Dịch vụ thư viện lưu động ở xứ Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ 20

Năm 1936, chính quyền ở Nam Kỳ cung cấp dịch vụ thư viện lưu động. Xe chở sách từ kho đưa đến các châu thành của Lục tỉnh để nhân dân đọc.

Dịch vụ thư viện lưu động ở xứ Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ 20

Ảnh xe chở sách trên báo Sài Gòn ra ngày 2/6/1936. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Trong cuốn Sài Gòn Ch Ln đi sng và chính tr qua tư liu báo chí (1925-1945), NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019, tác giả Nguyễn Đức Hiệp không chỉ phác họa hình ảnh về xã hội và chính trị ở Sài Gòn và Nam Kỳ vào nửa đầu thế kỷ 20.

Ông còn cho biết những chuyển biến to lớn về nhận thức, tư tưởng chính trị và quyền lợi người Việt dưới thời thuộc địa Pháp.

Bên cạnh đó, tác giả còn cung cấp nhiều thông tin cụ thể về các lĩnh vực và dịch vụ xã hội thời bấy giờ. Đáng chú ý là thông tin chính quyền ở Nam Kỳ cung cấp dịch vụ công cộng truyền bá kiến thức, đó là dịch vụ thư viện lưu động.

Tác giả cho biết vào những năm thập niên 1930, xã hội và chính trị ở Sài Gòn có nhiều biến động và chuyển biến lớn. Các tờ báo xuất bản thường xuyên và lâu dài có các tờ Phụ nữ tân văn, Trung lập, Công luận, Lục tỉnh tân Văn, Sài Gòn, Đuốc nhà Nam, Điển tín…

Bên cạnh đó, các tờ xuất hiện không lâu dài như La Cloche Fêlée, La Lutte, L’Avant-Garde…

Chữ quốc ngữ và văn học viết bằng chữ quốc ngữ tiêu biểu như các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức…, được xuất bản và có ảnh hưởng sâu rộng. Trong xã hội, vai trò của phụ nữ thay đổi, bị ảnh hưởng của tân trào qua văn hóa phương Tây.

Tiêu biểu nhất cho sự thay đổi là sự thành lập dịch vụ thư viện lưu động Nam Kỳ, nhằm phổ thông hóa kiến thức, tin tức đến nhiều người dân ở các nơi trong Lục tỉnh.

Tác giả cho biết năm 1936, chính quyền ở Nam Kỳ cung cấp loại hình dịch vụ này. Theo đó, các xe lấy sách từ kho, đi đến các châu thành của Lục tỉnh để nhân dân đọc và mượn sách. Báo chí thời đó đều đăng tin về thời biểu xe chở sách đến các tỉnh thành.

Báo Sài Gòn ra ngày 21/2/1936 đăng thông cáo: “Anh em ở Mỹ Tho nên nhớ rằng 10h sáng thứ ba 25 Février chiếc xe hơi chở sách đến Mỹ Tho cho anh em mượn”.

Trước đó, tờ báo này (ra ngày 2/6/1936) còn cho biết: “Ở Nam Kỳ mới có xe chở sách được vài tháng nay; ở Cao Miên có thứ xe ấy đã 2 năm nay rồi, nhưng ở Cao Miên chở sách đi bán chứ không phải cho mượn như ở Nam Kỳ”.

Lộ trình của các xe chở sách cũng được thông báo trên báo chí để người dân biết đến mượn, trả sách.

Báo Sài Gòn ra ngày 5/5/1937, đăng thời gian và địa điểm các xe chở sách đến Lục tỉnh (lần thứ 31) từ ngày 3/5 đến ngày 12/5/1937, cụ thể như sau: Gò Công, trước Bungalow vào ngày 3/5/1937 từ 16h đến 18h. Mỹ Tho, sân chơi trường học vào ngày 4/5/1937 từ 10h đến 12h30. Bến Tre, trước C.F.A vào ngày 5/5/1937, từ 7h đến 11h.

Tiếp đó, xe chở sách đến Sa Đéc, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tân An, Gia Định, Thủ Dầu Một, Bà Rịa và kết thúc tại Biên Hòa vào ngày 12/5/1937.

Đến năm 1939, dịch vụ thư viện đổi tên thành “Kho sách vận chuyển Nam kỳ”. Báo Sài Gòn ra ngày 27/7/1939 đăng: “Ngày 31 Juillet này ‘Kho sách vận chuyển Nam kỳ’ sẽ đến các tỉnh kỳ 86 theo ngày giờ sau, vậy ai muốn mượn sách đọc hãy để ý tin này”.

Bên cạnh những tin nêu trên, báo thời đó còn đăng thông cáo/tin vắn cho các độc giả trả sách mượn từ thư viện của nhà nước, chẳng hạn như:

“Tin vắn

Ai có mượn sách của ‘Kho sách Nhà nước’ ở Sài Gòn, hãy đem trả gấp để tiện làm inventaires (thư mục) và sửa sách hư hại” (báo Sài Gòn ra ngày 29/7/1939).

Trong thời kỳ đầu chiến tranh thế giới thứ hai, dịch vụ thư viện lưu động vẫn hoạt động, ít nhất cho đến năm 1941 khi quân Nhật vào Đông Dương.

Tờ Sài Gòn ra ngày 11/4/1941 đăng thông tin về dịch vụ “Kho sách vận chuyển xứ Nam kỳ”:

“Lời rao

Muốn cho tiện việc kiểm điểm và sửa chữa sách của ‘Kho sách vận chuyển xứ Nam kỳ’ xin mời những độc giả có mượn sách mau mau đem trả, do nơi quan chủ tỉnh cùng quan chủ quân nhứt định”.

Sau thời kỳ này, tin tức về dịch vụ thư viện lưu động không còn thấy đăng trên các báo nữa.

Theo MINH CHÂU / TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,