Hành cung của các vua chúa Việt là nơi như thế nào?

Các câu chuyện dã sử thường mô tả hành cung của vua chúa đều lộng lẫy nguy nga. Tuy nhiên, đến thời Nguyễn, khi các vua Gia Long, Minh Mạng tuần du ra Bắc, các hành cung có khi vẫn đắp thềm đất, lợp cỏ tranh mà vua không cho sửa chữa, cải tạo.

Hành cung của các vua chúa Việt là nơi như thế nào?

Hành cung là các cung điện hoặc trạm nghỉ để nhà vua dừng chân nghỉ ngơi khi đi ra khỏi kinh thành. Thường thì các hành cung đều được xây cất, trang hoàng, chuẩn bị từ trước để sẵn sàng phục vụ mỗi khi vua và đoàn tùy tùng tới nghỉ. Thời Lý, chính sử để lại cho biết có hành cung Ứng Phong ở Nam Định ngày nay, thường xuyên được đề cập mỗi khi các vua Lý về cày ruộng tịch điền hay xem gặt lúa. Vua Lý Thái Tông cũng cho xây dựng các hành cung ở đất Kỳ Bố hay Bố Hải Khẩu, vùng đất quanh thành phố Thái Bình ngày nay, mà thời đó đang là vùng giáp ranh với biển. Vua Lý Nhân Tông thì hay về hành cung Lỵ Nhân ở Hà Nam ngày nay.

Thời Trần, đất Thiên Trường tuy được gọi là hành cung (hành cung Tức Mặc) nhưng được xem như một kinh đô thứ hai của triều đại bên cạnh Thăng Long, vì có cả cung điện của thượng hoàng (cung Trùng Quang), cung điện của nhà vua (cung Trùng Hoa), cơ quan quản lý hành chính của vị An phủ sứ phủ Thiên Trường, các khu vực làm việc của trăm quan, nơi trú đóng của võ quan, binh lính… Ngoài ra, nhà Trần cũng xây dựng các hành cung khác như Lỗ Giang, Long Hưng.

Thời Lê, Lam Kinh cũng được coi như một kinh đô thứ hai của triều đại, các vua Lê thường xuyên đi thuyền về đây bái yết lăng mộ của tổ tiên, nhưng không thấy sử sách nói các vị vua này có dừng lại ở hành cung nào. Chỉ trong giai đoạn chiến tranh Lê – Mạc, lịch sử có nhắc đến một số hành cung, nổi tiếng như hành cung Vạn Lại, hoặc năm 1569, chúa Nguyễn Hoàng ra yết kiến Vua Lê Anh Tông ở hành cung Khoa Trường, có lẽ khu vực gần thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa ngày nay.

Sau khi quân của vua Lê – chúa Trịnh đánh thắng nhà Mạc, lấy lại Thăng Long, quyền hành vào hết tay chúa Trịnh, vua Lê chỉ còn ở ngôi làm vì, chỉ ở trong cung ít khi đi ra ngoài nên sử sách chỉ nhắc đến các hành cung nguy nga của chúa Trịnh, như hành cung Thúy Liên ở cạnh hồ Tây mà thực chất là nơi chúa nghỉ mát, hay hành cung Cổ Bi ở huyện Gia Lâm, một phủ chúa thứ hai, nơi chúa Trịnh Cương rất thích phong thủy và gần quê mẹ của ông. Theo sử sách thì hành cung này rất nguy nga, bề thế, tuy nhiên sau chiến tranh với nhà Tây Sơn, phủ chúa Trịnh cũng như hành cung này đều bị tiêu hủy hoàn toàn, chỉ để lại vài dấu vết như các tượng linh thú bằng đá khá tinh xảo còn đến ngày nay.

Sang thời Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Phú Xuân, Thăng Long từ vị trí kinh độ được hạ xuống cấp “trấn thành”, cung điện cũ của vua Lê cũng được hạ cấp xuống thành hành cung của các vua Nguyễn mỗi khi ra Bắc. Thời Vua Minh Mạng, triều đình cho dựng các điện đường hành cung ở Bắc Thành và sứ quán ở Kinh Bắc, Lạng Sơn để phục vụ đón tiếp sứ nhà Thanh. Theo mô tả trong chính sử thì hành cung Bắc Thành, trước điện Kính Thiên dựng điện Thị Triều, điện Cần Chính, đều lợp ngói cả. Ngoài 5 cửa làm liền một dãy hành lang dài, trước mặt là cửa Chu Tước.

Các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị sau khi lên ngôi đều có chuyến ra Bắc nhận sắc phong của nhà Thanh tại Thăng Long, nên dọc đường từ Thừa Thiên ra Bắc đã cho xây dựng nhiều trạm dịch, hành cung hoặc đặt hành cung tại vị trí trung tâm mỗi dinh trấn (sau đổi thành tỉnh). Năm Gia Long thứ 6 (1807), nhà vua mới cho dựng hành cung ở Quảng Trị và Quảng Bình, còn các hành cung Nghệ An, Thanh Hóa đã có từ trước. Theo mô tả vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820) thì hành cung Thanh Hóa nằm giữa thành Thanh Hóa, có một chính đường, một tiền đường. “Trước gọi là hoàng cung quy vọng đường, đến nay gọi là hành cung”, sách “Đại Nam thực lục” viết, vì vốn đây là nơi để các quan trong tỉnh bái vọng nhà vua trong những dịp lễ lớn của đất nước.

Sau khi Vua Minh Mạng lên ngôi, khi Bắc tuần, thì trong 35 dịch trạm có 6 sở gần lị sở dinh trấn nên vua nghỉ ở hành cung, ngoài ra cho dựng 16 sở nghỉ trưa và 13 sở nghỉ đêm. Vua cấp cho việc dựng mỗi sở nghỉ đêm số tiền 200 quan và dụ rằng: “Đặt hành cung để phòng lúc dừng chân, nên làm bằng gỗ tạp và cỏ tranh, cần tiết kiệm, không chuộng mỹ quan, đến như cầu cống, đường sá có chỗ nào vỡ lở hư nát thì sửa lại, cũng bất tất phải làm cao rộng”.

Như vậy, hành cung thời Nguyễn không xa hoa như mô tả về hành cung của chúa Trịnh. Đặc biệt, khi đọc đoạn sử chép trong “Đại Nam thực lục”, ta mới thấy thực tế về những hành cung dọc đường này thế nào. Đó là khi đoàn của Vua Minh Mạng trú chân ở hành cung Suối Sa ở Nghệ An: “Bỗng gặp bão, mưa to như trút. Đêm, vua dậy thấy thị thần đều ướt át, rét mướt, tự mình rót rượu và lấy thuốc viên đem cho. Lại sai sở tại lấy củi than cấp cho các quân đốt sưởi chống rét. Thưởng bạc tiền cho quan quân trực đêm theo bậc khác nhau”.

Hoặc, khi ra đến hành cung ở Nghệ An, thấy nhà cửa, tường dậu xiêu đổ nhiều, Vua Minh Mạng vẫn dụ trấn thần rằng: “Hành cung là nơi tạm nghỉ, cứ để như cũ, không làm lại. Ngày hồi loan sẽ che lợp sơ sài cho tạm xong việc, không cần tô điểm làm gì”.

Dù vậy, khi thấy các hành cung ở dọc đất Nghệ An đều được xây dựng to rộng quá, Vua Minh Mạng đã quở rằng: “Trấn thần các ngươi chưa thể tất được lòng trẫm, đến nỗi dân ta lại thêm một phen tổn phí như thế”, rồi lập tức hạ lệnh thưởng cho nhân dân 6.000 quan tiền. Còn khi qua Thanh Hóa, thấy các hành cung ở hạt này được xây cất đơn giản, mộc mạc, vua rất khen, thưởng cho quân dân 4.200 quan tiền.

Ở quanh khu vực kinh thành, Vua Minh Mạng cũng cho xây một số hành cung phục vụ các chuyến du ngoạn, như hành cung ở núi Thúy Hoa và cửa Thuận An. Ban đầu, hai hành cung này đều có quy mô giản dị, vì Vua Minh Mạng có bảo Bộ Công rằng: “Hành cung ở 2 xứ Thuận An và núi Thúy Hoa, tuy lợp cỏ tranh, thềm đất, làm theo lối tiết kiệm, quê kệch nhưng hằng năm thường dựng lên, thường dỡ bỏ đi, cũng không khỏi chỉ tốn phí vật liệu nhân công, chi bằng đổi làm gạch ngói để mong được lâu dài hơn”. Sau đó, theo lời bàn của Bộ Công, mỗi sở này được phái ra 2 quản vệ, 10 suất đội 500 biền binh, giao cho Thống chế Mai Công Ngôn, Nguyễn Tiến Lâm chia nhau trông coi xây cất. Khi khánh thành, mỗi sở hành cung này cũng chỉ gồm một tòa 3 gian, 2 chái, dùng gỗ rắn để dựng, trên lợp ngói, bốn bề xây tường gạch.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tỉnh Hà Nội tâu xin làm lại chính điện ở hành cung của tỉnh. Vua nói: “Những hành cung ở tỉnh ngoài cốt để cho các quan viên trong tỉnh vọng bái là đủ. Hành cung tỉnh này, trước đây nhân có cuộc Bắc tuần mà dựng ra, quy thức chế tạo có tiền điện, chính điện, mỗi điện lại có hàng cột đằng trước, hàng cột chính quá ư xa phí. Nay, lâu năm mục nát, há lại nên tu tạo lại như cũ. Vậy, chuẩn cho dỡ tất cả xuống rồi theo quy thức do bộ giao về năm Minh Mạng thứ 13, chỉ làm một tòa hành cung 3 gian, 2 chái cho hợp thể chế thôi”.

Khi Vua Minh Mạng đi tuần du Quảng Nam, vua cho là các sở hành cung ven đường, cách thức quê mùa, mộc mạc, rất khen, thưởng cho Kinh doãn và quan tỉnh Quảng Nam cùng các người làm việc như lãnh binh, quản vệ cơ, phủ huyện đều gia một cấp, các biền binh làm việc đều thưởng tiền lương một tháng.

Về trang trí bên trong hành cung, theo ghi chép trong “Đại Nam thực lục” năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cho biết, năm đó triều đình mới ban hành quy chế đặt lỗ bộ (các loại vũ khí để trang trí, thị uy) ở hành cung các địa phương. Theo đó, trước năm này thì tại các hành cung ở tỉnh ngoài, các lễ tiết triều bái chỉ bày cắm cờ, giáo, gươm dài ở trước sân; và từ năm này, triều đình chuẩn cho Bộ Lễ tư cho các trực tỉnh và thành Trấn Tây đều chế lỗ bộ gồm 4 tán vàng, 2 quạt vàng, 2 quạt hồng, 4 móng đứng, 4 móng nằm, 4 rìu vàng, 4 búa vàng, 6 gậy bát giác màu hồng, 6 gậy tròn màu hồng, hằng năm gặp các đại lễ, cùng bất kỳ tiếp được ân dụ, làm lễ tạ ơn và gặp khi có thuộc quốc sang cống ở địa phương thì đều bày lỗ bộ ở sân trước hành cung, còn nhã nhạc sang kiếm, biền binh ở sau.

Hành cung ở bên sông Lợi Nông bên ngoài kinh thành, nơi các vua Nguyễn thường đi dự lễ tịch điền, xem cày ruộng, cũng từng được dỡ đi, làm lại, nhưng quy mô cũng chỉ là một tòa nhà ngói. Khi có các phái viên đi việc công từ nước ngoài về, đem cây tường vi ở Tây dương dâng lên, Vua Minh Mạng đã sai phát cho các tỉnh mỗi tỉnh 10 cây để trồng ở trước sân hành cung.

Một thay đổi về việc xây dựng hành cung diễn ra năm Minh Mạng thứ 16 (1835), khi nhà vua sắc bảo quần thần rằng khi lợp mái hành cung nên dùng vỏ cây đàm để thay lá dừa, vì vỏ cây đàm có chất ẩm ướt, có thể tránh được hỏa hoạn.

Ngoài ra, hành cung cũng là nơi để Vua Minh Mạng thu nhận và giải quyết những nỗi oan khuất của nhân dân. Tháng 4 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), khi nhà vua tuần du Quảng Nam, đã sai đặt trước các sở hành cung tỉnh này mỗi nơi một cái trống, gọi là trống đăng văn, để người nào có điều gì oan uổng, cho được đánh trống bày kêu, đường quan 6 bộ cùng khoa quan đạo đi theo vua, phải cắt lượt nhau thu nhận đơn, cứ thực tâu lên, để vua biết hết tình dân. Vua còn quy định mỗi ban trực trong 1 ngày 1 đêm, đường quan cùng khoa đạo đều phải cắt cử 2 người trực.

Theo LÊ TIÊN LONG / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,