Địa chính trị: Những khái niệm và định nghĩa

Chính trị của một quốc gia nằm ở trong địa lý của nó – Napoléon Bonaparte.

Địa chính trị: Những khái niệm và định nghĩa

I/ Khái niệm địa chính trị

Chính trị là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội và vì thế, địa chính trị cũng có thể được coi là lĩnh vực thiết yếu của đường lối phát triển quốc gia và đường lối quan hệ quốc tế. Nó là một trong những lĩnh vực có vai trò chỉ đạo và chi phối mọi lĩnh vực khác. Trong lịch sử thế giới, sự ảnh hưởng của các lý thuyết địa chính trị đến đường lối đối nội và đối ngoại của một quốc gia là rất quan trọng. Vì thế, vấn đề địa chính trị có một ý nghĩa cần thiết về mặt lý luận và thực tiễn không thể phủ nhận.

Với một cấu tạo từ ghép như vậy, khái niệm địa chính trị khó có thể được xếp riêng vào một ngành khoa học hay lĩnh vực hoạt động chuyên biệt. Với cách gọi như thế, hiển nhiên nó nằm giữa hai lĩnh vực chính trị và địa lý. Tuy nhiên, người ta coi đây là một ngành khoa học xã hội mới xuất hiện, vì thế, quan niệm về nó vẫn chưa nhận được một sự thống nhất trong cách hiểu.

Có người cho rằng khi mới ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 20, địa chính trị là một đứa con lai giữa khoa học địa lý với một ngành khoa học chính trị còn chưa rõ hình hài. Khi nói đến chính trị là người ta nghĩ đến việc phải nghiên cứu quốc gia trong sự vận động của nó bằng cách nghiên cứu nó trong mố liên quan đến địa lý học. Còn ngày nay, thực chất thì có vẻ như người ta dùng khái niệm địa chính trị để chỉ tất cả những gì có quan hệ ít nhiều đến các vụ việc đối ngoại.

Như vậy có thể nói, câu hỏi “Địa chính trị là gì?” vẫn là một câu hỏi khó có thể nhận được một câu trả lời nhất quán.

Để diễn ta tính chất khó minh định của khái niệm đại chính trị, một học giả nước ngoài là Michael Mayer có kể một câu chuyện rằng, năm 1964, trong một phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ, quan tòa thượng thẩm Potter Stewart cho rằng văn hóa phẩm khiêu dâm rất khó định nghĩa, nhưng ông nói: “Tôi biết nó là gì khi tôi thấy nó”. Liên hệ với ngành khoa học địa chính trị, Mayer cho rằng khoa học này luôn luôn được người ta xem xét lại, làm cho nó bất định đến nỗi ta có thể đảo ngược định nghĩa của Stewart mà xác định cho nó như sau: “Khi thấy nó thì tôi sẽ biết nó là gì”. Quả thực, vì tính bất định của nó mà chúng ta đã có rất nhiều định nghĩa về địa chính trị.

Có thể tham khảo một số định nghĩa của giới khoa học để hiểu rõ nội hàm của khái niệm này.

Từ điển bách khoa Le Petit Larousse illustré của Pháp (năm 2000) đã định nghĩa “Địa chính trị [là] nghiên cứu các mối quan hệ giữa các dữ liệu địa lý với nền chính trị của các quốc gia” (tr. 473). Như vậy cuốn từ điển này coi địa chính trị là một lĩnh vực khoa học nằm giữa địa lý với chính trị, hay cũng có thể nói nó bao hàm cả địa lý lẫn chính trị. Và đặc biệt, cuốn từ điển này không có mục từ “địa lý học chính trị”.

Từ điển bách khoa Britannica (2004 CD-ROM) định nghĩa địa chính trị là “sự phân tích những ảnh hưởng của địa lý đến các mối quan hệ quyền lực trong chính trị quốc tế. Trong việc hoạch định chính sách quốc gia, các nhà lý thuyết địa chính trị đã tìm cách chứng minh tầm quan trọng của những điều đáng chú ý như việc xác lập được đường biên giới quốc gia, quyền tiếp cận các đường biển quan trọng và quyền kiểm soát những khu vực đất liền có tầm quant rọng chiến lược”.

Đó là những định nghĩa có tính kinh điển. Các định nghĩa khác cũng xoay quanh các yếu tố tương tự. Chúng ta hãy xem xét quá trình thiết lập định nghĩa địa chính trị đã diễn ra như thế nào trong lịch sử.

Chẳng hạn như Rudolf Kjellén (1864 – 1922), người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “địa chính trị” vào năm 1990, đã định nghĩa về ngành khoa học này như sau: Địa chính trị là lý thuyết về các quốc gia với tư cách là một cơ thể địa lý hoặc một hiện tượng trong không gian, tức là với tư cách đất đai, lãnh thổ, khu vực hoặc đặc biệt nhất là một đất nước”, hay “nghiên cứu các chiến lược của các cơ thể chính trị trong không gian”. Trong định nghĩa này, Kjellén chú trọng đến hai yếu tố chủ chốt của địa chính trị: quyền lực và không gian (lãnh thổ, đất đai).

Tướng Đức Karl Haushofer (1869 – 1946) thì bổ sung các tiến trình chính trị cho định nghĩa về địa chính trị: “Địa chính trị là một ngành khoa học quốc gia mới nghiên cứu về nhà nước,… một học thuyết về quyết định luận không gian của các tiến trình chính trị, dựa trên cơ sở rộng rãi của địa lý học, đặc biệt là địa lý học chính trị. Như vậy thì theo Haushofer, địa chính trị được hình thành trên cơ sở của địa lý học nói chung và của địa lý học chính trị nói riêng. Và như thế tức là Haushofer coi địa chính trị là một bộ phận của địa lý học chính trị chứ không phải ngược lại như có người (như Efferink) đã hiểu.

Đến thời hiện đại, nhiều nhà khoa học đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về địa chính trị. Chẳng hạn, năm 1964, tác giả người Anh Saul Bernard Cohen đã định nghĩa địa chính trị là khoa học nghiên cứu về “mối quan hệ giữa quyền lực chính trị quốc tế với khung cảnh địa lý”.

Năm 1988, Oyvind Osterud đã định nghĩa địa chính trị là: “Nói một cách tóm tắt, theo truyền thống thì địa chính trị được dùng để chỉ các mối liên hệ và quan hệ nhân quả giữa quyền lực chính trị với không gian địa lý; nói một cách cụ thể, nó thường được coi là một khối tư duy có nhiệm vụ thử nghiệm những yêu cầu chiến lược đặc thù dựa trên tầm quan trọng tương đối của sức mạnh trên đất liền và sức mạnh trên biển trong lịch sử thế giới… Truyền thống địa chính trị có một số quan ngại thường xuyên, ví dụ như những nhân tố tương quan sức mạnh trong nền chính trị thế giới, như việc xác định các khu vực chủ chốt của quốc tế, và các mối quan hệ giữa khả năng hải quân và khả năng trên bộ” (Oyvind Osterud, “Sử dụng và lạm dụng địa chính trị”, Journal of Peace Research, No. 2, 1988, p. 191).

Năm 1993, trong cuốn sách Political Geography [“Địa lý học chính trị”], Longman, xuất bản lần thứ 3], tác giả Peter J. Taylor viết rằng sự phục hồi của địa chính trị đã được định hình theo 3 cách:

1/ “Địa chính trị đã trở thành một thuật ngữ thông dụng để mô tả sự cạnh tranh toàn cầu trong nền chính trị thế giới”.

2/ “…Hình thức thứ hai (…) là một hình thức hàn lâm, một địa chính trị mới mang tính phê phán hơn. Các nghiên cứu lịch sử mang tính phê phán đối với địa chính trị trong quá khứ đã trở thành một thành tố cần thiết của ngành “địa chính trị của nhà địa lý học”.

3/ “…Hình thứ thứ ba (…) liên quan đến phong trào vận động hành lang mang tính tân bảo thủ, có thiên hướng quân sự, cung cấp các luận cứ địa chính trị cho “lối nói khoa trương của phong trào này về chiến tranh lạnh”. Những công trình nghiên cứu như thế đang nói đến “những thúc bách về địa chính trị” và chúng coi địa lý học là “nhân tố thường trực” mà mọi tư tưởng chiến lược cần phải xoay quanh”.

Taylor còn tuyên bố rằng những công trình phân tích địa chính trị luôn có khuynh hướng quốc gia. Ông nói: “Trong trường hợp của địa chính trị, người ta luôn dễ dàng nhận ra quốc tịch của tác giả dựa vào các công trình nghiên cứu của anh ta”. Và ông cũng gắn địa chính trị với lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế: “Nhìn chung, địa chính trị là một bộ phận của chủ nghĩa hiện thực truyền thống trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế”.

Năm 1995, khi xuất bản cuốn sách Le Bouleversement du monde – Géoplitique du XXIe siècle [Sự đảo luộn thế giới : Địa chính trị thế kỷ XXI] (Seuil, Paris), tác giả Marisol Touraine (Pháp) đã ghi ngoài bìa hai chữ « Science politique » [« khoa học chính trị »], cho thấy là tác giả coi lĩnh vực địa chính trị là thuộc ngành chính trị học. Tác giả cũng là người giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris.

Năm 1999, trong công trình Introduction à l’analyse géopolitique [Nhập môn phân tích địa chính trị, Ellipese], nhà nghiên cứu người Pháp Aymeric Chauprade đã phát triển một phương pháp luận địa chính trị chặt chẽ. Ông định nghĩa địa chính trị như sau:

“Khoa học địa chính trị là việc nghiên cứu nội hàm của các thực tế địa chính trị và sự vận động của chúng, thông qua việc nghiên cứu diện mạo, hình thức và những vị trí địa chính trị”. Và ông xác định rõ thêm: “…Nói quốc gia là trung tâm và con bài của các tham vọng địa chính trị không có nghĩa là quốc gia là các tác nhân thế giới duy nhất; khác với lĩnh vực quan hệ quốc tế, (…) khoa học địa chính trị chấp nhận cả các tác nhân khác và các thực tế địa chính trị khác nữa”.

Như vậy là, khác với các nhà địa chính trị cổ điển, Chauprade phân biệt rõ ràng giữa địa chính trị với quan hệ quốc tế.

Đến năm 2003, trong cuốn sách Geopolitics of the World System [Địa chính trị của hệ thống thế giới, Rowman và Littlefield], Saul Bernard Cohen lại định nghĩa rõ thêm về địa chính trị: “Địa chính trị là việc phân tích mối tương tác giữa một bên là môi trường và bối cảnh địa lý với một bên là các tiến trình chính trị. (…) Cả môi trường địa lý lẫn tiến trình chính trị đều mang tính năng động và có ảnh hưởng lẫn nhau. Địa chính trị sẽ quan tâm đến hậu quả của mối tương tác này”. Như vậy, Cohen tập trung vào mối tương tác năng động giữa quyền lực và không gian.

Cũng trong thời gian này, giáo sư người Mỹ Micheal T. Klare, chuyên gia về các vấn đề an ninh thế giới, lại nhìn nhận địa chính trị từ góc độ tài nguyên. Ông quan niệm địa chính trị là “sự tranh giành giữa các đại cường quốc và giữa những đại cường quốc có tham vọng đối với việc kiểm soát lãnh thổ, kiểm soát các nguồn tài nguyên và những vị trí địa lý quan trọng như hải cảng, kênh đào, hệ thống sông ngòi, ốc đảo, cùng các nguồn của cải và nguồn ảnh hưởng khác”; ông cho rằng sự tranh giành này chính là động lực của nền chính trị thế giới và đặc biệt là của xung đột thế giới trong nhiều thế kỷ qua.

Giống như Cohen, cuốn từ điển bách khoa của Pháp Le dictionnaire historique et géopolitique du 20e siècle [Từ điển lịch sử và địa chính trị thế kỷ 20], do Serge Cordellier chủ biên (La Découverte, 2005) cũng tập trung chú ý đến quyền lực chính trị và không gian : “Việc nghiên cứu địa chính trị nhằm chủ tyếu vào việc làm sáng tỏ những mối quan hệ tương tác giữa những hình thể không gian với những gì thuộc về chính trị”. Vì thế, theo nó, việc phân tích địa chính trị “cần phải đưa ra được những yếu tố khách quan của cuộc tranh luận dân chủ về những ván bài lớn của thế giới có khả năng ảnh hưởng đến các quốc gia và đến các phương thức quản lý lãnh thổ của họ”.

Là người có đóng góp chủ yếu cho sự phục hồi địa chính trị của Pháp kể từ những năm 1970, Yves Lacoste đã tuyên bố trong cuốn sách mới đây của mình – Géopolitique, la longue histoire [Địa chính trị, một lịch sử dài, Larousse, 2006] như sau: “Thuật ngữ địa chính trị là cái mà ngày nay người ta đã sử dụng cho nhiều việc khác nhau, thực tế được dùng để chỉ tất cả những gì liên quan đến sự cạnh tranh quyền lực hoặc ảnh hưởng đối với những vùng lãnh thổ và dân chúng sống trên đó; đó là sự cạnh tranh giữa đủ loại thế lực chính trị chứ không phải chỉ là giữa các quốc gia, mà còn giữa các phong trào chính trị hoặc các nhóm vũ trang ít nhiều bất hợp pháp – đó là sự cạnh trnah để giành quyền kiểm soát hoặc thống trị đối với các vùng lãnh thổ có quy mô lớn hoặc nhỏ”. Trong định nghĩa này, Lacoste nhấn mạnh tầm quan trọng của quy mô của cả quyền lực (quốc gia chống lại các tổ chức) lẫn của không gian (lãnh thổ lớn chống lại lãnh thổ nhỏ).

Cũng trong năm 2006, trong cuốn sách Introdution to Geopilitics [Nhập môn địa chính trị, Routledge], tác giả Colin Flint nhấn mạnh đến khía cạnh thực tiễn của lĩnh vực khoa học này: giành giật quyền lực: “Địa chính trị, với tư cách là cuộc đấu tranh nhằm kiểm soát không gian và địa điểm, tập trung chú ý vào quyền lực. (…) Torng những quá trình thực hành địa chính trị ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ XX, quyền lực được nhìn đơn giản như là quyền lực tương đối của các quốc gia trong các hoạt động đối ngoại. Đến cuối thế kỷ 20, (…) các định nghĩa về quyền lực đều tập trung vào khả năng tiến hành chiến tranh của một nước chống lại các nước khác”. Theo Flint, quyền lực luôn có vai trò trung tâm trong định nghĩa về địa chính trị, mặc dù ông cũng nhấn mạnh cần phải định nghĩa địa chính trị theo nhiều cách khác nhau: “Mục đích của chúng ta nhằm hiểu biết, phân tích và có khả năng phê phán nền chính trị thế giới đòi hỏi chúng ta phải làm việc với nhiều định nghĩa khác nhau về địa chính trị”. Đó cũng là tinh thần của trường phái “địa chính trị phê phán”.

Thời gian này nhà nghiên cứu Vladimir Toncea quan niệm: “Địa chính trị là nghiên cứu các hệ thống địa chính trị. Theo quan điểm của tôi, hệ thống địa chính trị là tập hợp các mối quan hệ giữa quyền lợi của các tác nhân chính trị quốc tế, các quyền lợi đó tập trung vào một khu vực, một không gian, một thành phần hoặc những con đường địa lý” (Geopolitical evolution of borders in Danube basin, PhD, 2006).

M.R. Hafeznia (Iran) thì cho rằng: “Địa chính trị, với tư cách là một phân nhánh của khoa học địa lý học chính trị (tôi nhấn mạnh – tác giả), nó nghiên cứu các mối quan hệ qua lại giữa địa lý, chính trị và quyền lực, cũng như nghiên cứu những mối tương tác nảy sinh do có sự kết hợp giữa các yếu tố đó với nhau. Theo định nghĩa này, địa chính trị là một bộ môn khoa học mang bản tính là một ngành khoa học cơ bản” (M.R. Hafeznia, Principles and Concepts of Geopolitics, Popoli Publications, Iran 2006, pp 37 – 39).

David Criekemans (Đan Mạch), trong một cuốn sách xuất bản năm 2007, quan niệm rằng địa chính trị là một bộ phận của cả địa lý học chính trị lẫn nghiên cứu quan hệ quốc tế. Một điều đáng quan tâm là định nghĩa của Haushofer tập trung vào lĩnh vực thứ nhất, còn định nghĩa của Taylor tập trung vào lĩnh vực thứ hai. Cũng giống như Cohen, Criekmans tập trung vào mối tương tác (năng động) giữa chính trị và lãnh thổ.

Năm 2008, trong công trình India and Geopolitics [Ấn Độ và địa chính trị], nhà nghiên cứu Praker Bandimutt đã định nghĩa “Địa chính trị là một phương pháp phân tích chính trị, được thông dụng ở Trung Âu trong nửa đầu thế kỷ 20, nhấn mạnh vai trò của địa lý trong các mối quan hệ quốc tế”. Như vậy, cho đến gần hết thập kỷ đầu của thế kỷ 21, không ít nhà lý luận địa chính trị vẫn coi địa chịnh trị là một khoa học liên quan đến lĩnh vực quan hệ quốc tế.

Theo Efferink (2009), từ diễn biến các quan niệm về địa chính trị, chúng ta có thể rút ra mấy điểm đáng chú ý như sau:

1/ Kể từ khi xuất hiện khái niệm địa chính trị vào cuối thế kỷ XIX, thì quyền lực (sự ảnh hưởng, chính trị) và không gian (lãnh thổ, đất đai) đã đóng một vai trò chủ chốt trong các định nghĩa về địa chính trị;

2/ Ban đầu, các định nghĩa về địa chính trị chỉ bao hàm quốc gia với tư cách là một thực thể quyền lực, nhưng các định nghĩa hiện thời đã đánh giá quyền lực của các thực thể khác (ví dụ như Flint nói đến các tác nhân địa chính trị);

3/ Trong khi một số nhà lý thuyết địa chính trị muốn hoặc tự cho là mình có khả năng phân tích khách quan, thì có một trường phái (địa chính trị phê phán) lại cho rằng điều này hầu như không thể thực hiện được;

4/ Việc liệu địa chính trị có phải là bộ phận của nghiên cứu quan hệ quốc tế hay không đang là một chủ đề tranh cãi;

5/ Định nghĩa địa chính trị phụ thuộc vào thời gian và địa điểm. Năm 2005, trong cuốn sách Introduction à là géopolitique [Nhập môn địa chính trị] (Seuil), Philippe Moreau Defarges đã phát biểu rất hay về điều này : “Ở mỗi thời đại, mỗi nền văn minh lại có địa lý học riêng của nó, có quan điểm và sự diễn đạt không gian theo kiểu riêng của nó”.

Tóm lại, mặc dù vẫn còn có nhiều định nghĩa khác nhau về địa chính trị, nhưng nhìn chung, khi nói đến địa chính trị là người ta nói đến vai trò của địa lý đối với địa chính trị của một quốc gia, đặc biệt là đối với chính sách đối ngoại, đúng như câu nói của Napoléon Bonaparte đã phản ánh: “Chính trị của một quốc gia nằm ở trong địa lý của nó”, một câu nói vẫn thường được các nhà địa chính trị trích dẫn.

II/ Khái niệm địa lý học chính trị

Ngoài 5 điều Efferink rút ra như trên, chúng tôi thấy có một điều nữa cần làm sáng tỏ: Đó là địa chính trị và địa lý học chính trị là hai lĩnh vực riêng biệt hay là một ngành khoa học với hai tên gọi khác nhau?

Trong tiếng Anh, chúng ta gặp hai thuật ngữ: geopolitics và political geography, người Việt Nam thường dịch là địa chính trị và địa lý học chính trị.

Theo từ điển Wikipedia thì “Địa lý học chính trị là một lĩnh vực thuộc ngành địa lý học nhân văn, có nhiệm vụ nghiên cứu cả những tác động không đồng đều về mặt không gian của các quá trình chính trị lẫn những cách thức theo đó bản thân các quá trình chính trị ấy bị các cơ cấu không gian tác động”. Đó cũng là quan niệm của nhiều người. Tuy nhiên, hai khái niệm địa chính trị và địa lý học chính trị gần gũi nhau đến nỗi trong khi phân tích các hiện tượng địa lý và chính trị cũng như các mối quan hệ giữa chúng, hầu như người ta vẫn dùng lẫn lộn hai khái niệm này mà ít khi có sự phân biệt rạch ròi giữa chúng. Nhiều cuốn từ điển cũng chỉ có mục từ “địa chính trị” mà không có mục từ “địa lý chính trị”. Chẳng hạn như trong cuốn từ điển Larousse đã nói ở trên, ngoài mục từ “địa chính trị”, mục từ “địa lý học” chỉ được chia nhỏ đến các mục từ “địa lý học nhân văn”, “địa lý học kinh tế” và “địa lý học tự nhiên” chứ không có “địa lý học chính trị”. Có nghĩa là theo các tác giả của cuốn từ điển này, “địa lý học chính trị” chính là “địa chính trị”. Và họ dùng thuật ngữ “địa chính trị” để thay cho “địa lý học chính trị”. (Một số cuốn từ điển Pháp – Việt của Việt Nam cũng tiếp thu quan điểm như vậy).

Trong khi đó Gabriel Wackermann, người viết mục từ “Géographie” [“Địa lý học”] cho cuốn từ điển bách khoa của Pháp Encyclopedia Universalis, lại có quan điểm ngược lại. Mặc dù Wackermann cũng không phân biệt “địa lý học chính trị” với “địa chính trị”, nhưng ông lại không chọn thuật ngữ “địa chính trị” làm thuật ngữ chính, mà ông coi nó chỉ là cách gọi tắt của thuật ngữ “địa lý học chính trị”. Vì thế, trong quan niệm của ông và trái với quan niệm của các tác giả tù điển Larousse, thuật ngữ chính vẫn là “địa lý học chính trị” và nó được dùng để thay thế cho thuật ngữ “địa chính trị”. Và Wackermann cũng xếp lĩnh vực này vào một trong những lĩnh vực chuyên biệt của khoa địa lý học.

Song gần đây cũng có một nỗ lực muốn phân biệt hai khái niệm đó với nhau. Đi theo xu hướng này, Virginie Mamadouh thuộc Đại học Amsterdam lại coi địa lý học chính trị là một trường phái trong địa chính trị. Khi nghiên cứu tình hình địa chính trị của thế kỷ 20, bà đã phân ra 4 trường phái ở thế kỷ này và coi hướng nghiên cứu địa lý học chính trị là một trường phái phi địa chính trị, tức là tách biệt với địa chính trị. Bà cho rằng, mặc dù địa chính trị và địa lý học chính trị gần như là hai từ đồng nghĩa, nhưng thuật ngữ “địa lý học chính trị” có nội hàm khoa học, còn “địa chính trị” lại có nội hàm chính trị. Bà cũng cho rằng xu hướng của trường phái địa lý học chính trị thiên về nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế, nó tương ứng với xu hướng “địa chính trị hình thức” của giới hàn lâm trong cách phân chia của Peter J. Taylor và John O’Loughlin (Anh). Hai người này đã phân chia ra hai xu hướng địa chính trị: “địa chính trị thực tiễn” của những người thực hiện chính sách đối ngoại quốc gia; và “địa chính trị hình thức” của các học giả và các nhà quan sát nghiên cứu về quan hệ quốc tế.

Mamadouh cho rằng trường phái “phi địa chính trị” nghiên cứu sự phân bổ không gian quyền lực giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các đại cường quốc với các tác nhân siêu quốc gia như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trường phái này bao gồm, bên cạnh các nhà địa lý học chính trị, còn có các nhà khoa học chính trị liên can đến cái gọi là “nghiên cứu hòa bình” (đối lập với “nghiên cứu chiến lược”). Vì thế, xu hướng tiếp cận này còn được gọi là “địa chính trị hòa bình”.

Mamadouh có lý khi nhấn mạnh đến thiên hướng chính trị của “địa chính trị”, nhưng khi bà coi địa lý học chính trị là một trường phái của địa chính trị thì lại không hợp lý và đi ngược lại với ý kiến của nhiều người cho rằng địa chính trị là một lĩnh vực, một phân nhánh hay một phân môn của địa lý học chính trị.

Song, ý kiến của Mamadouh lại gợi chúng tôi một hướng giải quyết khác. Chúng tôi cho rằng nếu coi địa chính trị là một phân nhánh của địa lý học chính trị thì cũng không hoàn toàn chính xác. Xuất phát từ thực tế rằng hai khái niệm này nhiều khi bị dùng lẫn cho nhau như là hai bộ môn có cùng chức năng, chúng tôi cho rằng, có lẽ nên coi đây là hai sắc thái của một bộ môn khoa học thuộc ngành địa lý học nhân văn, một sắc thái mang tính lý thuyết nhiều hơn – đó là địa lý học chính trị, còn một sắc thái mang tính thực hành chiến lược ứng dụng vào đời sống chính trị – đó là địa chính trị.

Tuy nhiên, cho dù có sắc thái khác nhau như vậy, nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu không phân biệt dứt khoát giữa địa chính trị với địa lý học chính trị và việc dùng lẫn hai khái niệm vẫn là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng, ở Việt Nam có thể có người cho rằng tên gọi “địa chính trị” chỉ là cách gọi tắt của bộ môn khoa học “địa lý học chính trị” mà thôi. Nhưng thực ra, nếu căn cứ vào tên gọi của hai bộ môn này trong một số tiếng nước ngoài, ví dụ như tiếng Anh, Pháp, Nga (geopolitics/géopolitique), thì chúng ta sẽ phải gọi địa chính trị là “chính trị học địa lý”. Như thế, nó sẽ mang bóng dáng của một bộ môn chính trị học nhiều hơn là của bộ môn địa lý học.

III/ Khái niệm địa chiến lược

Gần gũi với khái niệm địa chính trị còn có khái niệm “địa chiến lược” [tiếng Anh: “geostrategy”]. Khái niệm này được dùng để chỉ việc nghiên cứu giá trị chiến lược của các nhân tố địa lý trong chính sách đối ngoại của một quốc gia và trong mối quan hệ của nó với các quốc gia khác. Như vậy, địa chiến lược là một bộ phận thực hành quan trọng của địa chính trị.

Nếu như địa chính trị còn có nhiều định nghĩa khác nhau, thì địa chiến lược lại có được một cách hiểu tương đối thống nhất. Nhìn chung, địa chiến lược được coi là một lĩnh vực của địa chính trị, được áp dụng để cụ thể hóa chính sách đối ngoại của một quốc gia. Hầu hết các định nghĩa về địa chiến lược đều nhấn mạnh đến việc liên kết những tính toán chiến lược với các nhân tố địa chính trị. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong khi địa chính trị có một vẻ ngoài trung lập khi nghiên cứu những đặc điểm địa lý và chính trị của các khu vực khác nhau, đặc biệt là nghiên cứu sự tác động của địa lý đến chính trị, thì địa chiến lược đòi hỏi phải có kế hoạch và đề ra các biện pháp toàn diện để thực hiện các mục tiêu quốc gia hoặc bảo vệ những tài sản có ý nghĩa quân sự hoặc chính trị (Zbigniew Brzezinski).

Thuật ngữ “địa chiến lược” là một thuật ngữ mới xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ 20. Trong các nước nói tiếng Anh, nó được Frederick L. Schuman sử dụng lần đầu tiên dưới tên gọi “geo-strategy” vào năm 1942. Nhưng điều đáng nói là nó được dùng để dịch một thuật ngữ tiếng Đức của Haushofer là “Wehrgeopolitik”, có nghĩa là “địa chính trị phòng vệ” hay “địa chính trị quốc phòng”. Chính vì thế mà trước đó cũng có người dịch sang tiếng Anh là “defense-geopolitics”, thậm chí nó còn được nhà địa chính trị người Mỹ gốc Áo Robert Strausz-Hupé (1903 – 2002) dịch là “war-geopolitics” [“địa chính trị chiến tranh”]. Xem thế thì thấy địa chiến lược gắn chặt với chính sách quốc phòng của một quốc gia. Tuy nhiên, đối với các nước đế quốc, nhiệm vụ quốc phòng không chỉ giới hạn ở việc bảo vệ tổ quốc, mà chủ yếu là việc mở rộng và chinh phục lãnh thổ. Vì thế, địa chiến lược luôn luôn được đặt trong tầm nhìn của địa chính trị, thậm chí là địa chính trị toàn cầu, và được cụ thể hóa bằng tầm nhìn chiến tranh. Thậm chí có nhiều lúc, nhiều nhà địa chính trị chỉ khai thác bộ môn này để phục vụ cho các nhiệm vụ địa chiến lược quân sự, làm cho trong một số trường hợp cụ thể, đại chính trị đồng nhất với địa chiến lược. Trong tinh thần đó, quan điểm về địa lý học và địa chính trị của nhà địa lý học và địa chính trị người Pháp Yves Lacoste cũng có thể được coi là có thiên hướng nhấn mạnh đến địa chiến lược quân sự khi ông có một lời phát biểu nổi tiếng năm 1975: “Địa lý học phục vụ trước hết cho việc tiến hành chiến tranh”.

Mặc dù thuật ngữ địa chiến lược mới được hình thành ở nửa đầu thế kỷ 20, nhưng tư tưởng địa chiến lược thì đã xuất hiện từ thời xa xưa. Từ Đông sang Tây, mỗi khi tiến hành các chiến dịch quân sự, các tướng lĩnh đều phải tính toán đến các yếu tố địa lý và chính trị – quân sự để đề ra các chiến lược hành động. Các nhà chiến lược như Tôn Tử (thế kỷ 6 – 5 trước Công nguyên), Tôn Tẫn (thế kỷ 4 trước Công nguyên) của Trung Quốc, Trần Quốc Tuấn (thế kỷ 13) của Việt Nam đều có thể được gọi là những nhà địa chiến lược đại tài khi họ biết kết hợp chính trị với thiên thời và địa lợi để thực hiện các mục tiêu quân sự, không kém gì các tướng tài của các đế quốc Hy Lạp, La Mã… bên phương Tây.

Trong Binh pháp Tôn Tử, Tôn Tử [Tôn Vũ] đã đúc kết kinh nghiệm và rút ra các bài học về việc dùng binh. Ông đã đưa ra 5 nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của chiến tranh: Đạo, Thiên, Địa, Tướng, Pháp, trong đó 3 nhân tố đầu đều có thể được coi là thuộc phạm vi của địa chính trị. Ông nói rõ: “Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa”; “Thiên là thiên thời (…)”, túc tình trạng về khí hậu thời tiết, “Địa là địa lợi”, nói về đường sá, địa thế, địa hình… Trong Thiên thứ mười (Địa hình), ông phân tích “sáu loại địa hình” cần chú ý khi dụng binh  và Thiên mười một (Cửu địa) ông dành để phân tích “chín thế đất” mà các tướng lĩnh cần quan tâm khi giao chiến. Có thể nói Binh pháp Tôn Tử là một cuốn “cẩm nang tác chiến” và là một trong những công trình lý luận địa chiến lược đầu tiên của tư duy địa chính trị.

Cuốn sách Binh gia diệu lý yếu lược, còn được gọi là Binh thư yếu lược, của Trần Quốc Tuấn (nay đã thất truyền) cũng là một cuốn sách có giá trị như là một công trình bàn về địa chiến lược quân sự. Các bài viết về Địa hình đã được Trần Quốc Tuấn vận dụng rất sáng tạo để tiêu diệt quân xâm lược nhà Nguyên trên cửa sông Bạch Đằng. Có thể thấy, địa chiến lược là một lĩnh vực đã có kinh nghiệm thực tiễn từ lâu và các bài viết về cách dùng binh có thể được coi là những bài thực nghiệm của địa chiến lược, đồng thời cũng có thể được coi là những bài học sơ khai của địa chính trị.

Như vậy, do tính chất gần gũi giữa địa chính trị, địa lý học chính trị và địa chiến lược cho nên khi bàn về địa chính trị, nếu chúng ta có phân tích các vấn đề thuộc địa lý học chính trị và địa chiến lược thì cũng hoàn toàn hợp lý và cần thiết, bởi lẽ khó có thể tách rời ba lĩnh vực này mà không làm hỏng bức tranh về quan hệ quốc tế trên trái đất của chúng ta. Ví dụ như bàn về Mackinder, người ta vừa coi ông là một nhà địa lý học, vừa là nhà địa chính trị và cũng vừa là nhà địa chiến lược. Chẳng hạn như trong cuốn sách Global Geostrategy: Mackinder and the defense of the West [Địa chiến lược toàn cầu: Mackinder và việc phòng thủ phương Tây] Của Brian W. Blouet (Routledge, 2005), tác giả đã dành cả tập 1 để giới thiệu các lý thuyết địa chính trị và tập trung vào Mackinder. Vì thế, để cho giản tiện, chúng ta có thể gộp tất cả các vấn đề của cả ba lĩnh vực nói trên dưới một cái mũ chung là “địa chính trị”.

IV/ Sự ra đời của một phân ngành khoa học

Đến đây, sau khi đã giới thiệu các định nghĩa về địa chính trị, địa lý học chính trị, địa chiến lược và đi đến thống nhất là đặt cả ba khái iệm dưới một cái mũ chung là “địa chính trị”, chúng tôi muốn tổng kết lại những quan niệm chủ yếu về địa chính trị.

Nhìn chung, có hai loại quan niệm về địa chính trị: Quan niệm thứ nhất cho rằng, địa chính trị là một phân nhánh của môn địa lý học chính trị, trong khuôn khổ của môn địa lý học nhân văn thuộc khoa địa lý học; Quan niệm thứ hai cho rằng, địa chính trị là một bộ môn thuộc ngành chính trị học, nghiên cứu lĩnh vực quan hệ quốc tế, liên quan đến vấn đề tương quan quyền lực giữa các quốc gia trong một cái khung bao quát hơn là nền chính trị thế giới. Nhưng, chúng tôi cho rằng, dù quan niệm như thế nào thì đại chính trị cũng là một lĩnh vực khoa học lý thuyết và thực hành liên quan đến cả địa lý lẫn quyền lực chính trị. Tùy từng trường hợp, khi nghiên cứu lý thuyết thì bộ môn này thiên về yếu tố địa lý, còn khi thực hành thì nó tập trung nhấn mạnh vào yếu tố chính trị.

Như vậy, với những điều đã nói ở trên, khi nói đến sự ra đời của phân ngành khoa học địa chính trị, chúng ta cũng có thể tính từ khi xuất hiện phân ngành địa lý học chính trị trong ngành địa lý học nhân văn. Chúng ta biết là khoa học địa lý tự nhiên đã xuất hiện từ thời cổ đại với tên tuổi các học giả Hy Lạp như Herodotos, Eratosthenes xứ Cyrene…; rồi trải qua quá trình phát triển thời trung đại với sự đóng góp của các học giả người Ai Cập như Ptolemaneus (thế kỷ 2 sau Công nguyên), sau đó là của các học giả người Arab; và đến thời hiện đại với tên tuổi của các học giả người Đức như Alexander von Humboldt (1769 – 1859), người được coi là đã đặt nền móng cho khoa học địa lý hiện đại.

Nhưng chỉ đến cuối thế kỷ 19, người ta mới bắt đầu quan tâm nhiều đến khía cạnh văn hóa – nhân văn của khoa học địa lý. Từ đó người ta nói đến sự xuất hiện một ngành trong khoa học địa lý là địa lý học nhân văn. Trong địa lý học nhân văn, người ta lại chú ý đặc biệt đến mối quan hệ giữa địa lý với chính trị – quân sự; và thế là xuất hiện một chuyên ngành mới, đó là địa lý học chính trị ra đời gần như cùng thời với địa lý học nhân văn.

Người ta cũng cho rằng Friedrich Ratzel (Đức) là người mở đường cho địa lý học nhân văn – chính trị với công trình Địa lý học chính trị xuất bản năm 1897 của ông. Tất nhiên ngay trước ông cũng đã có một số người đề cập đến địa chính trị về mặt này hay mặt khác. Chẳng hạn như thiếu tướng hải quân Hoa Kỳ Alfred Thayer Mahan, người đã có công trình mang tính địa lý – quân sự và còn được coi là nhà địa chiến lược đầu tiên về sức mạnh biển: Ảnh hưởng của sức mạnh biến đổi với lịch sử, giai đoạn 1660 – 1783 (1890). Nhưng, bằng công trình Địa lý học chính trị, Ratzel vẫn được coi là người mở đường cho ngành địa lý học chính trị thực thụ.

Đến năm 1900, trong cuốn sách Nhập môn địa lý Thụy Điển, nhà khoa học chính trị người Thụy Điển Rudolf Kjellén lần đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ “địa chính trị” [tiếng Anh: “geopolitics”]. Là học trò của Ratzel, Kjellén cũng quan niệm quốc gia như là một cơ thể sinh học và ông nhấn mạnh đến yếu tố không gian và chính sách tự túc tự cấp của một quốc gia.

Kể từ Kjellén, thuật ngữ địa chính trị bắt đầu được dùng phổ biến trên thế giới. Khoa học địa chính trị cũng bắt đầu được quan tâm đặc biệt vì vào thời bấy giờ, nó có thể được dùng để biện hộ cho tư tưởng của các nước đế quốc. Cho đến nay, địa chính trị đã trở thành một bộ môn khoa học độc lập, được nghiên cứu trong giới khoa học và được giảng dạy trong các trường đại học. Với tư cách là một bộ môn, địa chính trị được coi là nằm ở ranh giới giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội – nhân văn, song về mặt tác động của nó thì đây là một trong những phân ngành khoa học có ý nghĩa xã hội vô cùng quan trọng. Thậm chí có thể nói, địa chính trị được quan tâm và phát triển chủ yếu về mặt ý nghĩa xã hội – nhân văn của nó, đến mức đôi khi người ta đã coi nó là một bộ môn khoa học của ngành chính trị học.

Như vậy, chúng tôi đã nói, với tất cả sự phức tạp và mơ hồ lẫn lộn giữa các thuật ngữ “địa lý học chính trị”, “địa chiến lược” và “địa chính trị”, chúng ta sẽ coi cả ba lĩnh vực này là thuộc khoa học “địa chính trị”, một phân ngành địa lý học nhân văn, được hình thành từ những năm cuối của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các quốc gia. Có thể nói, trong suốt thế kỷ 20, các lý thuyết địa chính trị và các đường lối, chính sách địa chiến lược của các quốc gia đã gây ra nhiều biến động trong bức tranh trật tự thế giới, đến mức các nhà khoa học đã gọi thế kỷ 20 là thế kỷ địa chính trị.

Với tuổi đời hình thành và phát triển hơn một thế kỷ, địa chính trị đã chứng tỏ là một bộ môn khoa học đặc biệt chính vì ý nghĩa xã hội và nhân văn của mình. Nhưng sự đặc biệt đó không phải lúc nào cũng có ý nghĩa tích cực. Nếu được ứng dụng một cách khoa học và hợp lý, địa chính trị sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia; nhưng nếu bị lạm dụng và ứng dụng một cách cực đoan, địa chính trị sẽ đưa đất nước đi đến chỗ diệt vong, đó là trường hợp của nước Đức Quốc Xã và Nhật Bản trước đây. Chính vì vậy, mặc dù nói là một bộ môn khoa học, nhưng đôi khi địa chính trị cũng tỏ ra “phi khoa học” một cách đáng sợ. Cho nên, nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải làm cho địa chính trị phát huy được hiệu quả xã hội tích cực, có như thế nó mới xứng đáng là một bộ môn khoa học thực sự.

Với tư cách là một bộ môn khoa học, địa chính trị cũng có nhiều lý thuyết và trường phái thực hành khác nhau. Các lý thuyết và trường phái đó đã góp phần xây dựng và phát triển địa chính trị và làm cho nó trở thành một bộ môn khoa học phức tạp và cũng rất hấp dẫn. Tuy nhiên, chính các lý thuyết cũng là cái làm cho địa chính trị có ý nghĩa xã hội tích cực hay tiêu cực, tức là chúng có ý nghĩa thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của đất nước. Vì thế, chúng ta khảo sát các lý thuyết này để rút ra những kinh nghiệm cho sự phát triển.

——————————-

Nguồn tham khảo: Nguyễn Văn Dân – Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia – NXB KHXH 2011.

Theo T.GIANG / SCDRC

Tags: ,