Điều gì xảy ra khi chúng ta phớt lờ stress quá lâu?

Stress là một phản ứng tự nhiên của cơ thể trước những trải nghiệm trong cuộc sống. Nhưng căng thẳng kéo dài sẽ mang đến những tác động tiêu cực.

Điều gì xảy ra khi chúng ta phớt lờ stress quá lâu?

Nhiều người trong chúng ta thường học cách trở nên cứng rắn, kiên cường khi đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điểm yếu duy nhất của “siêu năng lực” này là có thể khiến bản thân quá phụ thuộc vào chúng.

Khi một người nói “Tôi ổn” quá nhanh, họ thường che giấu tác động thực sự của cảm xúc và căng thẳng lên cơ thể mình. Thế nhưng, họ không biết rằng sự dồn nén, chịu đựng quá lâu mà không được giải quyết sẽ gây ra những tổn thất về tinh thần và thể chất theo thời gian.

Nhận diện vấn đề

Theo Heathline, căng thẳng ngắn hạn có tác động tích cực với sức khỏe. Khi stress, vùng dưới đồi (Hypothalamus), cơ quan điều khiển trạng thái trong não, sẽ giải phóng hormone để kích hoạt phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight-or-flight) của cơ thể.

Lúc đó, tim sẽ đập nhanh, nhịp thở gấp hơn và cơ bắp sẵn sàng hoạt động. Phản ứng này được thiết kế để bảo vệ bạn trong những trường hợp khẩn cấp.

Nhưng nếu căng thẳng liên tục bùng phát và kéo dài, các khớp thần kinh sẽ mất dần, dẫn đến giảm trí nhớ, khả năng tương tác, đưa ra quyết định và mất ngủ.

Giải pháp

Chúng ta thường tự nói với bản thân “Tôi ổn” khi gặp vấn đề khó khăn rồi tiếp tục lao vào công việc và để căng thẳng tích tụ. Thay vì dồn nén, mỗi người nên học cách để đối mặt với chúng.

Đầu tiên, hãy thay đổi cách bạn phản ứng với căng thẳng như tìm ra nguyên nhân và giải quyết nó càng sớm càng tốt. Một trong những phương pháp hữu hiệu là viết mọi thứ ra giấy và xử lý từng cái.

Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, lời khuyên từ gia đình, bạn bè thân thiết hay đồng nghiệp khi đối mặt với một vấn đề nan giải.

Một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ cho thấy dành thời gian cho những người thân yêu sẽ giúp giải phóng oxytocin, một hormone có tác dụng làm giảm lượng cortisol gây ra stress.

Vì thế, đừng ngắt kết nối với mọi người và các mối quan hệ xã hội. Giọng nói thân thuộc, lời an ủi, động viên từ họ có thể giúp chúng ta vượt qua cảm giác cô đơn, mệt mỏi.

Không nên ôm đồm, chịu đựng mọi thứ một mình. Điều đó chỉ làm giảm hiệu suất của bản thân và nhận được kết quả không như mong đợi. Ngoài ra, tiếp cận với stress từ một lập trường chủ động có thể giúp giảm căng thẳng mạn tính, theo Verywell Mind.

Học cách nói “Không” với những yêu cầu có thể tạo ra áp lực quá mức và đặt giới hạn phù hợp cho bản thân.

Thay vì liên tiếp đón nhận “cơn bão” lo âu, bức bách, hãy xây dựng những thói quen lành mạnh để cho bản thân có cơ hội nghỉ ngơi, hồi phục. Một số hoạt động hiệu quả để giảm bớt áp lực là tập thể dục, thiền định, viết nhật ký, dọn dẹp nhà cửa.

Những video hài hước, câu chuyện vui nhộn cũng giúp chúng ta điều hòa tâm trạng và giải phóng năng lượng tiêu cực. Theo Healthline, tiếng cười còn có khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và việc kiểm soát stress. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết khi ngủ, não của chúng ta giải phóng phần lớn các hoạt động trong ngày và một số tác nhân gây stress.

Mất ngủ thường xuyên có thể khiến bạn mất tập trung, mệt mỏi hơn vào hôm sau.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: