Điện thoại thông minh đang làm ‘hư hỏng’ cả một thế hệ?

Từ khi smartphone ra đời, đã xuất hiện một lớp người được gọi là “thế hệ cúi đầu”.

Điện thoại thông minh đang làm ‘hư hỏng’ cả một thế hệ?

Nhiều người cho rằng, người Việt ngày càng nghiện smartphone – điện thoại thông minh – nhất là giới trẻ luôn xem smartphone là vật bất ly thân khiến việc giao tiếp hằng ngày càng trở nên nhạt nhẽo. Thậm chí, còn có biểu hiện vô lễ thiếu ý thức, thiếu văn hóa. Không lẽ smartphone làm cho một bộ phận người Việt ngày càng trở nên xấu xí? Smartphone có lỗi hay lỗi là do chính người dùng? Có ý kiến cho rằng, bạn hãy là một người thông thái khi sử dụng smartphone với hàng loạt tiện ích mà nó mang lại chứ đừng “nghiện” và đỗ lỗi cho smartphone.

Say đây là ý kiến của các chuyên gia Việt Nam xung quanh câu chuyện smartphone hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Thiết bị thông minh đang đẩy chúng ta vào bi kịch

Tôi cho rằng, đây là một bi kịch của một xã hội đang phát triển. Thông thường trở ngại trên lộ trình phát triển là đương nhiên nhưng tôi thấy rằng, bi kịch này không đáng có. Đặc biệt là một đất nước coi trọng lễ giáo trong giao tiếp như Việt Nam. Chúng ta vẫn thường tự hào về truyền thống lễ giáo đã có từ ngàn đời nay rằng giao tiếp phải dựa trên cơ sở khiên xưng và hô tôn. Nghĩa là dùng những từ người ta giao tiếp với nhau thân mật, tử tế, lịch sự trong giao tiếp. Kính ngữ của Việt Nam rất rõ ràng, có cô, dì, chú, bác… ngang hàng đấy nhưng có ông anh, hoặc ông bác… Không như nước ngoài chỉ có “I” và “You”, để tỏ rõ sự thân mật. Các cụ cũng dạy rồi: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cơ mà. Chưa kể, trong giao tiếp với người trên thì phải kèm theo lễ nghĩa cử chỉ thế nào, với người cùng trang lứa ra sao. Trong tình yêu thì đối đãi với nhau bằng những từ ngữ rất huê tình… Thế nhưng, giờ thì tất cả những thứ đó đang biến mất, thế chỗ cho nó là những lời nói suồng sã. Và khi có smartphone lấn át, chi phối con người thì chúng ta lại rơi vào trạng thái giao tiếp… ảo.

Giao tiếp ảo ở đây là chúng ta cứ mải mê chạy theo những mối quan hệ ảo trên mạng xã hội. Bi kịch này nó khiến rơi vào sự cô đơn khủng khiếp, nó làm cho tình cảm thật trong xã hội bị thay thế bởi tình cảm ảo. Khi smartphone cập nhật diễn biến của các mối quan hệ này ở bất cứ nơi đâu và người ta cứ chằm chằm vào những thiết bị ấy, rồi quên mất những gì đang diễn ra xung quanh mình. Cái mà mạng xã hội “bắt thóp” được là nhu cầu chia sẻ, nhu cầu thể hiện mình… Từ các thiết bị thông minh, người ta dễ thể hiện mình với đầy đủ các cung bậc, từ đó chúng ta cứ bị cuốn vào đó. Rất dễ thấy cảnh ở một khu vui chơi công cộng, một quán cà phê, hay chỉ trong bữa cơm gia đình… ai cũng kè kè smartphone trong tay. Khi chú ý vào nó, thì quên hết nhu cầu giao tiếp với xung quanh.

Thực tế thì bi kịch này đã được các nhà văn hóa chỉ ra. Nước ta là một nước nông nghiệp rồi tiến đến phát triển trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Việc phải tiếp cận nhanh với sự phát triển thần tốc của khoa học kỹ thuật hiện đại, khiến chúng ta khó bắt nhịp và dễ khiến rơi vào sai lầm nếu không có sự chỉ đường, nhất là những luồng tư tưởng văn hóa ngoại lai lại dễ xâm nhập như hiện nay.

Tôi nghĩ rằng, căn nguyên sâu xa của việc bị smartphone lấn át giao tiếp trực tiếp như hiện nay một phần do bản thân người sử dụng thiếu tự tin, hay e ngại giao tiếp trực tiếp. Từ đó mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, giữa cá nhân với gia đình bị phá vỡ. Chúng ta vẫn luôn mưu cầu mối quan hệ giữa người với người trong xã hội đều là tình thân, thế nhưng lại đang xuất hiện những cảm xúc xa lạ ngay cả với những người trong cùng một gia đình.

Tôi cho rằng: Những người khôn ngoan đừng để công nghệ thông minh lấn át mình mà đánh mất mình đi, đừng để mất các quan hệ xung quanh chúng ta. Mà mỗi người phải tự biết cách làm thế nào để có sự hài hòa. Giữ vững bản chất văn hóa của người Việt Nam, mình đâu phải người Mỹ, cũng không phải một quốc gia phương Tây nào, nên mình phải giữ để khỏi mất gốc. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có những lễ giáo như khi ăn thì phải mời, đến nhà thì phải chào… Chúng ta phải biết giữ lấy những truyền thống tốt đẹp ấy. Hãy biết đặt những thiết bị ấy sang một bên khi có thể.

Còn để cứu vãn tình thế như hiện nay thì tôi nghĩ rằng, chúng ta phải biết tìm hiểu cặn kẽ căn cơ để tìm ra hướng giải quyết. Ngay lúc này hãy níu giữ lại những giá trị truyền thống đang dần bị mất ngoài kia, không nhanh thì sẽ muộn. Mà ở đây truyền thông đóng vai trò rất lớn. Hãy đẩy mạnh tuyên truyền những giá trị tốt đẹp trong giao tiếp mà chúng ta đã có, những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam xưa… Truyền thông hãy biết “gạn đục khơi trong” để công chúng hiểu được giá trị của giao tiếp, nêu mạnh những gương tử tế trong cuộc sống đầy dãy những bất trắc này. Về lâu dài, để phục hưng giao tiếp tôi nghĩ cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành giáo dục. Trên cơ sở gia đình – nhà trường – xã hội phải phối hợp ăn ý để mối quan hệ để thế hệ tương lai sẽ không còn bị chi phối bởi thiết bị thông minh.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Nhiều bạn trẻ quý smartphone đến mức quên cả người thân

Xoay quanh việc sử dụng martphone của nhiều người ngày nay cho thấy sự tác động không nhỏ đến những hành vi giao tiếp và sự chuẩn mực trong ứng xử nơi công cộng. Thử nhìn về hàng loạt những kiểu hành vi như: để chuông reng inh ỏi nơi công cộng, cài đặt chuông điện thoại quái dị, điện thoại phát sáng lóe mắt, nói chuyên vô tư bằng phím speaker phone và hàng loạt những hành vi khác cho thấy một sự thật đáng buồn… Đau lòng hơn là người ta dùng để ghi lại những khoảnh khắc tự sướng trước đám tang, trước nỗi khổ của người khác. Cũng không ít người vô tư dùng smartphone của mình để xâm phạm quyền riêng tư và nhu cầu bí mật của người khác. Tất cả minh chứng cho kiểu hành vi rất thiếu trách nhiệm, không được kiểm soát. Vì quá lệ thuộc nên họ vô tư nhắn tin trên giảng đường, nhắn tin chat ngay cả khi nói chuyện trực tiếp với người khác mà không buồn nói lời xin lỗi… Đó là biểu hiện của sự thiếu tế nhị. Một số bạn trẻ có thể quý smartphone đến mức quên luôn cả người thân. Họ sử dụng công cụ thành lẽ sống và tương tự như điều không thể thiếu được trong đời mình. Tất cả là những hệ lụy đáng buồn…

Có thể nói khi smartphone ra đời, nó đã giúp cho con người nói chung và xã hội phát triển khá độc đáo. Ban đầu, làm cho người ta gần nhau, dễ nuôi dưỡng quan hệ tình cảm… Xét trên bình diện con người, nó mang đến cho người ta cách sống tích cực trong một mối quan hệ. Nhưng chính việc dần dần lệ thuộc vào nó quên đi cả những chuẩn mực giao tiếp, chuẩn mực công cộng, chuẩn mực ứng xử đã khiến smartphone mang đến những hậu quả rất đáng tiếc… Nhiều mối quan hệ yêu đương bị vỡ vì chiếc điện thoại với các tính năng kết nối toàn cầu. Nhiều gia đình sống trong sự cô đơn vì phải đối đầu với thú lướt phím điện thoại thông minh… Hàng loạt những nỗi đau của con người có thể bắt nguồn từ hành vi sử dụng smartphone không phù hợp và những bi kịch đã xuất hiện. Vì nhu cầu khẳng định mình, nhiều bạn trẻ muốn có smartphone như một cách thể hiện đẳng cấp. Sự cho phép hay không từ phía người cha người mẹ dễ dẫn đến sự tranh cãi và mâu thuẫn, xung đột. Cả thái độ sử dụng không cân nhắc, sử dụng vô tội và không quan tâm, thiết tha đến sức khỏe, dinh dưỡng và học tập, sinh hoạt đã đẩy nhiều bạn trẻ lâm vào cảnh tách rời mình trong mối quan hệ gia đình…

Ở một số quốc gia, việc sử sụng smartphone phổ biến hơn chúng ta rất nhiều, nhưng hành vi sử dụng được xác lập rất rõ ràng. Vấn đề tiết kiệm chi phí được đặt lên hàng đầu với họ. Song song đó là việc quản lý thời gian giao tiếp qua điện thoại hay sử dụng điện thoại trong giao tiếp. Thứ đến, việc làm chủ hành vi bản thân và những thói quen tích cực được nhiều quốc gia quan tâm và huấn luyện cho con người từ rất sớm. Đó là chưa kể, mỗi con người đều được dạy từ nhỏ về nguyên tắc cân bằng cuộc sống, sử dụng các phương tiện thiết bị như công cụ chứ không để mình lệ thuộc. Điều này được quan tâm trong việc giảng dạy ở nhà trường và cả trong việc giáo dục gia đình. Mặt khác, ở công sở, một số tổ chức… việc sử dụng điện thoại chuẩn mực được phổ biết khá cụ thể và trở thành nội quy bài bản…

Vấn đề là cần làm chủ công nghệ thông tin, làm chủ smartphone thay vì lệ thuộc hay trở thành người nghiện… Điều đó đòi hỏi con người phải làm chủ thói quen sử dụng điện thoại. Đừng khai thác những tính năng không phải chủ yếu của điện thoại mà không cân nhắc. Việc sử dụng điện thoại cần được làm chủ bởi thời gian, mục tiêu và các hành vi. Bên cạnh đó, hãy luôn ý thức về giá trị về giao tiếp gián tiếp của điện thoại để biết cách ứng xử sao cho phù hợp… Thế nhưng, căn bản nhất vẫn là có những thói quen tích cực khi sử dụng điện thoại: ước lượng thời gian gọi, nghe; ý thức rằng điện thoại cũng chỉ là phương tiện, khống chế thời gian gọi – nghe ở mỗi tình huống, hoàn cảnh. Đặc biệt, cần nhận ra những hệ lụy của việc nghiện smartphone để điều chỉnh hành vi mình từ sớm và kiên quyết nói không với những cuộc giao tiếp chẳng đem lại cho mình niềm vui hay hạnh phúc đích thực…

TS Nguyễn Trùng Lập: Nên tận dụng điểm mạnh của smartphone

Trong những năm tháng sống và học tập ở Nhật Bản, theo quan sát tôi thấy người Nhật dùng smartphone “hiệu quả” hơn chúng ta. Giới trẻ Nhật thường dùng smartphone để mua sắm online, xem lịch làm việc, lịch tàu xe, định vị, kiểm tra thư điện tử. Trong khi đó giới trẻ chúng ta thường dùng smartphone để lướt facebook, chụp ảnh selfie, chơi game, đọc báo… Theo tôi, sự khác biệt này xuất phát từ khác biệt về văn hóa, vì người Nhật rất coi trọng giờ giấc trong công việc, tàu xe cũng rất đúng giờ, do đó việc cập nhật lịch làm việc và giờ tàu chạy mọi lúc, mọi nơi là tiện ích rất cần thiết. Một lý do nữa là tại đất nước Nhật Bản hệ thống các dịch vụ, tiện ích được cung cấp bởi các công ty viễn thông, thương mại điện tử, giao thông… rất phong phú, hữu ích và đáp ứng được yêu cầu của người dùng.

Người Nhật thường xuyên sử dụng smartphone tại nơi công cộng, ví dụ trên tàu điện, thậm chí khi đang đi bộ trên đường. Tuy nhiên, họ đặc biệt lưu ý đến việc không làm phiền đến mọi người xung quanh, trên tàu điện rất hiếm khi nghe thấy người ta gọi hay trả lời điện thoại. Người Nhật xem việc sử dụng smartphone là một phần văn hóa, chính vì vậy cách chọn loại điện thoại, cách dùng điện thoại rất được quan tâm, nó thể hiện sự lịch sự, văn minh của người dùng. Người Nhật rất sáng tạo, họ để ý đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống, làm sao để smartphone thực sự hữu ích. Chính vì vậy họ tạo ra rất nhiều ứng dụng tiện ích trên smartphone, ngay cả khi chơi game giải trí họ cũng chuộng những trò chơi có tính trí tuệ, rèn luyện trí nhớ, bồi dưỡng tri thức.

Hiện nay trong xã hội ta cũng như ở nhiều nước châu Á khác có rất nhiều người nghiện smartphone. Và trong giao tiếp hằng ngày, nhiều ý kiến cho rằng, chính chứng nghiệp smartphone làm cho một số người Việt trở nên vô lễ, thiếu văn hóa. Quan điểm của tôi nói như vậy thì hơi quá. Đơn giản, tôi chưa thấy được cái cách mà smartphone có thể thay đổi con người như vậy.

Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề vẫn là ở ý thức của mỗi người. Chúng ta có cởi mở hay không, có năng động hay không, thích nói chuyện hay không vẫn chính do chúng ta quyết định, do thói quen, tình cảm và ngữ cảnh, smartphone không thể nào ngăn cản nếu chúng ta muốn chào hỏi ai đó. Cũng có không ít người dùng smartphone nơi công cộng làm ảnh hưởng đến người khác, thể hiện sự thiếu lịch sự nơi công cộng. Tuy nhiên, như tôi đã nói, smartphone nếu có cũng chỉ là phương tiện bị người ta dùng một cách chưa phù hợp (theo một ngữ cảnh nào đó) chứ nó không phải là nguyên nhân khiến người ta bất lịch sự. Vì trên thực tế có nhiều người không dùng smartphone nhưng họ nói chuyện thật to nơi công cộng cũng gây khó chịu cho người khác.

Thay vì phê phán smartphone thì chúng ta nên thấy những tiện ích mà nó mang lại. Ở nơi tôi làm việc hầu hết sinh viên đều dùng smartphone, thường thì trong giờ học sinh viên không sử dụng smartphone. Tuy nhiên, lúc sinh viên muốn viết ghi chú, lưu lại nội dung giảng dạy trên bảng hay vì lý do cá nhân nào đó thì sinh viên hoàn toàn có thể sử dụng smartphone miễn là không ảnh hưởng đến các bạn khác.

Thực ra quy định cấm sinh viên sử dụng smartphone trong giờ học cũng rất khó, làm sao kiểm soát được? Và cấm cũng chưa chắc là cách tốt nhất. Trong thời đại công nghệ ngày nay, sinh viên lại là đối tượng “nhanh nhạy” nhất đối với sự thay đổi của công nghệ, đặc biệt là công nghệ có sức hút và tiện ích như smartphone. Do đó cấm sinh viên sử dụng cũng có thể làm hạn chế khả năng áp dụng công nghệ của sinh viên, hơn nữa còn liên quan đến tính riêng tư, quyền tự do của sinh viên.

Hãy là một người sử dụng thông thái, phải biết mình có thực sự cần smartphone hay không, có phù hợp với mình hay không. Xem smartphone là công cụ hỗ trợ tích cực trong cuộc sống, tránh lệ thuộc vào nó. Nên tận dụng điểm mạnh của smartphone để học hỏi, bồi dưỡng kiến thức và tâm hồn. Nếu là giảng viên, sinh viên thì nên lưu ý việc sử dụng smartphone vào việc hỗ trợ giảng dạy, học tập, giúp chúng ta dạy – học hiệu quả hơn, mọi lúc, mọi nơi! Chúng ta cũng phải tập trung đến việc phát triển các ứng dụng sát với nhu cầu thực tế hằng ngày, có tính ứng dụng cao nhằm sử dụng hiệu quả tiện ích của smartphone, bắt nó “phục vụ” chúng ta một cách hiệu quả nhất. Nếu không phải là nhà cung cấp dịch vụ thì chúng ta có thể đóng góp về ý tưởng, đề xuất hay đặt hàng với nhà cung cấp.

Nguyễn Thành Đạt, sinh viên Khoa Công nghệ – Thông tin, Viện Đại học Mở Hà Nội: Chúng em không muốn là “thế hệ cúi đầu”

Không thể phủ nhận những thiết bị công nghệ như máy tính, mạng Internet và bây giờ là smartphone, máy tính bảng… đã và đang hỗ trợ con người rất nhiều trong cuộc sống, công việc, khiến nhiều việc khó khăn trở nên dễ dàng hơn. Như trước kia, nếu muốn đọc sách, đọc truyện, đọc báo thì không còn cách nào khác là phải ra hiệu sách, sạp báo để mua. Bây giờ smartphone, Internet và các dịch vụ đi kèm khác phát triển như 3G, wifi, ai ai cũng có thể đọc báo, xem phim, chơi game hay “chat” với bạn bè.

Lợi ích mà smartphone mang lại là rất rõ ràng, tuy nhiên các bạn trẻ càng ngày càng nghiện smartphone, thậm chí còn coi thiết bị công nghệ này như “một phần không thể thiếu”. Bây giờ chỉ cần đi vào các hàng quán, các khu vực công cộng là có thể bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ chúi mũi vào điện thoại, tay vuốt vuốt. Rất nhiều bạn bè em và cả chính em cũng “nghiện” smartphone vì những tiện ích mà nó mang lại. Em đã từng đọc ở một nghiên cứu cho rằng, từ khi smartphone ra đời, cũng đã xuất hiện một lớp người được gọi là “thế hệ cúi đầu”.

Nhiều bạn trẻ lứa tuổi chúng em “nghiện” chụp ảnh tự sướng, nghiện chụp ảnh đồ ăn, nghiện check-in… Đã từng có thời gian bản thân em cũng rất thích chụp ảnh tự sướng và check-in những nơi mình có mặt và post những status than thở, kêu ca lên mạng xã hội. Điều này lâu dần khiến giới trẻ ngại giao tiếp trực tiếp với nhau. Rất nhiều trường hợp một hội bạn ngồi cạnh nhau nhưng ai cũng cầm điện thoại để chat hay comment trên mạng xã hội, thay vì trò chuyện với nhau. Về nhà, các bạn cũng ít trò chuyện với bố mẹ, anh chị em mà lại tiếp tục “ôm” máy để giao tiếp trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, sử dụng smartphone và các thiết bị công nghệ quá thường xuyên cũng khiến giới trẻ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn như cong ngón tay, các bệnh về cổ, vai, gáy… mà trước đây, chỉ những người lớn tuổi mới gặp phải. Em đã từng nghiện smartphone, nghiện “sống ảo”, nhưng có lẽ em và các bạn sẽ phải “cai nghiện” dần dần. Bởi không ai trong số chúng em muốn trở thành “thế hệ cúi đầu”.

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI

Tags: , , , ,