Lược sử thiền học và các trường phái thiền

Mọi con sông đều đổ về biển lớn và tất cả trường phái thiền đều nhằm mục đích đưa ra lộ trình giúp người hành thiền tìm đến được sự tỉnh thức và giác ngộ.

Lược sử thiền học và các trường phái thiền

Trích từ cuốn Thiền Khí Tâm /  Sridevi Tố Hải.

Lược sử thiền học

Thiền là một hình thức tu trì của những tong phái triết học ở Ấn Độ từ xa xưa. Thiền định cũng được xem là đỉnh cao của Yoga – một trong sáu trường phái triết lý nổi tiếng của Ấn Độ có lịch sử lâu đời hơn 5000 năm.

Đến thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cách đây 2500 năm, ngài khám phá và phát triển Thiền theo cách riêng của ngài với tên gọi là Thiền Vipassana (hay còn gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ, Thiện Tuệ Minh Sát) thông qua sự an tọa tư duy mà chứng đắc Niết Bàn và Giác ngộ giải thoát.

Vào khoảng năm 520, Thiền được Bồ Đề Đạt Ma, một du tăng Phật Giáo truyền sang Trung Hoa. Từ đây Thiền thuần lý và triết học của Ấn Độ đã được giáo lý Phật giáo bổ sung và phát triển cả về nội dung lý luận lẫn phương pháp thực hành trong bối cảnh của truyền thống đạo học nguyên thủy của Trung hoa.

Sauk hi được du nhập vào Nhật Bản, Thiền lại được hòa trộn với tinh thần lễ giáo và nghệ thuật của Nhật Bản. Như vậy, Thiền được phổ biến sau này ở các nước Châu Á đã hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của phương Đông. Đến khoảng đầu thế kỷ thứ hai mươi, do công của một giáo sư người Nhật, ông D.T. Suzuki, Thiền được giới thiệu sang các nước Anh, Pháp, Đức,… Vào giai đoạn này, sau những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, văn minh nhân loại đã tiến thêm nhiều bước mới. Đời sống vật chất không ngừng được nâng lên nhưng tâm hồn con người dường như lại thêm lo âu, bất an hoặc cô đơn trống rỗng. Thiền đã có mặt kịp lúc để lấp bớt khoảng trống này. Dưới cái nhìn duy lý và thực tiễn của người phương Tây, Thiền đã nhanh chóng được tiếp nhận và quảng bá rộng rãi như là một hình thức giáo dục đạo đức và tâm linh. Vượt qua khỏi ranh giới của tôn giáo, sự hợp nhất của thân và tâm của Thiền giúp giải quyết những vấn đề do tâm lý gây ra và là phương pháp chữa trị cho nhiều chứng bệnh của xã hội hiện đại để mang lại hạnh phúc và sức khỏe cho con người. Cũng ở thời gian này, Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá lại ý nghĩa của từ sức khỏe “Sức khỏe là sự thoải mái hoàn toàn về các mặt thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không bệnh tật”.

Thiền đến Việt Nam cùng với Đạo Phật, tuy nhiên, những năm gần đây người Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới tìm đến Thiền với phương diện khoa học phi tôn giáo; như một hình thức trị liệu cho tâm, do đó mà có nhiều trường phái Thiền xuất hiện ở Việt Nam với nhiều hình thức luyện tập khác nhau. Và nhiều người dù theo đạo nào vẫn có thể thực hành Thiền.

Các trường phái Thiền

Trên Thế giới và ở Việt Nam hiện tại có nhiều trường phái Thiền khác nhau. Những trường phái Thiền nổi bật có thể kế đến là Thiền Vipassana, Thiền Lâm Tế, Tào Động, Thiền của Mật Tông, Thiền của Thiền Tông, Thiền Lão Giáo, Thiền Osho, Thiền Chánh Niệm, Thiền Hiểu Biết,… Tên các trường phái thiền khác nhau là do các tổ sư hay vị thầy viết ra các phương pháp hành thiền khác nhau.

Tuy nhiên, nếu xét về bản chất cốt lõi thì các trường phái Thiền đều giống nhau vì suy cho cùng, chúng ta thường có khuynh hướng dùng từ “Thiền” để mô tả những sự thực tập có tính trầm tư mặc tưởng hay những sự thực hành phản ánh sự suy nghiệm. Dựa trên ý nghĩa này, thiền không nhất định mang ý nghĩa tôn giáo. Mà đúng hơn, Thiền là một phần trải nghiệm tự nhiên của con người chúng ta, và nó có thể được dùng làm phương thuốc trị liệu để gia tăng sức khỏe cũng như nâng cao năng lượng tâm và bình an nội tại cho người hành thiền.

Nếu xét về nền tảng thiền cơ bản thì hầu như tất cả trường phái thiền đều nói rằng trong khi hành thiền ta đóng vai trò là người quan sát. Hay nói cụ thể hơn, việc hành thiền chỉ diễn ra khi có người quan sát – là ta và đối tượng được quan sát – là đề mục hay đối tượng thiền. Và kĩ thuật thiền cơ bản chỉ đơn thuần là quan sát, nhận biết trên đề mục hay đối tượng mà không có sự phán xét để từ đó đạt được sự định tâm và nhìn thấu bản chất của sự vật, sự việc.

Do đó, người hành thiền được khuyên là nên chọn cho mình một trường phái thiền, kĩ thuật thiền phù hợp và đồng thời không được chê bai hay so sánh trường phái thiền nào hay hơn trường phái thiền nào. Vì mọi con sông đều đổ về biển lớn và tất cả trường phái thiền đều nhằm mục đích đưa ra lộ trình giúp người hành thiền tìm đến được sự tỉnh thức và giác ngộ.

S.T

Tags: ,