Hoàng Sa – Trường Sa với văn hóa tâm linh dân tộc Việt

Dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã sớm nhận ra một sự thật rằng “văn hoá còn dân tộc còn”, từ đó chủ quyền lãnh thổ cùng với độc lập dân tộc cũng sẽ mãi mãi vững bền.

Hoàng Sa – Trường Sa với văn hóa tâm linh dân tộc Việt

Nhưng điều đó chỉ có thể khi cả dân tộc đoàn kết lại thành một khối thống nhất mà các yếu tố văn hóa và tâm linh chính là chất kết dính, hấp dẫn từng bộ phận người Việt trở lại bên nhau cùng nhau giữ gìn, xây đắp, phát triển cơ đồ của Tổ tiên được vun đắp từ biết bao xương máu của các thế hệ người Việt Nam.

Không biết bao nhiêu ngôi mộ gió đã được đắp lên trên dãy đất hình chữ S bên bờ Biển Đông này hàng ngàn năm qua để làm nơi nương tựa cho những hương hồn người Việt đã gửi thân mình trong lòng biển cả của Tổ quốc. Và cũng là nơi nương tựa cho chính phần hồn của những người Việt còn đang sống bình an trong những chuyến hải hành gian khổ ngang dọc các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đảo Lý Sơn ngày nay, Cù Lao Ré ngày xưa, quê hương của những hải đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, có lẽ chính là nơi lưu dấu những giá trị tâm linh rõ nét và sâu đậm nhất của người Việt về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc – hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên những vùng biển đó, máu xương của biết bao thế hệ người Việt ở Lý Sơn đã đổ xuống, khắc ghi và gìn giữ các thành quả khai phá lãnh thổ, các giá trị tinh thần đời đời truyền lại cho những thế hệ mai sau. Những dân binh Hoàng Sa trước khi lên đường đã được tế sống vì nhiệm vụ vô cùng gian khổ và hiểm nguy.

Thế nhưng, đều đặn hàng năm, theo lệnh vua họ vẫn hiên ngang vượt lên đầu sóng ngọn gió để thực hiện những chuyến hải hành ngang dọc Hoàng Sa và Trường Sa, thực thi chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam. Cho đến ngày nay, tên tuổi và hương hồn của họ đã thấm vào máu thịt của Tổ quốc hòa vào trong một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của cả dân tộc, họ vẫn luôn được hương khói đều đặn hàng năm với Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa của hầu như tất cả các gia tộc ở Lý Sơn giờ đây. Ngày nay, không chỉ có các họ tộc, chính quyền địa phương mà đã có rất nhiều người Việt từ khắp nơi trở về quê hương của những hùng binh Hoàng Sa trong những dịp khai lễ để thắp nén hương tưởng niệm và cầu nguyện cho những linh hồn phiêu bạt trên biển cả kia trở về nương tựa trong lòng của Dân tộc và Tổ quốc.

Những hoạt động tâm linh này ở Lý Sơn từ nhiều đời qua vẫn liên tục diễn ra, thành kính và thiêng liêng trở thành đời sống văn hóa tâm linh đặc biệt sâu sắc của người dân hậu duệ những hùng binh năm xưa.

Các nhân chứng từng có mặt trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xưa kia còn kể lại câu chuyện về một ngôi Miếu Bà xuất hiện từ rất lâu đời trên đảo Hoàng Sa (Pattle). Câu chuyện này phù hợp với giá trị văn hoá cũng như đời sống tâm linh của người Việt từ nhiều đời qua. Với người Việt “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, trong cảnh cô đơn, sóng gió biển cả, Miếu Bà là nguồn an ủi lớn lao cho những người đi biển mỗi khi qua lại những vùng quần đảo này. Nơi đó người dân biển gửi gắm niềm tin và hy vọng của mình cho thần linh biển cả và cũng chính là hồn thiêng sông núi, tổ tiên dòng tộc che chở, phù hộ cho sự bình yên của họ trước sự ác liệt khó lường của thiên nhiên.

Theo tác giả Trần Thế Đức, Miếu Bà trên đảo Hoàng Sa được xây dựng từ rất lâu đời, không ai biết rõ, tọa lạc ở một góc tây nam của đảo, nơi mà từ đất liền ra là nhìn thấy ngay từ xa. Rõ là Bà quay mặt ra hướng này để che chở cho ghe thuyền của người Việt từ đất liền ra quần đảo Hoàng Sa, cũng có nghĩa là miếu này do người Việt lập nên. Tượng Bà đứng trên một bệ xi măng, người được choàng bằng chiếc khăn bằng vải màu hồng, do một nhân viên khí tượng mang ra từ đất liền.

Cứ mỗi lần đổi ca, các nhân viên lại mang ra chiếc khăn mới để thay cho Bà. Vùng biển trước mặt miếu là vùng dành riêng cho Bà, không ai được lai vãng tới. Lớ xớ tới đó kiếm cá là Bà quở phạt ngay. Cái chết của một viên đội Pháp trùng hợp với việc ông này không tin vào truyền thuyết về Bà nên đem chất nổ tới vùng biển trước Miếu Bà vốn có rất nhiều cá để đánh bắt. Khi châm ngòi cháy cho bánh thuốc nổ để đánh cá, ông ta ngó hoài không thấy lửa cháy nên mò tới để xem, không ngờ lửa chỉ cháy bên trong ruột ngòi mà không cháy phần vỏ bọc bên ngoài, vừa tới xem thì bánh thuốc nổ khiến ông ta chết ngay lập tức.

Bà càng linh thiêng, càng làm cho niềm tin của người dân đảo thêm mạnh mẽ, nên càng trở thành nguồn an ủi, chở che cho đời sống tâm linh của mọi người. Chính sử triều Nguyễn cũng từng ghi lại nhiều lần các vua nhà Nguyễn đã chỉ dụ cho người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựng chùa, lập miếu thờ cúng càng chứng tỏ người Việt xưa vốn coi trọng phần hồn, đời sống tâm linh đã thực thi chủ quyền trên các quần đảo này theo cách rất riêng biệt của người Việt Nam.

Biết bao chiến sĩ trận vong, bỏ mình để khai phá, khai thác và giữ gìn vùng lãnh thổ thiêng liêng đầy sóng gió khắc nghiệt này của Tổ quốc. Hương hồn của họ hòa vào với hồn thiêng sông núi, tiếp tục vượt lên đầu sóng ngọn gió về với hương khói thờ phụng, lời cầu khấn của các thế hệ mai sau che chở và truyền thêm nguồn cảm hứng cho tinh thần dân tộc nhờ vào những cử chỉ và hành động coi trọng các giá trị văn hóa và tâm linh của bao thế hệ người Việt Nam vốn không bao giờ quên cội nguồn gốc rễ của mình.

Những ngày đi lại trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã chứng kiến và vô cùng xúc động trước những buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên vùng biển này. Những vòng hoa có màu cờ Tổ quốc được thả xuống vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao… mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”.

Trong hương khói nghi ngút, giữa trưa trời nắng rực rỡ bất chợt hoá u trầm bởi một áng mây đen trịch bất ngờ kéo tới. Trước đó, vì quá nắng, trưởng đoàn còn cho phép mọi người đội mũ khi làm lễ, nay tự nhiên từng người một đã nhẹ nhàng bỏ mũ xuống… Rất nhiều tiếng nấc nghẹn ngào hòa vào lời ai điếu trầm hùng của người sĩ quan Hải quân Nhân dân Việt Nam: “Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của Tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc – và xây dựng Trường Sa trở thành huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên Biển Đông.

Hôm nay, Đoàn công tác của chúng tôi đi qua nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Bầu trời Trường Sa mây trắng lặng. Lòng chúng tôi lặng trắng, lệ tràn mi và vẫn văng vẳng đâu đây câu nói của liệt sĩ thiếu úy Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”.

Trong niềm xúc động sâu sắc, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các đồng chí và xin được thắp nén hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tưởng nhớ tới hương hồn của các đồng chí. Mong các đồng chí thanh thản yên nghỉ trong lòng biển khơi của quê hương, dân tộc; cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”. Vòng hoa mang màu cờ Tổ quốc dập dềnh trên biển cả đang lặng sóng bất chợt dâng trào, như muốn gửi gắm trở lại với con tàu một lời nhắn nhủ từ những dợn sóng bạc đầu: “Vinh dự nhất của những người lính biển đã hy sinh là được chính tấm lòng biển cả của Tổ quốc ôm ấp, chở che và gìn giữ mãi mãi trong văn hóa, trong đời sống tâm linh của cả dân tộc mình”.

Chẳng biết tự bao giờ trên các đảo ở Hoàng Sa hay Trường Sa đã xuất hiện nhiều ngôi chùa và đền miếu để thờ Thần, thờ Phật. Điều đó càng khẳng định sâu sắc và mạnh mẽ sự xuất hiện của đời sống tâm linh Việt trên những hòn đảo khắc nghiệt này giữa Biển Đông trùng trùng sóng gió. Những năm gần đây, Phật tử trong cả nước và những ngư dân ở quần đảo Trường Sa đã đóng góp và trùng tu nơi thờ Phật khang trang và vững chãi hơn. Ngoài Song Tử Tây thì những ngôi chùa tại đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn… cũng đã được trùng tu xây dựng khang trang, bề thế, để các Phật tử trên đảo và những ngư dân thường xuyên khai thác hải sản gần khu vực quần đảo Trường Sa tới thắp hương lễ Phật vào những tuần lễ tiết…

Ở những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, tất cả những văn bia, những hoành phi câu đối đều được khắc, viết bằng chữ Việt. Nhìn những tấm hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng với những mỹ từ ca ngợi sự trường tồn của dân tộc, ca ngợi cảnh sắc kỳ vĩ của Vạn lý Trường Sa, ca ngợi sự mênh mông đến khôn cùng của trời biển nước Nam, ví như “Quần đảo huy hoàng chất ngất Biển Đông ngời thắng cảnh – Chùa chiền sừng sững nguy nga Đất Việt nổi danh lam”, lòng mỗi người đến vãn cảnh chùa không khỏi tự hào trước giang sơn gấm vóc Việt Nam. Ai cũng nguyện cầu Đức Phật từ bi phù hộ độ trì cho nước Việt và bất kỳ ai cũng cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn trong sự nghiệp đại đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, góp sức của từng con dân Đất Việt đưa đất nước mỗi ngày thêm hùng mạnh, đủ sức chống chọi lại mọi nguy cơ xâm lấn và đồng hóa.

Người Việt có câu “đất vua, chùa làng”. Vì vậy tự ngàn đời, trong tâm thức của con dân nước Việt, ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để lương dân ngưỡng vọng, thờ phụng giữ gìn lẽ sống từ bi, bác ái. Với người Việt, đạo Phật không chỉ là một tôn giáo hay tín ngưỡng mà từ lâu còn là một nét văn hóa. Ở đâu có làng của người Việt ở đó có chùa cùng với những sinh hoạt tín ngưỡng. Gia tài văn hóa và tâm linh đó, Tổ tiên của chúng ta cũng đã để lại ngay trên chính những hòn đảo xa xôi, khắc nghiệt nhất nhưng luôn luôn là máu thịt là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam – các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Tags: , , ,