Khái niệm khu dân cư sinh thái trên thế giới và một ví dụ tại Pháp

Khái niệm khu dân cư sinh thái đang dần trở nên phổ biến và được khuyến khích trên thế giới trong sự gắn kết chặt chẽ với xu hướng phát triển bền vững khi các vấn đề môi trường và năng lượng ngày càng trở nên bức thiết.Khái niệm khu dân cư sinh thái trên thế giới và một ví dụ tại Pháp

Tác giả: TS – KTS Trần Minh Tùng, Trường ĐH Xây dựng.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc số 5/2016).

Khái niệm “Khu dân cư sinh thái” …

“Khu dân cư sinh thái”, được dịch từ “ecodistrict” (còn được viết “eco-district”) của tiếng Anh hay “écoquartier” (còn được viết “éco-quartier”) của tiếng Pháp, vốn là một từ ghép mới xuất hiện, được tạo ra bởi từ gốc “district/quartier” (khu phố, khu vực, khu dân cư) và tiền tố “eco-/éco-”- dạng rút gọn của tính từ “ecological/écologique” (sinh thái). Tuy nhiên, hiện nay từ “ecodistrict/écoquartier” còn mang một nghĩa kép là “khu dân cư sinh thái / kinh tế” do tiền tố “eco-/éco-” được gắn thêm nghĩa thứ hai từ tính từ “economical/économique” (kinh tế). Đây là một nghĩa phát sinh không chỉ đơn thuần dựa trên sự chơi chữ thú vị khi cả 2 từ “sinh thái” và “kinh tế” trong tiếng Anh và tiếng Pháp đều bắt đầu bằng “eco-/éco-”, mà còn dựa trên bản chất hoạt động của các khu dân cư khi chúng tích hợp các yếu tố sinh thái thì sẽ thu lại được những giá trị về lợi ích kinh tế và ngược lại, để giảm thiểu chi phí kinh tế xây dựng và vận hành các khu dân cư thì các yếu tố sinh thái sẽ trở thành một công cụ cần thiết. Chính vì vậy, trong một số nghiên cứu hiện nay, một số nghiên cứu sử dụng từ “eco2district/éco2quartier”. Tương tự như vậy, ở cấp độ lớn hơn ta sẽ có khái niệm “thành phố sinh thái / kinh tế” (“eco(2)city”, “eco(2)town” hay “éco(2)ville”).

Khái niệm khu dân cư sinh thái đang dần trở nên phổ biến và được khuyến khích trên thế giới trong sự gắn kết chặt chẽ với xu hướng phát triển bền vững khi các vấn đề môi trường và năng lượng ngày càng trở nên bức thiết, có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng đô thị và chất lượng sống của người dân không chỉ ở cấp độ riêng từng quốc gia mà còn ở cấp độ toàn cầu.

La Caserne de Bonne – khu dân cư sinh thái đầu tiên được công nhận ở nước Pháp năm 2009 – với diện tích 15,7ha, được chuyển đổi, cải tạo từ một khu vực đô thị hiện hữu nằm ở trung tâm thành phố Grenoble. Ảnh: Agence Devillers et Associés.

Như vậy, khu dân cư sinh thái có thể được xem là một dự án quy hoạch đô thị trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, nguyên lý phát triển bền vững nhưng vẫn đáp ứng và thoả mãn được các đặc tính sinh thái, môi trường riêng của khu vực thiết lập dự án. Các nước phát triển, đặc biệt ở Châu Âu, nơi có trình độ công nghiệp và công nghệ phát triển hiện đang cổ xuý rất mạnh mẽ xu hướng sinh thái hoá đô thị thông qua việc thể chế và pháp lý hoá quá trình thiết lập – xây dựng – vận hành hay phân cấp – phân loại – theo dõi những khu dân cư sinh thái, đặc biệt đối với những đô thị lớn.

Xét trên góc độ quy hoạch không gian, một khu dân cư sinh thái là một khu ở đô thị được quy hoạch theo những đặc tính sinh thái hiện đại. Thể thức quy hoạch đô thị này được tạo ra nhằm thỏa mãn mục tiêu làm chủ các nguồn lực con người và tự nhiên cần thiết cho đời sống dân cư (yếu tố đầu vào) và cho các hoạt động sản xuất kinh tế trên một khu vực lãnh thổ xác định trong thành phố cũng như làm chủ rác thải từ các quá trình trên (yếu tố đầu ra). Cụ thể hơn, xét trên phương diện yếu tố đầu vào, trong đó năng lượng luôn chiếm phần quan trọng và tiêu tốn kinh tế nhiều nhất, khu dân cư sinh thái sẽ xác định sử dụng tối đa các nguồn cung cấp năng lượng địa phương tại chỗ, hạn chế việc phụ thuộc năng lượng từ bên ngoài. Còn ở yếu tố đầu ra, các nguồn rác thải và tài nguyên đã qua sử dụng được quản lý tốt bởi khả năng tái sử dụng, hấp thụ trở lại thông qua các công nghệ kỹ thuật, quá trình tái tạo và phân bố trên khu vực lãnh thổ của khu dân cư. Dưới những góc độ này, các khu dân cư sinh thái sẽ liên quan đến khái niệm “quy hoạch sinh thái” hay “quy hoạch bền vững”, vốn được xem là một phương thức quy hoạch mới để giải quyết mối quan hệ giữa (môi trường) đô thị và tự nhiên. Các phương pháp này đều tuân theo tôn chỉ tôn trọng môi trường, cảnh quan tự nhiên bằng việc sử dụng các quan niệm và cách thức xây dựng mới, các công nghệ kiến trúc và vật liệu mới, các phương thức di chuyển mới cho một đô thị hướng về tính tự nhiên… Điều này được xem như là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống.

Xét trên góc độ văn hoá, một khu dân cư sinh thái cũng được xem là một tế bào, góp phần tạo ra một đơn vị văn hoá đô thị. Đặc tính này phụ thuộc chủ yếu vào sự liên hệ, gắn kết mật thiết và tăng cường giao tiếp cộng đồng của người dân, được tạo ra bởi sự giảm thiểu ô tô, tăng cường giao thông nhẹ (giao thông công cộng, xe đạp, đi bộ…), giảm khoảng cách đi lại để người dân xích lại gần nhau hơn trong một khu vực đầy đủ và đa chức năng dịch vụ công cộng đô thị. Sự trộn lẫn các không gian thuộc các loại hình dịch vụ thường nhật khác nhau (mua sắm, giáo dục, văn hoá, giải trí, thể thao…), hay các loại hình sở hữu khác nhau (công cộng, cộng đồng, cá nhân…) tạo nên tính bổ trợ cao cho hoạt động của người dân, tăng tính hấp dẫn của nơi chốn cư trú để họ có thể tự hào, góp phần gìn giữ và cải thiện tốt hơn khu dân cư của họ.

… Ví dụ về khu dân cư sinh thái tại Pháp

Đi đầu trong xu thế tạo ra các khu vực đô thị sinh thái hay các đô thị sinh thái tại Châu Âu là Đức, Pháp và các nước Bắc Âu. Tuy muộn hơn nhưng đây có thể xem là một ví dụ điển hình về việc cập nhật xu thế phát triển đô thị gắn kết với các yếu tố sinh thái. Ngay từ những năm 2000, Pháp đã tích hợp các dự án quy hoạch và phát triển theo hướng bền vững vào các quy hoạch đô thị. Quy hoạch sinh thái là một trong những điều khoản quan trọng trong thoả thuận Grenelle năm 2007 được đề xuất bởi Bộ Sinh thái, Phát triển và Quy hoạch bền vững. Năm 2008, ý tưởng về định danh các khu dân cư sinh thái bắt đầu được hiện thực hoá và đến năm 2012, danh hiệu quốc gia về khu dân cư sinh thái chính thức được thể chế hoá bởi Bộ Bình đẳng khu vực và Nhà ở, trở thành “Hiến chương về các khu dân cư sinh thái”, được vận động thông qua và đồng ý tham gia tại nhiều địa phương trên lãnh thổ Pháp. Đáng chú ý nhất trong Hiến chương này là hệ thống 20 tiêu chí được chia thành 4 nhóm nhằm đánh giá các dự án có thể đạt danh hiệu quốc gia về khu dân cư sinh thái.

Nhóm 1: Vận động và tiến triển – thực hiện các dự án theo một cách khác

(1) Dự án được thực hiện có thể đáp ứng nhu cầu cho tất cả nhưng vẫn dựa trên các nguồn lực và điều kiện khu vực;
(2) Hình thành và đưa vào dự án một quá trình dẫn hướng và quản lý có quy mô;
(3) Tích hợp những tiếp cận về chi phí tổng thể khi lựa chọn đầu tư;
(4) Tính toán đến thực tế sử dụng và các điều kiện quản lý trong việc lựa chọn phương án thiết kế;
(5) Thực hiện các phương pháp tiến hành đánh giá và cải thiện liên tục;

Nhóm 2: Khung cảnh sống và sử dụng – cải thiện cuộc sống thường nhật

(6) Diễn ra trên thành phố hiện hữu và đề xuất một mật độ đáp ứng để chống lại sự phát triển dàn trải của đô thị;
(7) Thực hiện các điều kiện về sự đa dạng xã hội và tích hợp hợp lý, tổng thể sống tốt và các gắn kết cộng đồng;
(8) Đảm bảo một khung cảnh sống vệ sinh và an toàn;
(9) Thiết lập một chất lượng kiến trúc và đô thị dung hoà cường độ và chất lượng sống;
(10) Phát huy các giá trị di sản (tự nhiên và công trình) của địa phương, lịch sử và những căn tính của khu vực dân cư;

Nhóm 3: Phát triển lãnh thổ – năng động hoá khu vực

(11) Góp phần phát triển kinh tế địa phương, cân bằng và bền vững chắc chắn;
(12) Đa dạng hoá các công năng trong một phạm vi lãnh thổ có khoảng cách ngắn;
(13) Hoạch định mô hình tối ưu cho việc tiêu thụ các nguồn lực, các vật liệu và phát triển các nguồn cung ứng địa phương và vận chuyển ngắn;
(14) Ưu đãi giao thông nhẹ và vận tải công cộng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào xe cơ giới;
(15) Thúc đẩy các chuyển hoá kỹ thuật số để hệ thống hoá dễ dàng các dịch vụ mới;

Nhóm 4: Bảo tồn các nguồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu – đáp ứng các khẩn cấp về khí hậu và môi trường

(16) Tạo ra một quy hoạch đô thị cho phép dự báo và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các nguy cơ có thể xảy ra;
(17) Hướng đến một sự điều tiết năng lượng và đa dạng hoá nguồn năng lượng có thể tái tạo hoặc thu hồi;
(18) Hạn chế rác thải, phát triển và củng cố việc tạo ra giá trị từ tái sử dụng rác thải;
(19) Bảo tồn các nguồn nước và đảm bảo một sự quản lý nước chất lượng và kinh tế;
(20) Bảo tồn và phát huy giá trị sự đa dạng sinh thái, mặt đất và môi trường tự nhiên.

Có thể thấy hệ thống 20 tiêu chí hướng dẫn quá trình sinh thái hoá một khu dân cư mới ở những giai đoạn khác nhau (thiết kế – xây dựng – vận hành – bảo dưỡng) đến những cấp độ khác nhau (công trình – khu vực – đô thị – quốc gia – toàn cầu). Các tiêu chí này có vẻ rất “phức tạp” và “khó hiểu”, tuy nhiên, mục đích cuối cùng lại vô cùng đơn giản, dễ hiểu đối với người dân. Nói cách khác, tất cả những tiêu chí trên nhằm xây dựng một khu dân cư sinh thái được thể hiện rõ ràng nhất ở những yếu tố “4 giảm 1 tăng” như sau:

Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng: Các công trình được thiết kế để đảm bảo nghiêm ngặt việc tiêu thụ năng lượng trung bình theo diện tích công trình là thấp nhất có thể. Thông thường các khu dân cư sinh thái tận dụng tối đa các nguồn năng lượng có thể tái tạo (mặt trời, sức gió…) và được chuyển hoá, cung cấp ngay tại chỗ.
Giảm thiểu ô tô: Thông qua các phương thức quản lý hiệu quả hơn việc di chuyển đi lại và khuyến khích sử dụng giao thông nhẹ (giao thông công cộng, xe đạp, đi bộ): Các khu dân cư sinh thái đẩy mạnh sử dụng xe đạp với hệ thống đường dành riêng, các bãi đỗ xe đạp, các đường đi bộ cho phép đi lại an toàn bên trong khu dân cư, các bến xe buýt dễ dàng tiếp cận. Việc giảm thiểu ô tô có thể đẩy lên mức cao nhất là cấm hoàn toàn sự có mặt của ô tô trong khu.
Giảm thiểu tiêu thụ nước: Nước mưa được thu hồi và sử dụng tưới các không gian xanh, làm sạch đường phố và cung cấp cho các nhà vệ sinh công cộng.
Giảm thiểu tạo ra rác thải: Việc phân loại rác thải tại các không gian, công trình là bắt buộc, những rác thải hữu cơ được bón ủ thông qua những khu vực đã được định trước trong dự án để sử dụng bón cho các vườn cây và không gian xanh.
Tăng cường tính đa dạng sinh học: Các biện pháp thực hiện đều hướng đến việc khuyến khích sự phát triển của các thảm thực vật và hệ động vật địa phương.

Khái niệm khu dân cư sinh thái trên thế giới và một ví dụ tại Pháp

La Caserne de Bonne hiện nay – việc chuyển đổi, cải tạo dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của khu vực đô thị, tôn trọng và tận dụng các giá trị lịch sử và những yếu tố hiện hữu để tạo ra một tinh thần sinh thái mới cho khu phố dựa trên tính mở, sự thân thiện và đa dạng công năng nhất có thể trong một diện tích giới hạn.

Như vậy, có thể thấy, hệ thống tiêu chí này cho phép khuyến khích, theo dõi và làm tăng giá trị các dự án quy hoạch bền vững thực sự tương ứng với quy mô và bối cảnh của chúng. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng danh hiệu này không phải là một quy chuẩn và nó không đề xuất một mô hình thực hiện và phát triển sinh thái duy nhất. Ngược lại, nó đảm bảo cho chất lượng các dự án dựa trên cùng một nền tảng các nhu cầu cơ bản. Nó được xem như một công cụ cho phép địa phương hoá và thích ứng các phương pháp thực hiện ở tất cả các kiểu khu vực tác động tuỳ theo quy mô, bối cảnh, lịch sử, văn hoá khác nhau và ở tất cả các giai đoạn tiến triển khác nhau của dự án.

Nói cách khác, danh hiệu này là:

Cho tất cả: Nó chứng tỏ rằng với tất cả những cách thức thực hiện sinh thái hoá, những dự án đều có thể góp phần vào việc đổi mới quy hoạch.
Gần gũi: Nó cho phép tất cả các dự án mang đến những giải pháp riêng để cùng phục vụ cho những mục tiêu quốc gia, nó dựa trên việc hiện thực hoá những tiếp cận về quy hoạch để đảm bảo tính hợp lý của các giải pháp trong bối cảnh của mình.
Thúc đẩy tiến bộ đô thị: Tương ứng với mỗi giai đoạn của dự án, nó đòi hỏi cấp độ chất lượng giải pháp để thể hiện tầm quan trọng làm nổi bật những điển hình và đổi mới tại địa phương.
Dựa trên sự đánh giá cộng đồng: Hội đồng quốc gia, đại diện các hội, cơ quan chuyên môn về kiến trúc và quy hoạch (thuộc nhà nước, tư nhân hay hợp doanh) cùng xem xét và trao tặng danh hiệu để chứng tỏ chất lượng của dự án.

Sinh thái và hơn thế nữa

Như vậy, thông qua việc thể chế hoá quá trình sinh thái hoá một dự án khu dân cư và hệ thống hoá việc thiết lập nhiều dự án khu dân cư sinh thái đô thị, các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách đã đồng thời đạt được nhiều mục tiêu hơn bản chất ban đầu của một dự án xây dựng hay của nhiều dự án phát triển riêng lẻ cung cấp nhà ở đơn thuần. Nói cách khác, các yếu tố sinh thái được đưa vào như một công cụ nền tảng cơ bản để có thể giải quyết nhiều vấn đề đô thị khác (ngoài môi trường) mà các quốc gia đang phải đối mặt. Như vậy, các khu dân cư sinh thái đã và đang gánh một “trọng trách” trong đô thị vượt ra khỏi phạm vi khu vực dự án để hướng tới những mục tiêu cao cả hơn của xã hội đô thị hiện nay:

– Được xem như những đòn bẩy để phục hưng và tái tạo lại tính hấp dẫn cho môi trường và xã hội đô thị tại những khu vực đô thị khác nhau;
– Kích hoạt các nguồn lực và tiềm năng xã hội đô thị ngay chính tại địa điểm và môi trường xây dựng dự án;
– Dựa trên sự khớp nối chặt chẽ giữa đô thị (nhân tạo) và cảnh quan (tự nhiên) vốn bị xem thường khi đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị để cấu trúc nên các khu dân cư sinh thái;
– Thúc đẩy sự pha trộn xã hội đô thị thông qua việc phát triển các mối quan hệ xã hội giữa những nhóm “thị dân” cùng chung sống với nhau một cách“sinh thái”;
– Thiết kế các nhóm cư trú và các công trình thuận tiện cho vận hành xã hội đô thị;
– Tiên liệu các cách thức quản lý đô thị hiệu quả liên quan đến các vấn đề rác thải, nước và mạng lưới năng lượng;
– Hiện thực hoá và là những minh chứng sống động cho sự tiến triển của quy hoạch đô thị bền vững.

Sinh thái hoá không chỉ làm thay đổi diện mạo vật chất của các yếu tố kiến trúc, cảnh quan đô thị của khu dân cư, vốn được xem là điều kiện cần để phân biệt và nhận ra một khu dân cư sinh thái trong đô thị, mà còn thay đổi cả các quan niệm về mối quan hệ giữa nội tại những yếu tố này với nhau, giữa những yếu tố này với cộng đồng cư dân và giữa nội tại cộng đồng cư dân với nhau theo một xu hướng đồng tồn tại, tương trợ – tương hỗ – tương tác lẫn nhau để phát triển bền vững, thiết lập môi trường sống tốt, được xem là điều kiện đủ tạo ra sự hoàn thiện của một khu dân cư sinh thái nói riêng và một đô thị sinh thái nói chung.

Ở một cấp độ thấp hơn, các khu dân cư hiện hữu được sinh thái hoá từng phần, đặc biệt chú trọng đến các không gian công cộng, điển hình là dự án xanh hoá các ngõ phố dưới tên gọi “Ngõ xanh” (Ruelle Verte) tại thành phố Montréal (Canada) nhằm biến đổi những con ngõ trong các khu vực dân cư trở nên sinh thái hơn, tạo một không gian công cộng hấp dẫn, kết nối và tổ chức các hoạt động cộng đồng thay vì chỉ đóng vai trò giao thông đơn thuần.

Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC 

Tags: ,