Lý luận cơ bản về tham nhũng và nhóm lợi ích

Mở đường cho hoạt động của các nhóm lợi ích chính đáng và kịp thời ngăn chặn sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích tiêu cực đang hình thành là cơ sở để phòng và chống tham nhũng một cách có hiệu quả.

Lý luận về tham nhũng và nhóm lợi ích

Xã hội luôn vận động theo xu hướng ngày càng phát triển, ngày càng hoàn thiện. Nhưng, không phải vì thế mà các sinh hoạt xã hội đều là tích cực, tiến bộ cả. Nghĩa là trong quá trình vận động xã hội, yếu tố tích cực luôn va chạm với những yếu tố tiêu cực. Vượt qua nó xã hội mới đi vào quĩ đạo của sự tiến bộ. Hoạt động kinh tế giữa người với người, nhóm với nhóm, quốc gia với quốc gia…, về thực chất, là những hoạt động tìm kiếm lợi ích của các phía. Trong quan hệ đó thường có sự cân bằng tương đối; có bên mạnh và bên yếu; phía thuận lợi và phía bất lợi các yếu tố của các bên tham gia. Trong bất cứ quan hệ nào, đó cũng là những cách thức, biện pháp, phương pháp khác nhau của các cuộc đấu tranh, đấu trí của các bên. Chính trong quá trình đó nảy sinh những hiện tượng tiêu cực, như nạn tham nhũng, những nhóm lợi ích thao túng thương trường, hủy hoại sự tiến bộ, công bằng và văn minh. Hậu quả thì rất nhiều. Nhưng trực tiếp thường là nhóm xã hội yếu là những người nghèo… Những hiện tượng này không ngoài quy luật của sự vận động xã hội từ nguyên lý về tìm kiếm lợi ích của con người. Bài viết này phân tích hai hiện tượng trên và mối quan hệ của chúng.

1. Về hiện tượng tham nhũng

ở Việt Nam hiện nay, không còn nghi ngờ nữa, hiện tượng tham nhũng đã và đang xảy ra là có thật. Các vụ việc tham nhũng có xu hướng tăng về số lượng, gia tăng về mức độ thiệt hại vật chất cho xã hội, tinh vi về thủ đoạn và đa dạng về hình thức, diễn ra trong nhiều lĩnh vực.(*)

Đa số đều có điểm chung về nhận thức rằng, tham nhũng là hiện tượng của nhóm người có quyền (được giao nắm giữ vị trí nhất định trong hệ thống công quyền). Không có quyền hành thì không có cơ sở nảy sinh tham nhũng. Nếu loại người khác làm thất thoát tài sản công thì có thể là tham ô, ăn cắp, móc ngoặc, lợi dụng công việc (như kế toán, thủ kho..) để làm lợi bất chính cho mình. Vậy tham nhũng chỉ nằm ở mối quan hệ quyền lực giữa nhà nước và xã hội – bộ phận có quyền lực và những người dân.

Trong một thời gian dài, thậm chí cho đến gần đây vẫn có sự ngộ nhận rằng nước ta là nước xã hội chủ nghĩa, nên không thể có tham nhũng (nếu có thì chỉ là sự vu khống của kẻ địch, hoặc chỉ là “cái đuôi” từ chế độ cũ rơi rớt lại). Cuộc tranh luận của những nhà triết học, luật học hay chính trị học… xung quanh vấn đề bản tính con người là tốt hay là xấu, con người tham lam hay vị tha trong đời thường còn chưa có hồi kết thì trong xã hội vẫn tồn tại cả hai nhóm người đó ở khắp mọi nơi. Một cái khách quan là, dưới chủ nghĩa xã hội con người là tốt, nhưng tương lai còn xa mà chưa ai biết nó sẽ xuất hiện trong thực tiễn như thế nào. Nước ta lại là quốc gia ở thời kỳ quá độ, khước từ kiểu quản lý mà chủ nghĩa tư bản đã và đang vận hành để đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tham nhũng, theo chúng tôi, là một hiện tượng của xã hội có luật pháp tương đối phát triển, thừa nhận dân chủ nhất định. Trong xã hội nô lệ, người lao động không có tư cách con người nên khái niệm này cũng chưa xuất hiện. Tham nhũng có những yếu tố đặc trưng riêng biệt làm cho nó khác với hiện tượng xã hội khác. Nó mang những đặc điểm sau:

Thứ nhất, tham nhũng chịu ảnh hưởng của cơ sở xã hội (chính trị, kinh tế…) làm cho mỗi quốc gia có sự khác biệt (thời gian, qui mô, cách thức, nhận thức …). Cái cách “mãi mới thừa nhận” là có tham nhũng cũng là đặc trưng của điều kiện xã hội Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam là nước có nền kinh tế chậm phát triển xét từ những năm mới xây dựng chế độ dân chủ. Khi đó nền kinh tế còn rất khó khăn và được quản lý theo phương pháp tập trung, nguồn lợi quốc gia cho tham nhũng chưa xuất hiện rõ nên tham nhũng hoặc còn mờ, hoặc chưa trở thành hiện tượng xã hội. Nhưng tham ô, căn cắp, móc ngoặc lại là hiện tượng phổ biến, bởi lúc đó lợi thế vị trí công việc liên quan đến của cải vật chất (thủ kho, cửa hàng bách hoá, thực phẩm, xi măng, sắt thép…) đã làm nảy sinh hiện tượng tiêu cực này. Không nên coi tham nhũng là từ đâu đến, nó sinh ra ngay trong lòng xã hội.

Thứ hai, tham nhũng là một kiểu quan hệ trong quản lý nhưng nó luôn bị che giấu bởi chiếc áo khoác công quyền. Vì vậy, khi tham nhũng chưa bị phát hiện thì bộ mặt của quản lý xã hội hoàn toàn bình thường (như là hiện tượng trong quan hệ với bản chất). Chỉ khi tình trạng xã hội về kinh tế, chính trị tâm lý người dân, hoạt động của công quyền… đến mức xã hội không chịu nổi ở chỗ này hay chỗ khác (người dân, cấp dưới, đối tác công vụ…) thì tham nhũng mới lộ diện. Trong quan hệ công vụ, nếu vì mục đích lợi ích cá nhân của người có quyền mà đưa ra một quyết định thì quan hệ đó chắc chắn có tham nhũng. Đây là sự khác biệt so với những quyết định có hại về kinh tế, xã hội nhưng không xuất phát từ động cơ lợi ích, mà do nguyên nhân năng lực của cán bộ, của công chức tham mưu hay các nguyên nhân, hoàn cảnh khác. Đây cũng là lý do khiến việc phát hiện tham nhũng không đơn giản và dễ bị che đậy bởi thuật nguỵ biện (biến lý do này thành lý do khác của cùng một hậu quả). Xét theo quan điểm như vậy, tham nhũng là hiện tượng đối nghịch với một xã hội học tập, vì học tập, giáo dục đương nhiên có mục đích nhằm đấu tranh với cái xấu, rèn luyện để thành người tích cực, tiến bộ.

Thứ ba, điều kiện như “bà đỡ” của hành vi tham nhũng chính là trật tự của thể chế: luật pháp thiếu chặt chẽ, đạo đức ở một bộ phận cán bộ bị xói mòn, năng lực phát hiện tham nhũng yếu. Trong Bản báo cáo tổng kết chống tham nhũng(1) nhận định, tham nhũng “xảy ra đối với những người có chức vụ quyền hạn” là đúng, nhưng còn đơn giản, khái quát quá rộng và còn chưa chuẩn nếu xét trong thuật ngữ khoa học hành chính. Trong công vụ, mọi người đều có chức vụ theo hệ thống công vụ, nhưng không phải người nào cũng có quyền để có thể thực hiện được hành vi tham nhũng. Phải là những người có chức vụ và quyền điều hành, ra quyết định điều khiển người khác, làm sai lệch mối quan hệ tích cực. Tham nhũng còn là quan hệ của những người có mối liên hệ làm phát sinh quyền lực. Họ liên kết với nhau nên tham nhũng là “sản phẩm nhóm” sẽ nói ở dưới đây. Trong Báo cáo tổng kết có nêu “chống tham nhũng là khả thi” nhưng cũng cho rằng công tác phòng, chống trong thời gian qua vẫn “chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản”. Rõ ràng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn có nhiều khó khăn ở phía trước, bởi “cái khả thi” nghĩa là cái chưa có, chưa thành hiện thực, vẫn đang ở phía trước, thiên về phán đoán dựa trên những điều kiện thuận lợi tích cực, chưa xuất hiện. Trong khi đó, công việc “chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản” có nghĩa là tham nhũng đang hiện diện mà việc chống nó, phòng nó xuất hiện chưa đủ mạnh.

Thứ tư, xét về mặt xã hội, tham nhũng có tính liên hệ dây chuyền (liên hệ, lây lan lẫn nhau trong tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc…). Người tham nhũng thường không ngại những hành vi hối lộ trong các quan hệ khác. Những nhận xét trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng nói lên điều đó: “Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra… Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng còn hạn chế. Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp xử lý chậm, kéo dài, có biểu hiện hữu khuynh, nể nang, lạm dụng việc bồi thường, khắc phục hậu quả để xử lý hành chính….”. Điều đó chứng minh thể chế và tổ chức còn có những lỗ hổng. Vậy, những lỗ hổng đó là gì?([1])

Một là, trong cấu trúc sử dụng công quyền, quyền hành thường tập trung một đầu mối hành chính (có thành lập các ủy ban, tổ công tác… thì vẫn trong phạm vi của hành chính, hành pháp). Điều này có nghĩa là, những cơ quan tổ chức đó vẫn do người đứng đầu lãnh đạo, chỉ huy, lập kế hoạch và ra các quyết định cuối cùng. Tham nhũng thường gắn với người nắm quyền và người đứng đầu của chính đầu mối đó (đây là nói điều kiện chứ không phải là “chụp mũ” cho vị trí người điều hành). Từ đó cho thấy, trong các quy định về chống tham nhũng chưa tách được nhóm nhạy cảm của tham nhũng và nhóm soát xét, tìm kiếm tham nhũng (ví dụ như lập ra nhóm kiểm tra tự nguyện gồm những người có năng lực chuyên môn, không mắc lỗi công vụ kiểu mất đoàn kết, kéo bè cánh, lãng phí của công…).

Hai là, trong pháp chế, thậm chí cả pháp chế hình sự còn có sự cầu toàn trong chống tham nhũng. Ví dụ chống người nhận hối lộ nhưng lại xử nặng cả người đi hối lộ thì vô hình đã triệt tiêu cơ hội phát hiện người tham nhũng. Người hối hộ không thể là người tốt được. Nhưng phải đặt cái lớn, cái cơ bản lên trước, tạm thời bỏ lại những yếu tố kém nguy hiểm hơn. “Cây ngay” chưa đủ, mà cần phải “ vừa ngay vừa cứng” thì mới chống được tham nhũng ngay trong suy nghĩ (mà đã cứng thì kẻ hối lộ không làm gì được).

Thứ năm, tham nhũng luôn tạo nguy cơ lây lan vô hình sang các lĩnh vực khác. Nguồn vật chất tham nhũng phải từ một quyết định hành chính, gắn với một chức vụ trong hành chính công quyền. Nhưng để có được vị trí đó là cả một quy trình của thể chế (quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm…). Bản Báo cáo tổng kết nói trên cũng nhấn mạnh tình trạng tham nhũng “vặt” chính là thể hiện sự lây lan (tức là do ảnh hưởng của người tham nhũng mà những người khác phải móc ngoặc, tham ô, nhận hối lộ… tạo nên sự phức tạp, đan xen trong “bản đồ tiêu cực” của xã hội).

Thứ sáu, thiệt hại xã hội và phần lợi ích mà kẻ tham nhũng có được là không đồng nhất (khác kiểu ăn cắp một bao xi măng, lấy đi một tạ sắt… tương ứng với bao nhiêu tiền). Một người mất một khoản tiền để được tuyển dụng vào vị trí quyền lực tốt thì không có “giá tương xứng” để đo, mà chẳng qua chỉ là định tính mà thôi. Nhưng thiệt hại từ một phía là có thật.

2. Về nhóm lợi ích

Từ những phân tích về tham nhũng trên đây, chúng tôi cho rằng, tham nhũng thông qua “lợi ích nhóm” là một thực tế. Do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối tượng là một bộ phận cán bộ có chức, quyền nhưng đã biến chất, thoái hóa nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Vậy, tham nhũng và nhóm lợi ích có quan hệ thế nào? Như chúng ta biết, lợi ích nhóm có được là do liên kết nhóm. Không có liên kết nhóm thì không có nguyên nhân sinh ra lợi ích nhóm. Nhóm – tự nó đã có tính liên kết các phần tử, thành phần, cá nhân lại mà thành. Nhưng “liên kết” xuất phát từ vai trò của nhóm để tạo sức mạnh cho một mục đích mang tính động cơ, tính toán thì lại là một khái niệm khác hẳn, cho dù nó không phải là nghĩa tiêu cực (tạo điều kiện, giúp nhau, cưu mang nhau… cũng là một dạng liên kết).

Thực chất của lợi ích nhóm là gì? Theo chúng tôi, lợi ích nhóm, về bản chất, không phải là một khái niệm tiêu cực. Nhóm lợi ích có tính lịch sử phát triển. Có một số giác độ nhận thức về sự phát triển của nhóm lợi ích như sau:

Thứ nhất, lợi ích nhóm mang tính khách quan. Xã hội hình thành ra các nhóm trước hết là một hiện tượng xã hội khách quan. Ví dụ, cộng đồng các dân tộc dù lớn, hay nhỏ đều là sự tồn tại các nhóm người khác nhau (từ xưa đến nay, hầu như không quốc gia nào lại chỉ có “một nhóm” như giả định rằng ở Việt Nam chỉ có nhóm người Việt chẳng hạn). Trong nhóm người đã có biểu hiện cộng đồng lợi ích ở đó. Nhóm người trong xã hội tạo thành từ một số người (thường là nhiều, thậm chí rất đông người) có chung những đặc điểm về sinh hoạt xã hội, nhu cầu và cách thức tổ chức sinh hoạt. Nhưng nhóm có tính khách quan, như nhóm nữ và nam trong xã hội, lớp người cao tuổi và những thanh niên trong xã hội; nhóm người đa số và thiểu số, các nhóm sắc tộc khác nhau. Thậm chí, các quốc gia này so với các quốc gia khác, suy cho cùng, cũng chỉ là những nhóm người mà thôi. Do cùng chung những tiêu chí và mục đích trong sinh hoạt mà có sự liên hệ ràng buộc giữa một số người nào đó và họ có xu hướng tự nhiên là “dựa vào nhau”.

Trong quá trình sinh hoạt, mỗi cá nhân đều có thiên hướng, mục đích, mục tiêu nhất định về lợi ích và sinh hoạt. Nếu chỉ có một mình thì thường không thể làm được việc lớn, thậm chí cả việc nhỏ như chỗ ngồi bán hàng, điểm đỗ xe chở khách, chỗ chờ việc… Vì vậy, tập hợp theo nhóm là một trong những thuộc tính của con người. Xã hội có xu hướng cạnh tranh trong đời sống và hoạt động kinh tế. Đó là điểm bình thường và tích cực. Chính vì cạnh tranh mà cá nhân phải cố kết thành nhóm. Sự phá vỡ nhóm trong thực tiễn thường xảy ra nhưng không có nghĩa là xóa bỏ nhóm trong xã hội, mà là thay đổi nhóm của các cá nhân.

Đời sống xã hội ngày càng phong phú, quyền dân chủ ngày càng mở rộng thì kiểu cạnh tranh càng phát triển trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đó là quy luật của tiến bộ xã hội phù hợp với động lực sống của mỗi cá nhân (không chấp nhận thực tại, tìm kiếm cái mới, cái tốt, cái tích cực cho chính mình). Từ đó, người ta thấy rằng các nhóm người hình thành một cách tự nhiên, khách quan là chưa đủ và chưa thể đủ cho động lực đó. Các cá nhân (thường là những người nhanh nhạy, tích cực, có năng lực tập hợp, có nhu cầu chung với nhiều người khác và có uy tín nhất định…) tự đặt ra nhu cầu tập hợp nhiều người khác lại thành nhóm. Có thể nói, ngày nay xã hội có bao nhiêu tổ chức hội được thành lập thì có bấy nhiêu nhóm lợi ích. Điều đó có nghĩa là rất nhiều nhóm chủ quan lập ra theo nhu cầu và người ta đến với nhau mà thành. ở đây chỉ đề cập tới mối quan hệ giữa sinh hoạt kinh tế (vốn đã rất phong phú) với hoạt động nhóm. Đây là loại hoạt động trọng yếu. Lợi ích kinh tế tác động mạnh nhất đối với hoạt động của con người. Vì vậy, tạo lập nhóm là động lực tự nhiên của xu thế xã hội. Một cá nhân có thể là chủ quan, nhưng tác động của nhóm đến đời sống lại mang tính khách quan ngoài ý muốn, bởi con người trước hết vì mình (chủ quan) mà tìm đến nhóm chứ không phải vì nhóm. Như trên đã nêu, trong nhóm đã chứa đựng lợi ích nhóm; đề cập đến nhóm là có lợi ích nhóm và ngược lại.

Trên nguyên tắc, lợi ích nhóm chỉ có thể phù hợp với xã hội trong tương quan đến các nhóm và cá nhân khác. Lợi ích là một khái niệm của kinh tế học. Nhưng tìm kiếm cái lợi cho con người với nghĩa tạo ra của cải nhiều hơn với một hao phí sức lực nhất định luôn là động lực của con người. Khi người ta ý thức được việc tìm kiếm của cải nhiều hơn bằng phương pháp, tính toán, thủ đoạn… thì khái niệm lợi ích nhuốm mầu xã hội sâu sắc. Nó từ vận động tự phát trở thành thái độ chủ quan một cách tự giác. Sự phát triển đó đồng hành với sự vận động xã hội cho đến ngày nay.

Kinh tế hàng hóa là tiền đề khách quan đầu tiên của sự hình thành nhóm lợi ích. Nhu cầu hợp tác để tạo ra những “thế lực” lớn hơn những cá nhân đơn lẻ và sự cạnh tranh trong thương mại là những động lực tạo nhóm lợi ích.

Nếu lợi ích được hiểu rộng hơn việc làm ra nhiều của cải vật chất – sang lĩnh vực tiêu dùng của con người, thì tính khách quan của nhóm lợi ích càng thể hiện rõ và đa dạng hơn. Đó là sự khác nhau về nhu cầu sống: mỗi nhóm lứa tuổi trong xã hội là những nhóm lợi ích tự nhiên khách quan. Chẳng hạn, tuổi trẻ cần nhiều hơn về ăn mặc kết hợp với thẩm mỹ. Nhu cầu đó hình như đối lập với thế hệ người trưởng thành (họ làm ra nhiều của cải nhưng nhu cầu tiêu dùng lại khiêm tốn hơn cả về lượng lẫn chất). Những bậc cha mẹ bình thường nhất bao giờ cũng dành ưu tiên tiêu dùng cho con cái khi của cải còn hạn chế. Trừ một số ít người dư thừa của cải thì sự “cạnh tranh” không rõ rệt.

Nhóm người sống ở nông thôn và thành thị là điển hình của sự khác biệt nhóm một cách khách quan và thường xảy ra xung đột lợi ích. Những đặc tính khách quan như nêu trên tồn tại cho đến ngày nay và sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài, cho tới khi nào mà sự thỏa mãn nhu cầu cho toàn nhân loại chưa thiết lập được.

Thứ hai, sự liên kết giữa kinh tế và chính trị. Với sự phát triển của tri thức và năng lực của con người, nhất là trong đời sống kinh tế và chính trị, việc tự tìm kiếm đối tác, đồng minh để hình thành các nhóm “mạnh hơn từng cá nhân đơn lẻ” là một khuynh hướng tất yếu để tồn tại, nhất là với các doanh nhân, thương nhân, các nhà sản xuất .

Khi chế độ dân chủ xuất hiện trong xã hội tư bản, nhóm lợi ích kinh tế đã gây ảnh hưởng đến đời sống chính trị với mục đích tạo được những lợi thế chính trị (chính sách kinh tế, chế độ thuế, …) cho mình. Đây là kết quả của sự phát triển xã hội và những liên minh lợi ích đồng hành với sự phát triển đó. Tính khách quan của vận động kinh tế và ý thức chủ quan đã cộng tác trong sự vận động xã hội. Sự liên kết đó dẫn đến hậu quả là nhóm này được lợi thì nhóm khác sẽ chịu thiệt hại.

Với sự xuất hiện các nhóm lợi ích như vậy, có thể đồng ý với nhận định như là định nghĩa về nhóm lợi ích của tác giả Nguyễn An Nguyên đang nghiên cứu tại Rice University, Hoa Kỳ cho rằng, nhóm lợi ích được hình thành mang xu hướng liên kết lại thành (hoặc từ – N.H.Kh.) các nhóm, tập đoàn lợi ích để cùng nhau gây ảnh hưởng “mềm” với các quan chức và bộ máy nhà nước, nhằm có được đặc quyền. Nếu liên kết thành công, các nhóm liên kết lợi ích này sẽ được hưởng lợi cả về tầm vĩ mô (tiếp cận chủ trương, chính sách chiến lược trung hạn, dài hạn mà người khác không có được cơ hội) lẫn các chính sách cụ thể, như thuế, quyền bảo hộ, ưu đãi có tính độc quyền. Thậm chí còn được hưởng lợi từ sự “bảo kê chính trị”. Tác giả Nguyễn An Nguyên cũng cho rằng, ở phương Tây, họ (đại diện các nhóm lợi ích – N.H.Kh.) sử dụng các phương thức hợp pháp, từ vận động hậu trường, tài trợ cho việc lập chính sách đến vận động phiếu bầu, phản đối qua công luận, v.v..(2)

Qua đó cho thấy, các nhóm lợi ích xuất hiện hoặc là khách quan, hoặc là chủ quan từ nhu cầu của các nhóm sản xuất kinh doanh hay nhóm lợi ích chính trị. Khi nhóm lợi ích đã “len lỏi” vào đời sống chính trị thì nó tạo ra sắc thái mới của nhóm lợi ích mang tính hỗn hợp (quyền kinh tế và quyền lực chính trị). Lịch sử cho thấy sự hiện diện của các nhóm hỗn hợp mang tính tất yếu chừng nào chế độ dân chủ chưa tìm được hình thức quản lý xã hội văn minh hơn. Nghĩa là các nhóm kinh tế và chính trị dựa vào nhau để tìm kiếm lợi ích cho mình.

Thứ ba, sự tác động của thể chế. Tính chất tiến bộ ít hay nhiều còn phụ thuộc vào tình trạng pháp quyền của xã hội cụ thể. Nghĩa là ở đâu pháp luật còn chưa đóng vai trò thực sự điều chỉnh xã hội, cá nhân và tổ chức thì chừng đó tính “phản tiến bộ” sẽ xuất hiện, nghĩa là có tiêu cực từ hoạt động của các nhóm lợi ích.

Những người có tiềm năng, có vị thế liên hiệp lại thành nhóm là điều tự nhiên, thậm chí còn có lợi nếu xét trên cục diện phát triển xã hội. Tai hại và nguy hiểm là những nhóm lợi ích bất thành văn, tức là tựa vào nhau nhờ tìm thấy ở nhau những lợi thế nhằm mưu lợi cho mỗi cá thể mà tạo nên nhóm. (Lợi dụng vị thế của nhau để mưu lợi, dựa vào nhau để thao túng, nhờ vả nhau để tránh được những sai phạm tạo ra sao cho “có sai phạm mà lại ngoại phạm”). Trong xã hội nếu xuất hiện những giả thiết sau thì rõ ràng có sự tác động có hại của nhóm lợi ích loại này:

– Chỉ có một số ít người biết một bản quy hoạch nào đó vốn được giữ bí mật để bảo đảm khách quan, nhưng ai biết trước, làm trước là có lợi. ([1])

– Một quy định mới về thuế đất hoặc giá đất mà nếu ai biết trước sẽ có lợi trong đầu tư (năm sau, quí sau hay tháng sau tăng giá) nhưng một nhóm người đã biết trước. Nếu không có liên kết chính trị – kinh tế liên quan đến sự lỏng lẻo, sơ hở của thể chế thì không thể rò rỉ thông tin được.

– Thời gian, thời điểm quyết định đổi tiền; nhập vàng; hạ, tăng lãi suất; tăng giảm giá xăng dầu… là hoàn toàn bí mật nhưng một số người biết trước do được thông tin… sẽ có siêu lợi nhuận.

Những lợi ích bất minh như trên có được là nhờ sự thiếu minh bạch. Mà sự thiếu minh bạch đó là từ chính trị (hay đúng hơn là đạo đức chính trị) chứ không phải từ kinh tế. Cụ thể là từ một số cá nhân có thẩm quyền được giao nhưng đã vi phạm lợi ích công cộng mà phụng sự tiêu cực cho lợi ích nhóm.

Tóm lại, toàn bộ những nội dung trên là những vấn đề đặt ra trong phòng và chống tham nhũng. Vì thế, chống tham nhũng và chống lợi ích nhóm tiêu cực như trên là biện pháp tổng hợp, mang lại lợi ích xã hội to lớn kiểu “một mũi tên trúng hai đích”.

Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo lập xã hội dân sự bình đẳng, việc mở đường cho hoạt động của các nhóm lợi ích chính đáng (tuân thủ luật pháp chứ không phải lợi dụng pháp luật) và kịp thời ngăn chặn những sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích tiêu cực đang hình thành là cơ sở để phòng và chống tham nhũng một cách hiệu quả ở nước ta hiện nay.

———————

Chú thích:

(1) Những dẫn chứng trên được cập nhật tại trang điện tử Vietnamnet ngày 30/11/2010 02:33:24 PM (GMT+7)
(2) Xem: Báo Tuổi trẻ Chủ nhật, 2/1/2006.

Theo NGUYỄN HỮU KHIỂN / TẠP CHÍ TRIẾT HỌC (2011)

Tags: ,