Huyền thoại về những người lính cung thủ trường cung Anh

Để có một cây trường cung, thời xưa người Anh phải mất đến 4 năm để chế tạo, và không phải bất cứ ai cũng có thể trở thành cung thủ được cả.

Kể từ thời thượng cổ đến khi có sự ra đời của động cơ hơi nước, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có thế mạnh về vũ khí riêng của mình, người Hy Lạp thì có lính Hoplite mang khiên dày, dáo dài, người La Mã có các chiến đoàn bách thắng, người Byzantine có lửa Hy Lạp, người Genoa và Venezia có những hạm đội cực mạnh làm bá chủ biển Địa Trung Hải thế kỷ 12 – 14.

Vậy thế mạnh của người Anh trong cuộc chiến trăm năm là gì? Đó chính là người lính sử dụng trường cung

Những tìm hiểu sâu hơn về thanh trường cung

Các thanh trường cung cổ nhất được tìm thấy tại Ashcott Heath, Somerset, đã tồn tại từ năm 2665 trước Công nguyên, nhưng người ta không tìm được các trường cung ở thời kỳ cực thịnh của chúng (khoảng 1250-1450 AD). Có thể bởi vì bản thân cấu tạo của những chiếc cung trở nên yếu đi, nên chúng đã bị gãy và được thay thế, thay vì được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, người ta đã tìm được khoảng hơn 130 chiếc cung còn sót lại từ thời Phục hưng (cuối giai đoạn Trung Cổ).

Vật liệu

Trường cung được làm từ gỗ tùng, mặc dù gỗ sồi và các loại gỗ khác cũng được sử dụng. Cách truyền thống để làm một cây trường cung bao gồm làm khô cây gỗ tùng trong 1-2 năm, sau đó từ từ tạo hình dạng. Toàn bộ quá trình làm một cây cung lên đến bốn năm. Dây cung được làm bằng cây gai dầu, lanh, hoặc lụa và gắn vừa vặn vào gỗ qua chốt ở phía cuối của cánh cung.

Sức kéo của cây trường cung

Việc ước tính cho sức kéo của những cây cung có dung sai đáng kể. Lực kéo ban đầu của các cây cung tìm được từ tầu Mary Rose (những cây cung thời phục hưng) thường được ước tính khoảng 667-712 N (150-160 lbf) khi được kéo dài 76,2 -cm (30 –inch). Phạm vi của lực kéo từ 445 N đến 823 N (100-185 lbf). Độ dài 30 inch là độ dài khi kéo cung thường được sử dụng vì đó là chiều dài cho phép của các mũi tên thường thấy trên tầu Rose Mary.

Chiều dài

Một cây trường cung phải đủ dài để cho phép người sử dụng nó kéo đến một điểm ngắm thuận lợi, do đó chiều dài của cung thì khác nhau phụ thuộc vào người dùng. Trong lục địa châu Âu thường hiếm thấy bất kỳ cây trường cung nào ngắn hơn 1,2 m (4 ft). Hội nghiên cứu các di sản xã hội học London (SAL) cho rằng chiều dài của nó là 5 hoặc 6 feet (1.5-1.83 m). Richard Bartelot từ Royal Artillery Institution cho rằng trường cung làm từ cây tùng dài 6 feet (1,83 m), với mũi tên dài 3 foot (914 mm). Gaston Phoebus năm 1388, đã viết rằng một cây trường cung được làm từ gỗ tùng dài 70 inc [1,78 m]. Nhà sử học Jim Bradbury cho biết chúng dài trung bình khoảng 5 feet và 8 inch.

Phạm vi sử dụng

Phạm vi của các loại trường cung thời Trung cổ thì không được biết một cách chính xác, chỉ ước tính 165-228 m (180-249 yds). Trường cung hiện đại có một phạm vi hữu dụng lên đến 180 m (200 yd). Một bản sao 667N (150 lbf)của cây trường cung từ tầu Mary Rose có thể bắn một mũi tên nặng 53,6 g (1.9 oz) xa tới 328,0 m (360 yd) và là mũi tên nặng 95,9 g (oz 3,3) tới một khoảng cách 249,9 m (272 yd).

Các trường cung được cho là có tầm xa và độ chính xác cao, nhưng thực tế không thể đòi hỏi cả hai điều này cùng một lúc. Hầu hết các khoảng cách bắn chính xác được đề cập trong các câu chuyện kể đều không được kiểm chứng, nhưng bạn hãy tưởng tượng là hàng ngàn cung thủ bắn tên vào một đối quân lớn của đối phương. Một đội cung thủ trường cung sẽ nhằm vào một khu vực và bắn một cơn mưa mũi tên vào bất cứ người nào trong khu vực đó, một hành động không hề mã thượng tí nào nhưng lại cực kỳ hiệu quả trong một trận đánh. Một cung thủ có thể bắn trúng một người ở khoảng cách 165 m (180 yards) trong một khoảng thời gian ngắn và luôn luôn có thể bắn trúng một toán quân với tỉ lệ cao (không trúng người này thì trúng người khác).

Tốc độ bắn trường cung

Một cung thủ bắn trường cung bình thường sẽ được cung cấp khoảng 60 – 72 mũi tên trong một trận đánh. Hầu hết các cung thủ sẽ không bắn tên ở mức kéo cung tối đa, vì nó sẽ làm mệt mỏi ngay cả những người lính giàu kinh nghiệm nhất. “Với cây cung nặng nhất (một cung thủ cung chiến hiện đại) không bắn hơn sáu phát một phút”. Không chỉ là những cánh tay và vai mệt mỏi, mà cả các ngón tay giữ dây cung cũng trở nên căng cứng, do vậy, tỷ lệ bắn thực tế trong chiến đấu sẽ thay đổi một cách đáng kể. Các loạt bắn cầu vồng tại đầu của trận chiến sẽ khác biệt rõ rệt từ những người đứng gần nhất, mục tiêu ngắm bắn, quá trình của trận đánh và khoảng cách với đối phương gần nhất. Số lượng mũi tên thì không vô hạn, do đó các cung thủ và chỉ huy của họ phải cố gắng hết sức để sử dụng các mũi tên sao cho phù hợp với lượng tên được trang bị.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mũi tên được tiếp tế thường xuyên. Có các cậu bé thường xuyên chạy đi chạy lại bổ sung tên cung thủ cho các cung thủ trường cung, khi họ đang chiếm vị trí bắn tại chiến trường.

Một nhà nghiên cứu đánh giá: “Trường cung là súng máy của Trung Cổ: Chính xác, chết người, sở hữu một tầm xa và tốc độ bắn nhanh chóng, các phát bắn của nó có thể được so sánh với một cơn bão“. Tỷ lệ sát thương của trường cung cao hơn nhiều so với đối thủ của nó trên chiến trường Tây Âu, đó là các tay nỏ.

Trường cung cũng đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với súng cầm tay kiểu cổ đầu tiên. Dù vậy, do do việc đào tạo lính bắn súng súng đơn giản hơn và kỹ thuật sản xuất súng ngày càng tiến bộ nên trường cung đã dần dần trở thành quá khứ.

Chiến thuật

Mặc dù cung thủ vẫn có thể bắn chết người ở cự ly rất gần, trang bị nhẹ của họ không phù hợp để chiến đấu xáp lá cà và đặc biệt dễ bị tổn thương bởi một cuộc tấn công bằng kỵ binh. Do vậy họ thường được triển khai sau các vật cản, như chông nhọn và cọc nhọn được cắm xuống đất và mũi nhọn chĩa về phía đối phương, như tại trận Agincourt, họ đã được triển khai trong địa hình bùn lầy. Một đoàn quân cung thủ trường cung rất dễ bị phục kích cho đến khi hệ thống chướng ngại vật phòng thủ của họ đã được hoàn tất. Điều này không khuyến khích tiến hành chiến thuật tiến công vì trường cung hiệu quả nhất khi chống lại một đội quân đang tấn công.

Một hình đội hình chiến đấu nói chung với sự tham gia của cung thủ trường cung:

– Bộ binh nhẹ ( kiếm thủ) ở trung tâm phía trước. Trong đội hình sát cánh

– Bộ binh nặng (thường trang bị búa trận hoặc kích ) ở giữa trung tâm, trong các đội hình xếp hình vuông.

– Cung thủ trường cung theo truyền thống ở sau đội hình trung tâm, cũng theo đội hình sát cánh.

– Kỵ binh hoặc là ở bên sườn (để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công), hoặc ở trung tâm làm lực lượng dự trữ, được triển khai khi cần thiết (ví dụ, để tung ra đột phá bất kỳ lúc nào).

Quân trường cung thường được bố trí ở bên trong, trong một đội hình Enfilade, với vị trí trung quân được triển khai bởi các toán quân hỗn hợp .

Bắn cung thường không chính xác ở khoảng cách quá xa, do đó, quân trường cung thường bắn hàng loạt nhằm tạo ra một đám mây mũi tên. Một viên tướng giàu kinh nghiệm sẽ tính toán tốc độ bay của mũi tên với tốc độ tấn công của kỵ binh đối phương, đôi khi xen kẽ các cuộc tấn công sườn để gây sốc và sợ hãi cho kẻ thù. Các mũi tên được sử dụng bắn chặn, cầu vồng và không nhằm vào các mục tiêu cụ thể cho đến khi đối phương đến quá gần. Người Anh sử dụng quân trường cung với số lượng chưa từng thấy trong chiến tranh trăm năm, như là phần chính trong quân đội của họ, với khoảng 5.000 cung thủ trong một đội quân khoảng 6.000 người tại trận Agincourt.

Trong trận Sluys, khi các tầu chiến của quân Pháp bị xích lại thành 3 hàng gần như bất động, thì đoàn tầu của người Anh tiến vào và hàng nghìn cung thủ trường cung bắn tên cầu vồng như rót dầu vào từng tầu chiến của Pháp.

Người Anh liên tiếp dùng trường cung để đánh thắng người Pháp trong chiến tranh trăm năm, nhưng chỉ duy nhất có trận Sluys là ở thế tấn công, còn các trận khác như Crécy, Agincourt, Poitiers thậm chí là Herring… các cung thủ trường cung Anh đều ở thế phòng thủ.

Các cung thủ trường cung Anh – họ là ai

Các cung thủ trường cung Anh thường xuất thân thân từ tầng lớp bình dân cấp thấp ở các miền của nước Anh, họ có thể là nông dân tự do (yeomen), gác rừng, thợ săn hoặc thậm chí là kẻ săn trộm hoặc đạo tặc…. Vì vậy khi đánh trận họ không quan tâm đến tinh thần mã thượng, hay hiệp sỹ. Khi gia nhập quân đội Anh, người cung thủ trường cung được hưởng nhiều đặc quyền mà các lực lượng khác cũng xuất thân từ bình dân không được hưởng, do viêc đào tạo cung thủ trường cung rất tốn kém.

Lấy vị dụ, khi tuyển bộ binh người ta có thể vớ lấy bất cứ một anh nông dân sức dài vai rộng nào đó, dí cho anh ta một thanh gươm, một mũ sắt, một cái khiên (những vũ khí có thể chế tạo hàng loạt tại các lò rèn thời Trung Cổ) và sau 7 – 10 ngày tập luyện là đã có một lính bộ binh. Nhưng để có một cây trường cung, thời xưa người ta phải mất đến 4 năm để chế tạo, và không phải bất cứ ai cũng có thể trở thành cung thủ.

Dù người ta thường ca ngợi cung thủ Anh, nhưng thực chất các cung thủ trường cung xứ Wales mới thực sự là người giỏi nhất. Vào thời đại English Norman, người Anh đã từng xâm lược xứ Wales và bị các tay cung thủ trường cung xứ Wales đánh bại. Thậm chí tại trận Bryn Glas ngày 22/6/1402 (thời kỳ mà người Pháp đã bỏ chạy trước cung thủ Anh) thì cung thủ xứ Wales vẫn chiến thắng trước cung thủ Anh.

Theo HONGSONVH  / TTVNOL

Tags: , , ,