Kinh nghiệm quản lý môi trường của một số quốc gia châu Á

Quản lý môi trường đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cần thiết đặt ra đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Kinh nghiệm quản lý môi trường của một số quốc gia châu Á

Từ kinh nghiệm bảo vệ môi trường của các nước, có thể nhận thấy mục tiêu của quản lý môi trường là nhằm đảm bảo giữ cân bằng giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Chính sách đầu tiên về quản lý môi trường của Thái Lan

Chính sách quan trọng đầu tiên về quản lý môi trường và các nguồn lực tự nhiên của Thái Lan xuất hiện tại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần 4 (1977-1981), trong đó nhấn mạnh: phát triển kinh tế phải chú ý đến giải pháp hạn chế hệ quả xấu về môi trường – theo TCXD. Kế hoạch 5 năm lần 6 (1987-1991) đã điều chỉnh định hướng và mục tiêu phát triển, cải tiến phương thức làm việc của chính quyền chú trọng sự hợp tác giữa chính quyền địa phương với các NGO và có sự tham dự của cộng đồng.

Kế hoạch 5 năm lần 7 (1992-1996) quan tâm đặc biệt đến việc phục hồi, bảo tồn môi trường tự nhiên, và nâng cao khả năng quản lý các nguồn lực tự nhiên phải được sử dụng và phát triển mang tính bền vững. Ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn và chất thải độc hại phải được giảm thiểu đến mức thấp nhất, hạn chế những mối nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Sự tham dự của cộng đồng được khuyến khích. Chức năng của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và tổ chức cộng đồng là trợ giúp điều hành và kiểm tra việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên và môi trường.

Tại Thái Lan, Vụ Quản trị địa phương thuộc Bộ Nội vụ là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm trong việc quản lý các nguồn lực tự nhiên và môi trường ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Dựa trên những chính sách của chính phủ, Vụ soạn thảo định hướng và mục tiêu chiến lược 5 năm (1992- 1996) nhằm nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong quản lý môi trường. Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy: Quản lý môi trường đô thị phải được xem xét trên nhiều mặt. Song trước hết cần phải có một chiến lược tổng thể rõ ràng được chính quyền thành phố thông qua.

Quản lý môi trường theo cách của người Nhật

Trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường. Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường phải sớm tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân.

Chính từ tư duy là kiểm soát, sản xuất hợp lý, phát thải ít nhất ngay từ đầu vào, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Năm 1972, Luật Bảo tồn thiên nhiên chính thức được ban hành. Hệ thống Luật Môi trường cơ bản được ban hành vào năm 1993, đã đưa ra Hệ thống kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về Hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, Hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; Những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; Các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm…

Vì sao Singapore lại sạch nhất thế giới

Đâu phải ngẫu nhiên mà Singapore trở thành một đất nước xanh và sạch bậc nhất thế giới. Quốc đảo này đã có một chiến lược quản lý môi trường hợp lý, đồng thời, chú trọng quản lý hạ tầng cơ sở đi đôi với việc ban hành luật và kiểm tra giáo dục nghiêm ngặt. Vậy chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm gì từ trường hợp của Singapore?

Theo Buildvietinfo, ngay từ những năm 1970, Singapore đã tổ chức riêng Bộ Môi trường và Cục Phòng chống ô nhiễm nhằm thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và quản lý chất thải rắn. Tiếp đó, hai tổ chức này lại kiêm thêm trách nhiệm kiểm soát và xử lý các chất độc hại.

Hai vấn đề lớn được chú trọng và cũng là thành công lớn ở Singapore là quản lý hệ thống thoát nước và quản lý chất thải rắn. Đó là việc cung cấp hệ thống thoát nước toàn diện để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất; tổ chức một hệ thống quản lý chất thải rắn rất có hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước về môi trường của Việt Nam

Theo Ủy ban Dân tộc Bảo vệ Môi trường, nội dung công tác quản lý nhà nước về môi trường của Việt Nam được thể hiện trong Ðiều 37, Luật Bảo vệ Môi trường, gồm các điểm:

– Ban hành và tổ chức việc thực hiện các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn môi trường.

– Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách bảo vệ môi trường, kế hoạch phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.

– Xây dựng, quản lý các công trình bảo vệ môi trường, các công trình có liên quan đến bảo vệ môi trường.

– Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường.

– Thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

– Cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.

– Giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

– Ðào tạo cán bộ về khoa học và quản lý môi trường.

– Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

– Thiết lập quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo MAI ANH / MOITRUONG.COM.VN

Tags: , , , ,