Lý Đạo Thành: Một lòng trung giữa dòng quyền lực

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú tôn vinh 4 danh thần là “Người phò tá có công lao tài đức”, Lý Đạo Thành là người thứ nhất. Phan Huy Chú đã dẫn lại lời của Lê Tung, một sử gia thời nhà Lê, rằng: “Lý Đạo Thành nhận việc ký thác vua bé, Tô Hiến Thành phụ chính, lòng trung quân ái quốc phảng phất giống Y Doãn, Chu Công”. Lý Đạo Thành đã trở thành thành hoàng của nhiều làng xã ở suốt vùng Bắc Bộ đến tận miền Hoan Diễn xa xôi bởi tấm lòng kính trọng của muôn dân.

Lý Đạo Thành: Một lòng trung giữa dòng quyền lực

Đền Đô, nơi thờ các vua triều Lý.

Lý Đạo Thành không chỉ là “người phò tá có công lao tài đức”, mà còn là bậc thức giả khoan dung, có tinh thần tự nhiệm rất cao, luôn có khát vọng cống hiến nước, vì dân. Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông đã hiểu thấu, tin tưởng và trọng dụng ông. Đó là gặp gỡ may mắn của lịch sử, là duyên phận của nhà Lý, của dân tộc.

Tài năng và cống hiến

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, Lý Đạo Thành quê ở làng Cổ Pháp, Bắc Ninh, có gốc gác họ hàng với các vua Lý. Chính sử không ghi rõ gia thế, ngày sinh của ông nhưng theo thần tích thôn Thụy Lân, xã Đông Xá, tổng Tử Dương, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên còn lưu lại ở Viện Hán Nôm thì ông có cha họ Lý tên Kính, mẹ họ Tạ tên Cẩn, đều là người hiền lành, lương thiện, gia tiên đều được thụ phong, ấm phong, hai nhà đều là môn đăng hộ đối. Thần phả ghi ông sinh năm Quý Tị (1053?) nhưng chính sử thì không sách nào chép. Ông sinh ra thông minh, dĩnh dị, tướng mạo khác thường, 3 tuổi đã biết lễ nghĩa, tính hay kính nhường, 7 tuổi nhập học, 13 tuổi đã thông kinh sử tử tập, lại giỏi cả võ nghệ, được khen là thần đồng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông mất vào năm Tân Dậu (1081). Nếu thần phả chép đúng, cuộc đời ông rất ngắn ngủi, vỏn vẹn 28 tuổi. Chỉ 28 năm ở trên đời, nhưng công tích và danh tiếng của ông để lại thì lớn lao vô cùng khiến người đời phải ngưỡng mộ.

Lý Đạo Thành làm quan dưới hai triều vua Lý, Thánh Tông (1054 – 1072) và Nhân Tông (1072 – 1128).

Dưới thời Lý Thánh Tông, Lý Đạo Thành được phong là Thái sư, rất được nhà vua tin dùng. Với cương vị này, ông được phát huy mọi sở trường, tài năng về chính trị, đặc biệt là nội trị. Ông được giao cho chủ trì việc nước mỗi khi nhà vua thân chinh đem quân đánh dẹp ngoài biên cương.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Kỷ Dậu, 1069, mùa Xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.

Tháng 7, vua từ Chiêm Thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính nay để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước.

Sách Khâm định việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM) bình về việc này như sau: “Bấy giờ há lại không có đại thần để cho ở lại giữ nước hay sao? Mà phải đến đàn bà can dự chính sự, để chuốc lấy tiếng khen! Sử nói không đúng sự thực, đại loại như thế đấy!”.

Qua các ghi chép này ta có thể hình dung việc triều chính, nội trị, hậu phương của nhà Lý đã được củng cố, nền nếp và rất ổn định trong thời gian nhà vua thân chinh ở chiến trường. Dẫu là do sử của thời trước nghiêng về chép hành trạng của nhà vua và triều đình nhưng qua đó ta vẫn có thể thấy được bối cảnh chung của đất nước. Lần theo khúc xạ của các sự kiện, hoàn toàn có thể khẳng định công cuộc bình Chiêm của Lý Thánh Tông là có công rất lớn của Thái sư Lý Đạo Thành giữ vững triều chính, cung cấp quân lương cho tướng sĩ nơi sa trường.

Dưới triều vua Lý Nhân Tông, là Thái sư nhiếp chính, rồi phải trải qua những bất công oan trái nhưng Lý Đạo Thành vẫn bỏ qua hiềm khích, vì nghĩa lớn, một lần nữa đứng ra gánh vác việc nước và đã thể hiện tài năng xuất chúng của mình. Ông lại là người trông coi việc triều chính, việc hậu phương để Vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt yên tâm chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi. Sách KĐVSTGCM chép: “Giáp Dần, [1074]… lại dung Lý Đạo Thành làm Thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Đạo Thành là người thẳng thắn, mỗi khi dâng tấu sớ thì thể nào cũng nói đến sự lợi hay hại ở dân gian. Đối với quan lại nào là người hiền tài, ông đều cất dung. Đời bấy giờ rất kính trọng ông”.

Một lòng trung giữa dòng quyền lực

Khởi đầu sự nghiệp làm quan của Lý Đạo Thành là vào đời vua Lý Thánh Tông. Khi tuổi còn rất trẻ ông đã được nhà vua tin dùng, phong đến chức Thái sư (tể tướng). Mối quan hệ của ông với nhà vua có thể nói là rất tốt, là sự tin cậy lẫn nhau giữa hai người cùng chí hướng, giữa vua hiền và tôi trung. Năm 1072, trước khi băng hà, vua Lý Thánh Tông đã ủy thác cho Lý Đạo Thành giúp rập, phò tá Hoàng Thái tử Càn Đức. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi trước linh cữu, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ 1. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”. Bi kịch của Lý Đạo Thành bắt đầu từ đây.

Lý Nhân Tông lên ngôi khi còn quá nhỏ, chưa thể quyết định được việc triều chính. Khoảng trống quyền lực do vua Lý Thánh Tông để lại tạo nên hình thái tranh giành giữa các phe phái. Lý Đạo Thành “giúp đỡ công việc” cho vua nhưng bên cạnh đó còn có Thượng Dương Thái hậu là bậc đích chính thất của Thái tông và mẹ đẻ của Nhân Tông là Hoàng Thái phi Ỷ lan, sau được phong Thái hậu. Ỷ Lan là một phụ nữ kỳ tài, trong tình thế vua con còn nhỏ, bà đã liên kết với Thái úy Lý Thường Kiệt để tranh chấp quyền lực với Thượng Dương Thái hậu, và cả thái sư/ tể tướng Lý Đạo Thành.

Đây là một nước cờ cao tay của Thái hậu Ỷ Lan. Bà đã biết khai thác quyền lực và tài năng của Lý Thường Kiệt cho mục đích tranh giành của mình. Và bà đã giành phần thắng mặc dù không hề vẻ vang gì khi dùng mưu khép tội chết cho Thượng Dương Thái hậu cùng 76 thị nữ. Lý Đạo Thành cũng bị giáng chức xuống làm Tả Gián Nghị Đại phu, phải ra khỏi thành để vào “coi châu Nghệ An”.
Nhưng, Lý Đạo Thành không buồn chán. Ông vẫn bình thản, vẫn tận trung với vua, với nước bằng cốt cách của con người có tu tập và hiểu biết lẽ đời.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương Thánh châu ấy, ở giữa viện đặt tượng Phật và vị hiệu của Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng”.

Bị thất sủng, Lý Đạo Thành chắc hẳn hiểu sâu sắc về sự gian dối trong chính trường, sự tham lam và độc ác của lòng người, nhưng ông chấp nhận bỏ qua thù hận để cống hiến cho những điều lớn lao, cao cả.

Năm 1074, trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống và sự quấy nhiễu của Chiêm Thành, không còn cách nào khác, vượt qua sự mặc cảm tội lỗi và danh dự của mình, Thái hậu Ỷ Lan đã giao Thường Kiệt vào Nghệ An phong chức Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự cho Lý Đạo Thành và mời ông về kinh tham dự triều chính giúp vua, giúp nước. Không đam mê quyền lực, không buồn chuyện cũ, ông chấp nhận hồi triều để hết sức hết lòng giúp nước, giúp vua.

Trong cuộc kháng chiến chống Tống (1077 – 1078), vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt cùng các tướng lĩnh có công rất lớn, nhưng khó có thể hình dung nổi nếu không có công của thái sư Lý Đạo Thành chăm lo triều chính, giữ kỉ cương phép nước thời chiến, lo đủ binh sĩ, lương thảo cho quân đội thì cuộc kháng chiến sẽ kết thúc thế nào?!

Giữa dòng quyền lực ngổn ngang, Lý Đạo Thành đã bình tĩnh, ung dung tự tại, kiên giữ lòng trung chăm lo việc nước, việc dân.

Theo VĨNH KHÁNH / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , ,