Khi sinh viên năm cuối không hiểu ngành mình học dùng để làm gì

Em là sinh viên năm cuối một trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau buổi trò chuyện của tôi tại trường về đề tài công dân toàn cầu, em rụt rè đứng chờ tôi ngoài sảnh. 

Khi sinh viên năm cuối không hiểu ngành mình học dùng để làm gì

Cô ơi, con có câu này không biết phải hỏi ai. Ngành con học ra trường làm gì cô?” – em ngây thơ hỏi. Tôi choáng váng ngỡ ngàng.

Sao lại có chuyện học đến năm thứ tư rồi mới hỏi “ngành em học ra trường làm gì được?”. Vậy mà những câu hỏi như thế vẫn được đặt ra tại mỗi trường đại học mà tôi có dịp ghé qua.

Dường như có một sự thiếu định hướng rõ ràng về nghề nghiệp từ ngày đầu tiên các em bước đến trường thi. Dường như đâu đó thiếu một kênh đối thoại giữa đào tạo cung ứng nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng.

Nicola là một người bạn nước ngoài, hiện đang điều hành một công ty tuyển dụng xuyên biên giới. Cô có lần chia sẻ với tôi một nghiên cứu về nhận thức của nhà tuyển dụng và sinh viên chuẩn bị đi làm.

Tại Việt Nam, khi hỏi sinh viên mới ra trường có tự tin cho rằng bản thân đã đủ kiến thức và kỹ năng để hội nhập nhanh chóng vào môi trường làm việc hay không, trên 90% sinh viên Việt Nam trả lời là có.

Ngược lại, khi hỏi nhà tuyển dụng về khả năng hội nhập của sinh viên Việt Nam, chỉ có khoảng 30% nhà tuyển dụng cho rằng các em đã sẵn sàng. Có cái gì đó sai sai.

Sao lại có một khoảng cách về nhận thức đến 60% như thế? Cô cho biết vì vậy nhà tuyển dụng phải thiết kế ra một khóa học gọi là “khóa học bắc cầu”.

Rồi trong sáu tháng tiếp theo sau khi tuyển dụng, họ nắm tay dẫn các em qua bến bên kia. Đôi bờ cách xa nhau quá.

Muốn hội nhập phải học cách qua cầu. Cũng vì vậy tôi hay nhắc các bạn sinh viên mới ra trường: “Đừng ảo tưởng về sức mạnh tri thức của trường đại học. Đừng lăn tăn về chuyện chọn lựa mức lương. Đừng đòi hỏi những lợi ích hoành tráng cho đáng bốn năm đèn sách. Các em biết không? Trong sáu tháng đầu tiên khi bước chân vào một chỗ làm, người ta thật ra là đang nuôi em ăn học”.

V. là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại một trường đại học hàng đầu TP.HCM. Đến phỏng vấn làm trợ lý cho tôi, em hùng hồn nói về những ước mơ to lớn trong đời. Tôi mỉm cười nhận em vào thử việc, vì biết rằng chỉ có thực tế làm việc mới nói lên khả năng thật sự của một con người.

Ngày đầu tiên, tôi huấn luyện cho em về kỹ năng tổ chức công việc và giao cho em bài tập lên danh sách công việc theo thứ tự ưu tiên cho hôm sau.

1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng sau đó, em vẫn không thể sắp xếp nổi ngày làm việc của mình theo thứ tự ưu tiên loại công việc và thời gian sử dụng cho từng công việc trong ngày. Huấn luyện mãi cũng chán, tôi gọi em ra tâm sự.

Tôi hỏi em thật sự kỹ năng đó có quá khó hay không. Em nói bốn năm đại học em học nhiều thứ cao siêu lắm, nên cũng không hiểu tại sao kỹ năng đơn giản thế mà đến nay vẫn chưa lĩnh hội.

Có một dòng sông với hai bờ xa cách. Bờ này bến kia đôi khi chỉ cách nhau có một nhịp cầu. Có khi ta chỉ cần phải bước qua, hỏi một câu hết sức nhẹ nhàng thì khoảng cách 60% chắc không dài như thế.

Và nếu đâu đó đã tồn tại một khóa bắc cầu, sao không chở nó vào chương trình để các em hiểu thế nào là đời thực?

Theo NGUYỄN PHI VÂN / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , ,