Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: Tiếng vọng ngàn năm

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến dù đã đi vào lịch sử nhưng tư tưởng của nó vẫn luôn mang tính thời sự, mãi mãi là lời hịch của ông cha đối với các thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vĩ đại.

Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nhớ về ngày lịch sử Toàn quốc kháng này, không thể không nhắc đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vang vọng mãi trong lòng mỗi người Việt Nam từ thuở “mang gươm đi giữ nước”:

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ“.

Một lần nữa, nhân dân Việt Nam, nghe theo lời hiệu triệu của lãnh tụ, triệu người như một, lại vùng đứng lên để bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa mới giành được.

Bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ đã buộc dân tộc ta phải đi đến hành động: Cầm vũ khí đứng lên vì sự tồn vong của đất nước.

Sau khi giành được độc lập từ tay Nhật, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Bên trong là “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản hoành hành. Bên ngoài là giặc ngoại xâm liên tục tấn công. Ở miền Bắc, với danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân đội Nhật, 20 vạn quân Tưởng đã kéo vào nước ta, với dã tâm lật đổ chính quyền cách mạng, đưa bọn phản động tay sai Việt quốc, Việt cách lên nắm quyền. Ở Nam bộ, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Chúng mưu toan đánh chiếm Nam Bộ trong vòng 4 tuần lễ, lấy đó làm bàn đạp đánh chiếm ba nước Đông Dương.

Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc: Đuổi quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi đất nước, hòa hoãn với Pháp bằng việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó là Tạm ước ngày 14/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các thành viên của Liên hợp quốc, nêu rõ thiện chí hoà bình, mong mỏi Liên hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam. Đồng thời, Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người cầm đầu Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hoà bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu.

Nhưng những nỗ lực cứu vãn hòa bình không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị giới cầm quyền thực dân Pháp khước từ.

Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới“. Chúng gây ra nhiều vụ xung đột về chính trị lẫn quân sự, không chỉ ở phía nam vĩ tuyến 16 mà còn cả bắc vĩ tuyến 16 như ở Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hồng Gai, Hải Dương. Tại Hà Nội, trong các ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18/12/1946, tướng Môlie gửi cho ta hai tối tối hậu thư liên tiếp đòi tước vũ khí của bộ đội và tự vệ Việt Nam, nắm quyền kiểm soát thành phố.

Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầm vũ khí đứng lên chiến đấu để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ.

Ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối và quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây, ngày 19 tháng 12, trên căn gác xép nhỏ, Hồ Chủ tịch đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.

Chiều ngày 19/12/1946, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày giờ của cuộc chiến đấu trong toàn quốc. 20 giờ ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng đã nổ những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp ở nội thành, toàn quốc kháng chiến bắt đầu.

Ngày 20 tháng 12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Lời kêu gọi ngắn gọn (chỉ 183 chữ) mà súc tích, hàm chứa những nội dung, ý nghĩa sâu sắc, vừa mang tính thời đại vừa thể hiện ý chí quật cường của dân tộc.

Trước hết, Lời kêu gọi khẳng định thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam và chính phủ VNDCCH; chúng ta đã làm hết mọi cách để cứu vãn nền hòa bình mong manh: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng”.

Lời kêu gọi bóc trần dã tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp: “Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!”. Dã tâm đó đã từng bị Hồ Chí Minh vạch trần trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” và kết tội trong bản “Tuyên ngôn độc lập”: “bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.

Lời kêu gọi thể hiện ý chí của cả một dân tộc quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập dù phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Điều này đã được Hồ Chí Minh hào sảng khẳng định hơn một năm trước trong lời kết của bản “Tuyên ngôn độc lập”: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy“.

Lời kêu gọi còn cho thấy trong cuộc chiến tranh này, thực dân Pháp sẽ phải đối mặt với sức mạnh vô biên của cả một dân tộc, với thế trận chiến tranh nhân dân: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước“. Hình ảnh đó gợi nhớ hào khí Đông A một thuở, gợi nhớ bức “phù điêu” mà Nguyễn Trãi đã tạc vào lịch sử: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới” trong “Bình Ngô đại cáo”.

Và cuối cùng, Lời kêu gọi thể hiện niềm tin vào chính nghĩa, vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam: “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Niềm tin ấy cũng chính là điều mà cha ông xưa đã từng khẳng định và cũng là lời cảnh tỉnh đối với các thế lực xâm lược: “Lũ giặc cớ sao xâm phạm tới / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Hôm nay, đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, chúng ta như được sống lại không khí hào hùng của dân tộc 70 năm về trước. Lịch sử đã chứng minh cho những gì mà Bác Hồ đã viết trong Lời kêu gọi. Dân tộc này, đất nước này chưa bao giờ khuất phục, sống quì trước bất cứ một thế lực hắc ám nào. Và khi buộc phải cầm vũ khí chống trả, “thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Bởi thế, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến dù đã đi vào lịch sử nhưng tư tưởng của nó vẫn luôn mang tính thời sự, mãi mãi là lời hịch của ông cha đối với các thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vĩ đại.

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

Hồ Chí Minh”

.

Theo DUY XUÂN / KIẾN THỨC

Tags: , ,