Mối quan hệ cá nhân – xã hội trong cảm thụ thẩm mỹ

Cảm thụ thẩm mỹ là hoạt động mang đậm dấu ấn cái “tôi” cá nhân của chủ thể, gắn liền với những năng lực tinh thần chủ quan, với tình cảm, thị hiếu của mỗi người.

Mối quan hệ cá nhân – xã hội trong cảm thụ thẩm mỹ

Từ xưa, học giả nổi tiếng của Trung Quốc là Lưu Hiệp (465 – 520) đã nhận thấy rằng: “Người hiểu biết văn học, thường có cái thích riêng của mình cho nên không ai thấy được cái toàn diện. Chẳng hạn những người tính tình khảng khái thấy những âm thanh hùng tráng thì liền vỗ tay. Những người hàm súc thấy những lời tinh tế chặt chẽ thì khoái trá. Những người trí tuệ nông cạn, thấy câu văn đẹp thì sướng mê. Những người thích cái lạ và mới, đối với những việc quái lạ thì nghe sửng sốt. Cái gì hợp ý thích của mình thì khen ngợi, không hợp thì vứt bỏ xem thường”(l). Những lời trên của Lưu Hiệp tuy được ông giới hạn chỉ trong việc cảm thụ văn chương nhưng cũng hoàn toàn có thể coi đó là đặc điểm của sự cảm thụ thẩm mỹ nói chung.

Cái “tôi” của cá nhân chủ thể trong cảm thụ thẩm mỹ được bộc lộ trước hết ở sự lựa chọn đối tượng cảm thụ. Nếu so với nhận thức khoa học là hoạt động mà việc lựa chọn đối tượng thường phải chịu sự quy định chặt chẽ bởi các yếu tố nằm ngoài phạm vi chủ quan cá nhân của chủ thể, chẳng hạn như điều kiện nghiên cứu (trang thiết bị kỹ thuật, chi phí…), những lợi ích xã hội cấp thiết phải đáp ứng… do vậy, chủ thể nhận thức khoa học thường không thể tùy ý lựa chọn đối tượng, thì ngược lại, cảm thụ thẩm mỹ – với bản chất là một hoạt động tự do, vô tư, tự nguyện, không phải chịu sự ràng buộc bởi bất cứ một lợi ích, nhu cầu thực dụng nào, nên chủ thể cảm thụ được toàn quyền lựa chọn đối tượng tùy theo sở thích của mình. Cơ sở (hay tiêu chí) để chủ thể cảm thụ lựa chọn đối tượng này hay đối tượng khác là do đối tượng đó có làm ta thích hay không thích, thỏa mãn hay không thỏa mãn – đấy là sự lựa chọn “cho ta ” chứ không phải “vì nó “. Về điều này, nhà mỹ học Trung Quốc Chu Quang Tiềm khẳng định: “Cái ta nhìn đến là vì cái ấy có một ý vị đối với ta, còn cái ta không nhìn đến là vì nó không có ý vị đối với ta”(2). Và bởi cái “ý vị ” ấy đối với mỗi người là mỗi vẻ, nên đối tượng thẩm mỹ được ưa thích cũng không giống nhau ở các chủ thể cảm thụ khác nhau. Người này thích vẻ đẹp sống động, tươi mới của thiên nhiên, người khác lại say mê cái đẹp cô đúc, giàu sức gợi cảm của nghệ thuật.

Ngay trong việc cảm thụ màu sắc, ở mỗi người cũng mỗi hình mỗi vẻ. Có người thích những màu sắc ôn hòa, kẻ thích màu “nóng”, lại có người ưa màu “lạnh”, có người nhìn màu sắc đậm thì thấy “nặng nề và sinh ra cảm giác mỏi mệt, còn màu sắc nhợt và sáng thì thấy nhẹ nhàng và cảm thấy thích thú”(3) và không chỉ trong cảm thụ màu sắc, mà cả đối với sự cảm thụ âm nhạc cũng vậy. Cùng thưởng thức một giai điệu, người khỏe mạnh về thể chất và tinh thần thì “cảm thấy vô cùng sảng khoái, cơ thể như cùng theo với âm thanh mà mở mang ra, do đó mà cảm thấy phấn chấn”, còn người yếu ớt về tinh thần lẫn thể chất lại thấy phảng phất giống như cảnh người sắp chết… có cảm giác như cuộc sống đang trôi xuôi chảy ra bên ngoài”. Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, sở thích cá nhân cũng vô cùng: anh thích điện ảnh, sân khấu, còn tôi lại mê hội họa, văn chương… Điều đáng nói là người ta chẳng bao giờ phải lý giải rằng tại sao mình lại thích cái này mà không thích cái nọ, và cũng chẳng ai lại đi bất bẻ người khác về điều đó. Mỗi người đều có sở thích riêng của mình, và đó là cơ sở làm nên sự đa dạng, phong phú, nhiều hình nhiều vẻ của đời sống thẩm mỹ của xã hội.

Tính chất cá nhân còn thể hiện đặc biệt rõ trong sự khác biệt về năng lực cảm thụ, chiếm lĩnh các giá trị thẩm mỹ của đối tượng. Trước cùng một đối tượng, nhưng chủ thể này có khả năng bao quát nhanh nhạy, chính xác các giá trị, nhờ vậy có thế bộc lộ thái độ cảm xúc một cách mau lẹ, đúng đắn, còn chủ thể khác thì ngược lại. Hoặc cũng là đối tượng ấy, có chủ thể chiếm lĩnh được các giá trị thẩm mỹ ở mức trọn vẹn, sâu sắc, đạt đến tầng sâu triết – mỹ của nó, nhưng chủ thể khác lại mới chỉ dừng ở mức cảm xúc được cái vẻ bề ngoài của đối tượng, thậm chí có chủ thể còn cảm nhận sai lạc, méo mó các giá trị đích thực vốn có. Nguyên nhân của sự khác biệt về mức độ chiếm lĩnh các giá trị thẩm mỹ của đối tượng giữa chủ thể này so với chủ thế khác là do chỗ, năng lực, trình độ, hay “khiếu” thẩm mỹ của họ phát triển không như nhau. Thường thì chủ thể cảm thụ nào có “khiếu” thẩm mỹ tốt, tức là các giác quan thẩm mỹ có độ nhạy cảm cao, có trí tưởng tượng sáng tạo phong phú, tư duy hình tượng phát triển mạnh, có óc liên tưởng nhanh và độc đáo, cộng với một tâm hồn giàu cảm xúc và một vốn tri thức thấm mỹ, nghệ thuật sâu rộng… thì chủ thể đó sẽ có khả năng cảm thụ nhanh nhạy, trọn vẹn, chính xác và sâu sắc giá trị thẩm mỹ của đối tượng, và ngược lại. Thậm chí, ngay cả khi cùng một trình độ cảm thụ thẩm mỹ nhưng sắc thái biểu hiện cảm xúc trước cùng một đối tượng thẩm mỹ cũng không ai giống ai, bởi thế giới tinh thần, tình cảm của mỗi người là riêng tư, cá biệt, không lặp lại.

Tất cả những biểu hiện trên đây của tính chất cá nhân trong cảm thụ thẩm mỹ được biểu hiện tập trung và rõ nét trong thị hiếu thẩm mỹ. Nói chung, xét ở cấp độ cá nhân, thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai. Chính sự muôn màu muôn vẻ của thị hiếu cá nhân đã tạo nên tính đa dạng, phong phú và sinh động của thị hiếu xã hội. Cuộc sống sẽ nghèo nàn, đơn điệu biết chừng nào nếu mọi người đều thích như nhau về một kiểu quần áo, giày dép, hoặc chỉ cùng yêu thích một loại hình nghệ thuật. Bởi vậy, một xã hội có đời sống văn hóa thẩm mỹ phát triển chỉ khi những sở thích, thị hiếu cá nhân được tôn trọng và phát triển phong phú, đa dạng. Điều này không chỉ đúng về quyền con người mà còn là một nhân tố, một điều kiện tích cực để phát huy, phát triển các tài năng cá nhân và làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật nói riêng và đời sống thẩm mỹ nói chung của xã hội không bị nhàm chán, buồn tẻ.

Đề cao tính chất cá nhân của thị hiếu thẩm mỹ, Cantơ khẳng định: “Nói đến thường thức nghệ thuật là nói đến sự tác động của thị hiếu thẩm mỹ của từng con người cụ thể”(5). Ông thậm chí còn quả quyết rằng: “Nếu ai đọc cho tôi nghe một bài thơ hoặc đưa tôi đến xem một buổi diễn kịch ở nhà hát mà rốt cuộc nó vẫn không đáp ứng thị hiếu của tôi thì, để chứng minh rằng bài thơ của hắn là đẹp dù hắn có cầu khẩn cả Batteux (Linh mục, Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp), cả Lessing và cả đến các nhà phê bình về thị hiếu cổ nhất và nổi tiếng nhất, và cả các quy tắc mà các vị ấy đã nêu ra, thì cũng vô hiệu thôi”(6).

Quan niệm này của Cantơ đã được Lênin tán đồng, chia sẻ, khi ông khẳng định: “Không thể chối cãi rằng sự nghiệp văn học ít chịu được hơn hết sự san bằng, sự bình quân máy móc, sự thống trị của số đông đối với số ít. Không thể chối cãi rằng trong sự nghiệp này cần phải đảm bảo một phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho những thiên hướng cá nhân, cho suy nghĩ và cho tưởng tượng, cho hình thức và cho nội dung”(7)

Hiển nhiên rằng, ý kiến trên đây của Lênin không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực văn học mà hoàn toàn có thể mở rộng ra đối với hoạt động thẩm mỹ nói chung và cảm thụ thẩm mỹ nói riêng. Về cơ sở tạo nên tính chất cá nhân của thị hiếu thẩm mỹ, một số nhà mỹ học thực nghiệm thời cận đại cho rằng đó là do sự khác biệt về sinh lý – giải phẫu. Khác với quan niệm ấy, mỹ học Marxistkhông coi các điều kiện, các đặc tính riêng về sinh lý – giải phẫu là cơ sở duy nhất của thị hiếu cá nhân, mà chỉ coi đó như là một trong những bộ phận, những yếu tố góp phần hình thành nên tính chất cá nhân của thị hiếu. Ngoài các đặc tính về sinh lý, thị hiếu thẩm mỹ cá nhân còn chịu sự quy định của nhiều yếu tố khác, như sự phong phú của thế giới tinh thần, tình cảm, điều kiện và môi trường sống, vốn văn hóa chung, kinh nghiệm sống, vốn tri thức thẩm mỹ và nghệ thuật… của mỗi người. Tất cả các yếu tố đó tác động qua lại với nhau tạo nên thị hiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân, và thông qua thị hiếu cá nhân, tạo nên tính chất, khuynh hướng cá nhân trong cảm thụ, thưởng thức thẩm mỹ nói riêng và hoạt động thẩm mỹ nói chung của chủ thể.

Tóm lại, như các nhà mỹ học Xô Viết đã khẳng định: cảm thụ thẩm mỹ, “đó là khả năng con người mang kinh nghiệm sống của mình, nhãn quan của mình về thế giới, những xúc cảm của mình, đánh giá của mình… vào nội dung tác phẩm được cảm thụ(8). Sự tham gia của toàn bộ các yếu tố thuộc kinh nghiệm cá nhân của chủ thể vào quá trình cảm thụ đã biến sự cảm thụ thẩm mỹ trở thành một hoạt động mang tính cá nhân sâu sắc.

Tuy nhiên, yêu cầu tất yếu của việc cần phải tôn trọng thị hiếu cá nhân không đồng nghĩa với việc tuyệt đối hóa tính chất cá nhân của thị hiếu. Trong quan niệm của các nhà duy tâm chủ quan như Cantơ, “thị hiếu là cái không thể tranh cãi về nó được”, vì nó hoàn toàn mang tính chất cá nhân. Quan điểm sai lầm trên xuất phát từ chỗ coi chủ thể cảm thụ thẩm mỹ luôn luôn là một cá nhân biệt lập với xã hội. Và cùng với đó? Ý thức thẩm mỹ nói chung và thị hiếu thẩm mỹ nói riêng bị cô lập tuyệt đối khỏi các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như chính trị, đạo đức…

Thực tế cho thấy rằng, thị hiếu thẩm mỹ biểu hiện năng lực thẩm mỹ chủ quan của chủ thể và mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng sự hình thành, vận động và phát triển của nó không tách rời các yếu tố xã hội như giai cấp, dân tộc, thời đại. Bởi vậy, thị hiếu thẩm mỹ là một quan hệ biện chứng giữa yếu tố cá nhân và yếu tố xã hội, được biểu hiện ra bằng năng lực thẩm mỹ chủ luận của cá nhân. Nói cụ thể hơn, trong sự cảm thụ, thưởng thức, trong thái độ đánh giá thẩm mỹ của từng cá nhân đã xuyên thấm những quan niệm về chính trị, xã hội, triết học, đạo đức… tức là các yếu tố mang bản chất xã hội. Sự chi phối của các yếu tố xã hội vào quá trình cảm thụ thẩm mỹ của con người cũng là một tất yếu, bởi theo quan niệm mácxít, chủ thể cảm thụ (và chủ thể thẩm mỹ nói chung) không phải là một cá nhân biệt lập với xã hội, mà trước hết, đó là một con người xã hội – hiểu theo nghĩa nó là con người của một giai cấp, một dân tộc và thuộc về một thời đại lịch sử nhất định. Do vậy, ý thức thẩm mỹ của chủ thể tất yếu phải chịu sự chi phối trực tiếp của các yếu tố đặc trưng cho thời đại, giai cấp và dân tộc mà chủ thể đó là thành viên, như điều kiện kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa. đạo đức, các đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán…

Trong tác phẩm Nghệ thuật và đời sống xã hội, Plêkhanốp đã chỉ rõ sự phụ thuộc khăng khít giữa tính chất của sự cảm thụ thẩm mỹ của con người với tính chất của các điều kiện sinh hoạt, điều kiện sống của một xã hội nhất định. ông viết “Bản tính con người khiến họ có thể có những cảm giác và quan niệm thẩm mỹ. Những điều kiện sinh hoạt của họ cải biến những tiềm thế ấy thành hiện thực, chính là tùy theo các điều kiện ấy mà một con người xã hội nhất định (hoặc nói cho đúng hơn, một xã hội nào đó, một dân tộc nào đó, một giai cấp nào đó) có chính là những thị hiếu và quan niệm thẩm mỹ này, chứ không phải là những thị hiếu và quan niệm thẩm mỹ khác”(1).

Plêkhanốp đã viện dẫn nhiều ví dụ phong phú để làm cơ sở cho kết luận của mình. Chẳng hạn như việc các phụ nữ da đen trong một số bộ lạc ở châu Phi có quan niệm càng đeo vào người càng nhiều vòng sắt càng đẹp, hoặc một số phụ nữ khác lại làm đẹp bằng cách cố tình sử dụng những đôi giày chật để tạo dáng đi khó khăn, lúng túng, uể oải… Lý giải nguyên nhân của những thị hiếu thẩm mỹ lạ lùng đó, Plêkhanốp cho rằng, chúng đều có nguồn gốc từ sự bất bình đẳng về tài sản nơi những người da đen ở xứ sở đó, vào thời kỳ đó. Những người phụ nữ giàu có đeo nhiều vòng sắt để làm đẹp, vì ở trong bộ lạc của họ vào thời kỳ đó, sất là thứ kim loại quý. Ở đây, ý niệm đẹp gắn liền với ý niệm về sự giàu sang. Tương tự, những người phụ nữ coi dáng đi khó khăn, lúng túng, uể oải là đẹp bởi theo họ, dáng đi ấy chứng tỏ họ là người giàu có, có thừa thãi thời gian, vì không phải làm lụng tất thật như những người phụ nữ thuộc tầng lớp lao động nghèo khổ.

Trường hợp những người dân của bộ lạc da đỏ ở phía tây Bắc Mỹ thích những đồ trang sức bằng móng, vuốt, răng của một số loài thú dữ, hoặc những người đàn ông ở trong một bộ lạc khác làm đẹp bằng cách bẻ gãy những răng cửa hàm trên của mình… cũng được Plêkhanốp lý giải bằng các nguyên nhân xã hội. Theo ông, đó là do tác động, ảnh hưởng bởi các điều kiện, phương thức sinh sống của họ. Những người ở bộ lạc da đỏ kia thích đồ trang sức làm bằng móng, vua và răng của thú dữ, vì bộ lạc họ sống chủ yếu bằng nghề săn bẩn. Họ đeo những thứ đó lúc đầu chỉ để tỏ dấu hiệu của sự dũng cảm, khéo léo và hùng mạnh, và chỉ về sau, cũng chính bởi những vật ấy là dấu hiệu của dũng cảm, nhanh nhẹn và hùng mạnh nên chúng mới bắt đầu gợi lên những cảm giác thẩm mỹ và trở nên đồ trang sức. Ở trường hợp kia, sở dĩ những người ở bộ lạc đó chỉ coi là đẹp những người đàn ông nào đã bẻ gãy các răng cửa hàm trên của mình, là vì họ muốn bất chước loài bò – một giống vật mà sự chăn nuôi nó là phương thức sinh sống chủ yếu của họ, và cũng vì thế, trong xứ sở họ, bò là giống vật đã được thần hóa(2). Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn cũng từng chỉ ra dấu ấn giai cấp trong tình cảm và sở thích thẩm mỹ của con người. ông nói, đại ý rằng: mặc dù vui, buồn, yêu, ghét là những tình cảm chung của con người, nhưng ngay chính trong nhừng tình cảm ấy cũng đã mang bản chất giai cấp rồi. Bởi vậy, người nghèo quyết không có cái buồn vì buôn thua bán lỗ ở sở giao dịch. Ngược lại ông vua dầu hỏa làm sao biết được nỗi thống khổ của bà già nhặt xỉ than, và những nạn dân vùng đói kém thì không thể có cái thú ngắm hoa lan như các cụ lớn giàu sang.

Tư tưởng về sự tham gia chi phối của các yếu tố xã hội vào quá trình cảm thụ thẩm mỹ không phải chỉ là của riêng mỹ học duy vật biện chứng, mà nhiều nhà lý luận ngoài Marxistcũng có chung quan niệm như vậy. Chẳng hạn, nhà mỹ học giờ dân chủ cách mạng Nga Tsécnưsépxki cũng từng nói đến sự khác biệt về mặt giai cấp trong quan niệm về cái đẹp. Theo ông, những khái niệm của người dân bình thường về cái đẹp có nhiều phần không giống những khái niệm của những giai cấp có học vấn trong xã hội. Ví dụ: một cô gái đẹp trong quan niệm của người lao động thôn quê trước hết phải là người khỏe mạnh, rắn chắc, và có khả năng lao động tốt, còn đối với người đẹp của xã hội thượng lưu thì khác hẳn, cuộc sống phong lưu, nhàn hạ khiến họ chỉ cảm thấy đẹp đối với những tiểu thư mảnh mai, yểu điệu “gió thổi bay”. Nhà Hiện tượng luận người Pháp là J.Len hác cũng có một dẫn chứng khá độc đáo và cụ thể về tính giai cấp của thị hiếu thẩm mỹ. ông viết: “Người ta đã kể lại rằng, vào cuối triều đại của mình, Louis XIV đã ra lệnh “chuyển những trò khủng khiếp này đi” khi nói về các bức họa thuộc thể loại Đức được treo trong phòng ông. Rõ ràng là một cảnh tượng thanh bình trong gia đình thuộc giai cấp trung bình đối với nhà vua dường như lại là một cái gì đó giống như tội phạm thượng vậy. Như thế là có một khoảng cách rất lớn giữa thị hiếu của nhà vua, thỉ hiếu của triều đình, và thị hiếu của giai cấp trung bình”‘(3)

Nhà phê bình văn học nổi tiếng của Pháp là R. Barthes cũng khẳng định: “Thưởng thức và phê bình tác phẩm bao giờ cũng thông qua lăng kính bối cảnh xã hội và tâm lý cá nhân…”(4).

Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định rằng, cảm thụ thẩm mỹ tuy là một hoạt động bộc lộ sâu dđm nhất dấu ấn cái “tôi” chủ quan cá nhân của chủ thể, nhưng không hoàn toàn chỉ do các yếu tố thuộc phạm vi cá nhân quyết định, mà chính trong những yếu tố cá nhân đã có sự tham gia chi phối trực tiếp của các yếu tố xã hội (thuộc phạm vi giai cấp, dân tộc và thời đại). Các yếu tố xã hội đó đã tham dự cả vào việc quy định khuynh hướng lựa chọn đối tượng cảm thụ, phương thức cảm thụ và năng lực chiếm lĩnh đối tượng thẩm mỹ của chủ thể, cũng như những phản ứng cảm xúc của chủ thể trước các đối tượng thẩm mỹ khác nhau. Nói cách khác, trong cơ chế cảm thụ thẩm mỹ của chủ thể luôn có sự kết hợp biện chứng của cái cá nhân và cái xã hội, của cái chủ quan và cái khách quan, cái riêng và cái chung. Cơ chế kết hợp này đã làm cho cảm thụ thẩm mỹ trở thành một hoạt động vừa mang tính độc đáo cá nhân, lại vừa hàm chứa những giá trị mang tính phổ biến của xã hội, của cộng đồng. Trong đó, cái chung, cái phổ biến của xã hội đã hòa tan, thẩm thấu, đã định hình ổn định trong cái riêng, cái độc đáo của từng cá nhân. Biện chứng cá nhân – xã hội trong thị hiếu thẩm mỹ (được biểu hiện ra trong cảm thụ thẩm mỹ) là mối quan hệ vừa cá nhân vừa xã hội trong mỗi cá nhân, là sự chuyển hóa lẫn nhau vừa riêng vừa chung, vừa cá biệt độc đáo nhưng lại không vượt ra ngoài khuôn khổ chung của xã hội, của cộng đồng. Một thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh phải là sự điều tiết cân bằng, hòa hợp giữa hai phương diện đó. Nếu tuyệt đối hóa phương diện cá nhân, thị hiếu thẩm mỹ sẽ trở nên lập dị, khác người, sẽ không được xã hội thừa nhận. Ngược lại, nếu chỉ chạy theo cái chung, cái phổ biến mà đánh mất cái riêng, cái độc đáo, tức là cào bằng mọi sở thích cá nhân, thì hậu quả tất yếu sẽ làm cho đời sống thẩm mỹ của cá nhân và xã hội trở nên nghèo nàn, đơn điệu, nhàm chán, không có điều kiện để phát triển.

Sự thống nhất biện chứng cá nhân – xã hội giúp ta hiểu, tại sao cảm thụ thẩm mỹ tuy là vấn đề của từng cá nhân nhưng lại dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm trong một cộng đồng xã hội. Điều đó cũng nói lên rằng, thị hiếu thẩm mỹ cá nhân hoàn toàn không phải là cái gì có tính tuyệt đối, bất biến, là “không thể bàn cãi được”, mà thực chất đó là nơi hội tụ những sở thích, những “gu” thẩm mỹ có tính phổ biến của giai cấp, dân tộc, thời đại mà cá nhân đó là thành viên. Đó cũng là lý do giải thích vì sao thị hiếu thẩm mỹ của cá nhân lại luôn thay đổi cùng với sự thay đổi của những điều kiện sống, sinh hoạt và nhu cầu xã hội.

Từ mối quan hệ có tính nguyên lý ấy, có thể rút ra một quan niệm thực tiễn rằng, để xây dựng một đời sống thẩm mỹ thực sự phát triển lành mạnh, cần phải xác lập và đảm bảo được sự thống nhất hài hòa giữa yếu tố cá nhân và yếu tố xã hội trong mỗi cá nhân chủ thể thẩm mỹ. Trong đó, điều tất yếu trước hết là, chúng ta cần phải xây dựng và phát triển được một môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh với những mối quan hệ người trong sáng, tốt đẹp, đầy tính nhân văn làm cơ sở, nền tảng cho sự nghiệp giáo dục thẩm mỹ. Đây thực sự là một điều kiện có tính quyết định, nhất là trong điều kiện hiện nay. khi mà dưới tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, rất nhiều những giá trị truyền thống đang bị đảo lộn, đổi thay. Một điều kiện khác cũng không kém phần quan trọng là, Nhà nước và các tổ chức xã hội cần thực sự tôn trọng các quyền tự do cá nhân chính đáng trong cảm thụ, thưởng thức thẩm mỹ, thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự nảy nở và phát huy các năng lực thẩm mỹ cá nhân. Đi liền với đó, xã hội – đặc biệt là nhà trường và các cơ quan, các tổ chức văn hóa nghệ thuật cần phải có những hình thức, biện pháp giáo dục thẩm mỹ cụ thể và thích hợp, vừa có tính chiến lược lâu dài, lại vừa đáp ứng được những yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạn (nhất là trong điều kiện hội nhập, giao lưu văn hóa cởi mở như hiện nay), để góp phần định hướng đúng đắn nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho công chúng, góp phần cùng các hình thức giáo dục khác hướng tới mục tiêu xây dựng nhân cách con người Việt Nam phát triển hoàn thiện, hài hòa trí – đức – thể – mỹ.

—————————-

Chú thích:

(1) Xem: Plêkhanốp. Nghệ thuật và đời sống xã hội, Nxb Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 1963, tr.134.
(2) Xem: Plêkhanốp. Sđd, tr. 134 – 136, 150.
(3) Mikel Dufrenne (chủ biên). Sự nghiên cứu hiện nay về các vấn đề chủ yếu trong mỹ học và các nghành nghệ thuật. Thư viên Viện Triết học. 1002, t.4, tr. 97.
(4) Xem: Phương Lựu. Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994, tr.64.

Theo TS LÊ ĐÌNH LỤC / TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Tags: ,