Làm cách nào để bảo vệ tầng ôzôn trong đời sống hàng ngày?

Ôzôn bình lưu, còn được gọi là tầng ôzôn, là lớp khí (O3) che chắn trái đất khỏi một phần phóng xạ cực tím (UV) từ mặt trời. Vào nửa sau của thế kỷ 20, việc sử dụng chlorofluorocarbon (CFC) đã tạo lỗ thủng tầng ôzôn với diện tích khoảng 30 triệu km vuông và bào mòn tầng khí này ở nhiều nơi khác. Lượng tia UV lớn kéo theo tăng trưởng về tỷ lệ mắc bệnh ung thư da và các bệnh lý về mắt. Tin tốt là các lệnh cấm đối với CFC đã giảm thiểu đáng kể mức độ loang rộng của lỗ thủng tầng ôzôn.[1] Bằng cách nói không với những sản phẩm và hành vi gây hại tới tầng ôzôn, cũng như vận động chính phủ và các ngành công nghiệp hành động mạnh mẽ hơn, bạn có thể chung tay giúp vá lại lỗ hổng tầng ôzôn vào cuối thế kỷ này.[2]

Làm cách nào để bảo vệ tầng ôzôn trong đời sống hàng ngày?

I. Tránh sử dụng những sản phẩm gây suy giảm tầng ôzôn

1. Kiểm tra thành phần gây hại có thể có trong bình cứu hỏa. Nếu thành phần chủ yếu của bình cứu hỏa là “halon” (khí halogen) hoặc “hiđrô cácbon được halogen hóa”, hãy mang bình đó tới trung tâm xử lý rác thải độc hại để tái chế, hoặc liên hệ đội phòng cháy chữa cháy địa phương để được hướng dẫn thải bỏ bình đúng cách.[3] Thay thế bình cứu hỏa này với một mẫu mới không có chất hóa học nguy hại gây suy giảm tầng ôzôn.

2. Đừng mua những sản phẩm dạng bình xịt chứa CFC. Mặc dù CFC đã bị cấm hoặc bị hạn chế sử dụng trong nhiều sản phẩm, cách duy nhất để đảm bảo điều này là kiểm tra nhãn hàng trên thân bình xịt tóc, lăn khử mùi và hóa phẩm gia dụng. Hãy sử dụng sản phẩm dạng bình xịt tay thay vì bình nén áp suất để giảm thiểu khả năng mua sản phẩm có CFC.

3. Thải bỏ đúng cách tủ lạnh, tủ đông và điều hòa sản xuất trước năm 1995. Những thiết bị này sử dụng CFC để hoạt động, vì vậy hóa chất sẽ bị thải ra không khí khi máy rò rỉ. Hãy:

– Gọi điện tới công ty dịch vụ công cộng địa phương để xem thiết bị của bạn liệu có đáp ứng đủ điều kiện cho chương trình đổi thiết bị nhận tiền thưởng hay không.[4]
– Nếu thiết bị không đủ điều kiện, hãy liên hệ với cơ quan quản lý địa phương để hỏi về cách thức thải bỏ thiết bị làm lạnh ở nơi bạn sinh sống.[5]

4. Mua gỗ xẻ, gỗ dán và các sản phẩm từ gỗ không qua xử lý bằng etyl bromua. Gỗ được xử lý bằng chất này sẽ phát tán nguyên tử brôm gây suy giảm tầng ôzôn. Tại Hoa Kỳ, tất cả các pallet gỗ (tấm kê hàng gỗ) hoặc thùng thưa đều được đóng dấu để người tiêu dùng biết về cách thức gỗ được xử lý: HT (heat treated) nghĩa là gỗ được xử lý bằng nhiệt, còn MB (methyl bromide) nghĩa là gỗ được xử lý bằng etyl bromua.[6] Với các loại gỗ khác, hãy hỏi người bán để biết về cách xử lý gỗ.

Việc nghiên cứu và lựa chọn vật liệu xây dựng không sử dụng etyl bromua cũng quan trọng không kém việc ngừng sử dụng CFC tại nhà. So với CFC, brôm nguyên tử độc hại hơn đối với tầng ôzôn.[7]

II. Vận động bảo vệ tầng ôzôn

1. Liên hệ với nông trại tại địa phương hoặc đại biểu quốc hội để kêu gọi sử dụng phân bón hiệu quả hơn. Phân bón hữu cơ và vô cơ là nguồn phát thải đinitơ mônô-ôxít nhân tạo lớn nhất, loại khí này hiện là thủ phạm chính gây suy giảm tầng ôzôn. Phân bón mặc dù rất quan trọng, nhưng để hạn chế tác động của phân bón tới bầu khí quyển, hãy kêu gọi mọi người thực hiện những biện pháp sau để tiết kiệm tiền và giảm thiểu lượng phát thải:[8]

– Xác định chuẩn xác hơn tỷ lệ phân bón cần thiết cho mùa vụ.
– Sử dụng các công thức hoặc phụ gia phân bón giúp giảm thiểu lượng phát thải.
– Cải thiện thời gian sử dụng phân bón để đảm bảo phân đạm được hấp thụ tối đa.
– Áp dụng phương thức bón phân chuẩn xác hơn để giảm thiểu tối đa lượng khí nitơ thải vào bầu khí quyển.

2. Viết thư gửi tới đại biểu hội đồng nhân dân hoặc đại biểu quốc hội. Hiện nay, phần lớn lượng hóa chất nhân tạo gây suy giảm tầng ôzôn xuất phát từ nông nghiệp. Hãy kêu gọi những người đại diện nhân dân ban hành văn bản pháp luật điều chỉnh việc sử dụng phân bón. Làm rõ rằng khi phân bón được sử dụng hiệu quả hơn, những quy định pháp luật này vừa giúp nông dân tiết kiệm tiền bạc, vừa bảo vệ môi trường.

3. Trao đổi với bạn bè về cách thức bảo vệ tầng ôzôn. Tất cả chúng ta cần chung tay hành động để vá lại lỗ thủng tầng ôzôn. Kêu gọi bạn bè giảm thiểu tần suất lái xe, ăn ít thịt, mua sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương, thải bỏ đúng cách bình cứu hỏa cũ hoặc thiết bị làm lạnh có chứa chất gây suy giảm tầng ôzôn.

III. Thay đổi thói quen để bảo vệ tầng ôzôn

1. Giảm thiểu tần suất lái xe. Hiện nay, đinitơ mônô-ôxít (còn được biết đến là khí gây cười, công thức hóa học N2O) là chất gây suy giảm tầng ôzôn chủ yếu phát sinh từ hoạt động của con người (đây cũng là chất gây nên hiệu ứng nhà kính),[9] xuất phát từ động cơ đốt trong của phần lớn các loại xe ô tô. Tại Hoa Kỳ, khoảng 5% lượng ô nhiễm khí N2O bắt nguồn từ phương tiện giao thông.[10] Để giảm thiểu phát sinh các ôxít nitơ từ ô tô của bạn, hãy cân nhắc:

– Đi chung xe
– Sử dụng phương tiện công cộng
– Đi bộ
– Đạp xe
– Lái xe điện hoặc xe lai điện

2. Ăn ít thịt. Khí N2O cũng phát sinh trong quá trình phân hủy phân động vật, do đó các trang trại cung cấp thịt gia cầm, thịt bò và các sản phẩm từ sữa là nguồn phát thải N2O rất lớn.[11]

3. Mua sản phẩm có nguồn gốc địa phương. Quãng đường vận chuyển thực phẩm hoặc hàng hóa tới tay bạn càng xa thì lượng khí N2O sản sinh từ động cơ của chiếc xe vận chuyển sẽ càng lớn. Mua sản phẩm địa phương không chỉ là cách thức để có được những sản phẩm tươi ngon nhất mà còn bảo vệ tầng ôzôn.

————————

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.epa.gov/sites/production/files/2015-08/documents/peg.pdf
2. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/2014JD022295/abstract
3. http://www.ways2gogreenblog.com/2009/07/21/how-to-properly-dispose-of-smoke-alarms-and-fire-extinguishers/
4. http://www.epa.gov/ozone/title6/608/disposal/household.html
5. http://www.epa.gov/ozone/title6/608/disposal/household.html
6. http://www.aphis.usda.gov/wps/portal/aphis/home/?urile=wcm%3Apath%3A/aphis_content_library/sa_our_focus/sa_plant_health/sa_export/sa_wood_packaging/ct_wpm_faqs
7. http://www.esrl.noaa.gov/csd/assessments/ozone/2006/executivesummary.html#figure
8. http://delta-institute.org/delta/wp-content/uploads/Nitrogen-fertilizer-management-climate-factsheet_FINAL.compressed.pdf
9. http://rstb.royalsocietypublishing.org/content/367/1593/1256
10. http://epa.gov/climatechange/ghgemissions/gases/n2o.html
11. http://whatsyourimpact.org/greenhouse-gases/nitrous-oxide-sources#footnote6_3wg8n88

Theo WIKIHOW

Tags: