Thế kỷ 21 và lý tưởng của nhà cách mạng Che Guevara

Những viên đạn có thể giết chết người chiến sĩ chiến đấu vì tự do nhưng không thể giết chết lý tưởng của con người vĩ đại ấy.

Thế kỷ 21 và lý tưởng của Che Guevara

Tác giả: Michael Lowy – giám đốc nghiên cứu xã hội học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia, Paris, 1997.

Chủ nghĩa tự do toàn cầu kiểu mới đang phô trương sự đắc thắng trong kỷ nguyên của chúng ta và giữ vị trí độc tôn trong các bài diễn thuyết và hệ tư tưởng.

Để đương đầu với tính ngoan cố cố hữu của sự thống trị toàn cầu của hệ thống tư bản chủ nghĩa, hơn bao giờ hết, chúng ta cần các phương thức tư duy và hành động mới mang tính phổ quát, toàn cầu. Chúng ta cần những ý tưởng, những kiểu mẫu, theo một hình thức triệt để nhất, để chống lại sự tôn thờ nền kinh tế thị trường và tiền bạc, những thứ đang trở thành cương lĩnh cho thời đại ngày nay. Cũng giống như trường hợp của không nhiều những nhà lãnh đạo cánh tả của thế kỷ 20, di sản của Ernesto ‘Che’ Guevara – một nhà cách mạng kiên định mang tinh thần quốc tế – tiếp tục được đặt trong thử thách.

Sự quan tâm dành cho Che Guevara không có gì làm chúng ta phải ngạc nhiên. Số lượng các đầu sách được xuất bản, những cuộc hội thảo, những bài báo, phim ảnh, thảo luận về Che không thể được giải thích đơn giản như là một sự tưởng nhớ về anh nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày mất của vị anh hùng. Năm 1983, ai lại còn quan tâm đến Stalin tại thời điểm 30 năm sau cái chết của ông?

Năm tháng trôi qua, bao nhiêu trào lưu đã thay đổi, chủ nghĩa hiện đại đã được thay bằng chủ nghĩa hậu hiện đại, các chế độ độc tài đã được thay bằng “những nền dân chủ nghiêm khắc”, nền chính trị theo thuyết tự do kiểu mới đã thế chân học thuyết kinh tế Keynes và bức tường Berlin nhường chỗ cho bức tường tiền bạc. Nhưng thông điệp của Che vẫn tỏa sáng như ánh đèn trong bóng đêm lạnh lẽo của những năm cuối thế kỷ này.

Trong tác phẩm “Những luận điểm về khái niệm lịch sử”, nhà Marxist người Đức gốc Do Thái Walter Benjamin, người đã tự sát năm 1940 để tránh rơi vào tay của Gestapo, đã viết rằng, đối với những con người bị áp bức, ký ức về các vị tổ tiên bị đối sử tàn tệ và bị đánh bại là nguồn cổ vũ vô tận cho các hành động cách mạng. Ernesto Guevara, cùng với Jose Marti, Emiliano Zapata, Agusto Sandino, Farabundo Marti và Camilo Torres, là một trong những người tử vì đạo như thế: hy sinh trong tư thế đứng thẳng, súng trong tay, một hạt giống của tương lai tươi mới đã được gieo trên mảnh đất Mỹ La tinh; một ngôi sao trên bầu trời hy vọng của nhân dân, một đốm lửa than đang cháy âm ỉ dưới đống tro tàn của nỗi tuyệt vọng.

 >> Đôi nét về tiểu sử Che Guevara
.

Trong mỗi tiến trình cách mạng xảy ra ở châu Mỹ La tinh gần đây – từ Nicaragua đến El Savaldor, từ Guatemala đến Mexico – chúng ta có thể nhận thấy, đôi khi hiện hữu, đôi khi không, sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Guevara (Guevarismo). Di sản của Che vẫn sống trong tâm trí chung của chiến sĩ, trong các cuộc tranh luận về phương pháp, chiến lược và bản chất cuộc chiến của họ. Thông điệp của anh là một hạt giống mà 30 năm cuối cùng đã bắt rễ trong nền văn hóa chính trị của cánh tả châu Mỹ La tinh, nó đâm cành nảy lộc và kết quả. Hoặc như những sợi chỉ đỏ, từ Patagonia đến Rio Grande, dệt thành một dải lụa của những ước mơ, của chủ nghĩa không tưởng và của những hành động cách mạng.

Tư tưởng của Che đã lỗi thời? Có phải sẽ thực tế hơn để không cần một cuộc cách mạng  vẫn có thể tiến hành thay đổi hoàn toàn các quốc gia châu Mỹ La tinh, nơi mà các tập đoàn đầu sỏ đang can thiệp vào quyền lực chính trị, độc chiếm tài nguyên, nguồn lực và vũ khí quốc gia, đang bóc lột và áp bức nhân dân? Những lời đề nghị như thế đã được một số nhà lý luận cánh tả “thực tế” Mỹ La tinh, bắt đầu là nhà báo tài năng người Mexico và nhà văn Jorge Castaneda, đưa ra trong tác phẩm của mình “La utopia desarmada”, 1993 (tạm dịch: Xã hội không tưởng không vũ trang). Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi quyển sách được xuất bản, một cuộc nổi dậy diễn ra ở Chiapas, Mexico, dưới sự lãnh đạo của những nhà không tưởng vũ trang thuộc quân giải phóng quốc gia Zapatista EZLN (Zapatista National Liberation Army), một tổ chức mà hầu hết những nhà lãnh đạo của nó theo chủ nghĩa Guevara. Sự thật là, không giống như những du kích quân truyền thống, những người lính Zapatista không muốn chiếm chính quyền mà thay vào đó, họ muốn cải cách nền chính trị xã hội Mexico bằng cách thúc đẩy hoạt động tự tổ chức của xã hội dân sự ở đất nước mình. Tuy nhiên, nếu không vì cuộc nổi dậy ngày 1 tháng 1 năm 1994, những người lính Zapatista sẽ không thể trở thành biểu tượng đầy quyền lực cho những nạn nhân của nền chính trị tự do kiểu mới như ngày hôm nay, không chỉ ở châu Mỹ Latin mà còn trên toàn thế giới.

Thật kỳ lạ, trong những bài viết gần đây trên Newsweek, chính Jorge Castaneda đã bắt đầu tự hỏi liệu ở châu Mỹ La tinh có thể có một sự tái phân phối tài sản và quyền lực, và có thể thay đổi cấu trúc xã hội cũ thông qua các biện pháp dân chủ? Nếu như vào những năm cuối thế kỷ, Castaneda thừa nhận sự nhụt chí khi tiến hành nhiệm vụ này thì chúng ta có thể thấy rằng “Xét cho cùng, Guevara đã hiểu điều đó từ lâu”.

Che không chỉ là một chiến binh anh hùng. Anh còn là một nhà tư tưởng cách mạng, một người tiên phong trong các dự án đạo đức và chính trị, những cái mà anh đã chiến đấu và hy sinh vì nó. Triết lý, cái đã tạo nên sự kết dính, màu sắc và sức nóng cho sự đột phá ý thức hệ của anh, là chủ nghĩa nhân văn cách mạng sâu sắc và độc đáo. Đối với Che, một người cộng sản thật sự, một nhà cách mạng thật sự là người luôn xem những vấn đề lớn hơn của nhân loại như chính vấn đề của bản thân mình; là người luôn “cảm thấy bất an khi bất cứ lúc nào có bất cứ ai bị giết ở bất cứ nơi đâu trên thế giới”. Chủ nghĩa quốc tế của Che, cùng với lối sống, niềm tin vững chắc, nghĩa vụ vô điều kiện, và thế giới tinh thần là sự diễn tả chính xác nhất, trong sáng nhất, cụ thể nhất chủ nghĩa nhân đạo cách mạng này.

Che thường trích dẫn câu nói của Marti bằng những lời ngắn gọn: “nhân phẩm chân chính”. Marti nói “Tất cả những con người chân chính phải cảm thấy ray rứt khi một người khác bị lăng mạ”. Động lực cho những hành động của anh chính là sự đấu tranh vươn tới loại nhân phẩm này, từ trận chiến ở Santa Clara đến canh bạc liều lĩnh trên núi rừng Bolivia. Có lẽ thái độ này anh có được chính từ Don Quixote, quyển tiểu thuyết anh đã đọc ở Sierra Maestra và được anh dạy trong lớp học gồm những tân binh nông dân. Đó cũng là người anh hùng mà anh đã nhắc đến một cách mai mỉa trong lá thư từ biệt cuối cùng gửi cho cha mẹ. Điều này không hề xa rời chủ nghĩa Marx. Chẳng phải Marx đã từng nói “Người vô sản cần nhân phẩm hơn cần bánh mì” đó sao?

Chủ nghĩa nhân đạo của Che, không còn nghi ngờ gì nữa, hoàn toàn mang tính Marxist nhưng là một dạng không chính thống, nó khác biệt với những giáo điều được tìm thấy trong những sách gối đầu giường ở Liên Xô hoặc những cách giải thích theo chủ nghĩa cấu trúc và phản nhân văn – khuynh hướng nổi lên ở châu Âu và Mỹ La tinh vào giữa thập niên 60. Nếu như Che đặc biệt quan tâm đến tác phẩm Bút ký triết học và kinh tế năm 1844 của Marx thời trẻ thì đó là bởi vì tác phẩm này đã nêu lên rất cụ thể: “con người là một thực thể riêng biệt nhưng vấn đề giải phóng con người ấy lại thuộc về thực thể xã hội”, nó nhấn mạnh sự phù hợp giữa cuộc đấu tranh trong ý thức của con người chống lại sự biệt lập: “Nếu không có loại ý thức này bao trùm thực thể xã hội của con người thì chủ nghĩa cộng sản không thể tồn tại”. Với tính nhạy cảm tuyệt vời, Che cũng phát hiện ra quan điểm nhân đạo trong “Tư bản luận”: “Điều quan trọng bậc nhất của thành tựu vĩ đại của trí thông minh nhân loại này là chúng ta thường lãng quên bản chất nhân đạo (theo nghĩa chính xác nhất của từ này) sâu sắc mà thành tựu ấy mang lại. Ở một mức độ nào đó, cơ chế của các quan hệ sản xuất – và hậu quả rõ ràng nhất của nó, đấu tranh giai cấp – đã che giấu sự thật rằng chính con người làm ra lịch sử”.

Kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, Ernesto Guevara đã mơ về một thế giới tự do và công bằng, nơi mà con người thôi không săn đuổi con người nữa. Con người của xã hội mới mà Che gọi là “Con người mới” hoặc “Con người của thế kỷ 21”, sau khi vượt qua giới hạn của mọi sự cô lập, sẽ liên kết với nhau trong sự đoàn kết thật sự của tình hữu nghị đại đồng bền vững. Thế giới mới này phải là thế giới xã hội chủ nghĩa. Nhận xét nổi tiếng của Che trong “Thư gửi hội nghị ba châu lục” rất chính xác: “Không thể có một sự lựa chọn nào khác, hoặc là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, hoặc là một trò hề nhân danh cách mạng”.

Tuy Che chưa bao giờ đưa ra một học thuyết hoàn chỉnh về vai trò của nền dân chủ trong thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa, có thể đó là khiếm khuyết lớn nhất trong những tác phẩm của anh, nhưng anh rõ ràng phản đối những quan niệm về chế độ độc tài, chính nó đã phá hủy ghê gớm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội của thế kỷ này. Đối với những người quan niệm rằng con người cần “được giáo dục” từ trên xuống, học thuyết sai lầm đó đã bị Marx phủ nhận trong tác phẩm “Luận cương về Phơ-bách”, nghĩa là, “rồi ai sẽ dạy thầy giáo?” Che trả lời trong bài nói chuyện năm 1960: “Bước đầu tiên để giáo dục nhân dân là giới thiệu họ đến với cách mạng. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn có thể giành được quyền cho họ bằng một nền giáo dục riêng rẽ, trong khi họ phải sống trong một chính quyền chuyên chế bạo ngược. Đầu tiên và trước hết, hãy dạy họ tự mình giành lấy quyền của mình và, khi họ đã có đại diện trong bộ máy nhà nước, họ sẽ học bất cứ những gì mà họ được dạy và còn nhiều hơn thế nữa: không cần những nỗ lực lớn lao, họ sẽ sớm trở thành những người thầy, vượt lên trên tất cả”. Nói cách khác, chỉ có giáo dục học mới có thể giúp con người tự học lấy thông qua thực tiễn cách mạng, hoặc, như Marx đã nói trong “Hệ tư tưởng Đức”: “trong các hoạt động cách mạng, sự thay đổi cá nhân phải đi đôi với sự thay đổi của những điều kiện”.

Mặc dù quan điểm của Che về chủ nghĩa xã hội và chế độ dân chủ vẫn trong tình trạng thay đổi liên tục tại thời điểm anh hy sinh, lập trường phê phán những người kế tục Stalin và “chủ nghĩa xã hội thực tồn” (actually-existing socialism) thể hiện rõ ràng trong những bài viết và diễn văn của anh. Trong diễn văn nổi tiếng được anh phát biểu tại Algeria, anh đã kêu gọi những quốc gia tự coi mình là theo chủ nghĩa xã hội “hãy chấm dứt sự đồng lõa ngầm với các quốc gia bóc lột phương Tây” vốn luôn duy trì mối quan hệ thương mại bất bình đẳng với nhân dân các nước đang tiến hành chiến tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Đối với Che, “Chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại mà không có sự thay đổi trong nhận thức dẫn đến tình hữu nghị hướng đến tinh thần nhân đạo đối với nhân dân các nước đang là nạn nhân của sự áp bức đế quốc chủ nghĩa, cả trên bình diện cá nhân ở các quốc gia đã, đang và sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội, lẫn trên bình diện thế giới”.

Trong tác phẩm “Xã hội chủ nghĩa và Con người ở Cuba” (3/1965), Che đã nghiên cứu cẩn thận mô hình xã hội chủ nghĩa phổ biến ở các quốc gia Đông Âu và, luôn đứng trên lập trường nhân văn cách mạng, anh đã phản đối quan niệm cho rằng cần đánh bại chủ nghĩa tư bản bằng vũ khí của chính nó. “Nếu theo đuổi mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mang tính ảo tưởng Don Quixote bằng cách viện đến những vũ khí đã mòn vẹt thừa hưởng từ chủ nghĩa tư bản – hàng hóa là tế bào của nền kinh tế, lợi nhuận, lợi ích vật chất cá nhân là động cơ phấn đấu, v.v. – thì chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến thất bại… Để xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong khi củng cố nền tảng vật chất của xã hội, chúng ta phải tạo ra một con người mới”.

Một trong những nguy cơ to lớn tồn tại trong mô hình Xô viết là sự dung dưỡng tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng và sự nổi lên một tầng lớp đặc quyền đặc lợi những nhà kỹ trị và quan chức nhà nước. Dưới một hệ thống khen thưởng như thế, “những nhà quản lý đang ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn”. Chỉ nhìn lướt qua kế hoạch gần đây của Cộng hòa dân chủ Đức cũng đủ để phát hiện ra một sự tương quan giữa vai trò của người quản lý – hay chính xác hơn, giữa khoản tiền lương kiếm được – với nỗ lực của anh ta”.

Jose Carlos Mariategui đã nói rằng chủ nghĩa xã hội ở châu Mỹ không thể là một bản sao hay sự bắt chước mà phải là một sáng tạo anh hùng. Đây chính xác là những gì Che đang cố gắng đạt được trong khi anh khước từ mọi mô hình nhập khẩu từ các nước “xã hội chủ nghĩa thực tế”. Thay vào đó, anh luôn tìm kiếm những con đường mới đi lên chủ nghĩa xã hội, những con đường cấp tiến hơn, công bằng hơn, đậm tình hữu nghị hơn, nhân văn hơn và kiên định hơn với nguyên lý cộng sản chủ nghĩa.

Ngày 9 tháng 10 năm 1967 sẽ sống mãi trong khúc ca quân hành thiên niên kỷ của nhân dân bị áp bức đang đấu tranh cho công cuộc tự giải phóng. Viên đạn có thể giết chết người chiến sĩ chiến đấu vì tự do nhưng không thể giết chết lý tưởng của con người vĩ đại ấy. Lý tưởng ấy sẽ còn sống mãi miễn là nó bắt rễ trong tư tưởng của những thế hệ kế tục sự nghiệp đấu tranh này. Đó là điều mà những kẻ đã sát hại Rosa Luxemburge, Leon Trosky, Emiliano Zapata và Che Guevara, đã phát hiện ra và nó khiến chúng vỡ mộng.

Sau sự sụp đổ của cái gọi là “chủ nghĩa xã hội thực tồn”, các tín điều của chủ nghĩa tự do kiểu mới và nỗi ám ảnh về sự sùng bái tiền bạc đang củng cố địa vị tối cao của mình, trái ngược ảm đạm với xã hội mà Che đã mơ về và đã chiến đấu vì nó. Nhưng đối với những người phản đối quan niệm của chủ nghĩa Hegel giả tạo về sự “kết thúc của lịch sử” với niềm tin nguyên thủy vào bản chất cố hữu của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa, cũng như đối với những người phê phán những tội ác tày trời sản sinh từ hệ thống này và sự loại trừ nhân dân các quốc gia phương Nam ra khỏi chính thể toàn cầu của Trật tự thế giới mới đế quốc chủ nghĩa, quan điểm nhân văn cách mạng của Che vẫn mãi là cánh cửa mở ra một tươi lai tươi sáng mới.

Theo LÂM NGHI / CHE-VIETNAM.COM

Tags: , , , , ,