‘Khóa học’ bằng máu giúp Pyotr Đại đế biến Nga thành đại cường quốc

2/11/1721 là một dấu mốc cực kỳ đáng nhớ trong lịch sử nước Nga. Đó không phải là ngày lên ngôi của Pyotr (Peter trong tiếng Anh) Đại đế. Song, đó là ngày ông tuyên bố mình đã trở thành hoàng đế của toàn bộ các khu vực lãnh thổ Nga, sau khi kết thúc cuộc tranh hùng kéo dài 21 năm với đế quốc Thụy Điển trong tư cách người chiến thắng.

Lễ tốt nghiệp đế vương

Đây không phải là khóa học đóng tàu nổi tiếng của Pyotr Đại đế, vốn đã được truyền tụng rất nhiều trong sách sử thế giới, khi ông giấu thân phận dưới cái tên Pyotr Mikhaylov để có được bốn tháng thâm nhập vào các xưởng đóng tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan, nhằm chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho một nước Nga “hướng biển” và quật khởi.

“Khóa học” này chính là lời đúc kết của bản thân Pyotr I, sau khi “Đại chiến phương Bắc” kết thúc: “Đó là giai đoạn phải bỏ ra thời gian gấp ba lần để học xong một mái trường hy sinh bằng máu, đầy rẫy những nguy hiểm. Thông thường, chỉ cần học bảy năm là tốt nghiệp, nhưng chúng ta phải học ở nhà trường này với thời gian dài gấp ba lần. Ơn Chúa, thành tích tốt nghiệp của chúng ta có thể tốt hơn”.

Thời điểm ấy, năm 1721, sau hòa ước Nystad được ký giữa Nga và Thụy Điển ngày 30/8 (theo lịch cũ Julius, tức ngày 10/9 theo lịch mới), nước Nga sáp nhập thêm vào lãnh thổ của mình các vùng Livonia, Ingria, Estonia, Karelia, Vyborg… nghĩa là toàn bộ duyên hải biển Baltic cũng như Phần Lan. Những phần đất này, trước đây, nằm dưới quyền khống chế của đế quốc Thụy Điển – quyền lực địa chính trị vừa vụt trỗi dậy dưới sự dẫn dắt của một bậc anh quân khác, Vua Charles (Karl) XII.

Karl XII, người từng mang quân tiến sâu vào châu Âu lục địa mong “tranh bá đồ vương” với liệt cường Anh, Pháp, Áo – Hung…, có lẽ cũng không mong muốn mình trở thành một “tấm gương” cho kẻ sau này truất phế hoàn toàn vị thế của mình. Song, đúng là như vậy. Tham vọng cũng như tầm nhìn chiến lược của Karl XII đã được Pyotr I thu nhận và “nâng cấp” lên một tầm mức cao hơn hẳn, để đến lượt mình biến nước Nga thành một đại cường phương Đông, mở toang các cánh cửa thông ra đại dương.

Ngày 30/11/1718, giữa khi “Đại chiến phương Bắc” còn đang diễn ra dữ dội, Karl XII đích thân dẫn quân công phá một pháo đài ở Na Uy, pháo đài Federiksten, và tử trận. Cái chết ấy trở thành một bước ngoặt, mà sau nó, đà thất bại của Thụy Điển trở nên rõ ràng đến không thể ngăn cản. Kể cả với sự tiếp sức của hải quân Anh, Thụy Điển cũng không thể chặn nổi những bước tiến sấm sét của quân Nga. Hải quân Nga đánh tan hạm đội Thụy Điển năm 1720, xóa đi mọi hy vọng lật ngược thế cờ từ phía địch thủ.

Đó là điểm kết thúc của một hành trình dài và vinh quang, nhưng cũng đầy gian nan trắc trở, bắt đầu từ khi Pyotr Đại đế chính thức độc chiếm ngai vàng nước Nga, ngày 8/3/1696. Trên hành trình đó, ông đã dẫn dắt quân đội Nga đánh bại cả đế quốc Thụy Điển lẫn đế quốc Ottoman.

“Hướng biển” và “đa phương hóa”

Nếu bắt buộc phải chọn chỉ duy nhất một nguyên nhân then chốt để Pyotr Đại đế được suy tôn là vị hoàng đế xuất sắc nhất lịch sử nước Nga, có lẽ “ứng cử viên” sáng giá nhất, không thể khác, là tư duy “hướng biển” của ông – điều tác động sâu sắc đến cả các quan điểm chính trị cũng như quân sự trong suốt quãng thời gian ông tại vị.

Có quá nhiều câu chuyện đáng được nhắc đến trong cuộc đời hiển hách của Pyotr I, song có lẽ, căn bản tầm nhìn của vị “Đại đế” thực thụ đó khởi phát từ một trò chơi niên thiếu, khi ông mới 15-16 tuổi và đang bị “an trí” ở những ngôi làng ngoại ô Moskva – Preobrazhenskoe và Semyonovsky – trong vai trò là “Sa hoàng đệ nhị”, tức là một kiểu “Sa hoàng dự khuyết”.

Pyotr được dạy dỗ bởi một thương nhân Hà Lan, Franz Timmerman, người mang đến cho ông những kiến thức đầu đời về số học, hình học, toán học, đạn đạo học…Timmerman và Pyotr tìm thấy một chiếc thuyền nhỏ mục nát kiểu Anh. Sa hoàng bé nhỏ vô cùng hào hứng được lái chiếc thuyền đó, trên quãng sông trước mặt. Về sau, chính Pyotr tôn vinh chiếc thuyền ấy là “Thủy tổ của hải quân Nga”, như cách tri ân niềm hứng khởi thơ ấu.

Từ con thuyền ấy, khi tập trung được quyền lực trong tay, một trong điều đầu tiên Pyotr nỗ lực thực hiện là hiện đại hóa hải quân Nga. Cũng chính bởi vậy, ông mới hóa thân thành “người lính Pyotr Mikhaylov” huyền thoại, trong chuyến viễn du kéo theo cả các trọng thần đi vòng quanh Tây Âu, nhằm thu nhận những kiến thức hàng hải quan trọng nhất.

Từ con thuyền ấy, từ năm 1703, Pyotr đã quyết định dời đô về Saint Petersburg, xây dựng hẳn một kinh thành mới rộng lớn và hiện đại, trên vùng đất đầm lầy Ingria nằm ở rìa phía Nam vịnh Phần Lan. Với Saint Petersburg, ông mở cho nước Nga một cánh cửa vừa thông ra biển lớn, vừa hướng về trung tâm châu Âu lục địa. Đó không chỉ là một kinh đô thời chiến đặt ngay sát “tiền tuyến”, nhằm dễ tập trung và điều động binh lực, mà còn là môi trường thích hợp để tầng lớp quý tộc mới của nước Nga mới dưới tay ông rời khỏi những trầm tích quanh Moskva, đến gần châu Âu, tiếp cận các tri thức mới, thiết lập các mối quan hệ thương mại với thế giới bao la.

Từ con thuyền nhỏ ban đầu, Pyotr có Saint Petersburg. Từ tầm nhìn chiến lược “hướng biển” của ông, những làn gió cách tân và cả những khuynh hướng đa phương hóa thổi từ phương Tây vào nước Nga, vốn khá biệt lập trong những thế kỷ trước đó, bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, tri thức, quân sự, lập pháp.

Những dòng “chuyên gia” từ châu Âu nô nức đến Nga, qua ngả Saint Petersburg, và làm đủ mọi việc, từ đóng tàu, phục vụ trong quân đội, giảng dạy khoa học, đến tổ chức các cơ sở sản xuất… Ở chiều ngược lại, Pyotr Đại đế cũng gửi rất nhiều người Nga ra nước ngoài học tập vào năm 1697-1698. Nhờ họ và nhờ sức ảnh hưởng của họ, xã hội Nga được lay động, để biến đổi và thích ứng với thời cuộc.

Thí dụ điển hình cho tiến trình thay đổi và thích ứng ấy, không gì khác, là 21 năm Đại chiến phương Bắc với Thụy Điển. Giai đoạn đầu của cuộc chiến, quân Nga liên tục thảm bại, khi phải đương đầu với một đội quân thiện chiến bậc nhất châu Âu thời bấy giờ. Song, càng về sau, những guồng máy càng trở nên trơn tru, kỹ thuật quân sự cũng như tri thức chiến thuật của quân đội Nga càng lúc càng được hoàn thiện. Chắp cánh cho các yếu tố ấy là tiềm lực khổng lồ của một lãnh thổ mênh mông đang hừng hực sinh khí, được tiếp sức bằng tinh thần xây dựng pháp luật của một nhà cai trị thiên tài. Mặc dù, đôi khi ông vẫn thể hiện tính độc đoán thông qua các sắc lệnh hoàn toàn xuất phát từ suy nghĩ cá nhân, không qua bàn thảo với triều đình.

Không chỉ vậy, tính chất đa phương hóa trong những gì Pyotr Đại đế thực hiện còn hằn sâu ở cách ông thiết lập các mối quan hệ ngoại giao. Nếu ban đầu khi ông mới lên ngôi, không cường quốc nào muốn vì nước Nga mà thách thức can qua với Thụy Điển, thì ở trung kỳ và tàn cục cuộc chiến, nước Nga của Đại đế đã xây dựng được quanh mình cả một liên minh, bao gồm: Nga, Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania, Sachchen và Vương quốc Đan Mạch – Na Uy.

“Khóa học binh lửa” kéo dài hơn hai thập kỷ, cuối cùng đã khép lại với một “lễ tốt nghiệp” rạng rỡ, như Pyotre tự đánh giá. Đó là điều mà không chỉ Karl XII, rất ít người có thể nghĩ đến, sau khi quân Nga thua tan nát ở trận Narva (19/11/1700), khi “Đại chiến phương Bắc” mới bắt đầu…

* Trước ngày 2/11/1721, tước hiệu của Pyotr I chỉ là Sa hoàng Nga. Song, kể từ ngày đó, ông được gọi là Hoàng đế và Đấng cầm quyền chuyên chính của toàn Nga, khi nước Nga đã chính thức được xem là Đế quốc Nga.

* Điều cực kỳ quan trọng trong thời gian Pyotr Đại đế nắm quyền là việc thần quyền do nhà thờ Chính thống giáo Đông phương nắm giữ đã hoàn toàn bị lép vế trước thế quyền, mà việc dời đô về Saint Petersburg, tách khỏi tòa Thượng phụ giáo chủ Moskva, cũng có ý nghĩa vô cùng thâm thúy.

Theo CÔNG AN NHÂN DÂN

Tags: , ,