Lịch sử hình thành và phát triển đạo Công giáo ở Trung Quốc

Trong tiếng Trung Quốc, Cơ đốc giáo có 2 nghĩa, một là chỉ sự rộng mở và hai là tôn thờ Chúa Cứu thế Gia tô. Cơ đốc giáo bao gồm 3 phái lớn: Công giáo, Chính giáo, Tân giáo và một số phái nhỏ khác.

Lịch sử hình thành và phát triển đạo Công giáo ở Trung Quốc

Lược dịch từ “Tôn giáo Trung Quốc”, Nhà Xuất bản Ngũ Châu ấn hành.

So với Phật giáo và Hồi giáo, con đường Cơ đốc giáo (Christianity) được truyền vào Trung Quốc có thể nói rất gập ghềnh, chông gai. Từ thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, Cơ đốc giáo du nhập vào Trung Quốc sớm nhất là hệ phái Nishituoni, đương thời được gọi là Cảnh giáo. Tại Tây An ngày nay vẫn còn lưu lại tấm bia đá do các giáo sĩ Cảnh giáo lập vào năm 781, ghi lại sự trọng đãi của triều đình nhà Đường đối với họ. Giữa thế kỷ thứ IX, hoàng đế nhà Đường ra lệnh “diệt Phật”, Cảnh giáo cũng chịu chung số phận liên lụy, từ đó biến mất khỏi nội địa.

Đến triều Nguyên (1271-1368) Công giáo chính thức truyền nhập vào Trung Quốc. Năm 1294, phụng mệnh Giáo hoàng Roma, giáo sĩ John Melgawash (1247-1328) đến Đại Đô (Bắc Kinh ngày nay). Triều Nguyên cho phép ông xây dựng giáo đường tại kinh thành. Vào đời Nguyên, tín đồ Công giáo chủ yếu là một số quý tộc Mông Cổ và thương nhân nước ngoài. Năm 1368 nhà Nguyên sụp đổ, Công giáo cũng dần dần biến mất khỏi Trung Nguyên.

Thế kỷ XVI, dựa vào sự mở rộng của chủ nghĩa thực dân phương Tây, Công giáo một lần nữa tiến vào Trung Quốc. Người lập nền móng cho Công giáo ở Trung Hoa là giáo sĩ người Italia, Ricci Matteo (1552-1610).

Năm 1554, người Bồ Đào Nha sau khi biến Ma Cao thành thuộc địa đã làm cho Ma Cao dần trở thành trung tâm truyền giáo của Công giáo vùng viễn Đông bằng cách lập Hội Giatô. Năm 1582, giáo sỹ Ricci Matteo phụng mệnh Phạm Lễ An (1538-1600) thị sát viên vùng viễn Đông tới Ma Cao học tiếng Hán. Trước đó Phạm Lễ An đã nghiên cứu rất kỹ và cụ thể tình hình hoạt động truyền giáo ở Trung Hoa, từ đó ông đã phá bỏ những nghi thức tôn giáo, điều chỉnh sách lược từ trước đây là phát triển truyền bá phong tục phương Tây và chữ La tinh sang chú trọng học tiếng Hán, tri thức văn hóa bản địa, thích ứng với phong tục tập quán của Trung Quốc.

Năm 1583 Ricci Matteo đến Quảng Đông, ông không chỉ mở rộng giao tiếp với giới quan lại, văn nhân mà còn Trung Quốc hóa chính mình. Sinh sống tại Trung Quốc nhiều năm, Ricci Matteo nhận thấy để Công giáo “sinh cành, nảy lộc” phát triển được, cần phải nhận được ân chuẩn của hoàng đế. Do đó, ông đã lợi dụng tất cả mọi thời cơ để tranh thủ cảm tình của hoàng đế. Năm 1601, Ricci Matteo đến Bắc Kinh, dâng lên hoàng đế tượng Chúa, tượng Đức Mẹ đồng trinh, đồng hồ chuông, đàn dương cầm… Từ đó ông thường vào cung sửa chữa đồng hồ. Triều đình nhận thấy ông có kiến thức về thiên văn, địa lý nên ban cho chức quan và mở giáo đường truyền giáo.

Ngoài Hội Giatô, các tu hội Công giáo khác cũng ào ạt thâm nhập vào Trung Quốc. Năm 1637, tín đồ Công giáo đã có hơn 4 vạn người. Tới năm 1661, tại 15 tỉnh của Trung Quốc, trừ Vân Nam và Quý Châu, đều có dấu tích hoạt động của Công giáo.

Giữa thế kỷ XVII, các giáo sĩ người Pháp dựa vào thế lực của thực dân Pháp tiến bước vào châu Á. Giáo hội Rôma quyết định thúc đẩy phát triển Công giáo ở Trung Quốc, bảo đảm quyền lực của Công giáo trên phạm vi các khu truyền giáo mà thực dân Bồ Đào Nha đã làm trước đây. Ủy thác cho các giáo sĩ Tây Ban Nha, Pháp, Ý tiếp tục chăn dắt con chiên tại các vùng đất này.

Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, tôn thờ đạo Khổng và tổ tiên là lễ nghi và phong tục lâu đời. Ricci Matteo là người rất am hiểu nội tình Trung Quốc, vì vậy ông có thái độ rất khoan dung, rộng mở, không ngăn cấm các tín đồ Trung Quốc tiến hành lễ nghi thờ đạo Khổng, thờ phụng tổ tiên. Tuy nhiên, lúc đó trong nội bộ Hội Giatô có nhiều ý kiến trái ngược nhau nên đã gây ra cuộc tranh cãi kịch liệt. Sau khi các đoàn truyền giáo của Tây Ban Nha và Pháp tiến vào Trung Quốc, những cuộc tranh luận như vậy càng trở nên gay gắt. Lập trường của Giáo hội Rôma lúc đầu còn chưa dứt khoát, sau đó họ tán đồng chủ trương của những giáo sĩ truyền giáo người Tây Ban Nha và Pháp. Năm 1704, Giáo hoàng Rôma nghiêm cấm tín đồ Trung Quốc giữ lễ nghi cổ truyền. Chính điều này đã làm nảy sinh xung đột giữa giáo hội Rôma và triều đình nhà Thanh. Năm 1720, Hoàng đế Khang Hy hạ lệnh nghiêm cấm các hoạt động truyền giáo của Công giáo. Các đời sau vẫn duy trì lệnh đó, thời gian kéo dài tới hơn 100 năm. Vào giai đoạn này, tuy vẫn có các giáo sĩ phương Tây vào Trung Quốc truyền giáo, song những hoạt động như thế về cơ bản bị coi là nằm ngoài pháp luật. Tới đầu thế kỷ XIX, tín đồ Công giáo Trung Quốc từ 30 vạn người vào đầu thế kỷ XVIII tụt xuống còn 20 vạn người.

Năm 1840, thực dân phương Tây pháo kích vào cửa ngõ Trung Quốc, buộc triều đình nhà Thanh phải ký hàng loạt các điều ước thỏa hiệp, Giáo hội Rôma dựa vào thế lực truyền giáo của các nước thực dân mở rộng hoạt động truyền giáo. Năm 1844, trong bản “Điều ước Hoàng Phố” giữa Pháp và Trung Quốc đã quy định người Pháp được phép xây dựng nhà thờ tại năm bến cảng thông thương, quan lại địa phương có nghĩa vụ phải bảo đảm điều này. Tháng 12 cùng năm đó, dưới áp lực của Pháp nhà Thanh buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm Công giáo hoạt động. Năm 1858, trong “Điều ước Thiên Tân” ký với Pháp, triều đình nhà Thanh đồng ý cho các giáo sĩ nước ngoài được phép vào nội địa Trung Quốc truyền giáo. Năm 1860 “Điều ước Bắc Kinh” Trung – Pháp quy định trả lại tài sản của Công giáo mà trước đây đã bị triều đình tịch thu.

Những điều ước đã ký với Pháp bảo đảm toàn diện đặc quyền chính trị của Công giáo. Sau hơn 10 năm ngoại giao, đàm phán giữa Giáo hội Roma và chính phủ Bồ Đào Nha. Cuối năm 1856, hai bên đã đạt được thỏa thuận, loại bỏ quyền của người Bồ Đào Nha tại các vùng Công giáo ở Bắc Kinh và Nam Kinh trước đây, giao lại cho người Pháp quản lý. Sau những năm 80 của thế kỷ XIX, Đức và Ý cũng giành được quyền bảo hộ giáo sĩ truyền giáo tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, nhiều tu hội Công giáo dần dần quay trở lại Trung Quốc. Năm 1900, Giáo hội Rôma thiết lập tại Trung Quốc 40 xứ đạo trong đó 20 xứ thuộc về hội truyền giáo của Pháp. Tín đồ Công giáo phát triển lên 74 vạn người. Cùng với đó, xung đột giữa Công giáo và xã hội Trung Quốc cũng diễn ra mãnh liệt, hàng loạt vụ tranh chấp, va chạm giữa người dân và các giáo sĩ phương Tây xảy ra tại nhiều địa phương mà trong sử gọi là các “vụ án tôn giáo”.

Năm 1900, tại các tỉnh phía Bắc Trung Quốc nổ ra phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, phong trào này do lực lượng nông dân làm chủ với khẩu hiệu “phản đế ái Quốc” đó cũng là một cuộc đấu tranh do tích tụ nhiều mâu thuẫn sau hơn nửa thế kỷ giữa Công giáo với dân chúng. Trong phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, Công giáo đã gặp phải tổn thất nặng nề, nhiều nhà thờ bị đốt phá, tổ chức giáo hội ở một vài địa phương gần như bị xóa sổ hoàn toàn.

Sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, Công giáo cũng đã ý thức được những vấn đề tồn tại của chính mình. Giáo hội Rôma ra lệnh nghiêm cấm giáo sĩ truyền giáo tự ý tranh tụng với tín đồ Trung Quốc bất kể đúng hay sai, bao dung với các tín đồ đã vượt quy định của Giáo hội. Không cho phép Giáo hội và giáo sĩ truyền giáo tham gia vào các hoạt động ngoại giao, chính trị. Đồng thời cũng chú trọng các hoạt động như giáo dục, y tế, làm từ thiện để mở rộng tầm ảnh hưởng trong xã hội. Rất nhanh chóng ngay sau đó, Công giáo đã có được bước phát triển lớn. Theo thống kê, năm 1920 tín đồ Công giáo là xấp xỉ 20 triệu người, đến năm 1940 lên đến hơn 30 triệu người. Số lượng đó duy trì đến năm 1949 khi nhà nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Từ năm 1840 -1949 trải qua hơn 100 năm phát triển, tại Trung Quốc, Công giáo tuy đã có hơn 30 triệu tín đồ, xong Giáo hội Trung Quốc vẫn hoàn toàn nằm dưới sự khống chế của chính quyền ngoại đạo và giáo sĩ nước ngoài. Quyền lãnh đạo Giáo hội trước sau đều nằm trong tay các Giám mục phương Tây. Theo tài liệu của Giáo hội Công giáo Trung Quốc, năm 1903 tại Trung Quốc số lượng linh mục người nước ngoài là 1075 người, linh mục người bản địa là 499 người. Tới năm 1949 số lượng tương đương lần lượt là 6024 người và 2155 người. Năm 1946, Trung Quốc có 20 Tổng giám mục, 17 người trong số đó là người nước ngoài. Tại 17 giáo phận có hơn 110 người nước ngoài đảm nhận chức giám mục. Đại đa số giám mục người nước ngoài coi tín đồ Trung Quốc là giáo dân của họ. Vào thời kỳ đó giám mục, linh mục người quốc gia nào tại nhà thờ của mình treo quốc kỳ nước đó.

Bước sang thế kỷ XX, phong trào phản đế cứu quốc của nhân dân Trung Quốc ngày một dâng cao, một bộ phận tín đồ Công giáo cũng nhiệt tình hưởng ứng, họ tỏ rõ thái độ bất mãn trước việc Giáo hội Trung Quốc bị khống chế bởi các thế lực bên ngoài và chủ trương nhanh chóng bồi dưỡng xây dựng các chức sắc tôn giáo người Trung Quốc, thực hiện thành lập giáo hội. Nhưng những hành động đó rất nhanh chóng gặp phải sự ngăn cản của Giáo hội đương thời. Các giáo sĩ truyền giáo phương Tây tuy cũng có một số ít ủng hộ và cổ vũ cho các phong trào yêu nước của nhân dân Trung Quốc xong đại đa số là ngăn cản. Ngày 1/10/1949 nước CHDCND Trung Hoa được thành lập, chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, Tòa thánh Vatican vẫn chưa thừa nhận một nước Trung Quốc mới. Nhiều giáo sĩ truyền giáo tự động rời khỏi đại lục. Tại 137 giáo xứ trên cả nước chỉ còn hơn 20 giám mục. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Công giáo Trung Quốc. Trong điều kiện đó, Giáo hội Công giáo Trung Quốc kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự thực hiện nhưng không hề đoạn tuyệt liên hệ, giao tiếp với Giáo hội Công giáo các nước trên thế giới. Trên thực tế sau khi tiến hành sự nghiệp xây dựng đất nước cho đến nay, đặc biệt là sau gần 30 năm thực hiện cải cách mở cửa Đoàn giám mục Công giáo Trung Quốc, Hội Ái quốc Công giáo Trung Quốc và các xứ đạo toàn quốc đã tiếp đón nhiều tín đồ và chức sắc Công giáo đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có nhiều chức sắc, tôn giáo và các nhà hoạt động xã hội Công giáo nổi tiếng. Đồng thời, Giáo hội Công giáo Trung Quốc cũng cử các đoàn tham quan đến nhiều Giáo hội Công giáo trên khắp thế giới, tham gia hội thảo nghiên cứu thần học quốc tế, Đại hội thế giới và hòa bình tôn giáo. Theo thống kê chưa hoàn chỉnh hiện nay Trung Quốc có hơn 50 triệu tín đồ Công giáo, tăng 20 triệu người so với thời điểm năm 1949. Giáo hội có hơn 60 tu viện nữ, số lượng nữ tu đã phát nguyện là hơn 3000 người, hơn 1000 trường sơ học nữ tu, cơ sở in ấn của các giáo xứ in ra hơn 30 triệu cuốn kinh thánh. Trên khắp cả nước có hơn 5600 nhà thờ. Từ khi cải cách mở cửa đến nay bình quân chưa đến hai ngày có một nhà thờ được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng.

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: ,