Lào trên bản đồ chính trị quốc tế: Kho tài nguyên các cường quốc thèm muốn

Các nguồn tài nguyên được xem như một phương tiện thúc đẩy Lào trở thành nước có ảnh hưởng trong tương lai, đồng thời buộc các nước khác phải chú ý tới họ.

Lào trên bản đồ chính trị quốc tế: Kho tài nguyên các cường quốc thèm muốn

Nguồn: Tạp chí quốc tế và chiến lược – Pháp, số 98/2015.

Là một nước nhỏ ít dân song lại có những nguồn tài nguyên quan trọng và những vùng đất nông nghiệp màu mỡ thuận lợi cho trồng trọt năng suất cao, Lào đã đảm bảo sự ổn định lâu dài của mình với việc đáp ứng các mục tiêu và thúc đẩy cải cách kinh tế hướng tới nền kinh tế thị trường ngay từ cuối những năm 1980. Vị trí địa lý nằm ở giữa Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam khiến nước này phải sử dụng các chiến lược tăng cường và đồng thời trong các mối quan hệ song phương, khu vực và đa phương, xây dựng một hình mẫu chiến lược thực sự, một mặt vừa giữ vững chủ quyền, và mặt khác đóng vai trò điều phối, là trung gian cho sự hội nhập khu vực. đăng bài phân tích về tình hình địa chính trị của Lào gắn với việc khai thác nguồn tài nguyên phục vụ sự hội nhập khu vực, nội dung như sau:

Việc khai thác các nguồn tài nguyên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là một yếu tố chính của những lo lắng về chính trị, xã hội và môi trường trong trung hạn, đồng thời tạo nên động lực tiềm tàng cho sự tăng trưởng kinh tế, đổi mới địa chính trị và ngoại giao quan trọng. Thực vậy, vai trò của các nguồn tài nguyên và đất đai phong phú đầy hứa hẹn, từ một thập kỷ qua, đã tạo ra cơ hội đáng kể cho đất nước này. Là quốc gia duy nhất trên bán đảo Đông Dương không có biển, Lào giữ một vị trí địa lý đặc biệt, vừa nằm lọt ở giữa, vừa nằm ở ngã tư địa chiến lược của khu vực. Lào cũng là nước duy nhất có các đường biên giới với toàn bộ các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong (GMS). Suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này từng bị thống trị, kiểm soát hay bảo hộ của các nước lớn cạnh tranh nhau nhằm khai thác vùng đất giàu tài nguyên rộng lớn và kiểm soát vị trí quốc gia vùng đệm của Lào. Vì thế, nhận thức về Lào có nguồn tài nguyên phong phú không phải là mới và đã bắt đầu được khai thác trong giai đoạn thực dân. Từng được xem là “chốn hẻo lánh bị lãng quên thời thực dân”, “chiến trường”, “quốc gia vùng đệm”, và gần đây hơn là “đất nước quá cảnh”, vùng lãnh thổ của Lào luôn được các chủ thể bành trướng xem là đường biên giới tự nhiên và có tính biểu tượng. Sự hiện diện của các cường quốc phương Tây vào cuối thế kỷ 19, đã làm đảo lộn sự cân bằng khu vực và khiến Lào trở thành một nước có ý nghĩa chiến lược lớn, gắn số phận bi kịch của một đất nước trải qua các cuộc chiến liên tiếp, được nhiều nước xem là điểm đến giàu tài nguyên.

Sau Chiến tranh Việt Nam năm 1975, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từng là nạn nhân của chế độ thực dân châu Âu và ảnh hưởng địa chính trị của Chiến tranh Lạnh, ở trong tình trạng bị cô lập với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (PPRL), theo đường lối Mác-Lênin. Những năm đầu tiên của chế độ thể hiện sự thất bại trên bình diện kinh tế và nước này trong tình trạng đóng cửa, quan hệ đối ngoại với các nước phương Tây suy giảm đáng kể (với Mỹ), hay đình chỉ quan hệ trong một số trường hợp (với Pháp). Việc xây dựng một cơ chế kinh tế mới vào năm 1986, một phiên bản của chính sách Đổi mới ở Việt Nam, đã đánh dấu sự khởi đầu của chính sách mở cửa và hội nhập khu vực. Hiện nay, Chính phủ Lào đang có tham vọng được các nước láng giềng và các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ tài chính, chuyển đổi đất nước thành trung tâm kinh tế của khu vực. Bước chuyển này đã được thực hiện bằng việc xác định lại các chiến lược kinh tế, chính trị và địa chính trị của đất nước, vốn đã cam kết bước vào thời kỳ quá độ chuyển sang nền kinh tế thị trường theo mô hình Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, các phương tiện kinh tế và công nghệ, cũng như quyết tâm chính trị của các nước láng giềng và các nhà tài trợ khác, đứng đầu là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, đang có xu hướng tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Trong bối cảnh này, các nguồn tài nguyên và đất đai được Chính phủ Lào xem là nguồn lực thúc đẩy đất nước phấn đấu đứng vào hàng ngũ nước lớn khu vực, buộc các nước khác phải chú ý tới Lào.

Nguồn tài nguyên phong phú khiến nước khác thèm muốn

Lào sở hữu những nguồn tài nguyên quan trọng, cho phép khai thác các lĩnh vực thủy điện, mỏ và các vùng đất nông nghiệp (trồng cây cao su, bạch đàn, sắn, mía, trầm hương…). Từ khoảng 20 năm nay, trong khi các thể chế (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN, Ngân hàng phát triển châu Á-ADB) và các hành lang phát triển tạo thành những vành đai cho sự hội nhập của Lào, thì việc khai thác những nguồn tài nguyên và đất đai giúp thúc đẩy tiến trình hội nhập của nước này. Ngay từ thời điểm mở cửa kinh tế, các hiệp định song phương về các nguồn tài nguyên đã gia tăng. Lào giờ đây được các nước láng giềng và các chủ thể của những lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thực phẩm xem là một khu vực đáng để đầu tư.

Trước hết, có sự bổ trợ mạnh mẽ giữa Lào và các nước láng giềng, những nước quan tâm đến những gì họ không có, hoặc muốn có nhiều hơn khi đầu tư khai thác ở Lào. Đó là những nguồn tài nguyên quan trọng và các vùng đất nông nghiệp có thể khai thác trên diện tích lớn. Ngoài ra, nhiều nguồn tài nguyên được chia sẻ giữa các nước: nguồn nước, khu dự trữ đa dạng sinh học,… Ví dụ, việc quản lý sông Mekong và những nhánh sông của nó, có thể được bàn bạc cùng nhau, đặc biệt thông qua các dự án đập thủy điện, và xác định cung ứng nguồn nước cho người dân tưới tiêu, và sau cùng với triển vọng phòng ngừa xung đột. Một ghi nhận khác là trong bối cảnh toàn cầu hóa các nền kinh tế và các trao đổi, sự hội nhập khu vực qua việc khai thác các nguồn tài nguyên và đất đai được xem là một trong những định hướng chủ yếu nhằm định vị Lào ở khu vực Đông Nam Á. Sau cùng, bối cảnh quốc tế, được ghi nhận bởi việc tăng giá các nguồn tài nguyên và nguyên liệu, tạo ra một cơ hội lịch sử nhằm tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Cơ hội này chỉ có thể được nắm bắt theo cách tiếp cận khu vực, và các nước láng giềng là những khách hàng đầu tiên.

Cam kết trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các dự án hành lang kinh tế, vậy nên Lào đã trang bị một chính sách mềm dẻo với các quy định về đầu tư nước ngoài và thành lập các doanh nghiệp. Nguyên tắc là thúc đẩy sự phát triển của đất nước với việc rút ra những lợi thế so sánh chủ yếu của Lào, đó là nguồn tài nguyên về năng lượng và khai khoáng, cũng như đất đai, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nhờ vào một hệ thống tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng đất khai thác trong một thời gian nhất định, nhằm triển khai các dự án lớn (thủy điện, mỏ, và trồng cây công nghiệp). Trong giai đoạn 1990-2011, các dự án khai thác tài nguyên đã chiếm 71% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn khoảng 16,3 tỷ USD. Chúng được tập trung đầu tư trong việc xây dựng các đập thủy điện, dù có một vài năm ngừng triển khai. Lĩnh vực kinh tế này là tốt nhất, với gần 9,5 tỷ USD được đầu tư trong 15 dự án xây dựng đập thủy điện. Đứng thứ hai là lĩnh vực khai thác mỏ, đã huy động trong 22 năm với 4,93 tỷ USD nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, việc tập trung khai thác mỏ ở Lào chỉ thực sự bắt đầu cách đây khoảng 10 năm với việc khai thác các mỏ công nghiệp Phu Kham và Sepon: trong giai đoạn 2000-2011, Lào đã tiếp nhận 99% vốn FDI của cả giai đoạn 1990-2011. Luồng đầu tư tập trung vào nông nghiệp năng suất cao cũng theo hướng tương tự. Bắt đầu từ năm 2003, số tiền đầu tư tăng mạnh, lần đầu tiên vượt xa ngưỡng 100 triệu USD. Trong giai đoạn 2003-2011, Lào đã tiếp nhận gần 1,6 tỷ USD, chiếm 90% vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 1990-2011. Cũng giống như lĩnh vực khai khoáng, sự gia tăng rõ nét nguồn vốn đầu tư này tương ứng với những năm đầu tiên triển khai (2003-2004) các dự án sản xuất mủ cao su trên diện tích lớn.

Trụ cột của nền kinh tế

Chính phủ Lào xem việc khai thác những nguồn tài nguyên và đất đai là trụ cột của nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và mang lại nguồn thu quan trọng. Hơn nữa, xu hướng này hoàn toàn thích ứng với chiến lược xóa đói giảm nghèo của Lào được xây dựng năm 2004. Kể từ đó, định hướng này đã được tái khẳng định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 6 và 7 (2005-2010, 2011-2015), với mục tiêu cơ cấu nền kinh tế quốc gia xoay quanh việc khai thác các nguồn tài nguyên.

Dựa vào sự năng động của khu vực, với đầu tàu là Trung Quốc, chiến lược kinh tế này đã cho phép Lào cải thiện qua từng năm các chỉ số kinh tế của họ. Các nguồn tài nguyên thủy điện, khai khoáng và nông nghiệp năng suất cao là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự hội nhập của khu vực. Theo Ngân hàng trung ương Lào, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 6 lần trong giai đoạn 2001-2011, từ 320 triệu USD lên 1,85 tỷ USD. Từ năm 2001, việc khai thác xuất khẩu các nguồn tài nguyên chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một điều thú vị là trong khi xuất khẩu điện có chút biến động, thì xuất khẩu trong lĩnh vực khai khoáng hoàn toàn bùng nổ, từ con số không vào năm 2001 lên 812 triệu USD năm 2011. Tương tự với lĩnh vực nông nghiệp năng suất cao, với tổng lượng xuất khẩu tăng gần 172 triệu USD vào năm 2011, thay vì mức 9 triệu USD năm 2001.

Đồng thời, trong giai đoạn 2010-2011, nguồn thu từ thuế tài nguyên của Lào đã tăng gấp 8 lần, so với giai đoạn 2001-2002, lên gần 100 triệu USD. Sự tăng mạnh này xuất phát từ việc tăng gấp đôi sản lượng thủy điện và mỏ, cũng như việc tăng giá khoáng sản, đặc biệt là vàng.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sự đóng góp của lĩnh vực tài nguyên và nông nghiệp với ngành trồng trọt xuất khẩu (cao su, bạch đàn,…) của Lào vào sự tăng trưởng trong những năm vừa qua tăng gần 40%. Với giai đoạn 2013-2015, thật hữu ích để ghi nhận rằng những dự báo về mức đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của lĩnh vực tài nguyên gần 25%. Tỉ lệ này sẽ tăng từ năm 2015, với việc đưa vào hoạt động khoảng 10 đập thủy điện, trong đó sản lượng hầu như chỉ dành cho xuất khẩu trực tiếp sang các nước láng giềng.

Một địa điểm ưu tiên để gây ảnh hưởng

Không có gì ngạc nhiên khi những nước có đầu tư lớn nhất trong giai đoạn 2000-2011 là Việt Nam (4,77 tỷ USD), Trung Quốc (3,43 tỷ USD) và Thái Lan (2,85 tỷ USD). Tổng mức đầu tư của họ tương ứng với 79,2% vốn FDI vào Lào. Nguồn vốn này được đầu tư vào 2690 dự án, khẳng định tỉ lệ tăng trưởng của lĩnh vực thủy điện và khai mỏ là lớn nhất (chiếm 51,2% vốn đầu tư). Tuy nhiên, các số liệu thống kê chính thức chỉ phản ánh phần nào thực tế, trong chừng mực họ không tính đến hoạt động của tiểu thương, xuất khẩu tiểu ngạch và buôn lậu hiện diện trên khắp lãnh thổ Lào, đặc biệt ở gần các khu vực biên giới.

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các nước láng giềng cần những nguồn tài nguyên và đất đai của Lào. Về phần mình, Lào cần nguồn vốn của Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam để phát triển. Tuy nhiên, sự hiện diện của nhiều chủ thể khu vực, cùng cạnh tranh với các cường quốc phương Tây, đến lúc có thể tạo ra nhiều vấn đề về sự can dự chính trị và cạnh tranh, cho dù cho đến nay Viêng Chăn bác bỏ, ít nhất theo vẻ bề ngoài, việc ưu tiên nước láng giềng này hơn nước láng giềng khác. Trong bối cảnh này, sự cân bằng của các nước lớn trong việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Lào thể hiện như sau: thủy điện đối với Thái Lan, khai khoáng và trồng cây cao su đối với Trung Quốc, và “gần như mọi lĩnh vực” đối với Việt Nam. Vậy nên điều đó đặt ra vấn đề về hậu quả. Dễ nhận ra nhất là việc khai thác các nguồn tài nguyên và năng lượng được xem như là cơ sở cho sự hội nhập khu vực của Lào. Với tổng thể đất nước, người ta tham gia sự phân đoạn và chuyên biệt hóa không gian qua các vành đai năng lượng và khai thác các nguồn tài nguyên, mà những dấu ấn đã được ghi nhận trên các hành lang phát triển, các chương trình do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Chính sách đối ngoại của Viêng Chăn liên quan đến tài nguyên thoạt nhìn dường như song hành với chính sách đổi mới kinh tế và quyết tâm hội nhập khu vực của Lào. Hơn nữa, điều này được thể hiện rất rõ nét trong ý đồ hòa nhập chính sách tự do mới với một chiến lược hiện thực tự do nhằm cân bằng giữa các nước lớn. Về phương diện này, chiến lược cân bằng với các nước láng giềng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài nguyên, mà còn được mở rộng tới toàn bộ chính sách ngoại giao của Lào. Do vậy, sự hội nhập khu vực thông qua việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cho thấy một chiến lược địa chính trị. Tuy nhiên, liệu rằng nó có đáp ứng với một tầm nhìn dài hạn, liệu đó có phải là một sự lựa chọn địa chính trị chắc chắn hay đó chỉ là một thành phần trong một chiến lược tổng thể hơn, thậm chí mang tính thử nghiệm, nhằm bảo vệ chế độ Nhà nước-Đảng cầm quyền từ năm 1975? Thực vậy, việc chấm dứt sự cô lập về ngoại giao và kinh tế dường như phụ thuộc vào sự sống còn của chế độ.

Lãnh thổ của Lào là một trong những trụ cột về mặt địa lý của khu vực Đông Á. Thực vậy, đó là một điểm nút địa chiến lược giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Lào không thể và đã không thể trong tiến trình lịch sử của mình bỏ qua vai trò của ba nước lớn láng giềng, cũng như không thể tăng sức ảnh hưởng của họ trên trường khu vực và quốc tế. Đối mặt với tham vọng của Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, Lào với những nguồn lực của họ có thể dễ bị gây tổn thương. Đất nước này thường được xem là phần lãnh thổ kéo dài của các nước láng giềng, một nguồn dự trữ tài nguyên cho phép các nước láng giềng phát triển kinh tế. Điều đó không ngăn cản Lào chống lại mưu đồ kiểm soát các nguồn tài nguyên và đất đai như việc tiếp tục gia hạn đình chỉ một số hoạt động khai thác mỏ và tài nguyên trên lãnh thổ Lào đến cuối năm 2015. Chính phủ Lào dường như hoàn toàn nhận thức được lợi ích chiến lược mà vùng đất và nguồn tài nguyên của họ mang lại và hoàn toàn chứng tỏ khả năng tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao và tài chính. Họ khéo léo giữ vai trò cân bằng, ví dụ dùng những tham vọng của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên của Lào để làm đối trọng với việc khai thác đơn phương từ phía các doanh nhân Thái Lan thiếu thận trọng. Ngoài ra, Viêng Chăn sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc và sự lo ngại mất ảnh hưởng của Việt Nam để buộc Việt Nam đầu tư hàng loạt, và do đó cho phép họ giữ vị thế là nhà đầu tư số một ở Lào. Nếu vị thế địa chính trị của Lào trong chính sách láng giềng khu vực của họ vẫn còn là một ưu tiên, thì Lào đã lựa chọn một sự hợp tác ngày càng tích cực hơn với các đối tác khác ở xa hơn (theo thứ tự ưu tiên: Hàn Quốc, Pháp, Na Uy, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Australia, Singapore,…). Đặc biệt, Hàn Quốc đã ký nhiều dự án hợp tác và phát triển (y tế, giáo dục, ngân hàng, thương mại, cơ sở hạ tầng, tài nguyên, du lịch…) với Lào, hay trong sự hợp tác với Nga, mà các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và thương mại được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực thủy điện và trong mạng lưới thông tin di động (Beeline).

Một chiến lược hội nhập chính trị-kinh tế ở cấp độ khu vực

Giới chức Lào cho rằng sự hội nhập khu vực là một cơ hội, và xu hướng này được tăng cường thông qua luồng vốn đầu tư nước ngoài. Đó là một chiến lược vừa theo truyền thống thực tế (Lào có vị trí trung tâm trong các mối quan hệ với các cường quốc khu vực), vừa có quan điểm tự do (cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế gia tăng sẽ có tác dụng điều hòa những căng thẳng có thể xảy ra) và trong một chừng mực nào đó, theo quan điểm tự do mới (xem sự tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế là một yếu tố ảnh hưởng). Mặt khác, Lào sử dụng chính sách chính trị thực tế để củng cố vị thế riêng của họ trong trật tự khu vực. Lào sử dụng nhiều con đường khác nhau (xác định các hành lang phát triển và giá trị của nguồn tài nguyên), giờ đây không thừa nhận mọi sự sắp đặt của chỉ riêng một nước bảo trợ. Lôgích mới này của Lào không phải là sự phủ nhận vai trò của các nước lớn như trong thời thực dân, mà là sự phủ nhận mọi sự lựa chọn, sắp đặt giữa các nước lớn, thể hiện qua sự liên kết hành động ngày càng tăng với một bên là các chủ thể chính của khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam) và một bên là các nước lớn, chủ thể quốc tế ở xa hơn (Pháp, Liên minh châu Âu, Úc, Nga,…). Vì thế, cũng không có chuyện Lào tìm cách cân bằng ảnh hưởng với sự hiện diện khắp nơi của Việt Nam, cũng không có chuyện họ được đặt dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh, Lào đang tận dụng mọi cơ hội để cho phép họ khẳng định vị thế nổi lên trong khu vực. Trong bối cảnh này, các nguồn tài nguyên được xem như một phương tiện thúc đẩy Lào trở thành nước có ảnh hưởng trong tương lai, đồng thời buộc các nước khác phải chú ý tới họ. Do vậy, Lào phát triển những mối quan hệ ngoại giao với nhiều nước lớn nhất có thể nhằm khẳng định và mở rộng hơn lôgích địa chính trị khu vực.

Nhận thức được việc sự công nhận Lào trên trường khu vực thông qua các thể chế sẽ không phải là yếu tố đủ, Lào xem các mối quan hệ đối tác song phương với các nước lớn khu vực như một cách hiệu quả nhất để tăng cường sự hiện diện quốc tế của mình. Thách thức với Lào là việc cân bằng ảnh hưởng trong sự cạnh tranh của các đối tác. Viêng Chăn dường như đã chứng minh được sự khéo léo và thận trọng, gắn việc tập trung những nỗ lực chia sẻ các nguồn lực theo liều lượng thận trọng, mà không để làm mếch lòng (nhìn bề ngoài) các đối tác. Có nhiều kinh nghiệm trong khu vực khi đối phó với Thái Lan và với những nước thực dân trong lịch sử (Pháp, Mỹ), Lào không quên rằng việc đối đầu trực tiếp với một nước lớn có thể phản tác dụng, thậm chí là nguy hiểm đối với chủ quyền của họ. Rốt cuộc và có vẻ nghịch lý, chính sự năng động của mối quan hệ song phương tạo thuận lợi cho việc tăng cường chính sách khu vực của Viêng Chăn, đồng thời cũng mang lại những kết quả có thể thấy tốt nhất thông qua các tiến trình đa phương, nhất là ở cấp độ ASEAN. Sự hội nhập khu vực qua việc khai thác các nguồn tài nguyên, góp phần tăng cường hình ảnh của Lào ở Đông Nam Á.

Ngược lại, nếu như chiến lược của một nước nào đó có thể được cho là một ý đồ xấu, thì nó thực sự gây lo lắng do bản chất của chế độ Lào và ảnh hưởng địa chính trị mà các nước láng giềng đang triển khai tại Lào. Một mặt, bí quyết của chế độ một đảng đặc trưng bởi sự tăng mạnh các mối tương quan lực lượng giữa các nhà lãnh đạo, giữa các phe phái, có thể gây bất lợi cho việc thúc đẩy lợi ích của người dân Lào. Ở Lào, cuộc đấu tranh trước tiên là cuộc đấu quyền lực, và không phải là một cuộc đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh này bao gồm cả vấn nạn hối lộ, tham nhũng và chính sách trọng thương. Với nguồn thu nhập ngày càng tăng và với cách mà các chủ thể có được nó, các nguồn tài nguyên của Lào góp phần tăng thêm nguồn tài chính và duy trì sự cạnh tranh quyền lực. Do vậy, mưu đồ chiếm đoạt của cải của tầng lớp tinh hoa đất nước và giới chức quan liêu địa phương, hay của các doanh nghiệp tư nhân là chủ yếu. Mặt khác, với việc kiên định các mối quan hệ truyền thống ở vành đai trung tâm, các tỉnh của Lào từng trải qua nhiều sự chiếm đóng, lệ thuộc trong lịch sử, thay đổi các chủ thể bảo trợ tùy theo tình hình và lợi ích của họ, vậy làm thế nào để Lào vốn được xem là chàng David bị người khổng lồ Goliath bao vây, trong lịch sử là Thái Lan, Việt Nam và hiện nay là Trung Quốc, có thể ứng phó.

Vậy nên, các nhà lãnh đạo của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giờ đây đang tính đến tương lai của đất nước ở cấp độ khu vực. Là thành viên của ASEAN từ năm 1997 và tham gia nhiều sáng kiến khu vực, kể từ năm 1986 Lào đã chuyển sang nền kinh tế thị trường: Viêng Chăn dựa vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế tập trung vào những dự án lớn. Nếu Lào đã phần nào chậm chân trong sự phát triển đất nước, thì những nguồn tài nguyên quan trọng của họ và sự hội nhập từng bước vào khu vực cho phép nước này giờ đây thực thi sự chuyển đổi.

Trong một thời gian dài, tình hình địa chính trị khu vực đã là rào cản chính cho sự phát triển của Lào. Với những tham vọng của mình, giờ đây Lào hướng đất nước tới tầm khu vực với một niềm tin mạnh mẽ. Chế độ Nhà nước-Đảng đã đảm bảo cho sự ổn định với việc thích ứng những mục tiêu và chuyển đổi các cơ cấu kinh tế nhằm tạo sự gắn kết giữa những mục tiêu khu vực của Lào và những phương tiện mà họ có. Để thực hiện điều đó, Viêng Chăn sử dụng các chiến lược rào giậu chứa đựng cả các mối quan hệ song phương, quan hệ khu vực và đa phương gia tăng và đồng thời. Tuy nhiên, sự hội nhập khu vực của Lào vẫn còn bấp bênh do quá trình chuyển đổi nhanh chóng và quy mô của nền kinh tế còn yếu. Nếu Lào từ nay đã bắt đầu cất cánh về kinh tế, thì cơ cấu của nước này hiện vẫn chỉ ở mức của một nước đang phát triển. Xã hội Lào được ghi nhận bởi các mức độ phát triển và những tiềm năng kinh tế rất khác biệt, nguồn gốc của những bất đồng khi xác định cụ thể những hình thức phân chia nguồn của cải thu được từ khai thác tài nguyên. Thực vậy, tính tới những gánh nặng lịch sử và chính trị, giới tinh hoa và dân chúng đô thị Lào vẫn là những đối tượng hưởng lợi chính từ nguồn của cải thu được và từ sự hội nhập khu vực. Vị thế mới của đất nước trong không gian chính trị và kinh tế Đông Nam Á không thể bỏ qua vai trò của chế độ Nhà nước-Đảng bắt đầu những chuyển đổi cần thiết để đảm bảo sự phân bổ nguồn lực một cách tốt nhất từ việc khai thác tài nguyên và đất đai, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững. Tác động của sự phát triển kinh tế đối với môi trường, sự quên lãng tầm quan trọng địa chính trị của các nguồn tài nguyên ở Lào, là một thách thức rất lớn đối với một chính phủ đang lo lắng cải thiện hình ảnh quốc tế của họ.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,