Làm sao để xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam?

Vấn đề đạo đức sinh thái, đạo đức môi trường được đặt ra, nhằm xây dựng mối quan hệ ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với môi trường, đem lại sự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.

Làm sao để xây dựng đạo đức môi trường ở Việt Nam?

Tác giả:  GS.TS. Lê Văn, Khoa Viện Tư vấn Phát triển (CODE).

Nguồn: Tạp chí Môi trường số 8/2016.

Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình phát triển “nóng” kinh tế đã kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó, sự gia tăng dân số, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của con người đã phá hủy và tiêu thụ tài nguyên nhanh, trong khi quá trình phục hồi chậm. Với sự hiểu biết của con người về thiên nhiên hạn hẹp, sẽ làm mất cân bằng sinh thái và con người có nguy cơ bị hủy diệt. Do đó, con người bắt đầu đặt ra một bộ quy tắc ứng xử với thiên nhiên dựa trên cơ sở pháp luật và kinh tế, nhằm khai thác trong khả năng có giới hạn của tự nhiên, nhưng những công cụ này vẫn chưa đủ để con người bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên. Từ đó, vấn đề đạo đức sinh thái, đạo đức môi trường được đặt ra, nhằm xây dựng mối quan hệ ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với môi trường, đem lại sự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.

Đổi mới tư duy về đạo đức môi trường

Trước đây, trong sách giáo khoa, ngôn ngữ dân gian đã giáo dục cho các thế hệ trẻ người Việt Nam rằng, “Đất nước ta giàu và đẹp, với rừng vàng, biển bạc”. Cách giáo dục như vậy đã mang lại cho thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, nhưng cũng tạo ra cách tư duy ảo vọng, tư tưởng ỷ lại và thái độ không đúng với TN&MT. Trong khi đó, người Nhật Bản luôn dạy cho con cháu rằng, Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên, chịu áp lực của nhiều loại thiên tai, nên phải lao động cần cù, sáng tạo và sử dụng hợp lý các loại tài nguyên, bảo vệ môi trường. Từ những bài học của người dân Nhật Bản, ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam đã thay đổi tư duy, coi bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều văn bản, chính sách pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, hành động thực tiễn của người dân, doanh nghiệp về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhiều hoạt động, phong trào được tổ chức nhằm kêu gọi người dân và thế hệ trẻ chung tay bảo vệ môi trường, giúp cho cộng đồng xã hội có một môi trường sống xanh hơn.

Một số khác biệt giữa nhận thức cũ và mới về môi trường

Nhận thức cũ
(Thuyết chế ngự Thiên nhiên)
Nhận thức mới (Thuyết Gaia)
Trái đất có nguồn tài nguyên vô hạn Tài nguyên trên Trái đất là hữu hạn
Lúc tài nguyên hết hãy tới nơi khác tìm Tái chế và ưu tiên sử dụng tài nguyên tái tạo được
Cuộc sống của con người được cải thiện dựa vào của cải vật chất Vật chất chỉ là một khía cạnh của chất lượng cuộc sống của con người
Con người phải chinh phục thiên nhiên Con người phải hợp tác với thiên nhiên
Công nghệ mới sẽ giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay Vấn đề môi trường hiện nay chỉ có thể giải quyết với sự tham gia của đạo đức
Đã có con người tất yếu phải có phế thải Trong hệ sinh thái phế thải chỉ tồn tại tạm thời, nhìn lâu dài trong thiên nhiên không có phế thải

Xây dựng đạo đức môi trường trong các lĩnh vực

Trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng không hợp lý phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi là những vấn đề liên quan đến đạo đức môi trường. Người sản xuất cần tuân thủ phương châm 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc) khi sử dụng hóa chất phòng trừ dịch hại và các chất kích thích sinh trưởng. Đặc biệt, cần dùng phân hóa học đúng tỷ lệ nhằm cân đối giữa các loại phân kết hợp với bón phân hữu cơ không gây ô nhiễm cho đất, nước và tạo môi trường thuận lợi để các loại sinh vật cộng sinh khác cùng phát triển. Như vậy, đạo đức môi trường của người sản xuất nông nghiệp được biểu hiện thông qua chất lượng của sản phẩm. Nếu như một sản phẩm bán ra thị trường vừa bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng vừa bảo vệ được đất, nguồn nước…, thì đó chính là sản phẩm đạt giá trị sinh thái và môi trường.

Đối với hoạt động công nghiệp, làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo quá trình sản xuất bền vững, thải ra môi trường chất độc hại như hóa chất, kim loại nặng, chất hữu cơ khó phân hủy… làm phát sinh nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, tắc nghẽn đường hô hấp. Điển hình như ô nhiễm chì ở làng nghề tái chế chì xã Chi Đạo, Hưng Yên; Vụ xả thải của Công ty Vedan ra sông Thị Vải; Công ty Formosa xả thải gây cá chết hàng loạt ở ven biển các tỉnh miền Trung đều là hành vi liên quan đến đạo đức môi trường. Qua những vụ việc này cho thấy, việc thực hiện chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, trách nhiệm xã hội của một số doanh nghiệp còn hạn chế do doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất với vấn đề đạo đức môi trường. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cần coi công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm về mặt pháp lý và trách nhiệm đạo đức đối với toàn xã hội.

Sử dụng lãng phí nguồn điện, nước sạch hay thực phẩm của người tiêu dùng cũng được coi là vi phạm đạo đức môi trường. Trước hết, người tiêu dùng phải tự giác thu gom, phân loại chất thải tại nguồn, thực hiện 3R (giảm thiểu,tái chế và tái sử dụng) nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn thế, người tiêu dùng có thể dùng dư luận xã hội để tẩy chay những sản phẩm phi đạo đức môi trường như những sản phẩm lạm dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến lương thực, thực phẩm, các loại nước uống chứa dư lượng chất độc hại, gây mất vệ sinh cho các sản phẩm nông nghiệp. Điều đó sẽ làm thay đổi hành vi đạo đức sinh thái của nhà sản xuất, định hướng sản xuất ra những sản phẩm có giá trị và chất lượng an toàn.

Đề xuất các biện pháp tăng cường giáo dục đạo đức môi trường

Giáo dục về lối sống tiết kiệm tài nguyên: Trong trường học, việc giáo dục cho học sinh tiết kiệm điện, nước, tài sản của nhà trường, kết hợp với việc tận dụng các vật thải có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng lối sống tiết kiệm, không có phế thải, từ đó, rèn luyện cho mỗi cá nhân có phương thức tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, cần giáo dục tri thức đạo đức môi trường cho cán bộ quản lý tài nguyên & môi trường ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Môi trường sinh thái, rừng, biển, đồng ruộng, cây xanh, đất đai ở nước ta đều do các cấp chính quyền địa phương quản lý nên họ có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục đạo đức sinh thái cho cộng đồng nhằm giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Xây dựng phong cách mới trong tiêu dùng: Có 3 yếu tố tác động trực tiếp tới khả năng bền vững là dân số, công nghệ và lối sống. Lối sống là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của xã hội. Lối sống thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên. Trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, một hình thức biểu hiện của lối sống là cách thức tiêu dùng. Theo thống kê, số lượng rượu bia, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng tăng lên với tốc độ không tương xứng với mức sống của dân cư. Trung bình, mỗi năm Việt Nam đốt 18.000 tỷ VNĐ thuốc lá, bằng 2 lần tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Như vậy, các thành viên trong xã hội đều phải xây dựng lối sống tiết kiệm, không có phế thải và tuân thủ các phương thức bảo vệ thiên nhiên.

Bên cạnh đó, cần thực hiện mua sắm xanh hay còn gọi là mua sắm sinh thái, mua sắm các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường. Đó là việc xem xét cân nhắc các vấn đề môi trường và những tiêu chí về giá cả, hiệu quả sử dụng khi quyết định mua sắm sao cho giảm thiểu được nhiều nhất tác động tới sức khỏe và môi trường.

đạo đức môi trường cần được điều chỉnh bằng pháp luật và dư luận xã hội: Việc tuyên truyền về môi trường qua các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phát thanh, truyền hình…; Vinh danh điển hình tốt về bảo vệ môi trường hay thường xuyên thông báo về sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật đối với những đối tượng cố tình gây ra những hậu quả xấu về môi trường cũng như việc sử dụng và khai thác các yếu tố của tâm lý – xã hội, dư luận xã hội, thói quen, phong thục, tập quán… là tiền đề và cơ sở để hình thành nên đạo đức môi trường. Để tạo ra những dư luận tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần cung cấp cho người dân những thông tin về môi trường, tác hại của những hoạt động phá hoại môi trường đến sức khỏe và sự sống của con người. Sự lên án của dư luận xã hội, trong nhiều trường hợp có tác dụng mạnh hơn những nguyên tắc đạo đức và những quy định hay những điều luật đã ban hành. Vì vậy, tạo dư luận xã hội là biện pháp cần thiết và hiệu quả để nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Sử dụng các hình thức văn hóa, nghệ thuật, tham quan du lịch, phong tục, luật tục, hương ước, lệ làng trong việc điều chỉnh hành vi ứng xử của con người đối với tài nguyên thiên nhiên: Một trong những biện pháp nhanh, dễ đi vào lòng người đó là sử dụng các hình thức văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa quần chúng, tham quan du lịch… Thông qua đó, người dân sẽ tham gia các hoạt động này và quan tâm đến việc giữ gìn, tôn tạo danh lam thắng cảnh của đất nước, những hệ sinh thái quý, hiếm như vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Cát Bà, Bạch Mã, động Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…

Ngoài ra, cần giữ gìn, bảo tồn những phong tục, tập quán có giá trị đối với việc bảo vệ môi trường như thờ thần Núi, thần Sông, thần Mặt trời, tục lệ tảo mộ và trồng cây vào mùa Xuân…

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG

Tags: ,