Không hòa thuận với thiên nhiên, con người sống không bằng chết

Hơi thở của chúng ta gắn liền với thiên nhiên. Khi ta còn tồn tại thì môi trường sống còn nắm một vai trò quan trọng trong đời sống. Thiên nhiên bằng một phép màu nào đó giúp ta cảm nhận được từng nhịp đập cuộc sống, trao giây phút vui vẻ, hạnh phúc…

Hòa thuận với thiên nhiên hay là chết

Con người khai thác thiên nhiên rồi sử dụng một cách vô tội vạ mà không nhận ra rằng: Thiên nhiên là bạn tốt và đang cần chúng ta yêu mến, bảo vệ.

Nhưng trước hết, chúng ta cần phải định nghĩa: “Thế nào là thiên nhiên?”. Tôi dám chắc ngày nào bạn cũng gặp người bạn thiên nhiên bởi một lẽ rất đơn giản: Đó là thiên nhiên luôn có mặt trong nhịp sống của chúng ta, là trăng, gió, trời, mây… Còn môi trường sống mang ý nghĩa rộng hơn, bao gồm cả thiên nhiên và những thứ gọi là nhân tạo. Chúng ảnh hưởng, tác động đến đời sống của loài người. Nói chung, thiên nhiên là kho tàng quý giá giúp con người tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, chúng không vô tận còn con người vẫn cứ khai thác đến khi cạn kiệt. Việc tàn phá môi trường sống cũng là tàn phá chính cuộc sống chúng ta.

Trước tiên là rừng, “lá phổi xanh” của nhân loại – cung cấp oxy cho hoạt động hô hấp sinh tồn của mỗi con người. Nhờ có rừng mà phần nào làm chậm lại dòng nước lũ ở những vùng đồi núi, kéo dài thời gian để người dân sắp xếp công việc của mình. Rừng còn là nguồn khai thác lâm sản, tạo ra những bộ bàn ghế gỗ sang trọng trong phòng khách, những bàn học chắc chắn hay gần gũi hơn là vở chứa đựng kiến thức của thầy cô. Ngoài lâm sản, thảo dược cũng là một nguồn khai thác quý giá – liều thuốc của mẹ thiên nhiên, dùng để chữa nhiều căn bệnh trong cuộc sống. Chắc chúng ta ai cũng đã từng được nghe về sách Đỏ – ghi danh những động vật quý hiếm. Đấy, ích lợi của rừng chỉ thế thôi! Rừng giúp cho chúng ta sống khỏe, chặn dòng chảy của thần chết, cứu sống hàng trăm người trong gang tấc, mang ý nghĩa kinh tế, xuất khẩu cao từ những các loại lâm sản… Vậy mà, có ai đã từng thầm cảm ơn rừng chưa?

Tiếp đến là nơi mà ta đứng và sống ngày qua ngày đến “mòn” – đất đai. Con người dù có di cư hay nhập cư thì vẫn phải biết rằng nơi ở luôn là đất. Kể cả động vật trên cạn cũng vậy. Chúng sống thế nào nếu thiếu đất? Đất đai còn là nơi lao động sản xuất của nông dân. Nhờ có đất đai nên trồng trọt, chăn nuôi luôn phát triển. Nhiều vùng đất còn “giấu” trong mình khoáng sản quý giá như: vàng, bạc, đồng… kể cả kim cương để chế tạo thành những nữ trang làm đẹp. Nhà nước còn có thể phát triển kinh tế bằng nguồn tài nguồn khoáng sản, chỉ cần không quá lạm dụng vào nó. Đất đai rộng lớn bao nhiêu thì chứa đựng nhiều điều quý giá bấy nhiêu…

Yếu tố thứ ba cần được nhắc đến là sông ngòi, biển cả. Biển cung cấp muối – gia vị tất yếu trong bữa ăn. Sông ngòi, biển còn mang trong mình thủy, hải sản để chế biến thành những thứ bổ dưỡng như: tôm hùm hấp, cua rang me… Giữa đất đai và sông ngòi luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: trồng trọt trên cạn cung cấp thức ăn cho các loại cá dưới sông và ngược lại, sông ngòi bù đắp phù sa đế việc trồng trọt đạt hiệu quả. Thay vì có “cộng sinh” trong giới động vật thì trong các yếu tố tự nhiên có “cộng phát triển”. Nước sử dụng nhiệt điện để cung cấp điện. Dưới biển cả bí ẩn chứa đựng những mỏ dầu mang giá trị kinh tế cao.

Cuối cùng là nguồn năng lượng tự nhiên “mạnh mẽ” nhất của thế giới: mặt trời. Thử tưởng tượng đến một ngày thiếu mặt trời, thế giới xung quanh ta chỉ là một màu đen. Lúc đó, con người trở nên u mê, yếu ớt bởi mặt trời giúp con người, động thực vật – nói chung là vạn vật phát triển nhưng ít ai biết điều đó. Trong những năm công nghiệp hóa toàn cầu, có lẽ năng lượng mặt trời là năng lượng sạch nhất và đồng thời là phương pháp tối ưu nhất cho năng lượng của trái đất.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt vật chất, thiên nhiên còn mang ý nghĩa quan trọng về giá trị tinh thần. Chúng khơi gợi ý tưởng cho các nhà khoa học như Newton: nhờ có quả táo “vĩ đại” mà ông tìm ra được trọng lực; là nguồn cảm hứng của mọi bức tranh, bài tình ca của những nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng thế giới… Thiên nhiên đem đến cho con người vật chất, niềm vui. Vậy mà con người chỉ trả lại bằng những hậu quả đau thương…

Khí độc gây ô nhiễm môi trường và ra đủ thứ bệnh, từ nhẹ đến tử vong. Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là hiệu ứng nhà kính. Các khối lạnh, khí nóng buộc phải di chuyển để rồi làm biến đổi khí hậu đột ngột, điển hình là bão Elmino. Việt Nam nằm trong top 5 nước bị ảnh hưởng mạnh nhất từ biến đổi khí hậu, một phần là do đặc điểm tự nhiên nhưng phần còn lại cũng là do con người.

Môi trường ô nhiễm do nhà máy, rác thải sinh hoạt hàng ngày. Nghiêm trọng nhất hiện nay là bao bì nilon, gây tắc nghẽn cống rãnh. Nilon cần một thời gian rất lâu mới tiêu hủy nên con người phải tìm giải pháp tối ưu hơn. Họ đốt nhưng cũng để lại khí độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Dịch bệnh cũng sẽ phát triển mạnh. Vì vậy, phương pháp tối ưu nhất trong tình trạng lúc này là hạn chế không sử dụng bao nilon, khái quát hơn là bảo vệ môi trường. Vậy chúng ta cần bảo vệ như thế nào và bằng cách nào?

Bảo vệ môi trường không có nghĩa là quá “keo kiệt” trong sử dụng khoáng sản cũng như những nguồn tài nguyên của sông ngòi biển – thủy hải sản. Chúng ta chỉ cần đạt được sự hợp lý trong việc khai thác. Còn đối với cây rừng, con người có thể chặt phá “thoải mái” nhưng cần phải có sự cân bằng giữa số cây khai thác và trồng, đồng nghĩa với câu tục ngữ “trồng cây gây rừng”. Trong sinh hoạt, y tế chắc chắn không tránh khỏi từ rác, vì vậy chúng ta cần phải xử lý triệt để, dứt khoát. Như đã nói trên, bao nilon được sử dụng quá phổ biến mà hại lại nhiều hơn lợi nên cần có giải pháp. Ngược lại với rác sinh hoạt, y tế, chúng ta phải hạn chế sử dụng thay vì sử dụng rồi xử lý. Một số chất liệu có thể thay được bao nilon như: bao sinh thái, bao giấy, vải… Đây là những giải pháp được coi là tối ưu trong tình trạng tạm thời.

Tóm lại, hơi thở của chúng ta gắn liền với thiên nhiên. Khi ta còn tồn tại thì môi trường sống còn nắm một vai trò quan trọng trong đời sống. Thiên nhiên bằng một phép màu nào đó giúp ta cảm nhận được từng nhịp đập cuộc sống, trao giây phút vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng chúng ta cũng cần phải có ý thức bảo vệ chúng để thay lời cảm ơn đối với thiên nhiên. Chúng ta có thể bắt đầu từ những công việc nhỏ nhặt nhất: không bẻ cành, nhặt rác và những chiếc lá rơi…

Theo PHẠM MINH ĐỨC / VNEXPRESS

Tags: , ,