Giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học: Những điều gợi mở

Bảo vệ đa dạng sinh học có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển bền vững của con người. Việc đưa những kiến thức về đa dạng sinh học vào hệ thống giáo lục là điều cần thiết. Sau đây là gợi ý về một số nội dung giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học.

Các khái niệm cơ bản về đa dạng sinh học

Các khái niệm liên quan đến đa dạng sinh học tương đối mới và phát triển mạnh trong vài thập niên trở lại đây. Đây là hệ thống khái niệm có tính liên ngành cao, có nhiều ngành khoa học liên quan đến khoa học nghiên cứu đa dạng sinh học như di truyền học, tiến hóa, phân loại học, sinh thái học… Vì vậy để hiểu một cách sâu sắc và chính xác các khái niệm về đa dạng sinh học trước hết phải xây dựng và đưa vào nội dung giáo dục những kiến thức cơ sở của các ngành liên quan trong đó cần đặc biệt chú ý đến những kiến thức cơ bản của các ngành phân loại học, di truyền học, sinh thái học, bảo tồn và các kiến thức khác quan hệ giữa các yếu tố của đa dạng sinh học với đời sống con người…

Để xây dựng được nội dung bao gồm những kiến thức về đa dạng sinh học cần phải đưa những khái niệm chung về đa dạng sinh học. Những khái niệm cơ bản cần đưa vào nội dung giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học như bảo tồn, đa dạng sinh học, đa dạng di truyền, đa dạng loài, đa dạng HST, sự phân bố đa dạng sinh học… Tùy theo đối tượng và mục tiêu giáo dục cụ thể mà có thể đưa nhiều hay ít, khái niệm chuyên sâu hay phổ thông cho phù hợp.

Sự tác động của đa dạng sinh học đến con người

Thực chất những kiến thức cần đưa về sự tác động của đa dạng sinh học đến con người là các giá trị của đa dạng sinh học đối với tự nhiên và với con người. Trong đó cần xây dựng nội dung bao hàm các giá trị kinh tế trực tiếp, các giá trị kinh tế gián tiếp, đặc biệt nhấn mạnh khái niệm về khả năng sản xuất của HST, vai trò của đa dạng sinh học với môi trường như điều hòa khí hậu, phân hủy chất thải, các giá trị lựa chọn, giá trị tồn tại và các khía cạnh khác mang tính đạo đức. Khi xây dựng những kiến thức này cần làm rõ có những giá trị của đa dạng sinh học con người có thể định giá được và có cả những giá trị mà con người không thể định giá được để từ đó chỉ ra rằng nếu chúng ta làm suy giảm đa dạng sinh học chính chúng ta đánh mất tài sản của chúng ta hiện nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Có thể chia những kiến thức này thành các nhóm khái niệm sau:
– Khái niệm về sự tác động của đa dạng sinh học đến sự tồn tại và phát triển của con người
– Khái niệm về sự tác động của đa dạng sinh học đến các điều kiện lao động, sản xuất của con người (thiên tai, độ phóng xạ, điện từ trường….)
– Khái niệm về sự tác động của đa dạng sinh học đến các điều kiện nghỉ ngơi, giải trí và sức khoẻ của con người (các công viên, vườn thực vật, vườn động vật, công trình công cộng, di tích văn hoá, lịch sử…)

Những kiến thức về sự tác động của con người đến đa dạng sinh học

Khi đưa những kiến thức này vào nội dung giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học cần làm rõ những tác động tiêu cực của con người hiện nay làm suy thoái đa dạng sinh học đồng thời cũng chỉ ra rằng nếu như con người biết kiểm soát các hoạt động của mình mà tác động vào tự nhiên theo hướng phát triển bền vững thì con người có thể bảo tồn được tài nguyên đa dạng sinh học. Như vậy, những kiến thức này nhấn mạnh chiều hướng phát triển của bảo tồn đa dạng sinh học hoàn toàn phụ thuộc vào nhân tố con người. Có thể xếp các kiến thức này theo các nhóm khái niệm sau:

– Các kiến thức về những vấn đề nóng bỏng của đa dạng sinh học: cạn kiệt và suy thoái đa dạng sinh học, sự cố, thay đổi của đa dạng sinh học và nguyên nhân. Đây là những kiến thức về tình trạng đa dạng sinh học hiện nay và các nguyên nhân gây suy thoái đa dạng sinh học, trong đó, những nguyên nhân do con người gây ra trong những năm gần đây là chủ yếu. Thực chất đây là những kiến thức về tác động tiêu cực của con người đến đa dạng sinh học. Nội dung về tình hình đa dạng sinh học thường được trình bày theo logic tình trạng đa dạng sinh học trên toàn thế giới, tiếp đến tình trạng đa dạng sinh học trong từng khu vực, rồi đến những vấn đề đa dạng sinh học ở từng nước, các địa phương và mức độ đa dạng trong quá khứ, hiện tại và những dự đoán về chiều hướng phát triển của đa dạng sinh học trong tương lai. Vì sự thay đổi thái độ của người được giáo dục là một trong những mục tiêu giáo dục nên khi xây dựng nội dung với những kiến thức này cần vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về tình trạng và xu hướng phát triển đa dạng sinh học sao cho từ đó làm người được giáo dục thấy cần quan tâm là phải hành động để bảo tồn đa dạng sinh học.
– Khái niệm về khai thác và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học, về việc phục hồi và làm giàu tài nguyên đa dạng sinh học, về việc phát triển đa dạng sinh học;
– Khái niệm về đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững, chiến lược cho sự phát triển bền vững (đường lối, chính sách, luật bảo vệ đa dạng sinh học, công ước đa dạng sinh học, giáo dục…)
Hai nhóm khái niệm sau là những kiến thức về các tác động tích cực của con người đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học. Nội dung này cần đưa ra những ví dụ thực tế thành công trong việc bảo tồn đa dạng sinh học gắn với mỗi hình thức bảo tồn để làm rõ khả năng của con người trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và chỉ rõ đây là việc làm không chỉ dừng ở mức độ cá nhân mà còn ở mức độ cao hơn như mỗi ngành, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và toàn cầu.

Những kỹ năng học tập và bảo vệ đa dạng sinh học

Đây là nội dung chính để đạt được mục tiêu về kỹ năng của giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học. Yêu cầu của nội dung này là cung cấp, rèn luyện cho người được giáo dục cả kỹ năng tư duy và kỹ năng thực hành và cao hơn là người được giáo dục có thể sử dụng những kiến thức này tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.

Những kỹ năng học tập như: thu thập số liệu, điều tra thực tế, làm thí nghiệm.

Những kỹ năng bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trong đời sống và sản xuất: tiết kiệm năng lượng, lương thực thực phẩm, giảm thiểu các chất thải, tái sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng tiết kiệm và khôn ngoan nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, chăm sóc, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, khắc phục và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm…

Theo BIODIVN

Tags: ,