Mối liên hệ giữa nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo dáng chữ

Nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo dáng chữ cùng với những loại hình nghệ thuật khác luôn vận động theo dòng chảy của quá trình phát triển văn minh nhân loại, để lại và sẽ tạo thêm những thành tựu nghệ thuật quan trọng trong từng giai đoạn lịch sử riêng biệt.

Mối liên hệ giữa nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo dáng chữ

Tác giả: Nguyễn Thành Nam.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 326, tháng 8/2011.

Chữ La tinh đầu tiên được người Phénecien sáng tạo ra 2.400 năm trước CN. Người Phénicien thuộc chủng tộc Do Thái từ bờ biển vịnh Persique đến lập quốc ở sườn núi phía tây cao nguyên Syrie đến miền nam Carmel, giữa Liban và biển. Họ giỏi về hàng hải, buôn bán, công nghệ đúc đồng, thuốc nhuộm, nghề thủy tinh, đồ trang sức, các tượng thánh và bùa chú. Họ đặt ra những ký hiệu ghi chép ngữ âm và phát triển ra nhiều nước khác ở thế giới cổ đại. Các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng các thứ chữ của châu Âu hiện nay bắt nguồn từ tự mẫu của người Phénicien. Những ký tự ghi chép này thuộc loại ngữ âm học không phải loại biểu ý.

Trong mỗi thời kỳ lịch sử, các trào lưu nghệ thuật thường ra đời và phát triển gắn kết với nhau, phản ánh tinh thần, cốt cách và khuynh hướng nghệ thuật của con người lúc đó. Nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo dáng chữ có sự tương tự nhau về mặt hình thức: kiểu thức, tỷ lệ trụ cột, dáng nhà, cách bố cục, hình thức trang trí… Nghệ thuật kiến trúc có ảnh hưởng rõ nét nhất đối với nghệ thuật tạo dáng chữ viết .

Thời kỳ nghệ thuật cổ Hy Lạp và La Mã

Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại bước vào thời kỳ hoàng kim và có những bước tiến dài sau khi chiến thắng người Ba Tư năm 490-480 trước CN. Đây chính là thời kỳ sản sinh ra những tác giả vĩ đại như Aischylos, Sophokles và Euripides, là thế kỷ của những kiệt tác của Aristoplanes, thế kỷ nền tảng cơ bản của nghệ thuật hiện đại và của những tư tưởng triết học Socrate và Platon. Đây là thời kỳ cho ra đời những tỷ lệ hoàn hảo, chuẩn mực lý tưởng vẻ đẹp cơ thể người trong kiến trúc và trong nghệ thuật.

Những sáng tạo quan trọng thời kỳ này là sự ra đời của các thức cột Dorique, Ionique và Corinthe. Nếu cột Dorique với dáng vẻ nghiêm nghị, chắc khỏe thì Ionique và Corinthe mảnh dẻ và giàu tính trang trí, mang dáng dấp thanh thoát, nữ tính. Cột có phần đế dưới chân, phần đỉnh cột được làm theo những hình xoắn ốc loe ra rồi cuộn vào trông rất lịch lãm. Thức cột là những sáng tạo vĩ đại của người Hy Lạp cổ đại, thể hiện óc thẩm mỹ tinh tế của các kiến trúc sư cũng như của người dân Hy Lạp cổ đại qua các thế hệ.

Cột Trajan, được coi là công trình điêu khắc, kiến trúc tưởng niệm có giá trị nhất của nền nghệ thuật La Mã cổ đại, được xây dựng khoảng năm 113 sau CN. Có thể nói, tính chất đồ sộ, phóng khoáng là đặc điểm của phong cách nghệ thuật kiến trúc thời kỳ này và các kiểu thức cột trụ Dorique, Ionique và Corinthe là điển hình của nền văn hóa cổ huy hoàng ở Hy Lạp và La Mã.

Các kiểu chữ thời kỳ này có cấu trúc được khai thác từ vẻ đẹp hài hòa của những thức cột với kiểu dáng, họa tiết và tỷ lệ, phát huy tính tương đồng giữa nghệ thuật chữ và đường nét của kiến trúc trong các công trình.

Tính tương đồng được mô phỏng rõ nét nhất của nghệ thuật kiến trúc là bộ chữ ở đế cột trụ Trajan. Mầm mống nghệ thuật Romain cũng được hình thành, kiểu chữ Romain bắt đầu phát triển song song với nghệ thuật kiến trúc.

Đặc điểm nổi bật của kiểu chữ thời kỳ này là dáng chữ phong nhã, vững chãi, tỉ lệ giữa nét nhỏ và to phù hợp thị giác, độ rộng dài của chữ khá lớn, mang tính chất đồ sộ nhưng cũng nhẹ nhàng nhờ nét chân chữ bạnh ra một cách hài hòa. Các kiểu chữ có cấu trúc đỉnh đầu nhọn mô phỏng hình dáng mặt tiền đền Parthenon một cách rõ nét, tỉ lệ thân cột cũng được nhắc lại ở những kiểu chữ rất cân đối và vững chãi.

Thời kỳ tôn giáo

Thời kỳ Trung đại (thế kỷ 5 – 15), nghệ thuật kiến trúc châu Âu mang nặng kiểu thức của nghệ thuật tôn giáo: Byzantine, Arabe, Roman, Merovingienne, Carolingienne, Gothique.

Biểu hiện nghệ thuật của Byzance là kế thừa hội họa Hy – La, từ tạo hình đến kỹ thuật. Đó là những bức tranh tường và khảm mosaic nhuốm màu nghệ thuật phương Đông, bởi một số nghệ sĩ sáng tác ra nó có nguồn gốc người Syrie.

Nghệ thuật Romain phổ biến ở Tây Âu trước thời Gothique, gắn với trào lưu Romania và được coi như xuất xứ từ nghệ thuật La Mã. Trào lưu này đã được khẳng định thông qua các công trình kiến trúc tôn giáo và nhà thờ, một dạng công trình iển hình và tiêu biểu.

Các công trình được xây bởi loại đá nhỏ, đẽo bằng búa đều nhau. Các gian giữa được xây dựng thêm hậu cung hình bán nguyệt. Tường xây rất dày, khung đỡ sát bên dưới, gian giữa chính và các nhóm bốn mái hình trụ giao nhau ở các gian 2 bên. Nền hậu cung đôi khi được tôn cao để có chỗ cho hầm mộ.

Kiền trúc nhà thờ Sainte Sophie, ở Constantinople (Istambul) của Thổ Nhĩ Kỳ, có mái vòm dựa trên bốn trụ chính nằm giữa, phía trong cao 55m. Xung quanh vòm có 40 cửa, bố trí ánh sáng rất hiệu quả, có sự kết hợp điêu khắc với hội họa tỉ mỉ và rất khéo léo.

Công trình kiến trúc tiêu biểu cho kiểu Arabe thời này có đền Alhambra ở Grenade do dân tộc Maures xây dựng năm 1133, dài 28,50m, rộng 17,50m trên đồi cao 150m. Ở các hành lang có đến 128 cột bằng đá trắng, xung quanh có vườn cây nước tưới quanh năm và từng là thủ đô của Tây Ban Nha.

Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách Romian có giáo đường Saint Foy ở Aveyron, Pháp. Chủ yếu là dùng mái vòm nhưng không hoàn hảo bằng kiến trúc La Mã, hơi thô và nặng nề. Kiến trúc theo kiểu Romain thường phối hợp với kiểu kiến trúc quân sự.

Nghệ thuật kiến trúc theo phong cách Gothique (1150-1500) xuất hiện vào thời điểm cực thịnh của thời Trung cổ. Một giai đoạn lịch sử vinh quang được mở ra cho Cơ đốc giáo và thời đại Hiệp sĩ, đồng thời cũng trở thành một giai đoạn xây dựng huy hoàng cho những nhà thờ Gothique rực rỡ. Tuy kiểu dáng không chắc chắn bằng kiểu Romain, nhưng sinh động và nhẹ nhàng hơn. Nhà thờ Sainte Chapelle ở Paris là một thành tựu xuất sắc của nền kiến trúc theo phong cách Gothiquethế kỷ 13.

Các giải pháp xây dựng như cung nhọn và vòm cửa sổ hình đầu đạn mà nghệ thuật Gothique sử dụng thực ra đã được xây dựng trong các công trình kiến trúc Romain. Kiểu thức Gothique nổi bật ở tính hiện thực, tương phản với kiểu thức La Mã và Byzantine.

Thời kỳ này có nhiều kiểu chữ ra đời.

Kiểu chữ Quadrata đại đế rất giống chữ Romain, chỉ có nét chữ mập hơn, dáng vuông vức và nét chữ mềm mại hơn.

Kiểu chữ Rustica với hình dáng thon dài, mình hẹp, nét chữ thanh mảnh, xuất xứ từ kiểu chữ Romain viết tháu, tiện lợi để viết nhanh hơn.

Kiểu chữ Onciale hình thành trên cơ sở kiểu chữ Quadrata và Romain, là kiểu chữ được thông dụng nhất trong sách chép tay gần 600 năm từ thế kỷ 3 – 9 ở châu Âu, dáng chữ tròn trịa, nét mập đều.

Kiểu chữ Caroline ra đời dưới triều đại Charlemagne ở Pháp, sau đó được phổ biến khắp châu Âu, thay dần các kiểu chữ có trước đó và chiếm địa vị thống trị.

Kiểu chữ Gothique, từ kiểu chữ Romain, thân dần dần co hẹp lại, dài ra, ép sát vào nhau, có góc, có cạnh sắc nhọn, có nét thanh, nét đậm, chiếm ưu thế hoàn toàn trong sách chép tay cũng như trong sách in sau đó suốt ba thế kỷ.

Thời kỳ Phục hưng (1460-1650)

Nghệ thuật cũng như hình thức kiến trúc thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 15-17) không những khôi phục lại nền văn hóa Hy Lạp, La Mã mà còn phát huy giá trị văn hóa của nhân loại đã bị đêm trường Trung cổ che phủ gần mười thế kỷ.

Điểm nổi bật của nghệ thuật Phục hưng là thiên về các dạng hình học cơ bản như hình tròn và vuông. Con người thời kỳ này đã lập nên những bản vẽ về tỉ lệ của cơ thể con người tuân theo những đường giới hạn có dạng hình tròn và hình vuông, qua đó chứng minh rằng tỉ lệ cơ thể con người chính là chuẩn mực.

Thời kỳ này đã sản sinh ra những nghệ sĩ vĩ đại có đóng góp to lớn cho sự phát triển nghệ thuật của nhân loại. Đó là nhóm tứ kiệt: Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael và Titian. Cả hội họa, kiến trúc và điêu khắc đều đạt được những thành tựu to lớn. Nghệ thuật kiến trúc mang phong cách mới. Họ chú ý đến tỉ lệ hài hòa với tầm vóc con người, dùng số học và hình học để xác định tỉ lệ của công trình. Những công trình có bề mặt rộng rãi, khoáng đạt, sáng sủa, chắc chắn, bề thế, với những vòm lớn, cột trụ cao, có trang trí phù điêu, cửa lắp kính. Xung quanh có vườn cây, thảm cỏ, vòi phun nước, hồ nhân tạo, làm cho nghệ thuật kiến trúc, phong cảnh, trang trí quyện vào nhau một cách hài hòa. Chẳng hạn, nhà thờ Saint Pierre ngay cạnh tòa thánh Vatican ở La Mã do kiến trúc sư Bramante và Michel Augelo Baramolli xây dựng; lâu đài Chambord ở Pháp, vươn lên một rừng ống khói, tháp chuông nóc nhọn, với nhiều cửa sổ, làm cho du khách có cảm giác như một đô thị treo.

Với sự thúc đẩy của sản xuất, công nghiệp phát triển, ngành in ra đời, công nghiệp làm giấy được ứng dụng. Vì vậy, dáng chữ cũng phải được biến đổi để thích hợp với công nghệ. Các nghệ sĩ cố gắng tìm ra các tỉ lệ đúng và thực của dáng chữ Romain thời xưa, tạo ra nhiều kiểu chữ mới thanh nhã, duyên dáng mang tính khoa học và thẩm mỹ cao. Các kiểu chữ có nét trơn tru, không góc cạnh sắc nhọn, dễ đúc khuôn, dễ đọc, mang phong cách trang trọng, thanh thoát, có công thức cấu trúc chữ in Roman.

Ở Ý xuất hiện kiểu chữ Italique nét thanh nhã, hơi nghiêng về phía phải và trở thành danh từ chung cho tất cả các kiểu chữ nghiêng.

Các kiểu chữ in Romain được sử dụng rộng rãi và thay thế kiểu chữ Gothique. Và thời kỳ Phục hưng đã khởi đầu cho việc in chữ và đưa chữ lên một buớc phát triển mới.

Thời kỳ Cận đại (1650-1790)

Thời kỳ này, nghệ thuật Baroque và Rococo thịnh hành. Nghệ thuật Baroque được bắt nguồn từ phong trào chống cải cách của giáo hội Roma ở thế ky. Một phong cách nghệ thuật ưu tiên biểu lộ cảm xúc chân thực, một sự vận động không ngừng và sự tưởng tượng trong cách trang trí đã được hình thành.

Trong kiến trúc Baroque, các nghệ sĩ thực hiện các kiến trúc hùng vĩ, tràn ngập ánh sáng và hùng tráng, thích những trang trí rườm rà, sự vàng son lộng lẫy, những đường cong biến đổi mãnh liệt, theo đuổi cảm giác vận động, không thích những đường ngang và đường thẳng đứng của mặt phẳng, lối kiến trúc, điêu khắc tỉ mỉ, công phu, nhiều khối uyển chuyển, nhiều đường nét uốn lượn, tạo sức mạnh, gây cảm giác bất ngờ, kiêu kỳ bằng cách cường điệu sự tương phản sáng tối, tạo ra những không gian phức tạp, gây ảo giác khối, làm loạn hiệu quả thị cảm.

Công trình kiến trúc tiêu biểu nhất là Cung điện Mùa Hè của các Nga hoàng ở Tsarkore Selo gần Léningrad.

Kiểu chữ thời này xây dựng cầu kỳ, nét chữ có trang trí hình hoa lá, cành cây, hoặc đường nét gãy cong, chỗ to chỗ nhỏ, ảnh hưởng của chữ Baroque không rộng bằng chữ Romain, cho nên ngay tại thời kỳ này các kiểu chữ từ thời Phục hưng vẫn tồn tại và phát triển.

Thời kỳ Cổ điển (1770-1830)

Nghệ thuật Baroque nhường bước cho nghệ thuật cổ điển. Khuynh hướng nghệ thuật trở về với những cốt cách, dáng dấp của nền nghệ thuật cổ truyền, với đặc trưng trong sáng, thanh cao, giản dị, hài hòa, có phong cách lộng lẫy, trang nghiêm, với kiểu mặt nhà hình tam giác, có trang trí tỉ mỉ, công phu, cột trụ thanh cao, các khải hoàn môn đồ sộ nhưng không nặng nề thô kệch.

Tiêu biểu cho nền kiến trúc thời bấy giờ: Khải hoàn môn tại quảng truờng Etoile ở Paris, cao 50m, quy mô gấp hai lần khải hoàn môn Constantin Đại đế ở La Mã thời cổ đại, lâu đài Marana ở Vicen (Ý) soi bóng lung linh trên hồ nước, giữa một vườn hoa đẹp được xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Ý Andrea Palladio. Các công trình xây dựng phỏng theo lối kiến trúc đó như: quảng trường Concorde ở Paris, lâu đài Capitole cạnh tòa Bạch ốc ở Whasington.

Các kiểu chữ thời kỳ này thường gọi là classique, chữ có chân, với bốn kiểu dáng mới. Chữ có nét chân cỡ rất thanh của Francois Ambroise Didot, người Pháp – 1775, có nét chân và nét đầu chữ chỉ là những nét ngang đơn giản rất thanh, đủ để rõ nét chữ, chứ không thành một tỷ lệ nào cả. Chữ có nét chân thanh đậm phối hợp, của Giambatista Bodoni, năm 1818, với nét thanh, nét đậm phối hợp nhau rất khéo, theo một tỉ lệ vừa phải (nét thanh bằng 1/5-1/6 nét đậm). Một số nét giữa các nét chữ khác nhau như: đuôi chữ C, râu chữ Q… gây ảnh hưởng thị giác mạnh với vẻ đậm đà, duyên dáng. Kiểu chữ Baskerville, Wiliam Caston, người Anh-1782, 1816 đều dựa trên khuôn mẫu của kiểu chữ Romain, có nét chân cạnh lòng chảo, phong cách trang nghiêm, thanh thoát. Kiểu chữ Egypte có nét đầu và nét chân mập bằng nét đứng, gợi lên những kiến trúc cổ xưa của Ai Cập, với những cột trụ đồ sộ của đền Karnak, hình khối nặng nề của Kim Tự tháp và chữ có nét chân to hơn nét đứng, kiểu chữ này lúc đầu có cấu trúc sơ lược bất chấp các quy ước về cỡ và nét, dần về sau chúng được hoàn chỉnh hơn, dáng chữ đều đặn hơn, các nét ngang giữa chữ để to hơn.

Thời kỳ này, kiểu chữ không nét chân được sử dụng rộng rãi trở lại trong ngành in.

Thời kỳ Hiện đại

Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, trong kiến trúc, nhiều công trình có tính chất thế kỷ ra đời, như nhà chọc trời, đường xe chạy ngầm dưới đất, sân bóng đá chứa trên 100.000 khán giả, cầu vượt sông, biển dài hàng chục ngàn mét… Kiến trúc hiện đại là một sự đoạn tuyệt mạnh mẽ với lối tư duy của các xã hội châu Âu cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Nghệ thuật kiến trúc theo lối nhà hộp, mái bằng, tường kính, với những hình khối cao to, chắc khỏe, đơn giản, phóng khoáng. Những gì rườm rà, cầu kỳ trong kiến trúc, trang trí xưa kia đều được sửa đổi hay tước bỏ. Manhatan, khu trung tâm kinh doanh sầm uất nhất của New York, với những nhà chọc trời Empire State cao 320m, Chryster Building cao 317m. Năm 1967, ở Matxcơva đã xây một tháp truyền hình cao 533m, ở độ cao 340m là một tòa nhà 10 tầng làm các tầng kỹ thuật và nhà hàng 280 chỗ.

Nghệ thuật kiến trúc còn kết hợp Đông và Tây, kết hợp cổ xưa với tìm tòi sáng tạo những nghệ thuật mới phong phú và đa dạng. Léningrad là thành phố tập hợp các nền nghệ thuật kiến trúc cổ, kim, đông, tây với những lâu đài tráng lệ, và những tượng đài nguy nga.

Thời kỳ này nhiều trào lưu nghệ thuật nối tiếp nhau xuất hiện: lãng mạn, ấn tượng, tượng trưng, biểu hiện, siêu thực, hiện thực… Nghệ thuật in khắc cũng phát triển mạnh, thúc đẩy nghệ thuật sáng tạo chữ in, xuất hiện vô số kiểu chữ mới lạ mang tính trang trí rõ nét giữa nét chữ, mình chữ, xung quanh chữ. Song có những chữ lạm dụng trang trí quá mức, mất cả tính thẩm mỹ, làm giảm sút đi tính thông tin của chữ.

Các kiểu chữ trước kia có cấu trúc, có công thức được sàng lọc, chỉnh lý để hoàn thiện. Việc cách tân các kiểu dáng chữ mới luôn dựa trên một cơ sở khoa học, trở về với những mẫu mực cấu trúc của thời xưa. Kiểu chữ cổ điển được ưa chuộng trở lại.

Các kiểu chữ được sáng tạo không ngừng, mang tính trong sáng, hài hòa, cân đối, giản đơn đáp ứng những nguyên lý thị giác cao.

Sự giao lưu giữa các nước trên thế giới không mấy khó khăn, các kiểu chữ được sáng tạo ở khu vực này mau chóng phổ biến ở khu vực khác và ở đó chúng được cải tiến, biến hóa thành nhiều kiểu chữ mới khác làm cho bộ sưu tập chữ của thế giới càng thêm đồ sộ.

Trong quá trình hình thành và phát triển của chữ viết, mà đặc biệt là chữ La tinh, ngoài các yếu tố tác động đến sự hoàn thiện về chức năng của chữ, thì nghệ thuật kiến trúc với những trào lưu qua các thời kỳ có ảnh hưởng rõ nét nhất, quyết định đến sự hình thành kiểu dáng của chữ và nghệ thuật chữ.

Ngày nay, nghệ thuật tạo dáng chữ cũng liên tục được các nhà thiết kế kế thừa và sáng tạo để phù hợp với tính ứng dụng với thời đại kỹ thuật số. Nó không những có ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc mà còn có sự tác động sâu rộng bởi nhiều trào lưu nghệ thuật, sự phát triển của kỹ thuật công nghệ mới… tạo ra một không gian đa chiều trong thiết kế và vận dụng chữ.

Trong thiết kế đồ họa, vấn đề dùng chữ và sáng tạo chữ nghệ thuật được gọi là nghệ thuật chữ (typogaphy), cũng là một yêu cầu quan trọng đối với các nhà thiết kế chữ chuyên nghiệp. Lúc này sự tương tác có tính quyết định của hai yếu tố ghi âm được phát sinh từ bản chất nội hàm và ghi ý có từ sự tác động ngoại vi của nhà thiết kế, tạo nên một dạng thông điệp khác biệt và nâng cao giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thiết kế.

Nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo dáng chữ cùng với những loại hình nghệ thuật khác luôn vận động theo dòng chảy của quá trình phát triển văn minh nhân loại, để lại và sẽ tạo thêm những thành tựu nghệ thuật quan trọng trong từng giai đoạn lịch sử riêng biệt.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: ,