Khái niệm, đặc điểm và cơ chế của thuế Giá trị gia tăng VAT

Thuế Giá trị gia tăng (Value Added Tax – VAT) được áp dụng chính thức tại Pháp năm 1954. Hiện tại có 120 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế này. Ở Việt Nam, Luật thuế Giá trị gia tăng được ban hành vào năm 1997 và có hiệu lực từ 1/1/1999.

Khái niệm, đặc điểm và cơ chế của thuế Giá trị gia tăng VAT

Thuế Giá trị gia tăng là gì?

Trước khi thuế Giá trị gia tăng (GTGT) ra đời, một số quốc gia áp dụng thuế doanh thu. Đây là một lọai thuế bị thu trùng ở nhiều giai đọan khác nhau từ sản xuất đến tiêu dùng. Ví dụ như một xưởng cưa sau khi xả cây và bán gỗ cho thợ mộc với giá 1.000.000 đồng với thuế suất 10%. Số thuế phải nộp cho nhà nước là 100.000 đồng. Tổng cộng số tiền người thợ mộc phải trả cho xưởng cưa là 1.100.000 đồng. Từ khúc gỗ đó, người thợ mộc làm chiếc bàn và bán cho người bán lẻ với giá 5.100.000 đồng, thuế suất là 10% thì người bán lẻ phải nộp thuế

510.000 đồng. Giá bán cái bàn lúc này là 5.560.000 đồng. Người bán lẻ bán cho người tiêu dùng với giá là 10.000.000 với thuế suất là 10% thì giá của chiếc bàn sẽ là 11.000.000 đồng. Như vậy, trong ví dụ này nhà nước đã thu được thuế 1.610.000 đồng. Nếu ta so sánh thì thấy rằng từ giai đọan đầu tiên, giá trị của hàng hóa (khúc gỗ) đã được tăng lên được 10 lần. Tuy nhiên, số thuế mà nhà nước nhận được đã tăng lên 16,1 lần mặc dù thuế suất ở các giai đọan như nhau. Việc tăng số tiền thuế nộp cho nhà nước là do thuế đã thu chồng lên thuế ở mỗi giai đọan sản xuất, lưu thông.

Điều này dẫn đến việc để tránh thuế, người sản xuất tìm cách kết hợp các giai đọan sản xuất, lưu thông lại với nhau. Ở ví dụ trên, giả định là người thợ mộc sở hữu luôn xưởng cưa và sau khi đóng xong chiếc bàn thì bán trực tiếp cho khách hàng với giá 10.000.000 đồng. Với thuế suất là 10%, nhà nước thu được 1.000.000 đồng tiền thuế.

Các học giả đã phát hiện ra điểm tiêu cực của cách đánh thuế này là làm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có khả năng kết hợp và thực hiện nhiều giai đoạn của quá trình sản xuất, lưu thông gặp khó khăn vì họ phải chịu thuế nhiều hơn do bị thuế chồng thuế. Việc kết hợp nhiều giai đọan sản xuất lưu thông lại với nhau cũng dẫn đến việc thay đổi kết cấu nền kinh tế. Người tiêu dùng cũng sẽ bị thiệt thòi vì người sản xuất, người lưu thông hàng hóa sẽ tìm cách chuyển gánh nặng về thuế của họ cho người tiêu dùng làm giá cả tăng cao. Vì vậy mà các học giả như Dr. Wilhelm von Siemens (Đức), Thomas S. Adams (Mỹ), vv… đề xuất phương án đánh thuế lên giá trị tăng thêm của hàng hóa từ những năm 192046. Những ý tưởng này đã đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống thuế bán lẻ và thuế giá trị gia tăng sau này. Trong đó, thuế giá trị gia tăng (GTGT) là lọai thuế đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ nhằm động viên một phần thu nhập của người dân vào ngân sách nhà nước.

Thuế GTGT là một lọai thuế đánh lên hành vi tiêu dùng nhưng suy cho cùng thì mục đích của lọai thuế này cũng nhằm vào thu nhập của người dân. Xem xét hành vi tiêu dùng cùng với thu nhập và tài sản có thể giúp để phân định được ai là người giàu, người nghèo trong xã hội. Đánh thuế lên cả ba lĩnh vực này sẽ giúp cho nhà nước thu được ngân sách đồng thời điều tiết được thu nhập từ người giàu sang người nghèo.

Thuế GTGT được áp dụng chính thức tại Pháp năm 1954. Hiện tại có 120 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế này. Ở Việt Nam, Luật thuế GTGT được ban hành vào năm 1997 và có hiệu lực từ 1/1/1999. Luật này đã được sửa đổi bổ sung năm 2003 và năm 2005 nhằm đảm bảo các cam kết của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và nhằm hòan thiện hơn hệ thống thuế GTGT ở Việt Nam.

Đặc điểm của thuế Giá trị gia tăng

Thuế GTGT có những đặc điểm sau:

– Thuế giá trị gia tăng có đối tượng chịu thuế rất rộng. Theo đó, mọi đối tượng tồn tại trong xã hội, cho dù là tổ chức hay cá nhân, là người nghèo hay người giàu đều phải chi trả thu nhập của mình để thụ hưởng kết quả sản xuất kinh doanh tạo ra cho nền kinh tế xã hội. Vì vậy mà việc xác định đối tượng chịu thuế, thuế suất luôn là vấn đề cần được quan tâm khi xây dựng luật thuế GTGT nhằm thực hiện công bằng xã hội, hướng dẫn tiêu dùng và khuyến khích sản xuất phát triển.

– Thuế GTGT chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ. Việc chỉ đánh thuế trên phần giá trị tăng thêm nhằm làm giảm bớt gánh nặng về thuế đối với người sản xuất, người cung cấp, người lưu thông và người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy mà việc xác định chính xác GTGT là rất quan trọng và trong thực tế là rất khó khăn.

– Nếu dựa trên giá mua cuối cùng của hàng hóa, dịch vụ, số thuế phải nộp không thay đổi phụ thuộc vào các giai đọan lưu thông khác nhau. Đánh thuế ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa dịch vụ nhưng chỉ đánh trên giá trị tăng thêm của khâu sau so với khâu trước. Tổng số thuế nộp ở các khâu chính là số thuế cuối cùng tính trên tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Và vì người tiêu dùng là người chịu gánh nặng về thuế nên cũng giảm tình trạng trốn thuế, tránh thuế.

Cơ chế hoạt động của thuế giá trị gia tăng

Cơ sở cuả thuế giá trị gia tăng chính là phần giá trị tăng thêm cuả sản phẩm do cơ sở sản xuất, kinh doanh mới sáng tạo ra chưa bị đánh thuế. Nói cách khác, cơ sở cuả thuế giá trị gia tăng là khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Do đó cơ chế hoạt động cuả thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

  • Một trong những nguyên tắc cơ bản cuả thuế giá trị gia tăng là sản phẩm, hàng hoá dù qua nhiều khâu hay ít khâu từ sản xuất đến tiêu dùng, đều chịu thuế như nhau.
  • Thuế giá trị gia tăng có điểm cơ bản khác với thuế doanh thu là chỉ có người bán hàng (hoặc dịch vụ) lần đầu phải nộp thuế giá trị gia tăng trên toàn bộ doanh thu bán hàng (hoặc cung ứng dịch vụ). Còn người bán hàng (hoặc dịch vụ) ở các khâu tiếp theo đối với hàng hoá (hoặc dịch vụ) đó, chỉ phải nộp thuế trên phần giá trị tăng thêm. Nói cách khác, thuế giá trị gia tăng là loại thuế duy nhất thu theo phân đoạn chia nhỏ, trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá (hoặc dịch vụ) từ khâu đầu tiên đến người tiêu dùng, khi khép kín một chu kỳ kinh tế. Ðến cuối chu kỳ sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ, tổng số thuế thu được ở các công đoạn sẽ khớp với số thuế tính trên giá bán hàng hoá hoặc giá dịch vụ cho người tiêu dùng cuối cùng.
  • Thuế giá trị gia tăng không chịu ảnh hưởng bởi kết qủa sản xuất, kinh doanh của đối tượng nộp thuế, không phải là yếu tố của chi phí mà chỉ đơn thuần là một khoản được cộng thêm vào giá bán của đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
  • Thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chiụ nhưng không phải do người tiêu dùng trực tiếp nộp mà là do người bán sản phẩm (hoặc dịch vụ) nộp thay vào kho bạc, do trong giá bán hàng hoá (hoặc trong dịch vụ) có cả thuế giá trị gia tăng. Vì qua từng công đoạn, thuế giá trị gia tăng đã được người bán đưa vào giá hàng hoá, dịch vu,ỷ cho nên thuế này được chuyển toàn bộ cho người mua hàng hoá hoặc sử dụng dịch vụ cuối cùng chịu.

Ðể áp dụng thuế giá trị gia tăng cho đúng đắn, công bằng, có hiệu quả, đáp ứng được chủ trương ” góp phần thúc đẩy sản xuất, khuyến khích phát triển nền kinh tế quốc dân, động viên một phần thu nhập cuả người tiêu dùng vào ngân sách nhà nước”, cần phải giải quyết trước hết một số vấn đề sau:

• Các hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lớn và vừa phải thực hiện đầy đủ chế độ hoá đơn, chứng từ hợp lệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, xác định doanh thu tính thuế và khấu trừ thuế đối với từng cơ sở kinh doanh.

• Công tác kế toán doanh nghiệp, nhất là kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm phải được hướng dẫn thực hiện thật tốt, đảm bảo được giá thành sản phẩm phản ảnh trung thực các chi phí thực tế phát sinh đã cấu tạo ra sản phẩm lưu thông trên thị trường đến tay người tiêu dùng. Hệ thống bán lẽ (các cửa hàng, cửa hiệu, các siêu thị) cũng được hướng dẫn chế độ sổ sách kế toán hợp lệ, thực hiện nghiêm chỉnh và được kiểm tra chặt chẽ. Chỉ số giá cả lên xuống từng thời kỳ phải được quy định rõ để tiến hành điều chỉnh giá bán lẽ, đảm bảo giá trị tăng thêm hợp lý.

• Trình độ cán bộ quản lý thu thuế phải được nâng cao về chế độ hoá đơn, chứng từ, sổ kế toán, thông thạo về chế độ quản lý, tính thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng. Hơn nữa, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng thì vai trò cuả người thu thuế đồng thời cũng là người trả thuế (thoái thu) và vai trò cuả người nộp thuế cũng là người thu thuế (được cơ quan thuế khấu trừ hoặc hoàn lại). Người thu thuế phải có khả năng tính được mức thuế phải thu, mức thuế khấu trừ cho đúng, đũ, kịp thời. Về khả năng thì có thể đào tạo được, nhưng vấn đề quan trọng nhất là người thu thuế nếu kém phẩm chất sẽ có điều kiện để tiêu cực, đó là việc tính mức khấu trừ, mức thoái thu cao hơn mức chính xác, làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước hoặc khấu trừ không đủ, hoàn thuế chậm trễ làm thiệt hại cho các chủ thể đã chịu thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ðối với người nộp thuế, tất nhiên ngoài khả năng tính toán đầy đủ số thuế mình còn phải nộp sau khi được khấu trừ, còn phải có đầy đủ phẩm chất cuả một nhà kinh doanh lương thiện xem việc nộp thuế đầy đủ, kịp thời là một nghĩa vụ hợp lý và công bằng.

• Mở rộng diện thanh toán mua bán hàng hoá thông qua các tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện cho việc xác định doanh thu bán hàng, làm căn cứ cho việc tính thuế được chính xác.

• ý thức tự nguyện, tự giác chấp hành các luật thuế cuả các doanh nghiệp từng bước được nâng lên, gắn liền với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế.

• Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và đưa dần việc thực hiện pháp luật vào nề nếp, kỷ cương, cả trong nhận thức tư tưởng và trong hành động thực tế.

Theo DÂN KINH TẾ

Tags: ,