Mê đắm sắc dục, chúa Nguyễn Phúc Lan suýt phải trả giá bằng cả cơ đồ

Khi lòng say mê dâng cao, bất chấp luân thường đạo lý, luật lệ chốn vương phủ, chúa Thượng cho Tống Thị vào ở cùng mình, để ái ân hoan lạc bất luận đêm ngày…

Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên Tống Thị là con Cai cơ Tống Phước Thông và là vợ của Nguyễn Phúc Kỳ, trấn thủ Quảng Nam (Kỳ là con trưởng của chúa Sãi, anh trai chúa Nguyễn Phúc Lan). Kỳ làm rể, sống với Tống Thị, sinh được ba con. Ngày 27/7/1631, Kỳ bỗng nhiên chết. Sự ra đi của Kỳ khiến Phước Thông thất vọng, vì Thông vốn nuôi hy vọng con rể mình sẽ nối nghiệp chúa. Sau khi Kỳ mất, Thông quyết định đưa cả gia quyến về miền Bắc, riêng Tống Thị không chịu theo cha hồi hương. Năm 1639, Tống Thị vào yết kiến chúa Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng) tại phủ Kim Long (bên bờ tả ngạn sông Hương, Huế), đem tình trạng đau khổ kêu xin và xâu một chuỗi bách hoa (chuỗi ngọc nhiều sắc như trăm hoa) để dâng, chúa thương tình, cho được ra vào cung phủ.

Phương thuật yêu khiến chúa mê muội

Trong cuốn Chuyện các bà trong cung Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay, Tống Thị vốn sắc nước hương trời lại thêm thuận đưa tình gợi cảm, ăn nói, cử chỉ quyến rũ, duyên dáng, khôn ngoan. Nàng còn có một phương thuật chinh phục tình yêu độc nhất vô nhị khiến cho nhiều kẻ quyền cao chức trọng phải đắm đuối say mê, quên cả đạo nghĩa luân thường, thanh danh, sự nghiệp coi nhẹ tựa lông hồng. Phương thuật đó nằm trong một xâu chuỗi kết bằng trăm thứ hoa, có mùi thơm ngây ngất.

Từ ngày gặp Tống Thị, có xâu chuỗi trăm hoa, tâm thần chúa Thượng mê mẩn, ngày đêm tơ tưởng, ăn ngủ không yên. Khi lòng say mê dâng cao, bất chấp luân thường đạo lý, luật lệ chốn vương phủ, chúa cho Tống Thị vào ở cùng mình, để ái ân hoan lạc bất luận đêm ngày…

Khi được chúa Thượng sủng ái, quý trọng, tin cậy đến độ muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, Tống Thị bắt đầu xúi chúa trừng trị những người mà nàng oán ghét, nhất là những cận thần trung nghĩa dám can gián chúa, những kẻ tỏ ý khinh khi, miệt thị những việc làm dâm ô bất chính và ám muội của nàng.

Tống Thị còn làm giàu bằng cách nhận hối lộ của những kẻ cúi luồn cầu cạnh; thẳng tay bóc lột đám dân đen… nên chẳng mấy chốc nàng trở thành một tay cự phú đứng đầu đám nhà giàu trong toàn cõi.

Đắm mê sắc dục, nghe lời yêu nữ làm nhiều việc sai trái, tính tình chúa Thượng dần dà thay đổi. Từ một người khiêm nhã, nhân hậu, chúa Thượng trở thành một hôn quân, một bạo chúa nóng nảy, hiếu sát, đam mê vật dục, xa xỉ. Từ một vị vương chiến công hiển hách, Chúa trở thành kẻ hoang dâm vô độ đến bỏ bê quốc sự, coi nhẹ xã tắc sơn hà.

Số người chết oan ức vì một tay Tống Thị ngày càng nhiều, nhưng mọi lời ca thán đều bị bưng bít. Những lời can gián chẳng những không có hiệu quả mà ngược lại chỉ làm tăng thêm các cơn thịnh nộ lôi đình, rước thêm tai họa cho những bậc trung ngôn. Ngay cả Nguyễn Phước Khê (con thứ mười của Nguyễn Hoàng), chú ruột của chúa Thượng cũng đành bất lực không khuyên bảo, can gián nổi.

Để chứng tỏ mối tình keo sơn nồng đượm của mình đối với Tống Thị, chúa Thượng quyết định xây một lâu đài nguy nga tráng lệ để cùng nàng an hưởng tuổi xế chiều. Chúa truyền bắt trăm họ phải lên núi lấy đá quý, lên rừng lấy gỗ quý, phải tập trung đủ nhân công và thợ giỏi để thực hiện việc xây cất. Sưu dịch từ đó càng thêm nặng nề, ác liệt. Lại thêm trời hạn hán, mất mùa… dân tình đã đói kém lại càng thêm khổ ải. Tiếng kêu than vang khắp đó đây.Trong vương phủ, những ai còn chút lương tâm đều oán ghét Tống Thị và run sợ cho sự nghiệp của chúa.

Trước họa suy vong cận kề, Nội tán họ Phạm, vốn là người cương trực, tiết khí, đã tiến thẳng vào vương phủ Kim Long, khấu đầu thi lễ rồi khảng khái tâu bày: Nay chúa Thượng đã vì lòng nịnh ái một phụ nhân dâm loạn đến coi nhẹ đạo lý, nhân luân, buông lỏng giềng mối, gây cảnh điêu linh thống khổ cho sĩ thứ lê dân giữa lúc thiên tai hạn hán đang dấy khởi, lan tràn… thì nhất định khó tránh khỏi cái họa suy vong… Chúa Thượng tỉnh ngộ, ra lệnh bãi bỏ việc xây cất lâu đài và dần xa lánh Tống Thị.

Dùng thuật yêu gây nạn can qua Nam – Bắc

Theo tác giả Nguyễn Đắc Xuân, từ ngày bị thất sủng, Tống Thị tìm mưu tính kế trả thù. Thị nghĩ phải làm sao cho sụp đổ toàn cơ nghiệp của họ hàng chúa Nguyễn xứ Đàng Trong mới hả dạ.

Nhân cha là Phước Thông được Trịnh Tráng tin dùng, Tống Thị bèn viết một mật thư kèm theo xâu chuỗi trăm hoa, nhờ người dâng lên tận tay chúa. Nội dung lá thư nói lên lời thỉnh cầu khẩn thiết xin Trịnh Tráng sớm cất quân tiến vào đánh Thuận Hóa, bà nguyện sẽ đem hết gia sản lớn lao của mình ra lo việc nuôi quân. Cuộc Nam phạt thành công, bà xin về Đàng Ngoài hầu hạ chúa.

Nhận được bức thư, Trịnh Tráng vừa ngửi mùi hương của chuỗi hoa đã bần thần xao xuyến, nhìn nét chữ lại thêm mơ tưởng đến mỹ nhân, nên gấp rút tổ chức cuộc Nam phạt để chiều lòng Tống Thị.

Năm Mậu Tý (1648) Trịnh Tráng sai đô đốc Lê Văn Hiển đem quân thủy bộ vào đánh. Ban đầu quân Trịnh Tráng thắng chiếm được Lũy Thầy (nay thuộc Đồng Hới, Quảng Bình). Cha con Trương Phúc Phấn cố giữ được Lũy Trường Dục (nằm trong hệ thống Lũy Thầy, Quảng Bình), quân Trịnh đánh mãi không tiến lên được. Sau đại binh quân Nguyễn phản công, lật ngược thế cờ, đánh quân Trịnh tan tành đuổi tận đến Bắc sông Linh (sông Gianh)

Dùng thuật ái ân để thao túng em trai chúa tạo phản

Sau khi đại thắng quân Trịnh, chúa Thượng đột ngột mất trên đường về qua phá Tam Giang. Thế tử Nguyễn Phúc Tần, 28 tuổi lên kế nghiệp Vương (chúa Hiền).

Lo sợ chúa Hiền trở thành mối đe dọa cho mình, Tống Thị chuyển hướng ve vãn sang Nguyễn Phúc Trung, em ruột chúa Thượng bởi bà nghĩ là chỉ có ông mới lật đổ được chính cháu mình.

Tống Thị tiếp tục sử dụng chuỗi hoa ma quái khiến Nguyễn Phúc Trung mê mẩn. Và với kỹ thuật ái ân “tía rụng hồng rơi”, Tống Thị đã chinh phục được lòng nịch ái (yêu mến đến độ mê say) của Nguyễn Phúc Trung.

Tống Thị trước là vợ của Nguyễn Phúc Kỳ, sinh được ba con trai, sau Kỳ mất. Tống Thị ve vãn và truy hoan với em chồng là Phúc Lan và giờ đây, sau khi Lan chết, Tống Thị lại sử dụng thuật ái ân để thao túng em Lan là Nguyễn Phúc Trung.

Nghe theo lời Tống Thị, Phúc Trung bỏ tiền của kết nạp dũng sĩ chuẩn bị một cuộc “đảo chánh” vào trung tuần tháng tư năm Giáp Ngọ (1654) lật đổ chúa Hiền.

Nhưng sự việc bại lộ, thuộc hạ của Trung là Thắng Bố đã bí mật cấp báo cho Hiền Vương biết. Hiền Vương liền cho quân lính đến dinh Phúc Trung bắt hết người nhà xét hỏi. Phúc Trung không chối cãi được, phải cung khai sự thực. Tội mưu lật đổ là tội chết nhưng nghĩ tình chú cháu, Hiền Vương không nỡ giết, ra lệnh tống giam Phúc Trung vào ngục. Còn Tống Thị, tang vật đã rõ ràng không thể chạy chữa gì nữa, bị chém và bêu đầu giữa chợ. Theo lệnh Chúa, tịch thu gia sản to lớn của Tống Thị phân phát cho quân, dân trong vùng.

Theo MINH CHÂU / TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,