Giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết về xứ Đàng Ngoài: Chúa Trịnh trở về

Đã hai tháng qua đi, kể từ khi chúa Đàng Ngoài đi giao chiến với Đàng Trong để chúng tôi ở lại trong tỉnh Thanh Hóa, nơi chúng tôi đã chinh phục được hai trăm giáo dân, ngài mới trở về kinh thành.

Tác giả: Alexandre De Rhodes.

Nguồn: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội.

Sự hiểu lầm của chúa Đàng Ngoài

Để khỏi tan vỡ đạo binh vì lương thực bắt đầu thiếu và cũng để tránh cảnh hỗn độn, sợ nổi loạn trong hàng ngũ quân nhân vì chúa Đàng Trong có nhiều thân thuộc quyền thế và bạn hữu, thế là chúa Đàng Ngoài quyết định bỏ cuộc tiến quân và rút lui toàn đạo binh, lục quân cũng như thủy quân. Lúc này không thiếu người báo tin cho chúng tôi biết rằng chúa Đàng Ngoài rất giận chúng tôi, vì người Bồ đã cung cấp võ khí cho chúa Đàng Trong chống lại chúa.

Điều này không đúng, tuy ban đầu có tin đồn như vậy, do mưu kế người Đàng Trong dùng. Họ đặt trên đỉnh núi ở biên giới rất nhiều hình nộm mặc trang phục theo người Bồ, cầm gậy và nhắm súng đe dọa người Đàng Ngoài không cho họ đến gần, thực ra chỉ là mưu kế hòng dọa cho sợ mà thôi.

Nhưng người Đàng Trong còn khéo dùng một mưu mô tinh quái khác tác hại rất nhiều đến đạo binh chúa Đàng Ngoài. Đó là ở bến thứ nhất gọi là Cửa Sài, cửa một con sông lớn nơi các thuyền chiến Đàng Ngoài phải đi qua nếu muốn tấn công, chúa Đàng Trong giấu dưới nước nhiều dây chão lớn căng ngang mặt nước với những cọc nhọn và mũi sắc mục đích là để ngăn cản thuyền. Thế là đã xảy ra như đã trù tính, vì một phần đoàn tàu dễ dàng vào bến, nhưng khi muốn tấn công thuyền địch đậu ở cửa sông thì chạm vào dây chão đã căng làm lật đổ một số thuyền, cọc nhọn làm bị thương và sát hại gần hết binh sĩ ngã xuống nước, đến nỗi chết mất chừng ba nghìn ở lối vào bến. Tuy thế vẫn không ngăn nổi một số thuyền vượt qua và một phần đạo quân đổ bộ vào giao chiến. Nhưng một phần vì chúa Đàng Ngoài sợ cạm bẫy mới nào khác hoặc vì thiếu lương thực cho đạo quân và thế là ngài cho rút quân về.

Trò chuyện với chúa

Vậy là chúa trở về, còn chúng tôi tuy bâng khuâng không biết tâm trí ngài thế nào đối với chúng tôi và với thương gia người Bồ, nhưng chúng tôi nhất định ra đón ngài và tỏ ra vui mừng vì bản thân ngài được an toàn. Thế là chúng tôi còn giữ trong các đồ đạc lặt vặt một sách hình cầu Euclide mà một cha ở bên Tàu đã dịch ra chữ Tàu (Kỷ hà nguyên bản, sách hình học của nhà toán học Euclide người Hy Lạp thế kỷ 3 trước CN do cha Ricci cùng người cộng tác Trung Hoa dịch – PV) và có trang trí nhiều hình toán học rất đẹp, chúng tôi liền lấy ra đem dâng chúa sau khi bái chào ngài.

Mặt ngài hớn hở và tỏ ra rất hài lòng nhận phẩm vật, ngài ra lệnh cho chúng tôi ngồi bên ngài để nói chuyện với ngài và cắt nghĩa về cuốn sách. Chúng tôi khởi công làm việc ngay, nhưng đêm tới và cũng đã khá khuya chúng tôi vẫn đàm đạo về bầu trời bao la và vận chuyển điều hòa các tầng trời. Chúa rất chú ý nghe và rất thỏa thích. Tuy ngài mệt vì cuộc hành trình đầy biến động nhưng vẫn còn muốn cho chúng tôi tiếp tục nói. Ngài lịch sự (đây là một nét tỏ ra tính tình rất nhân hậu của ngài) xin chúng tôi cho phép ngài được nằm nghỉ trên giường và điều này không ngăn cản ngài chú ý tới những gì chúng tôi nói.

Chúng tôi cảm ơn về mối thịnh tình. Thấy ngài nằm nghỉ và sẵn sàng nghe chúng tôi, chúng tôi tiếp tục giảng giải về vận chuyển các tinh tú. Buổi đàm đạo dài gần hai tiếng đồng hồ và đã quá khuya, thế mà chúa cùng các quan không tỏ dấu hiệu chán nản, khi chúng tôi xin phép chúa ngừng nói để khỏi làm phiền đến ngài. Thế là chúng tôi tạm biệt ngài. Ngài cho quân binh theo chúng tôi cùng cho nhiều phẩm vật và tiền bạc. Chúng tôi an tâm, không những chúa không giận mà còn ưu đãi và quý mến chúng tôi. Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa, coi như một việc quan trọng đã diễn ra tốt đẹp với chúng tôi.

Chúng tôi còn vững dạ hơn trong suy nghĩ lo toan vì lời Thiên Chúa không trở về vô hiệu với kẻ rao giảng vì mục đích lành thánh. Tuy không ảnh hưởng gì mấy tới tâm trí chúa vì chúa chưa được ơn Đức Thánh Linh sửa soạn trước, nhưng viên tướng lãnh đội thị vệ đã bị xúc động rõ ràng và rất mạnh mẽ. Sau đó ít lâu ông đến tìm chúng tôi xin được học các chân lý đức tin và chịu phép rửa tội. Chúng tôi đã rửa tội cho ông và cả gia đình ông.

Thất bại của chúa Trịnh Tráng trong lần đem quân đi đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã được nhiều bộ sử nói tới. Đó là Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ tục biên, quyển 18); Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Nam thực lục tiền biên
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 31, chép: “Hữu Dật cùng Trương Phúc Gia bàn mưu với nhau: cho gián điệp phao tin là Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp nổi loạn. Tráng nghe được tin ấy, trong bụng nghi ngờ, lại vì thua luôn mấy trận, bèn dẫn quân về”.
.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: , ,