Ma – một hình tượng văn học nghệ thuật

Có thể dễ dàng nhận ra rằng, hình tượng ma, những hình tượng kỳ ảo có thể xuất hiện trong tất cả các loại hình, loại thể nghệ thuật. Ngay trong các loại hình nghệ thuật không gian có tính tạo hình cụ thể như kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh cũng không thể loại trừ các yếu tố kỳ ảo.

Ma – một hình tượng văn học nghệ thuật

1.

Hình tượng được tạo nên bằng tư duy trừu tượng, là cái mà người ta có thể tưởng tượng ra, hình dung ra, đằng sau lớp vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ. Vì vậy, cái gì xuất hiện trong tâm tưởng, trong ý nghĩ, con người có thể tưởng tượng ra được, hình dung ra được, đều có thể trở thành hình tượng nghệ thuật, trong đó có ma. Thế giới nghệ thuật của tác phẩm ngôn từ là thế giới thứ hai, bao giờ cũng có điểm trùng khớp và khả năng mở rộng hơn thế giới thứ nhất là thế giới của thực tại. Ma là kết quả của tư duy trừu tượng mở rộng vượt lên thực tại của con người, tung hoành trong vùng đất thứ hai mạnh mẽ hơn và yếu ớt hơn, rực rỡ và mờ nhạt hơn nhờ tính kỳ ảo của nó.

Ma có nghĩa là linh hồn bất tử, xuất phát từ tiếng La tinh là anima, là “phi vật chất và bất tử, chịu trách nhiệm trước Thượng đế và những hành vi của con người khi sống tạm thời trên mặt đất” [4, tr.18]. Ma tồn tại hay không tồn tại trong cuộc sống? Điều này về mặt khoa học rõ ràng sẽ được phủ nhận, nhưng lại nằm trong phần chưa thể lý giải thuyết phục được của khoa học. Ma vẫn tồn tại trong nghệ thuật nói chung, trong văn học nói riêng. Khi đã đi vào tác phẩm ngôn từ, được xây dựng dưới ý tứ của nhà nghệ sĩ, thì ma không còn là sự thực hay bịa đặt, mà chỉ có sự tồn tại với tư cách là một hình tượng nghệ thuật, mang trong mình một quan niệm về nghệ thuật, về cuộc sống. Thực tế trong văn học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, sự tồn tại của các nhân vật thần linh ma quỷ có ở bất kỳ quốc gia nào, tùy thuộc vào quan niệm mà những nhân vật ấy không chỉ mang đầy đủ những đặc tính, phẩm chất của con người, mà còn vượt xa hơn, cao hơn cái mà con người không thể làm và cũng không thể giải thích được. Là kết quả của trí tưởng tượng, phụ thuộc vào logic huyền thoại, khả năng của những nhân vật siêu tự nhiên ấy là vô hạn cũng như chính trí tưởng tượng. Chính những yếu tố kỳ ảo, mơ hồ ấy đã mang đầy đủ phẩm chất, đặc tính của nghệ thuật.

Cuộc sống thực hội tụ vào nghệ thuật qua một lăng kính đầy xúc cảm mờ ảo, lung linh, đẹp hơn, cao siêu hơn. Bởi vậy mà sự cách điệu trong nghệ thuật là một trong những yếu tố quyết định cho sự thăng hoa nghệ thuật, và cũng từ đó, tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ để trở lại làm đẹp thêm cho cuộc sống và sâu thẳm thêm tâm hồn con người. Không có thế giới trừu tượng, không có cõi tâm hồn con người từng được Platon phát hiện ra, thì sẽ không có trí tưởng tượng của con người, không có sự sống và dĩ nhiên không có nghệ thuật. Trí tưởng tượng không chỉ làm đẹp thêm, giàu thêm cho cuộc sống, mà còn giúp con người liên tưởng, hình dung và tạo lập một thế giới thứ hai siêu phàm, đôi khi rùng rợn và thú vị hơn, với logic co dãn hơn thế giới thực tại của con người. Là sự giải thích cái lạ bằng cái thần diệu, ma là hạt nhân, là sự tồn tại rõ ràng nhất của cái kỳ ảo. Ma tham gia vào đời sống và tồn tại trong tâm tưởng, luôn mang những phẩm chất của con người, cũng có những tình cảm yêu ghét như con người. Hồn ma đức vua là sự tồn tại sau cái chết, kêu gọi sự trả thù và công lý trong Hamlet. Hồn ma này có giới tính, tuổi tác, quá khứ, có sự rên xiết và đầy thù hận. Hồn ma đã đặt trách nhiệm lên người sống, hồn ma là cái chết không chịu siêu sinh, mà tiếp tục uất ức vì oan giải. Con người nhỏ bé, hèn kém, sợ hãi nên luôn mang trong mình niềm hy vọng, một sự gởi gắm chờ đợi nào đó nơi mơ hồ, ảo ảnh. Một khả năng sau cái chết, một sự điều khiển đối với thiên nhiên, một tiếng nói từ cõi vô hình. Chính vì vậy, quan niệm có ma cũng là một phép thắng lợi tinh thần, nhằm đáp ứng nhu cầu khát vọng chiếm lĩnh cuộc sống mà trong thực tại con người không thực hiện được. Khi gặp trở ngại, vấp váp trong cuộc sống hàng ngày, con người chạy trốn vào vùng đất mênh mông của trí tưởng tượng, nơi có loài “sinh vật” kỳ lạ vượt qua khả năng hữu hạn của con người. Do vậy, ma chỉ là một quan niệm, một sự mơ hồ, được hình thành từ trí tưởng tượng của con người và tồn tại cùng với sự tồn tại của con người. Và, khi đã đi vào văn học, ma phủ bóng lung linh xuyên suốt mọi thời đại, mọi thể tài văn học từ dân gian đến hiện đại và dường như sức sống của những hình tượng điển hình là những hồn ma cũng không thua kém những hình tượng là con người. Nhà thơ Pháp Paul Valéry cho rằng: “Có tác phẩm nào vững bền hơn những sác tác văn chương kỳ ảo? Cái giả và cái thần kỳ lại còn giàu nhân tính hơn những con người hiện thực.” [6, tr.145].

Khả năng của nhân vật ma là vô hạn, thế nhưng đồng thời cũng áp chế bằng một logic của thế giới ảo. Tại sao hồn ma đức vua siêu nhiên như thế lại không tự trả thù cho mình? Không, hồn ma phải phó thác cho người sống. Bởi vì nguyên tắc của hồn ma là không thể bước qua ranh giới của hiện thực. Cũng như ma trong Liêu trai chí dị, muôn hình muôn vẻ, đầy tình cảm và sắc thái, nhưng cũng phụ thuộc vào một quy luật nhất định của cõi sinh tử – không thể đến quá gần người sống mà không gây tổn hại. Đó chính là cái hay, cái hấp dẫn hơn cả của hình tượng ma với con người. Những nhân vật vừa mạnh mẽ mà vẫn có giới hạn, là con người ở một dạng thức tồn tại cao siêu hơn. Trong đời sống thực tại, con người có thể mơ hồ hỏi có ma hay không, có thể chọn giữa tin tưởng hay không tin tưởng, nhưng trong tác phẩm văn học thì sự tồn tại của ma là không phải giải thích. Năm thế kỷ nay từ lúc Hamlet ra đời, không thiếu những tư duy khoa học đã mày mò nghiên cứu tác phẩm ấy, nhưng không ai đem sự tồn tại liệu có khả lý của hình tượng hồn ma đức vua ra suy xét. Ma đôi khi là một thủ pháp nghệ thuật, là niềm tin tất nhiên vào cái vô lý, cái vô cùng. Ma trong văn chương là cái ta nửa tin nửa ngờ, nhưng không có quyền phản đối, ngược lại, còn say mê theo đuổi. Hình tượng ma mạnh hơn khi nó là đại diện chuẩn mực nhất của cái kỳ ảo, nó là điểm bắt tay của những điều vốn không thể dung hòa được như lý trí và mơ mộng, giữa tin tưởng và nghi ngờ, giữa lý tưởng không khoan thứ và sự mơ hồ giả dối. Nó bước đi trên cái trụ thực – ảo vốn là xương sống của cái kỳ ảo, tồn tại của nó là bằng chứng cho sự yếu đuối nhất thời trong tư duy nhân loại từ thời cổ xưa, nhưng đồng thời khẳng định sức mạnh tư duy và khả năng sáng tạo mạnh mẽ vô hạn của con người.

2.

Hình tượng nghệ thuật ma trong văn học dân gian, gắn liền với các đặc trưng cơ bản của loại hình này như tính nguyên hợp, tính đa chức năng, tính tập thể và truyền miệng… Bởi lẽ những đặc trưng này toát ra những nét riêng biệt về phương thức xây dựng tư duy hình tượng, đồng thời thể hiện tư duy, nhận thức của tác giả dân gian. Sự biến hóa kỳ ảo của nhân vật không chỉ dừng lại trên bình diện phản ý thức, tư duy của trí tuệ bình dân mà còn vượt xa hơn, nâng lên tầm khái quát của nghệ thuật có tính logic và hình tượng. Với thể tài thần thoại, toàn bộ những huyễn tưởng, hoang đường về những vị thần, con người và ma quỷ cùng với loài vật mang tính thần kỳ siêu nhiên do con người hình dung ra để lý giải các hiện tượng trong tự nhiên, xã hội theo quan niệm vạn vật hữu linh. Con người đã logic hóa và hệ thống cả một thế giới đồ sộ chỉ bằng tưởng tượng của mình, xây dựng lại thế giới theo cách ta muốn có. Với sử thi, mạch phát triển chuyện kể theo phương thức tự sự ở một quy mô lớn, gắn liền với lịch sử hình thành phát triển mỗi dân tộc, từ Iliade, Odysseus của Hy Lạp, Ramayana, Mahabharata của Ấn Độ… huyền thoại đã thấm vào máu xương của lịch sử, dung hòa và nâng tầm lịch sử – kết quả chiến đấu của cả dân tộc – lên một tầm huy hoàng vượt lên cái siêu nhiên.

Nhưng đó chưa phải đỉnh cao của trí tưởng tượng, mà khi hình tượng ma được sáng tạo và hoàn thiện, cái bóng mờ đi bên cuộc sống này mới làm giàu cuộc sống bằng sự tích cực không ngờ. Trong văn học dân gian, hình tượng ma xuất hiện nhiều nhất và đặc sắc nhất là ở cổ tích. Ma lúc này không chỉ đơn thuần là ý thức nhằm cắt nghĩa những điều không giải thích được hoặc mang tính quan niệm, tín ngưỡng mà còn mang yếu tố tích cực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng cũng như là yếu tố kỹ thuật để dựng truyện. Chính từ quan niệm có hai phần xác và hồn, nguồn gốc của sự tồn tại nhân vật ma là ở nơi tách rời năng lực tư duy và tâm hồn với thân thể xác thịt. Từ sự tách rời ấy mà tạo nên một motif phổ biến về hóa kiếp, đầu thai. Người tốt chết có thể hóa kiếp, kẻ xấu thì thể xác bị hủy hoại nhưng linh hồn phải vất vưởng, phải chịu tiếp tục trừng phạt trong địa ngục. Đó là lời răn dạy đối với hành vi của con người khi còn đang sống. Ma có thể tốt, có thể xấu, xinh đẹp hoặc hung dữ về ngoại hình, nhưng cái chính là nó thể hiện một quan niệm, một ý tưởng thậm chí là thể hiện cả nội dung của truyện. Ma không có thể xác, là sức mạnh nhưng thiếu vắng thể xác. Ma đồng thời lại là tiếng nói trí lực không cần thể xác, là sức mạnh hoàn toàn tinh thần, vô hình và mạnh mẽ. Bởi vậy ma luôn đóng những vai trò chốt nhất định trong những câu chuyện dân gian, gánh lãnh trách nhiệm hành động bằng khả năng phi thường của nó, những điều không thuộc về thể xác thông thường – cái mà con người cũng có thể thực hiện – mà là tiếng nói phi thường. Hồn ma người mẹ trở về báo mộng cho con, hồn ma lang thang bên ngoài gặp người hiền đức nên phù hộ, hồn ma chướng mắt những việc làm của kẻ ác trái với luân thường nên phá hoại,… Ở những dân tộc khác nhau, truyện cổ tích chịu ảnh hưởng của nhiều quan niệm tôn giáo khác nhau, nhưng nhìn chung nó đã xây dựng những hình tượng về ma khá đa dạng và mang những nét nghệ thuật độc đáo. Trong dòng chảy của nền văn học dân gian nhân loại, các thể loại có một khái niệm, một cách nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống để cuối cùng tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ nhằm chiếm lĩnh đời sống tâm hồn con người.

3.

Nếu như hình tượng ma trong văn học dân gian nặng về tính hiện thực hơn tính nghệ thuật, thì trong văn học viết, tính nghệ thuật hoàn toàn lấn át tính hiện thực. Cũng như mấu chốt của văn học kỳ ảo là cái kỹ thuật khiến con người ta hồ nghi, giữa lý trí duy vật và nỗi sợ hãi duy tâm, mà tồn tại giữa duy lý và duy cảm. Nó không chỉ dừng lại ở các motif có tính chất kỹ thuật, mà biến hóa khôn lường theo quyền năng của sáng tạo. Tác giả dân gian tưởng tượng nhưng đồng thời cũng hoàn toàn tin tưởng vào sự tồn tại siêu nhiên. Nhưng tác giả văn học viết thì không có yêu cầu tin tưởng, mà ma là một cách đánh lạc hướng khỏi thực tại vô cùng hữu ích, gây nghi ngờ nhưng lại không cho phép độc giả phủ định. Nếu trong văn học dân gian, hình tượng ma thiên về nội dung, thì trong văn học viết hình tượng ma lại là một thủ pháp nghệ thuật thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả. Trong Đoạn trường tân thanh, hồn ma Đạm Tiên luôn theo sát cuộc đời của Kiều, làm “kẻ nhắc tuồng hoặc là phụ diễn, thường xuất hiện nơi công hậu” [2, tr.36], là kẻ nắm giữ số phận và dự báo “Số còn nặng nợ má đào/ Người dù muốn thác trời nào đã cho”.

Ma là một hình tượng nhân vật phổ biến trong văn học từ thời cổ đại. Càng phát triển, nhân loại càng tin vào tư duy duy lý, phủ định các yếu tố siêu nhiên thần thánh, nhưng lại không thể phủ nhận ma trong văn học, mà ma còn tiến hóa, ngày càng mạnh mẽ trong văn học, trở thành cái không thể nắm bắt, con người không thể hiểu nổi lý lẽ, ma trở thành cái kỳ ảo khôn cùng của thực tại câu chữ. Từ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ,… đến Trăm năm cô đơn của G.G. Marquez, Con ma của G.Boccacio, Người đi xuyên tường của Marcel Aymé…, ma càng ngày càng phát triển trong tư duy nghệ thuật của nhân loại. Bóng ma trong trang sách làm giàu cho tác phẩm nghệ thuật. Lấy ví dụ bằng truyện kinh dị của Edgar Poe, cây bút tài năng đã với những đóng góp to lớn trong văn học hiện đại, đặc biệt là hai mảng truyện kinh dị, kỳ ảo và truyện trinh thám. Có lẽ chính sự hòa quyện giữa hai mảng truyện này khiến Poe được Baudelaire nhận định: “Không một ai có sức mê hoặc đến như vậy về những ngoại lệ của cuộc sống con người và tự nhiên.” [8, tr.61] Con mèo đen trong tác phẩm của Poe là một con ma động vật, bị giết chết một cách tàn bạo, nhưng nó cũng bị hủy hoại thể xác chứ không thể hoàn toàn bị tiêu diệt về mặt linh hồn. Con mèo trở thành bóng ma, thành nhân vật theo đuổi suốt cuộc đời kẻ giết nó – nhân vật kể chuyện, không chỉ ám ảnh mà còn có sức mạnh đến mức đưa đẩy kẻ thù đến bước đường giết vợ, trở thành kẻ sát nhân. Kẻ thủ ác cho dù đã giấu giếm thế nào cuối cùng cũng bại lộ, bức tường xây nên để giấu xác cuối cùng cũng bị công lý tìm thấy, bóng ma đã hoàn thành cuộc trả thù dữ dội của nó. Poe không viết nhiều về nhân vật ma, chỉ tiêu biểu ở hai tác phẩm Con mèo đen và Kỷ niệm của Ô.Bedloe, bởi ông thường tìm ra cách giải đáp lý tính cho những điều thần diệu trong tác phẩm của mình vào phút cuối, bằng một logic nghiêm ngặt đến ngạc nhiên. Thế nhưng người đọc đã có thể hồ nghi sự tồn tại của ma mà đón nhận tác phẩm, cũng có thể đón nhận xong tác phẩm thì hồ nghi tính lý trí – vì quá lạ đến phi thường – của tác giả mà mong chờ ở cái ma diệu thần bí. Poe đã thiết lập kỹ thuật cho không ít nhà văn kỳ ảo noi theo, cũng mở lối cho một nhánh truyện ma trong văn học hiện đại phát triển.

4.

Ma trở thành kỹ thuật thể hiện tài năng, thành thử thách cho lý tính và nghi ngờ của tác giả và độc giả, trong một cuộc thách đố đầy rẫy yếu tố lạ thường và huyễn tưởng. Trong văn học Việt Nam từ buổi mở màn cho văn học hiện đại đã có Nguyễn Tuân với Yêu ngôn, Vang bóng một thời, có Thế Lữ với Vàng và Máu, Trại Bồ Tùng Linh, Đêm trăng, có Khái Hưng với Hồn bướm mơ tiên, có Nhất Linh với Bướm trắng, Bóng người thiên thu… Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn “vang bóng một thời” mà sự nghiệp của ông được vinh danh cũng phần nào góp bằng hình tượng ma, khi viết về cái thời của những anh khóa văn hay chữ tốt nhưng không được đỗ đậu, ôm tài tiếc hận thành bóng ma giữa trường thi (Bóng ma cuối cùng), cái thời mà sơn thần Tản Viên thường xuống trần gọi thợ lên sửa đền trên đỉnh Ba Vì (Trên đỉnh non Tản), cái thời của các lò giấy làng Hồ Khẩu bên bờ hồ Tây chuyên chế loại giấy Ngự, thấm đẫm những âm linh vất vưởng mơ hồ… Tất cả hồn ma đều mang vóc dáng ma tài tử, ma tài hoa, ma rất Nguyễn Tuân. “Ấy là những kẻ suốt đời săn tìm cái đẹp, có thể bỏ cả hàng đống tiền để cầu lấy một bức tranh cổ cũ nát, thậm chí tiêu cả cơ nghiệp vào tiếng đàn giọng hát. Lúc ở dương gian đã thế, khi chết đi, hồn phách vẫn không chịu rời bỏ chốn thanh lâu, đêm vẫn đánh trống chầu trên những mái nhà nơi hàng viện.” [7, tr.9] Người như Nguyễn Tuân, nếu có đau khổ thì cũng chỉ đắm đuối trong bể tình, dù cho ông là kẻ phàm trần như cậu ấm Dái trong Dới roi hay người thần, người tiên như cô Đó trong Xác ngọc lam… Sau năm 1945, Chùa Đàn của Nguyễn Tuân vừa có tính chất ma quái, lại vừa giàu tính hiện thực phản ánh thời đại con người còn có cảm giác trầm mình trong thế giới hồng hoang, hỗn mang. Truyện của ông là một thức yêu ngôn (tên mà Nxb. Hội Nhà văn đặt cho tập truyện ngắn được sưu tầm của Nguyễn Tuân, gồm có tám truyện mà nhân vật trung tâm là ma, xuất bản năm 1999), một tạng ngẫm tưởng viết bằng ngòi bút tư duy và tư hướng đậm đà hương vị dân tộc, quốc hồn quốc túy, được chắt ra từ tâm huyết của nhà văn.

Với văn xuôi Thế Lữ, ta bắt gặp một giọng văn hiện đại trong không khí dựng truyện và miêu tả cái chết, vừa huyền ảo chen lẫn với ảo mộng, lại vừa phản ánh tâm trạng cuộc sống thực của con người còn tươi nguyên như thể xảy ra ngay cạnh vách, “Cái bóng đàn bà thoáng hiện lần đầu, lại hiện ra lần thứ hai, trong đêm vừa qua, cùng một trường hợp giống nhau, nghĩa là lúc anh đang làm việc mải miết. Thốt nhiên một cảm tưởng lạ ám đến, anh trờn trợn như mình có người chú ý, ngửng đầu lên… Tuấn chưa hết kinh ngạc thì người ấy đã lui ngay. Không một dấu vết khác lạ. Người đàn bà đẹp như đã tan vào trong đêm.” Người đàn bà trong Trại Bồ Tùng Linh ấy có thực hay là ảo giác của sự lao động miệt mài, nó giống như câu hỏi ma có thực hay không, dần dần dắt con người lý trí và khoa học vào thế giới của những điều thần bí. Cũng như Romuald trong Người chết si tình của Théophile Gautier: “Một chiều, trong khi dạo chơi trong cái lối đi viền bằng cây hoàng dương, hình như tôi nhìn thấy sau lùm cây hình thù một người đàn bà” [8, tr.66], đôi khi anh ta tưởng thấy chân người động đậy, đôi khi lại chẳng thấy gì, anh ta thấy người con gái mình yêu chết đi lại sống lại, “không rõ đó là một ảo giác hay một hồi quang của cây đèn nhưng ta có thể nói máu lại bắt đầu lưu thông dưới sự nhợt nhạt xạm màu kia.” [8, tr.66] Có sự can thiệp của quỷ dữ, cũng có thể cũng chỉ là chuyện ngẫu nhiên, là ảo giác chứ không chắc là ma quỷ. Hình tượng ma được xây dựng trong cái kỳ ảo thuần túy sẽ ủng hộ cho con người mơ màng, mặc sức tưởng, tùy tin hay không. Nhiều tác giả, tác phẩm văn xuôi tiêu biểu những năm gần đây, đã sử dụng yếu tố kỳ ảo, gây dựng hình tượng ma trở thành mấu chốt, linh hồn của thế giới nghệ thuật đặc sắc, có sức lay động đến khoảng sâu thẳm trong tâm hồn người đọc như Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Nguyễn Huy Thiệp với Giọt máu và Những ngọn gió Hua tát, Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma,… Các tác giả sau này cũng sử dụng ma như thủ pháp nghệ thuật, như chìa khóa diệu kỳ dẫn con người vượt qua cánh cửa giới hạn trong những tác phẩm như Đêm bướm ma, Cõi người rung chuông tận thế, Bóng đè…

5.

Chủ nghĩa hiện thực không đòi hỏi tính xác thực mà chỉ đòi hỏi tính chân thực, không đòi hỏi những phẩm chất của chủ nghĩa thực nghiệm mà đòi hỏi sự lý giải hiện thực – cả đời sống và tâm trạng – như nó vốn có. Người không thể mọc đuôi (Cái đuôi), không thể tự nhiên dài ra (Anh hề), không thể đi xuyên qua bức tường vật chất (Người đi xuyên tường) hay ngủ một đêm, sáng ra thấy mình đã biến đổi thành một sinh vật khác, không còn là người (Hóa thân)… tất cả những yếu tố hiện thực phải đạt sự tuyệt đối đến mức nào đó, sẽ nảy sinh siêu thực. Cái hiện thực được thể hiện ngay trong cái phi hiện thưc, khi cái hợp lý thể hiện ngay trong các yếu tố phi lý đó. Con mèo chết có quyền báo thù, nó phải dùng ý niệm báo thù mà tồn tại, trở thành ma (Con mèo đen). Người kỹ nữ đã chết không thể mang người tình đến Venise để tiếp tục sống trong sự tráng lệ của những lễ hội không ngừng, hút máu anh ta hàng đêm (Người chết si tình). Thế nhưng, nó thể hiện ý chí và hy vọng của con người, không phải vào huyễn tưởng mà là trong thực tại. Hình tượng có khả năng siêu phẩm chỉ để thể hiện ý tưởng tự do vượt thoát thực tại mà chính ta đang sống. Ngô Tự Lập trong Lời tựa cho bộ sách Truyện kì ảo thế giới cho rằng: “Truyện kỳ ảo đưa ra những sự kiện không thể giải thích nổi bằng những quy luật thông thường. Đó là một thế giới, nơi cái thực và cái ảo, cái tự nhiên và cái siêu nhiên xâm nhập lẫn nhau.” [3, tr.8].

Thế giới của M.Aymé là thế giới của người mọc đuôi, người đi xuyên tường, người tự dài ra… là thế giới của những nghịch dị, thuộc thế giới thứ hai bao trùm, cao hơn, hoàn lẫn mà cô đọng, thu hẹp thế giới thứ nhất của thực tại, nó chứng minh ý tưởng về chân lý thực sự, đó là trong đời sống con người chẳng có gì là không thể xảy ra. Chính cái phi thường ấy mới là cái bình thường nhất. Vì bản thân khoa học cũng là một điều kỳ diệu, khi con người, bằng tư duy mình, dần khám phá ra thế giới được tạo lập có nền tảng và căn cốt, với cách lý giải huyền nhiệm và rõ ràng của riêng nó.

Có thể dễ dàng nhận ra rằng, hình tượng ma, những hình tượng kỳ ảo có thể xuất hiện trong tất cả các loại hình, loại thể nghệ thuật. Ngay trong các loại hình nghệ thuật không gian có tính tạo hình cụ thể như kiến trúc, hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh cũng không thể loại trừ các yếu tố kỳ ảo. Ma là đại diện chuẩn xác nhất, nó vô hình, trừu tượng nhưng thuộc về một thế giới hình tượng sống động và chân thực mà con người dễ dàng hình dung ra được. Đối với văn học, nó tập trung chủ yếu ở các thể loại được thể hiện theo phương thức tự sự, nó gắn liền với giọng điệu trần thuật, kể lại sự kiện khách quan nhưng đã thẩm thấu, đã hóa thân trở thành thế giới tâm hồn của tác giả và sau đó là của độc giả. “Thế giới kỳ ảo”, nhà văn Pháp George Sand cho rằng, “không phải ở ngoài, cũng không phải ở trên, cũng không phải ở dưới, nó ở trong đáy lòng chúng ta, nó lay động đến tất cả, nó là linh hồn của tất cả sự thật, nó hiện diện trong tất cả mọi việc, mỗi nhân vật tự mình mang nó và biểu hiện nó theo cách của mình” [1, tr.117]. Trong những nhân vật kỳ ảo ấy, ma là điều đầu tiên con người ta nhắc đến. Bởi nó là điều băn khoăn của những người lý trí nhất đến những kẻ u mê nhất, nó làm rối trí các nhà hoài nghi chủ nghĩa, làm phân vân lập trường của những người tin tưởng vào khoa học duy lý, nó phủ bóng huyền diệu lên tư duy của con người từ thơ ngây đến già cỗi. Hình tượng của nó lại được giải phóng thỏa đáng nhất trong văn học, không hình hài thành hình khối màu sắc – để chỗ cho trí tưởng tượng phát triển – không mơ hồ vô cớ mà luôn có nguyên do cụ thể, luôn có vị trí và ảnh hưởng sâu sắc đến cả sáng tác và tiếp nhận. Ma có thể là một chấp niệm, có thể là một mơ ước, nhưng hình tượng ma là điều kỳ diệu đối với văn học, nghệ thuật. Bằng sự tồn tại màu nhiệm của nó, dưới ngòi bút kỹ thuật tinh xảo của các nhà văn, hình tượng ma đã làm giàu biết mấy cho lịch sử tâm hồn của nhân loại.

———————-

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Minh Đức (1999), Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội.
2. Vũ Hạnh (1974), Đọc lại Truyện Kiều, Nxb. Đà Nẵng.
3. Ngô Tự Lập (1999), Truyện kỳ ảo thế giới, Nxb. Văn học. Hà Nội.
4. Margerite – Marie Thillier (2001), Từ điển tôn giáo, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Hoàng Phê (2001), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.
6. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn – những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
7. Nguyễn Tuân (1999), Yêu ngôn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
8. Tzevan Todorov, (2008), Dẫn luận về văn chương kỳ ảo, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Theo PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU / TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG

Tags: ,