Đọc lại ‘Lòng yêu nước’ của Ilya Ehrenburg

Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…

Lòng yêu nước – Ilya Ehrenburg

Lòng yêu nước là một tùy bút của nhà văn Ilya Ehrenburg (1891 – 1965) đăng trên báo Thử lửa vào ngày 26/6/1942, trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Xô viết đang diễn ra khốc liệt. Tác phẩm được đánh giá là một Thiên tùy bút trữ tình và tráng lệ nhất mọi thời đại và đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, bài Lòng yêu nước với ngòi bút dịch của Thép Mới được đăng trong sách giáo khoa “Ngữ Văn 6”, tên ông được ghi với bản phiên dịch là I-li-a Ê-ren-bua

Dưới đây là toàn văn tác phẩm:

——————————-

LÒNG YÊU NƯỚC

Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Người vùng Bắc nghĩ đén cánh rừng bên dòng sông Vina hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng 6 sáng hồng và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu. Người xứ Ukraina nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, đời sống thấy đầy đủ và phong phú thay, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gruzia ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối của câu chào tạm biệt vọng lại. Người ở thành Leningrad bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Neva rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Moskva nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Kremlin, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai.

Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô Viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điểu giản dị này: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa?”.

Tại sao tinh thần Risa Gơ-rô-men rữa nát trứơc khi hắn bị một chiến sĩ Xô viết giết chết? Bởi vì cuộc chiến tranh Hitle đương gây nên kia không có linh hồn. Có những tiểu thuyết trinh thám và cso những người ưa đọc thứ văn chương ấy. Cố truyện trinh thám chẳng có gì rắc rối: hung phạm gây nên những tội khổng lồ, thám tử truy nã. Hai bên rút súng bắn nhau, giết nhau và cùng dấn thân vào chỗ nguy hiểm. Vậy mà người đọc thấy họ chết như thế là một chuyện thường của nghề họ. Thế thôi. Kẻ gian và thám tử có thể làm những chuyện liều lĩnh, song chẳng ai bảo chúgn là anh hùng. Chúng để hết tâm trí vào công việc, song công việc của chúng chẳng có hồn. Lịch sử quên ngay tên những hung phạm có tài, những kẻ mạo hiểm thần tình. Lịch sử giữ lại những tên khác: tên những người bỏ mình vì một lý tưởng, vì nhân dân, vì loài người, cho một xã hội mới tốt đẹp hơn. Khí cụ chiến tranh của quân đội Xô viết có thể giống khí cụ chiến tranh của quân đội Đức. Chiến lược hai bên có những điểm gặp nhau. Song chẳng có gì là giống nhau giữa một người lính Hồng quân và một người lính quân đội Hitle. Người anh hùng và đứa hung phạm, con người dũng cảm bảo vệ Tổ quốc và quân sát nhân nhà nghề là hai thế giới không đội trời chung.

Chúng ta đã biết Risa đã đem theo xuống dưới mồ hắn những mối nghĩ gì. Đối lại những điều hắn nghĩ, chúng ta có thể đem thuật lại câu chuyện 5 người thuỷ quân đã chết, anh dũng bảo vệ Sebastopol. Họ đã ôm lấy nhau, gửi nhau lời chào vĩnh biệt và quấn lựu đạn vào người, lăn ra cản xe tăng địch. Người ta thường nói đến thắng cái chết. Điều đó làm tôi nghĩ đến không phải những công trình của nhà bác học đương lo tính cách kéo dài đời sống con người mà nghĩ đến 5 người thuỷ quân đỏ, tràn ngập vui sướng và say sưa yêu mến sự sống. Đấy chẳng là chíên thắng cái chết đáy ư! Đấy chẳng là bất tử đấy ư! Chiến công 5 người thuỷ quân đỏ đã không những chỉ ngăn cuộc tấn công của quân thu: nó thổi một nguồn sống mới vào lòng triệu con người, nó đã mở rộng và luyện chắc linh hồn nước Nga, nó sống mãi giữa những trận chiến đấu ác liệt nhất trong năm nay; nó còn sống cả sau ngày thắng lợi giữa muôn hoa rực rỡ tung nở trên khắp các đồng quê và trong những giọng hát trong trẻo nhất của một bầy thiếu nữ đồng quê.

26/6/1942

S.T

Tags: , , ,