Friedrich Engels với tư tưởng phương Đông

Bài viết này phản bác những quan điểm xuyên tạc chủ nghĩa Marx cho rằng chủ nghĩa Marx là không phù hợp, không tương thích với những tư tưởng phương Đông, do đó, không áp dụng được đối với những nước phương Đông, trong đó có Việt Nam; bằng cách chỉ ra điểm tương đồng về tư tưởng giữa F. Engels với tư tưởng phương Đông – đó là cả hai đều đứng trên quan điểm biện chứng về sự phát triển, về mối liên hệ chằng chịt, tác động qua lại lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả.

Friedrich Engels với tư tưởng phương Đông

Tác giả: GS, TS Nguyễn Hùng Hậu.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 537 (tháng 11/2022).

Một số người tự nhận là “cấp tiến” cho rằng, K. Marx và F. Engels hầu như không nghiên cứu gì về phương Đông, không biết đến phương Đông, rằng những quan điểm của hai ông là không phù hợp, không tương thích với phương Đông, nhằm mục đích phủ nhận chủ nghĩa Marx ở những nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Trên Tạp chí Lý luận chính trị, số 10-2019, tác giả đã đăng bài K. Marx với phương Đông, và bài Điểm tương đồng về tư tưởng giữa K. Marx và học thuyết Phật giáo trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8-2021, nhằm bác bỏ những quan điểm sai trái này.

Bài viết này tiếp tục bác bỏ những quan điểm sai trái đó, bằng cách chỉ ra điểm tương đồng về tư tưởng giữa F. Engels và các học thuyết phương Đông; theo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: học thuyết Khổng Tử, Tôn giáo Jesus, chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, mỗi học thuyết đều có ưu điểm của nó, đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội; tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy(1).

Đương thời, K. Marx và F. Engels chưa có nhiều điều kiện nghiên cứu về phương Đông. Cuối đời hai ông đã nghiên cứu về nước Nga và đã đưa ra những tư tưởng vô cùng quan trọng về thời kỳ quá độ rút ngắn. K. Marx ngay từ rất sớm đã nghiên cứu thuộc địa của nước Anh, đó là Ấn Độ và đã đưa ra sáu phát hiện lớn mà bản thân người phương Đông, Ấn Độ cũng không nhận ra. K. Marx có những tư tưởng rất gần với Phật giáo. Không chỉ K. Marx, mà cả F. Engels cũng có những tư tưởng rất gần gũi với phương Đông. Chẳng hạn, sự tương đồng về tư tưởng của F. Engels với thuyết Âm – Dương của phương Đông, thuyết Nhân Duyên của Phật giáo.

Thuyết Âm – Dương ra đời từ thời cổ đại. Âm Dương là thuyết về sự liên hệ phổ biến tác động lẫn nhau giữa hai mặt đối lập, hai thế lực cơ bản nhất của thế giới, đó là âm và dương. Âm – dương không biết xuất hiện từ khi nào, có người cho rằng đây là thuyết của người Việt cổ, nhưng muộn nhất là vào thời Ân và phải có trước Bát Quái. Trong Quốc Ngữ có nói đến Bá Dương Phủ (thời Tây Chu) giải thích vụ động đất năm 779 TCN là do âm – dương.

Trước đó người Trung Quốc đã cho âm – dương là hai nguyên lý của vũ trụ. Mới đầu chữ “Dương” gồm hai bộ phận, bên trái chỉ sườn núi, bên phải chỉ mặt trời nhô lên khỏi chân trời, bên dưới là những tia sáng chiếu xuống. Bởi vậy, Dương chỉ sáng, sau này được mở rộng thành ra nóng, ban ngày, mùa Hè, Mặt Trời, sống, mạnh, cứng, giống đực, thịnh, tốt, thực, quân tử v.v.. Còn Âm gồm hai phần, bên trái chỉ sườn núi, bên phải chỉ cái nóc nhà, dưới có đám mây chỉ mặt trời bị che khuất, không có ánh sáng, tức là tối. Về sau, Âm được mở rộng thành lạnh, đêm, mùa Đông, Mặt Trăng, chết, yếu, mềm, giống cái, suy, xấu, hư, tiểu nhân, v.v…

Thời Xuân Thu, âm – dương, bát quái đã được nhiều người chấp nhận. Thời Chiến Quốc, trong Thoán truyện cho âm – dương, càn – khôn là nguồn gốc của vũ trụ. Quan niệm trời (càn), đất (khôn) là cha mẹ của vạn vật là quan niệm tương đối phổ biến của loài người thời thượng cổ. Trời – đất (cha – mẹ), âm – dương cũng phải có giao cảm, giao hợp, giao hòa, giao hội với nhau thì mới sinh hóa ra muôn loài, vạn vật. Sự biến hóa, sinh thành, phát triển trong vũ trụ đều dựa vào âm – dương (nam – nữ, đực – cái) vì nó là gốc của gia đình, xã hội nên trong Kinh Dịch, đầu Kinh Thượng là quẻ càn khôn mà đầu Kinh Hạ là quẻ hàm hằng (nam – nữ, vợ – chồng). Theo nghĩa nào đó thì Một âm, một dương chính là đạo (Nhất âm nhất dương chi vị đạo).

Âm – dương rất rộng, bao trùm tất cả, cả không gian như Bắc – Nam, Đông – Tây, trên – dưới, trước – sau, phải – trái, v.v.. lẫn thời gian như ngày – đêm…, cả thời tiết như đông – hạ, nắng – mưa…, cả tình cảm, đạo đức như vui – buồn, tốt – xấu… Không một vật gì, dù hữu hình hay vô hình, vật chất hay tinh thần, lớn hay nhỏ trong vũ trụ mà lại không có âm – dương. Nó không chỉ là khí, nguyên lý, năng lực, khía cạnh, đặc tính,… mà còn rộng hơn nhiều, nên tốt nhất cứ để là âm – dương. Như vậy, âm – dương rộng hơn cả mâu thuẫn, vì mâu thuẫn là âm – dương, nhưng có nhiều âm – dương không phải là mâu thuẫn.

Từ thời Xuân Thu trở về trước, người Trung Quốc có quan niệm Nhị nguyên về vũ trụ, xem vũ trụ được cấu tạo từ âm và dương. Qua thời Chiến Quốc đến thời Hán, xuất hiện khái niệm Thái cực (Thái cực sinh lưỡng nghi), như vậy từ Nhị nguyên đã trở thành Nhất nguyên. Đến thời Tống lại xuất hiện Vô cực để hoàn tất quá trình Nhất nguyên này. Từ khi có Thái cực, người Trung Quốc tượng trưng âm – dương bằng hình đen – trắng (tối – sáng, nghĩa ban đầu). Hai hình này tuy cách biệt nhau, đối lập nhau mà lại ôm lấy nhau, xoắn lấy nhau, không tách rời nhau. Chỗ đen phồng ra to nhất lại xuất hiện một điểm trắng, ngược lại chỗ trắng phồng ra to nhất lại xuất hiện một điểm đen (trong âm có dương, trong dương có âm). Chỗ hình đen phồng ra là chỗ hình trắng thót lại, ngược lại chỗ hình trắng phồng ra là chỗ hình đen thót lại. Như vậy, để diễn đạt cái lý âm thịnh dần lên thì dương suy dần xuống, ngược lại, dương thịnh dần lên thì âm suy dần xuống (âm thịnh thì dương suy, dương thịnh thì âm suy).

Như vậy, một trong những quy luật của âm – dương, có thể khái quát lại là: lồi chỗ này thì lõm chỗ khác; phát triển theo khía cạnh này, mặt này thì lại thụt lùi ở khía cạnh khác, mặt khác. Tư tưởng này sau mấy chục thế kỷ lại tìm thấy sự tương đồng một cách kỳ lạ ở một nhà tư tưởng phương Tây, người cùng với K. Marx sáng lập ra học thuyết làm đảo lộn thế giới, đó là F. Engels. Hay Phật giáo ra đời từ thế kỷ 7 TCN, cách F. Engels 25 thế kỷ. Nhưng sao giữa F. Engels và thuyết nhà Phật có điểm tương đồng thật kỳ lạ như vậy, đó chính là tư tưởng biện chứng về mối liên hệ chằng chịt lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng.

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, F. Engels đã đưa ra những ví dụ điển hình về vấn đề khủng hoảng sinh thái, từ đó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như khi người ta phá rừng để lấy đất trồng trọt ở Mêxôpôtami, Hy Lạp, Tiểu Á và một số nơi khác, họ không nghĩ rằng làm như vậy là đã phá hủy các trung tâm chứa nước và giữ nước, từ đó gây ra các hiện tượng lũ lụt với sức công phá mà họ không thể tưởng tượng nổi. Những người miền núi ở Italia, khi phá hoại các đám rừng tùng, thì họ không nghĩ rằng làm như vậy là đã phá hoại việc chăn nuôi trên núi cao và lại càng không nghĩ rằng như thế là họ đã làm cho các suối nước trên núi bị khô cạn suốt một phần lớn thời gian trong năm, đến mùa mưa thì nước lũ của các khe suối đó lại tuôn xuống càng dữ dội hơn nữa, làm ngập cả đồng bằng. Xuất phát từ đó cũng dễ hiểu, có nhiều nền văn minh, trong đó có thể có nền văn minh Maya bị diệt vong là do những nguyên nhân tương tự, làm mất cân bằng sinh thái, mất cân bằng động giữa con người, xã hội và tự nhiên.

Là một nhà biện chứng vĩ đại, F. Engels cho rằng “Trong giới tự nhiên, không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả. Hiện tượng này tác động đến hiện tượng khác và ngược lại”(2). Thuyết Duyên khởi của nhà Phật cũng có quan điểm như vậy khi cho rằng vạn pháp (không chỉ trong tự nhiên, mà cả trong xã hội, trong tinh thần, tư tưởng, tình cảm, tư duy) đều là những quá trình trùng trùng duyên khởi; không có cái gì cô lập, độc lập, tách rời, tĩnh tại; mà chúng liên hệ chằng chịt, tác động qua lại lẫn nhau. Mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ chằng chịt với nhau, chúng là nguyên nhân và kết quả của nhau.

Chính vì mọi sự vật, hiện tượng đều nằm trong sự tác động qua lại lẫn nhau, nên “chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần chúng ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta”(3).

Như vậy, cứ mỗi lần đạt được một thắng lợi, là mỗi lần chúng ta lại phải trả giá. Được cái này thì mất cái khác – điều này hoàn toàn chính xác, bởi lẽ con người – tự nhiên là một hệ thống cân bằng động, các yếu tố của nó tác động qua lại lẫn nhau, con người tác động lên tự nhiên, ngược lại, tự nhiên cũng tác động lên con người. Nhưng chiều thứ hai, do chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, nên con người thường “không lường trước được” và đôi khi lại phá hủy tất cả những kết quả ban đầu mà con người đã đạt được.

Trong lịch sử cũng vậy, sự vật, hiện tượng phát triển theo chiều hướng này, thì chiều hướng khác co lại, thậm chí teo đi. Sự phát triển của tư duy con người cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Theo F. Engels, tư duy của người cổ đại, đặc biệt là ở Hy Lạp – La Mã, là biện chứng mang tính tự phát, mộc mạc, đơn giản, nhưng về cơ bản là đúng. Họ xem xét sự vật, hiện tượng trong sự vận động, phát triển, biến đổi không ngừng, trong sự liên hệ, ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau; không có cái gì đứng yên, tồn tại độc lập tuyệt đối. Như vậy, họ đã nhìn ra cái tổng thể, nhìn ra khu rừng, nhưng còn xa xa chưa rõ nét. Nhưng đến thế kỷ 17 – 18, cơ học phát triển mạnh, tư duy phân tích mổ xẻ chiếm thế chủ đạo, người ta đi nghiên cứu từng cây một, nhìn tường tận từng cây một rất rõ, nhưng họ lại quên khu rừng, thế là họ rơi vào siêu hình, máy móc.

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, F. Engels viết: “nếu về chi tiết, chủ nghĩa siêu hình là đúng hơn so với những người Hy Lạp, thì về toàn thể những người Hy Lạp lại đúng hơn so với chủ nghĩa siêu hình”(4); “lịch sử của loài người không những có một nhánh đi lên mà còn có một nhánh đi xuống”(5). Như vậy, rõ ràng, tiến ở phía này, nhưng lại lùi ở phía khác, theo âm dương thì lồi ở chỗ này, lại lõm ở chỗ khác. Con người cũng vậy, được cái này thì mất cái khác, “Trời không cho ai tất cả”, mạnh ở mặt này thì yếu ở mặt khác, “Nhân vô thập toàn”. Biện chứng của giới tự nhiên, của đời người, của cuộc sống là như vậy.

Trong quan hệ của con người với giới tự nhiên cũng vậy. Người ta càng chinh phục, cải tạo được giới tự nhiên nhiều bao nhiêu thì lại càng bị giới tự nhiên “trả thù” nhiều bấy nhiêu, mặc dù sự trả thù này có thể không ngay lập tức. F. Engels viết: “Và những việc đó nhắc nhở chúng ta từng giờ từng phút rằng chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên”(6).

Như vậy, quyền hành và sự thống trị của con người đối với tự nhiên không phải là vô hạn, tuyệt đối để đến nỗi làm phá vỡ hệ thống cân bằng động con người – tự nhiên, bởi vì con người chinh phục giới tự nhiên nhưng con người vẫn nằm trong lòng nó, chứ không phải như một kẻ sống bên ngoài giới tự nhiên, không phải như một kẻ xâm lược, thống trị một dân tộc khác, bắt dân tộc đó làm nô lệ cho mình.

Giới tự nhiên, ở Việt Nam còn được gọi là mẹ, “Mẫu”, như Mẫu Thoải chủ về sông nước, Mẫu Thượng Ngàn chủ về núi rừng. Con người cải tạo, chinh phục mẹ, nhưng vẫn nằm trong lòng mẹ, bởi vậy, đừng cư xử tồi tệ, quá đáng với người mẹ của mình. Nếu không sẽ bị “quả báo”, theo quan điểm của nhà Phật.

Xã hội càng văn minh, con người càng phát triển thì sự tác động (cải tạo, biến đổi) của con người đối với tự nhiên càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tác động (cải tạo, biến đổi) ấy dù có to lớn, mạnh mẽ như thế nào đi chăng nữa cũng không được phép vượt quá giới hạn, phá vỡ sự cân bằng động của hệ thống con người – xã hội – tự nhiên; bởi vì con người, xã hội không thể tồn tại bên ngoài giới tự nhiên.

Để tồn tại, con người và xã hội phải dựa vào tự nhiên, dựa vào thế giới vật chất, môi trường xung quanh. F. Engels cho rằng, giới tự nhiên là cái cung cấp những vật liệu cho lao động biến thành của cải. Sự cân bằng này có thể được chứng minh bằng những ví dụ cụ thể hằng ngày. Chẳng hạn, quá nhiều chim sẻ sẽ dẫn tới ăn nhiều thóc lúa ở ngoài đồng, nhưng nếu diệt hết chim sẻ, thì sâu bệnh lại phát triển nhanh và nó còn phá hoại mùa màng gấp nhiều lần so với chim sẻ.

Trong tự nhiên, loài này sinh ra là để cho loài khác, loài khác sinh ra lại để cho loài khác nữa, cứ như thế cho đến loài cuối cùng sinh ra, rất có thể là để cho loài ban đầu. Vòng tròn khép kín, sự cân bằng động của giới tự nhiên là như vậy. Và không chỉ đơn giản có một vòng tròn, có thể loài này là nhân tố của vòng tròn này, nhưng lại tham gia trong một chu trình khác, vòng tròn khác. Như vậy, trong giới tự nhiên có vô số những vòng tròn tương đối khép kín vừa giao nhau, vừa bao nhau vô cùng phức tạp, luôn vận động trong thế cân bằng, giống như sự vận động trong cân bằng của các hành tinh trong vũ trụ, khiến cho thế giới luôn biến đổi, luôn vận động.

Do vậy, việc chinh phục, cải tạo, biến đổi giới tự nhiên phải ở trong khuôn khổ cân bằng động của hệ thống con người – tự nhiên. Nếu vì tham lam trước mắt mà phá vỡ sự cân bằng động của hệ thống này thì con người sẽ phải trả giá, phải lãnh những hậu quả tai hại khó lường. Có những hậu quả trước mắt mà chúng ta có thể thấy ngay, nhưng cũng có những hậu quả lâu dài mà trải qua hàng nghìn năm mới đánh giá hết được mức độ nguy hại của nó.

Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, F. Engels cho rằng, nếu chúng ta đã phải trải qua hàng nghìn năm lao động mới có thể, trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được những hậu quả tự nhiên xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta, thì chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được những hậu quả xã hội của những hành động ấy. Đây cũng chính là thuyết Nhân quả của nhà Phật.

Con người là một tiểu vũ trụ, là một yếu tố đặc biệt của tự nhiên. Tự nhiên cần sự cân bằng động, quan hệ con người với giới tự nhiên cũng cần sự cân bằng động, bản thân con người cũng cần sự cân bằng động. Y học cổ truyền cho rằng, bệnh tật xuất hiện là do mất cân bằng, mà cụ thể là mất cân bằng âm – dương trong con người.

Con người, xã hội, tự nhiên và thậm chí cả vũ trụ đều nằm trong mối liên hệ chằng chịt, tác động qua lại lẫn nhau và bị chi phối bởi thuyết Nhân duyên, luật Nhân quả – theo quan điểm của nhà Phật. Đó là sự tương đồng giữa F. Engels và tư tưởng phương Đông, đặc biệt là thuyết Âm – Dương của phương Đông và thuyết Duyên khởi, Nhân quả của nhà Phật. Điều này phải chăng nói lên một sự thật: chân lý chỉ có một, còn sai lầm thì phong phú vô cùng; những giá trị chân chính của nhân loại không chỉ bất biến theo thời gian, cổ đại cũng như hiện đại; mà còn bất biến theo không gian, phương Đông cũng như phương Tây; đồng thời cũng chứng minh rằng, những kẻ vu khống, xuyên tạc chủ nghĩa Marx nhằm mục đích chính trị, do không nghiên cứu chủ nghĩa Marx đến nơi đến chốn đã hoàn toàn thất bại trước sự thật lịch sử đanh thép này.

—————–

Chú thích:

(1) Xem: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào công giáo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.325-326.
(2), (3), (4), (6) K. Marx và F. Engels: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 652, 654, 491, 655.
(5) K. Marx và F. Engels: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.395.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,