Lời ca quan họ và nhân sinh quan của cư dân đồng bằng Bắc Bộ

Dân ca Quan họ là một hình thức sinh hoạt văn hóa âm nhạc độc đáo, không chỉ mang đặc trưng riêng của vùng quê Kinh Bắc mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng Châu thổ sông Hồng. Giá trị về lời ca và giá trị hiệu ứng xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để Quan họ tồn tại và phát triển.

Lời ca quan họ và nhân sinh quan của cư dân đồng bằng Bắc Bộ

 Giá trị nghệ thuật trong lời ca Quan họ

Giá trị lời ca Quan họ thể hiện ở nhiều mặt: nghệ thuật thơ ca và ngôn ngữ thi ca trong lời ca Quan họ, nghệ thuật xây dựng hình tượng, nghệ thuật sử dụng từ có nghĩa cụ thể để thể hiện hàm ý phong phú, sâu rộng, giá trị nội dung tư tưởng của lời ca,…

Gắn liền với những giai điệu của dân ca Quan họ là những lời ca đậm chất thơ, trữ tình và mang âm hưởng cuộc sống. Việc lời ca được sáng tác theo các thể thơ dân tộc khiến cho Quan họ trở nên quen thuộc, sâu lắng dễ cảm nhận từ phía người nghe. Trong mỗi lời ca lại có lời chính và lời phụ, có những bài lời chính được thể hiện một cách rõ ràng, dễ nghe nhưng cũng có những bài lời ca chính xuất hiện một cách kín đáo do có nhiều lời phụ xen kẽ vào. Những tiếng đệm lót xen kẽ giữa lời ca chính tạo nên cho giai điệu, lời ca thêm phần uyển chuyển, mềm mại, những sắc thái khác nhau trong bài ca. Những bài dân ca Quan họ với lời ca giàu chất thi ca của ca dao, tục ngữ, truyện Nôm, nhất là truyện Kiều. Lời ca thường có bóng dáng của câu, chữ trong lời văn hóa dân gian khác. Như khi muốn đưa ra lời khen đối với bạn, các liền chị có thể nói: “Thưa anh Hai, anh Ba… thật là thơm cây, thơm rễ, người giồng (trồng) cũng thơm, đấy ạ!”. Tương tự nội dung ấy, chúng ta có thể thấy câu ca dao:

Người như hoa quế thơm lừng
Thơm cây, thơm rễ, người giồng (Trồng) cũng thơm

Lời ca Quan họ giàu tính thi ca và đạt được những thành tựu độc đáo mà các thể loại dân ca khác chưa có được. Đó là thứ ngôn ngữ có lúc thì mộc mạc, giản dị nhưng có lúc lại được trau chuốt, chứa đựng sự tinh hoa của ngôn ngữ dân ca và tạo cho chúng có một giá trị riêng, độc đáo.

Trong lời ca Quan họ để thể hiện tình yêu, ta ít thấy sự xuất hiện của chữ yêu mà lại dùng chữ thương, hay sự ý nhị trong giao tiếp nam nữ, không dùng từ chàng, nàng… mà dùng chữ người “người ơi, người ở đừng về”… Người Quan họ thật sâu sắc khi sử dụng chữ “người” chứa đựng sự chân thành, đậm đà, tinh tế trong mối quan hệ giữa những người dân trong cùng làng xã hay với khách đến chơi. Nằm trong một hệ thống lời ca của những bài Quan họ, người ta thấy sự lắng đọng của những cảm xúc chân thành và sự khao khát yêu thương.

Mở màn một canh hát bao giờ cũng là sự chào mừng nồng hậu, sự vui mừng khi được sum vầy, rồi cứ thế các cung bậc cảm xúc dắt người hát và người nghe đến tình bạn, tình yêu, nghĩa tình thủy chung:

Ðem vàng mà bắc lên cân
Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười

Hay:

Tay nâng đĩa muối đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau

Kết thúc canh hát là sự luyến tiếc khi chia tay “Người ơi! Người ở đừng về”, sự níu kéo ân tình, bởi có thể họ đã tìm được bạn tâm giao, đậm nghĩa ân tình, để rồi nhắn nhủ nhau ngày gặp lại.

Không chỉ có tình cảm giữa con người với con người mà lời ca Quan họ còn nhắc đến tình yêu quê hương đất nước, cảnh đẹp non sông với hình ảnh quen thuộc của đình làng, của cây đa, giếng nước của những tiếng gọi đò “vẳng tiếng gọi đò”… Những ca từ gắn liền với thiên nhiên, phong cảnh vùng quê lại hòa hợp với hình ảnh của những lễ hội, vẽ lên một khung cảnh quê hương với tình yêu tha thiết.

Giá trị nội dung tư tưởng của lời ca Quan họ bao hàm nhiều ý nghĩa sâu rộng, không chỉ thể hiện nội dung của lời ca về tình bạn, tình yêu, hình ảnh về quê hương đất nước mà còn là ước vọng, khát khao của con người yêu và được yêu, được yên bình, được thỏa khát vọng tự do, ý niệm tâm linh.

Cũng như các loại hình dân ca khác, Quan họ cũng có đặc điểm chung của dân ca Việt Nam: tính hình tượng cao, chứa đựng điển tích và sử dụng nhiều thủ pháp xây dựng hình tượng… Lời ca Quan họ còn được biết đến với giá trị nghệ thuật dùng từ cụ thể để phản ánh một vấn đề trừu tượng, với hàm ý sâu sắc, đây chính là sự sáng tạo đến tài tình của người Quan họ, nhờ vậy mà lời ca Quan họ càng trở nên phong phú, sâu sắc, phát huy được khả năng tưởng tượng và cảm xúc cho người nghe.

Như vậy, giá trị lời ca quan họ được biểu hiện trên nhiều mặt, từ sự mượt mà, mộc mạc nhưng tinh tế của lời ca, cho đến cách phổ thơ và sự xuất hiện của những tiếng đệm một cách linh hoạt, lời ca mang tính biểu trưng, tính hình tượng cao đã tạo nên cho Quan họ những giá trị độc đáo, khác với các loại hình âm nhạc dân gian khác. Nội dung tư tưởng phong phú với những ước muốn về sự đoàn kết, thủy chung giữa con người với con người, sự hòa hợp của con người với thiên nhiên.

Giá trị hiệu ứng xã hội

Khi nói đến hiệu ứng xã hội, chúng ta có thể hiểu: đó là một phản ứng của toàn xã hội trước một sự việc nào đó, gây nên một hiệu quả nhất định. Cho nên Quan họ tạo ra được giá trị hiệu ứng xã hội khi gây nên những ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống người dân, từ đó lại quay trở lại thúc đẩy sự phát triển của dân ca Quan họ.

Về nhận thức cuộc sống

Thứ nhất, Quan họ giúp người dân Quan họ không chỉ hát mà còn sống theo lề lối của hát Quan họ, ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, giúp họ không chỉ trở thành những con người hòa đồng, giản dị chân thành, mà còn biết thể hiện ước mơ, khát khao một cuộc sống yên bình. Dân ca Quan họ trở thành sợi dây nghĩa tình, yêu thương, của tình bạn, tình yêu nam nữ mang màu sắc Quan họ với phong tục, lề lối Quan họ đã ước định. Con người có thể thoát ra khỏi những trăn trở, bộn bề cuộc sống để thấy cuộc đời tươi đẹp hơn.

Thứ hai, nhận thức được sự thay đổi của đời sống xã hội để có những sự tự chuyển hóa, tự thích nghi để đáp ứng những nhu cầu về văn hóa, nghệ thuật, đời sống của dân vùng Quan họ.

Thứ ba, họ nhận thức được giá trị của Quan họ trong đời sống của chính họ với những ngày hội được vui vẻ ca hát, là nơi được phô diễn những dồn nén mà trong cuộc sống thường nhật họ không thể hiện được.

Thứ tư, trong làn điệu Quan họ chúng ta không nhận thấy sự phân biệt đẳng cấp, phân biệt thân phận mà ở đây là mối quan hệ bình đẳng có sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các thân phận khác nhau. Chỉ có đến với Quan họ, ở Quan họ ta mới bắt gặp sự bình đẳng giữa con người với con người. Điều này giúp cho cộng đồng người dân vùng quan họ biết cần phải tôn trọng nhau, bình đẳng về mọi giá trị của cuộc sống…

Thứ năm, Quan họ với những lề lối, cách giao tiếp có phần chặt chẽ đã giúp hình thành một lề lối, cách ứng xử của người hát Quan họ một cách nhân văn, thanh lịch.

Ngoài ra, người dân vùng Quan họ còn có thể đưa các giá trị dân ca Quan họ trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân. Nhờ đó mà ý thức về việc cần phải bảo tồn một cách triệt để các giá trị nghệ thuật đặc sắc ấy để phát huy, đưa chúng trở thành thế mạnh cho vùng.

Kết cấu cộng đồng

Với những giá trị của Quan họ mang lại, chúng giúp cho các vùng Quan họ có một kết cấu cộng đồng vững chắc.

Từ trong truyền thống của người dân Việt Nam luôn có sự đoàn kết và liên kết cộng đồng một cách vững chắc, với bằng chứng là sự đoàn kết tạo nên sức mạnh chống lại mọi thế lực bên ngoài cướp nước. Sự giúp đỡ, đùm bọc nhau trong mọi khó khăn, hoạn nạn đã ăn sâu vào trong đức tính mỗi con người. Chính vì vậy, trong các bài ca, cách thức biếu diễn, lĩnh xướng của dân ca Quan họ cũng đã tạo nên được giá trị kết nối cộng đồng từ đó mà kết cấu cộng đồng được vững chắc.

Giá trị kết cấu cộng đồng được thể hiện ở việc tạo thành các làng Quan họ, các liền anh, liền chị gắn bó, kết chạ chia sẻ với nhau những kĩ thuật hát sao cho đạt được “vang, rền, nền, nảy”, hay truyền cho nhau lời ca của các bài ca Quan họ, hỗ trợ nhau trong ứng tác khi hát đối, hát giao duyên. Vào dịp có hội lễ, chạ anh chạ em thường mời nhau sang dự hội, cùng ca vui ở hội hoặc ca những canh hát thâu đêm trong nhà. Từ đó cộng đồng được gắn kết với nhau không chỉ ở trong một làng mà còn với các làng khác.

Dân ca Quan họ với những giá trị độc đáo, nhân văn của mình đã ăn sâu vào con người, làng xã, tạo nên được giái trị cộng đồng với một kết cấu thực sự vững chắc. Đây chính là cơ sở, nền tảng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Quan họ, đưa Quan họ lên một vị trí mới, tạo ra những hiệu ứng tích cực từ mỗi người dân.

Lưu truyền tri thức dân gian

Theo tổng hợp ý kiến từ các nhà nghiên cứu thì tri thức dân gian là hệ thống của sự hiểu biết được giới hạn trong phạm vi của một cộng đồng trên một địa bàn cư trú nhất định. Khái niệm về “tri thức dân gian” của GS.TS. Ngô Đức Thịnh “tri thức dân gian có tính địa phương, tính truyền thống, tính bản địa ở một khu vực cụ thể; là hoạt động văn hóa có bối cảnh cụ thể; tri thức không chính thức, được truyền miệng, không ghi lại dưới dạng tài liệu văn bản; có tính biến đổi và thích nghi, liên quan mật thiết với sự sống còn và tồn tại của nhiều cộng đồng người trên thế giới; có chính thể luận về bản chất” [33; tr.2].  Như vậy, tri thức dân gian của dân ca Quan họ chính là hoạt động hát dân ca Quan họ với những hội hát, những chiếu hát, những lời ca được truyền khẩu lại qua bao đời, chúng cũng được biến đổi theo thời gian, thích nghi với sự phát triển của xã hội. Trong tri thức dân gian còn bao gồm cả tri thức về ứng xử xã hội, ứng xử cộng đồng.

Giá trị tri thức dân gian hiển hiện một cách rõ nét và ở một phương diện khác đó là tục kết bạn, giao lưu giữa liền anh, liền chị, giữa các làng có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau, sự đối đáp, ứng đáp qua lại một cách chân thành tạo cho mối quan hệ giữa những người dân trong làng, làng này với làng kia trở nên gắn bó, khăng khít.

Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, dân ca Quan họ từ hát không nhạc đệm biến đổi sang có nhạc đệm để thích nghi với xu hướng của những người trẻ tuổi. Hay những bài dân ca Quan họ mới dựa trên giai điệu cũ để sáng tác lời mới hoặc mới hoàn toàn… Cách thức truyền dạy và sinh hoạt Quan họ cũng biến đổi không chỉ từ ở đình, ở lễ hội mà sinh hoạt trong các CLB, hát ở nhiều địa điểm khác nhau, thậm chí có những chiếu Quan họ diễn ra ở nhà nghệ nhân nào đó để phù hợp với việc phát triển rộng rãi sinh hoạt Quan họ trong cộng đồng. Dân ca Quan họ có giá trị lưu truyền tri thức dân gian, mang những nét đặc sắc riêng của Quan họ và biến đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới. Điều này là cơ sở để Quan họ được bảo tồn và phát triển bền vững, lâu dài.

Kết luận

Giá trị nghệ thuật trong lời ca Quan họ và giá trị ứng xử xã hội chính là những sự khát khao yêu thương giữa con người với con người, được biểu hiện ở nhiều sắc thái tình cảm, tình bạn, tình yêu đôi lứa… cùng với những đỉnh điểm nghệ thuật của thơ ca, sự thăng hoa trong âm nhạc, đã trở thành nội dung tình cảm, tư tưởng chủ đạo trong hệ thống các bài ca Quan họ, góp phần tạo nên sự bất diệt của những giá trị Quan họ.

Theo VHNTBACGIANG.EDU.VN

Tags: , ,