đến khía cạnh này, nhiều học giả chỉ ra rằng, những mục tiêu lớn trong chiến lược đầu tư, thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển Á – Phi – Mỹ Latinh hiện nay là nhằm tiếp cận nguồn tài nguyên và thúc đẩy sự phụ thuộc kinh tế bất đối xứng của các quốc gia này vào Trung Quốc và qua đó để gia tăng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh, định hình chính sách đối ngoại của họ theo cách phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc(11). Bên cạnh đó, Mattlin và Wigell cho rằng các chiến lược địa kinh tế cũng là phương tiện điển hình được sử dụng bởi Trung Quốc và Ấn Độ nhằm cân bằng mềm với sức mạnh vượt trội của Hoa Kỳ(12).

Một số nhà nghiên cứu khác khi bàn về khái niệm địa kinh tế lại tập trung vào khía cạnh mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị, cho rằng đây là hai khái niệm có mối quan hệ chồng chéo, có tính tương tác qua lại và thúc đẩy lẫn nhau. Theo Baru, địa kinh tế nghiên cứu mối quan hệ giữa chính sách kinh tế và sự thay đổi đối với quyền lực quốc gia và địa chính trị. Cụ thể, khái niệm địa kinh tế được cấu thành bởi hai thành tố cốt lõi là “thương mại theo sau lá cờ” và “lá cờ theo sau thương mại”, nghĩa là những khuynh hướng biến động của địa chính trị và quyền lực quốc gia trong quan hệ quốc tế sẽ kéo theo những hệ quả về kinh tế và ngược lại những biến động kinh tế lớn sẽ dẫn tới những hệ quả địa chính trị(13). Cũng theo Baru, địa kinh tế là sự tác động lẫn nhau giữa kinh tế và địa chính trị mà theo đó sự gia tăng hay suy giảm sức mạnh kinh tế của một quốc gia, khu vực cụ thể sẽ có hệ quả tác động về mặt địa chính trị. Baru lấy dẫn chứng về hệ quả địa chính trị của sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô bắt nguồn từ sự suy sụp kinh tế của siêu cường này. Tuy nhiên, Baru cũng lưu ý rằng sức mạnh địa kinh tế của một quốc gia không tự động theo sau sức mạnh kinh tế của quốc gia đó. Baru đã dẫn chứng trường hợp sức mạnh và ảnh hưởng quân sự, chính trị của Nhật Bản trên thế giới không tương xứng với sức mạnh và tầm ảnh hưởng kinh tế của nó(14).

Ở một góc nhìn khác, Scott cho rằng, việc kiểm soát các tuyến giao thương hàng hải quốc tế là thiết yếu cả về khía cạnh địa kinh tế và địa chính trị(15). Trong khi đó, Grosse xem địa kinh tế là sự hợp nhất của các mục tiêu kinh tế và địa chính trị và cho rằng các chiến lược đối ngoại của các nhà nước, nhất là của các cường quốc thường là sự kết hợp của việc triển khai cả sức mạnh kinh tế và quân sự(16). Huntington thì xem sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự có liên quan chặt chẽ với nhau, theo đó, quyền lực kinh tế sẽ giúp các quốc gia có được lợi thế trong công nghệ và trở nên mạnh mẽ hơn về mặt quân sự(17).

Trong khi đi theo trường phái của Luttwak trong nhìn nhận bản chất của địa kinh tế, Blackwill và Harris đi ngược lại với quan điểm của Luttwak khi lưu ý rằng, các công cụ kinh tế và quân sự cùng tồn tại, củng cố lẫn nhau trong chính sách và hành vi đối ngoại của các nhà nước và việc sử dụng chúng như thế nào tùy thuộc vào nhận thức của mỗi nhà nước về những thách thức và mục tiêu cụ thể mà họ đối mặt và theo đuổi (18). Phân biệt hai khái niệm này, hai ông cho rằng, địa chính trị giải thích và dự đoán quyền lực nhà nước thông qua một loạt các thông số địa lý liên quan, như lãnh thổ, dân số, thành tựu kinh tế, nguồn tài nguyên hay năng lực quân sự. Trong khi đó, địa kinh tế giải thích cách một nhà nước xây dựng và thực thi quyền lực thông qua các công cụ kinh tế(19).

Bên cạnh trường phái Luttwak là chủ đạo, ngày càng xuất hiện những quan điểm khác với Luttwak khi bàn về khái niệm địa kinh tế. Trong số đó, một số học giả tập trung giải thích các điều kiện địa lý định hình và quy định các hệ quả kinh tế như thế nào. Ví dụ, Kapyla và Mikkola cho rằng các điều kiện địa lý ở Bắc Cực thúc đẩy các quốc gia hợp tác với nhau vì đối đầu mở sẽ gây rủi ro cho mục tiêu kinh tế của nhau(20). Một số nhà nghiên cứu thì định nghĩa địa kinh tế thông qua tìm hiểu tác động của các cấu trúc vật chất trong không gian địa lý đối với các mối quan hệ kinh tế với bên ngoài của các quốc gia(21). Một số học giả khác đi xa hơn với trường phái Luttwak khi liên hệ địa kinh tế với sự trỗi dậy của các tác nhân mới mang tính xuyên quốc gia có ảnh hưởng tới những động lực kinh tế và chính trị. Mercille cho rằng, mặc dù các nhà chính trị và các thương gia đều có mục tiêu chung là sự ổn định của hệ thống kinh tế, nhưng họ lại khác nhau về các phương tiện theo đuổi mục tiêu thích hợp. Do vậy, các thương nhân thì hành động theo logic của địa kinh tế, trong khi các chính trị gia hành động theo logic địa chính trị(22). Barton thì phân biệt kỷ nguyên địa chính trị là về các nhà nước bá quyền và sự ổn định trong quan hệ quốc tế, trong khi kỷ nguyên địa kinh tế được đặc trưng bởi các chủ thể phi nhà nước mang tính linh hoạt cao và những mối quan hệ xuyên quốc gia không có biên giới(23). Trong khi đó, Cowen và Smith thì chỉ ra đặc trưng của thời đại địa kinh tế là nền sản xuất toàn cầu ngày càng được phân đoạn, sự gia tăng của các tập đoàn xuyên quốc gia, các mối đe dọa an ninh mang tính xuyên biên giới lãnh thổ(24).

Một cách tiếp cận khác với Luttwak trong định nghĩa địa kinh tế là đảo ngược nó từ phương tiện thành mục tiêu, theo đó, nhấn mạnh cách mà các nhà nước sử dụng sức mạnh cơ bắp và các lợi thế địa chính trị để đạt được các mục tiêu kinh tế trong quan hệ quốc tế. O’Hara và Heffernan xem địa kinh tế là tiềm năng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia, khu vực và chiến lược của việc kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên này(25). Youngs thì cho rằng, địa kinh tế bàn luận xoay quanh việc nhà nước sử dụng các công cụ sức mạnh và lợi thế của mình trong quan hệ quốc tế để đạt được các mục tiêu kinh tế(26). Tuy vậy, những người theo quan điểm này cũng lưu ý rằng, mục tiêu rốt cuộc của điều này là gia tăng sức mạnh tổng thể quốc gia trong cạnh tranh quyền lực quốc tế. Do đó, chìa khóa để hiểu địa kinh tế chính là các mục tiêu chính trị ẩn dấu phía sau nó(27).

Trong khi những quan điểm khác với Luttwak trên đây vẫn chia sẻ cơ sở khoa học rộng lớn với Luttwak trong khái niệm địa kinh tế, góc nhìn về địa kinh tế của những người theo trường phái kiến tạo khác một cách căn bản với tất cả những quan điểm địa kinh tế trên đây khi cho rằng cái gọi là địa kinh tế chỉ là những diễn ngôn lòe bịp về mặt chiến lược một địa điểm hoặc không gian nào đó trong nền kinh tế toàn cầu hóa, nó không phải là một mô tả khách quan về các chiến lược không gian kinh tế mà là một cách nhìn thế giới mang tính chủ quan mà theo đó các chiến lược đó được coi là hợp lý hay không hợp lý(28). Chỉ xem địa kinh tế như là những diễn ngôn mang tính chủ quan, trường phái kiến tạo bỏ qua các cấu trúc vật chất có ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế mà không phụ thuộc vào ý muốn và suy nghĩa của những người diễn ngôn nó. Hơn nữa, trường phái kiến tạo cũng không đưa ra được cách giải thích tốt hơn, thuyết phục hơn trường phái Luttwak về thuật ngữ địa kinh tế.

Trên cơ sở lý thuyết và sự phân tích các quan điểm, trường phái khác nhau về địa kinh tế như trên, có thể rút ra khái niệm địa kinh tế như sau: Địa kinh tế là một cách tiếp cận của khoa học chính trị nghiên cứu về mối quan hệ tương tác giữa quyền lực của quốc gia trong quan hệ quốc tế với các điều kiện địa lý và kinh tế. Nội hàm khái niệm địa kinh tế được thể hiện với hai khía cạnh:

Thứ nhất, về mặt lý thuyết, như là một khung phân tích hay một cách tiếp cận trong phân tích quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, địa kinh tế nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa kinh tế, địa lý và chính trị quốc tế. Cụ thể hơn, địa kinh tế nghiên cứu tác động của các đặc điểm và điều kiện địa lý đối với nền tảng kinh tế của quyền lực quốc gia, khu vực trong quan hệ quốc tế.

Ở khía cạnh lý thuyết, địa kinh tế cộng hưởng, bổ sung và đóng góp cho những thiếu khuyết trong góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực trong phân tích bản chất của chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại trong thế giới đương đại khi nó cho rằng các đặc trưng địa lý đặc thù về không gian và địa điểm có vai trò trong định hình quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại. Nó cũng nhấn mạnh vai trò của các công cụ kinh tế trong cạnh tranh sức mạnh tương đối giữa các nhà nước thay vì đề cao sức mạnh quân sự và nhấn mạnh yếu tố phân bổ sức mạnh giữa các nhà nước trong hệ thống quốc tế như những người tân hiện thực quan niệm. Như một khuôn khổ phân tích, địa kinh tế cũng bổ khuyết cho những hạn chế trong quan niệm của chủ nghĩa tự do, rằng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa dẫn tới việc các nhà nước sẽ từ bỏ chính trị cường quyền, theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác, cùng phát triển.

Thứ hai, về mặt thực hành, như một chiến lược chính sách đối ngoại của các nhà nước, địa kinh tế nghiên cứu việc sử dụng các công cụ sức mạnh kinh tế của các nhà nước để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của quốc gia trong quan hệ quốc tế (nổi bật là mục tiêu quyền lực) gắn với không gian địa lý nhất định. Các công cụ địa kinh tế chính mà các nước thường sử dụng, bao gồm: chính sách thương mại, đầu tư; trừng phạt kinh tế; chính sách viện trợ, tài chính, tiền tệ; chính sách nợ, năng lượng và hàng hóa… Rõ ràng là để hiểu đầy đủ và đúng đắn các mối quan hệ quốc tế trong thế giới đương đại đòi hỏi sự hiểu biết về vai trò của các công cụ kinh tế khác nhau và việc các nhà nước sử dụng các công cụ đó như thế nào để theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình trong quan hệ quốc tế.

Mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị

Từ những phân tích khái niệm và nội hàm trên đây, có thể rút ra một số khía cạnh của mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị như sau:

Một là, địa kinh tế và địa chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị gắn bó tới mức như Scholvin và Wigell đã chỉ ra là nhiều học giả thường không làm rõ ranh giới giữa hai phạm trù này(29). Cách hiểu phổ biến nhất được nhiều học giả đề cập, đó là địa kinh tế nằm trong phạm trù địa chính trị rộng lớn, theo đó địa kinh tế là việc sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị(30). Ở khía cạnh này, có thể dẫn ra hàng loạt các ví dụ trong thực tiễn quan hệ quốc tế để chứng minh. Kế hoạch Marshall của Mỹ ở châu Âu sau thế chiến II bề ngoài là một dự án địa kinh tế nhưng có mục tiêu địa chính trị rõ ràng. Việc Nga đe dọa đóng các đường ống cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho EU và một số nước thuộc Liên Xô cũ giữa mùa đông lạnh giá như một đòn bẩy địa chính trị trong mối quan hệ với các nước này. Việc Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản để gây áp lực về vấn đề chủ quyền ở biển Hoa Đông. Các chiến lược viện trợ và đầu tư hạ tầng của Trung Quốc ở châu Á và châu Phi cũng nhắm tới các mục tiêu ảnh hưởng địa chính trị rõ rệt. Hàng loạt các đập thủy điện được Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn dòng Mê Kông không chỉ đơn thuần mang yếu tố kinh tế mà có thể được Trung Quốc sử dụng như đòn bẩy địa chính trị trong mối quan hệ với các quốc gia hạ nguồn ở Đông Nam Á. Cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị Mỹ – Trung trên toàn cầu và ở Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện nay được biểu hiện rõ nhất không phải thông qua ý thức hệ hay sức mạnh vũ khí mà là trên lĩnh vực kinh tế -thương mại và sự thắng bại của cuộc đua kinh tế dường như sẽ quyết định thắng bại của canh tranh địa chính trị ở khu vực. Dự án địa kinh tế “Vành đai và Con đường” của Tập Cận Bình mang bóng dáng một dự án địa chính trị lớn của Trung Quốc, trong khi đó, dự án TPP của Obama cũng chứa đựng chiến lược địa chính trị rõ rệt. Như vậy, hai đại chiến lược khu vực này của Mỹ và Trung Quốc là sự hòa trộn khó tách biệt cả thành phần địa kinh tế và chiến lược địa chính trị. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay không chỉ đơn thuần mang yếu tố kinh tế mà thể hiện màu sắc của cạnh tranh sức mạnh và đối đầu địa chính trị giữa một cường quốc đang trỗi dậy với một cường quốc đang đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia CPTPP cũng không chỉ hướng tới tìm kiếm các lợi ích kinh tế mà còn nằm trong chiến lược đa dạng hóa quan hệ kinh tế thương mại với các đối tác trên thế giới, tránh sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, nó cũng mang lại đòn bẩy địa chính trị và an ninh cho Việt Nam.

Địa kinh tế cũng được xem như là mục tiêu thay vì phương tiện của các nhà nước trong quan hệ quốc tế. Trên thực tế, lợi thế vị trí địa chính trị thuận lợi hay tiềm năng tài nguyên chiến lược của một quốc gia, khu vực ảnh hưởng tới tiềm năng và xu thế phát triển của quốc gia, khu vực đó, đồng thời cũng tạo ra giá trị và vị thế địa chính trị của quốc gia, khu vực mang tính đòn bẩy cho sự phát triển sức mạnh quốc gia và vị thế quốc tế. Ví như vị trí án ngữ lối vào eo biển Malacca của Singapore hay nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ của Saudi Arabia, Venezuela hay Iran mang lại tiềm năng và cơ hội địa kinh tế to lớn cho những quốc gia này, đồng thời nó gia tăng vị thế và sức nặng địa chính trị cho họ trong quan hệ quốc tế.

Hai là, nhân tố địa kinh tế ngày càng gia tăng sức nặng và tầm quan trọng trong chính trị quốc tế. Một thực tiễn chính trị quốc tế khó có thể phủ nhận là sức mạnh kinh tế là yếu tố then chốt quyết định sức mạnh tổng hợp và vị thế địa chính trị của quốc gia, khu vực trong quan hệ quốc tế cũng như trong định hình trật tự quốc tế, khu vực. Nói cách khác, những biến đổi về tương quan sức mạnh kinh tế sẽ dẫn tới phân bổ lại sức mạnh trong hệ thống quốc tế và do đó dẫn tới những đảo lộn và dịch chuyển địa chính trị. Sự trỗi dậy của Trung Quốc xuất phát từ sức mạnh kinh tế quốc gia đã làm đảo lộn cấu trúc và trật tự địa kinh tế và chính trị toàn cầu, từ đó giúp Bắc Kinh tìm cách thay đổi lại trật tự địa kinh tế và chính trị khu vực, thế giới phù hợp với mong muốn và lợi ích chiến lược của họ. Sở dĩ trung tâm kinh tế và chính trị toàn cầu đang dịch chuyển mạnh về khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước hết bắt nguồn từ sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh kinh tế của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu, từ đó, gia tăng tầm quan trọng địa chính trị của khu vực. Tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Biển Đông với nguồn tài nguyên phong phú và là tuyến hàng hải trọng yếu của thế giới đã làm cho tranh chấp và căng thẳng địa chính trị ở Biển Đông ngày càng phức tạp. Cũng vậy, tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của Bắc Cực là bởi biến đổi khí hậu đã làm cho giao thương trên Bắc Băng Dương trở nên dễ dàng hơn và triển vọng khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở đây trở nên rõ ràng hơn. Một nguyên nhân quan trọng khiến Trung Đông luôn có tầm quan trọng địa chính trị và là nơi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là bởi kiểm soát được khu vực này sẽ kiểm soát an ninh năng lượng thế giới, và qua đó tác động lớn tới cạnh tranh sức mạnh và định hình trật tự quốc tế. Việc ASEAN hội nhập thành một cộng đồng khu vực với tổng GDP 2.400 tỷ USD và thị trường hơn 600 triệu dân, cùng với việc nằm ở vị trí chiến lược trọng yếu đã giúp gia tăng vị thế địa chính trị cho khu vực trong quan hệ quốc tế.

Ba là, biến động và đảo lộn địa chính trị sẽ tác động đến địa kinh tế. Tác động của biến động địa chính trị đối với chuyển biến địa kinh tế thể hiện ở chỗ nó có thể làm gia tăng hay suy giảm lợi thế và sức mạnh của các công cụ kinh tế của một quốc gia hay khu vực trong quan hệ quốc tế. Sự sụp đổ của Liên Xô đã dẫn tới những hệ quả to lớn về địa kinh tế đối với nước Nga trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Việc Trung Quốc bắt tay với Mỹ và phương Tây, bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản trong những năm 1970 là một nhân tố then chốt cho tiến trình cải cách mở cửa thành công của Trung Quốc và dẫn tới những đảo lộn địa kinh tế đối với Trung Quốc và toàn khu vực. Vị thế địa chính trị ngày càng quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh khu vực hiện nay cũng được xem như một lợi thế và thời cơ lớn cho Việt Nam nhằm nâng cao sức mạnh quốc gia và thúc đẩy các lợi ích địa kinh tế và chính trị chiến lược trong quan hệ quốc tế. Nếu dự án kênh đào Kra đi qua eo đất miền Nam Thái Lan được hiện thực hóa trong những năm tới chắc chắn sẽ làm suy giảm rõ rệt lợi thế địa kinh tế của các quốc gia xung quanh khu vực eo biển Malacca, đồng thời làm gia tăng sức nặng và lợi thế địa kinh tế và chính trị cho Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

3. Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay tạo ra những yếu tố tác động rõ rệt tới mối quan hệ giữa địa chính trị và địa kinh tế

Thứ nhất, mối quan hệ giữa địa kinh tế và địa chính trị ngày càng gắn bó chặt chẽ và đan xen vào nhau khó tách biệt rạch ròi trong toàn cầu hóa. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của toàn cầu hóa là sự đan xen lợi ích và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia, khu vực cũng như vai trò và tác động ngày càng rõ rệt của các lực lượng đa quốc gia, xuyên quốc gia làm cho nhân tố kinh tế và chính trị, môi trường trong nước và quốc tế, lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau. Do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, thường là mang tính bất đối xứng nên nhà nước này có thể làm cho nhà nước khác phụ thuộc vào mình thông qua các quan hệ kinh tế, từ đó mà đạt được các mục tiêu chính trị. Hơn nữa, sự phụ thuộc lẫn nhau một cách bất đối xứng gia tăng làm gia tăng tính dễ tổn thương về kinh tế và chính trị của các quốc gia, nhất là của các nước nhỏ, đang phát triển. Những biến động địa kinh tế có thể nhanh chóng dẫn tới những biến động địa chính trị và ngược lại. Vì thế, việc xử lý các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế trong quan hệ quốc tế trở nên đặc biệt nhạy cảm, đòi hỏi sự cẩn trọng và linh hoạt hơn. Chẳng hạn, việc xử lý những mâu thuẫn, tranh chấp trên Biển Đông của một số nước ASEAN với Trung Quốc trở nên khó khăn và phức tạp hơn bởi sự phụ thuộc kinh tế gia tăng của các nước này vào Trung Quốc. Các nước EU cũng khó lòng ủng hộ Mỹ gia tăng áp lực cấm vận và cô lập Nga trên vấn đề Ukraina bởi chính những tổn thương mà EU có thể phải gánh chịu từ những hành động đó.

Hai là, toàn cầu hóa làm gia tăng tầm quan trọng của nhân tố địa kinh tế trong chính trị quốc tế cũng như trong mối quan hệ nhân quả với cạnh tranh địa chính trị. Chiến tranh lạnh kết thúc, cạnh tranh ý thức hệ và sức mạnh quân sự được thay thế bằng cạnh tranh sức mạnh kinh tế, thứ bậc của các quốc gia trong hệ thống thế giới được xác định trước hết bởi sức mạnh kinh tế, lợi ích quốc gia chi phối quan hệ quốc tế đã khiến nhân tố kinh tế đứng ở trung tâm thay thế cho các tính toán về chiến lược, chính trị hay quân sự truyền thống vốn chi phối chính sách đối ngoại của các quốc gia và chính trị quốc tế. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ và thương mại trong toàn cầu hóa càng làm nổi bật vai trò của địa kinh tế trong cuộc đua tranh sức mạnh quốc gia. Trong môi trường quốc tế đó, mặc dù chính trị cường quyền và sức mạnh quân sự không mất đi vai trò của nó, nhưng sức mạnh kinh tế, công nghệ và vị thế thương mại của các quốc gia trở nên quan trọng hơn. Trong cuộc đua cạnh tranh quyền lực toàn cầu Mỹ – Trung hiện nay, yếu tố kinh tế sẽ đóng vai trò then chốt và thậm chí mang tính quyết định. Do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, các công cụ kinh tế sẽ trở thành vũ khí lợi hại được hai bên triệt để sử dụng trong cuộc đua tranh sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu cũng như kiềm chế lẫn nhau thay vì đối đầu chính trị và chạy đua vũ trang như trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây.

Ba là, toàn cầu hóa mở rộng phạm vi và gia tăng tốc độ tác động của những biến động địa chính trị và địa kinh tế cũng như sự tương tác của hai nhân tố đó. Toàn cầu hóa đã biến thế giới thành một chỉnh thể thống nhất mà ở đó mọi quốc gia, khu vực đều phụ thuộc vào nhau và chịu sự tương tác mạnh mẽ với nhau. Do đó, mọi biến động địa chính trị hoặc địa kinh tế ở một nơi nào đó có thể tác động nhanh chóng, với phạm vi rộng lớn tới nhiều quốc gia, khu vực và thậm chí toàn cầu. Cạnh tranh địa chính trị Mỹ – Trung ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện nay tác động tới thương mại và kinh tế toàn cầu, đồng thời nó tác động tới cả việc tập hợp lực lượng khu vực, thế giới và quá trình định hình trật tự khu vực và quốc tế sắp tới. Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á (1997-1998) đã nhanh chóng lan rộng, dẫn tới những biến động kinh tế, chính trị ở nhiều quốc gia, làm suy giảm sức mạnh của nhiều quốc gia trong khi gia tăng mạnh mẽ vị thế và sức nặng địa kinh tế và chính trị cho một số quốc gia khác mà Trung Quốc là một ví dụ.

Trên thực tế, mặc dù bản chất của chính trị quốc tế vẫn chịu sự chi phối của chính trị cường quyền, sức mạnh quân sự vẫn không mất đi ý nghĩa trong chính trị quốc tế, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cạnh tranh sức mạnh tổng hợp của quốc gia mà sức mạnh kinh tế, công cụ kinh tế là yếu tố trung tâm, mang tính quyết định đã trở thành nét nổi bật của quan hệ quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa. Trên khía cạnh tập hợp lực lượng toàn cầu hiện nay, một thế giới của các liên minh kinh tế, các khối kinh tế thương mại, các FTA song phương, đa phương, các sáng kiến hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, liên khu vực đang nổi lên mạnh mẽ, thay thế cho một thế giới của các khối liên minh chính trị quân sự đối đầu nhau trong chiến tranh lạnh. Toàn cầu hóa làm cho địa kinh tế trở thành công cụ quan trọng và hữu hiệu để hóa giải các thách thức địa chính trị, trong khi tài nguyên địa chính trị lại có thể làm gia tăng các lợi ích và đòn bẩy địa kinh tế cho các quốc gia. Bối cảnh mới đó của tình hình quốc tế chứa đựng thách thức lớn về sự tụt hậu kinh tế, về nguy cơ phụ thuộc về kinh tế và chính trị nhưng cũng tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho các nước vừa và nhỏ nâng cao vị thế quốc gia, đồng thời góp phần định hình môi trường địa kinh tế và chính trị khu vực dưới các hình thức khác nhau.

——————————

Chú thích:

(1), (2) Trần Khánh: “Bàn về khái niệm địa chính trị”, Bản tin Những vấn đề lý luận phục vụ lãnh đạo. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 1/2019, tr.12-25.
(3) Babic, B. (2009). “Geo-economics: reality & science”, in Megatrend review: the international review of applied economics. Belgrade, Vol.6. (in English), p.27.
(4) Luttwak, E, N. (1990). “From Geopolitics to Geo-economics: Logic of Conflict, Grammar of Commerce,” National Interest 20: 17–23.
(5) Luttwak, E, N. (1990). “From Geopolitics to Geo-economics: Logic of Conflict, Grammar of Commerce,” National Interest 20: 18.
(6) Leonard, M. (2015). “Geo-politics and Globalization: How Companies and States Can Become Winners in the Age of Geo-economics”, in the book Geo- economics Seven Challenges to Globalization, p.4. Available at: http://www3 weforum.org
(7) Luttwak, E. (1999). Turbo capitalism: winners and losers in the global economy. New York: Harper and Collins: 125-130.
(8) Hudson, Valerie et al. (1991). “Why the Third World Matters, Why Europe Probably Won’t: The Geoeconomics of Circumscribed Engagement”. Journal of Strategic Studies (14.3): 255-98.
(9) Hsiung, J.C. (2009). “The Age of Geoeconomics, China’s Global Role, and Prospects of Cross-Strait Integration,” Journal of Chinese Political Science, Vol. 14, No. 2: 113–33.
(10) Blackwill, R., & Harris, J. (2016). War by Other Means: Geoeconomics and Statecraft. Cambridge, Massachusetts; London, England: Harvard University Press: 8, and 19-32. Retrieved from http://www.jstor.org/stable/j.ctt1c84cr7; Fjäder, C. O. (2018). “Interdependence as Dependence: Economic Security in the Age of Global Interconnectedness”, In Geo-Economics and Power Politics in the 21st Century: The Revival of Economic Statecraft, edited by Wigell, M., Scholvin, S., and Aaltola, M. London: Routledge; Wigell, M. and Scholvin, S. (2018). Geo-Economics as Concept and Practice in International Relations: Surveying the State of the Art, FIIA WORKING PAPER 102. https://www.fiia.fi.
(11) Blackwill, R., & Harris, J. (2016). War by Other Means: Geoeconomics and Statecraft. Cambridge, Massachusetts; London, England: Harvard University Press. Retrieved from http://www.jstor.org; Ana C. Alves, (2015). “China and Brazil in Sub-Saharan African Fossil Fuels: A Comparative Analysis,” in Sören Scholvin, ed., A New Scramble for Africa? The Rush for Energy Resources in Sub-Saharan Africa, Farnham: Ashgate: 33-51; Anniina Kärkkäinen, (2016). “Does China Have a Geoeconomic Strategy Towards Zimbabwe?: The Case of the Zimbabwean Natural Resource Sector,” Asia Europe Journal, Vol. 14, No. 2: 185-202; Scholvin, S. and Strüver, G. (2012). “Tying the Region Together or Tearing It Apart?: China and Transport Infrastructure Projects in the SADC Region,” in André du Pisani, Gerhard Erasmus, and Trudi Hartzenberg, eds., Monitoring Regional Integration in Southern Africa 2012. Stellenbosch: TRALAC: 175-93; Holslag, J. (2016), “Geoeconomics in a Globalized World: the Case of China’s Export Policy”, Asia Europe Journal 14.2: 173-84.
(12) Mattlin, M. and Wigell, M. (2016). “Geoeconomics in the Context of Restive Regional Powers,” Asia Europe Journal, Vol. 14, No. 2: 125–34.
(13) Baru, S. (2012). A New Era of Geo-economics: Assessing the Interplay of Economic and Political Risk, IISS Geo-economics and Strategy Programme, IISS Seminar 23-25 March: 2.
(14) Baru, S. (2012). “Geo-economics and Strategy,” Survival, Vol. 54, No. 3: 47–58.
(15) Scott, D. (2008). “The Great Power ‘Great Game’ between India and China: ‘The Logic of Geography’” Geopolitics, Vol. 13, No. 1: 1-26.
(16) Grosse, T.G. (2014). “Geoeconomic Relations between the EU and China: The Lessons from the EU Weapon Embargo and from Galileo,” Geopolitics, Vol. 19, No. 1: 40-65.
(17) Samuel P. Huntington, (1993). “Why International Primacy Matters.” International Security, Vol. 17, No. 4.
(18), (19) Blackwill, R., & Harris, J. (2016). War by Other Means: Geoeconomics and Statecraft. Cambridge, Massachusetts; London, England: Harvard University Press: 9, 24. Retrieved from http://www.jstor.org.
(20) Kapyla, J. and Mikkola, H. (2016). “The Promise of the Geoeconomic Arctic: A Critical Arctic,” Asia Europe Journal, Vol. 14, No. 2: 203-20.
(21) Scholvin, S. and Draper, P. (2012). “The Gateway to Africa?: Geography and South Africa’s Role as an Economic Hinge Joint Between Africa and the World”, South African Journal of International Affairs 19.3: 381-400; Scholvin, S. and Malamud, A. (2014). “Is There a Geoeconomic Node in South America?: Geography, Politics and Brazil’s Role in Regional Economic Integration”, ICS Working Paper 2/2014.
(22) Mercille, J. (2008). “The Radical Geopolitics of US Foreign Policy: Geopolitical and Geoeconomic Logics of Power,” Political Geography, Vol. 27, No. 5: 570–86.
(23) Scholvin, S. and Wigell, M. (2018). “Power Politics by Economic Means: Geo-economics as an Analytical Approach and Foreign Policy Practice”. Comparative Strategy 37.1: 73-84, DOI: 10.1080/01495933.2018.1419729.
(24) Cowen, D. and Smith, N. (2009). “After Geopolitics?: From the Geopolitical Social to Geoeconomics,” Antipode, Vol. 41, No. 1.
(25) O’Hara, S. and Heffernan, M. (2006). “From Geo-Strategy to Geo-economics: The “Heartland” and British Imperialism Before and After Mackinder”. Geopolitics 11.1: 54-73.
(26), (27) Youngs, Richard. (2011). “Geo-economic Futures”, In Challenges for European Foreign Policy in 2012: What Kind of Geo-economic Europe?, edited by Ana Martiningui and Richard Youngs. Madrid: FRIDE: 14; Sidaway, J. D. (2005). Asia-Europe-United States: The Geoeconomics of Uncertainty. Area 37.4: 373-77.
(28) Matthew Sparke, (2006). “A Neoliberal Nexus: Economy, Security and the Biopolitics of Citizenship on the Border”, Political Geography, Vol. 25, No. 2: 151-80; Domosh, M. (2013). “Geoeconomic Imaginations and Economic Geography in the Early Twentieth Century,” Annals of the Association of American Geographers, vol. 103, no. 4: 945.
(29) Scholvin, S. and Wigell, M. (2018). “Power Politics by Economic Means: Geo-economics as an Analytical Approach and Foreign Policy Practice”. Comparative Strategy 37.1: 4 DOI: 10.1080/01495933.2018.1419729.
(30) Chatham House, Whats is Geo-economics?. https://www.chathamhouse.org.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,