Di sản lịch sử của Napoleon ở khu vực Trung Đông

Cuộc xâm lược Ai Cập của Napoleon vào năm 1798 là ví dụ đầu tiên của chủ nghĩa đế quốc tự do, và làm nổi bật tốc độ Cách mạng Pháp vượt ra ngoài biên giới Pháp – và cả Châu Âu. Mặc dù chiến dịch này là một thảm họa quân sự, nó đã để lại một di sản lâu dài trong khu vực.

Tác giả: Alexander Mikaberidze, Giáo sư Lịch sử tại Louisiana State University, Shreveport, là tác giả của cuốn The Napoleonic Wars: A Global History.

Nguồn: Alexander Mikaberidze, “Napoleon’s Middle East Legacy”, Project Syndicate, 10/03/2020.

Biên dịch: Đỗ Minh Châu.

“Mọi thứ bắt đầu từ Napoleon.” Đó là những lời đầu tiên trong sử kí của Thomas Nipperdey về nước Đức trong thế kỷ 19, cuốn “Germany from Napoleon to Bismarck” (Đức từ thời Napoleon đến Bismarck). Mặc dù Nipperdey nói về vai trò chủ đạo của Napoleon Bonaparte trong việc định hình châu Âu hiện đại, nhưng xét trên nhiều phương diện, lời mở đầu trên của ông cũng có thể được áp dụng với tình hình Trung Đông ngày nay.

Cuộc xâm lược Ai Cập của Napoleon vào năm 1798 là ví dụ đầu tiên của chủ nghĩa đế quốc tự do, và làm nổi bật tốc độ Cách mạng Pháp vượt ra ngoài biên giới Pháp – và cả Châu Âu. Mặc dù chiến dịch này là một thảm họa quân sự, nó đã để lại một di sản lâu dài trong khu vực.

Trước tiên, cuộc xâm lược đại diện cho nỗ lực hiện đại đầu tiên nhằm tích hợp xã hội Hồi giáo vào châu Âu. Cuộc xâm lược này cũng đánh dấu thời điểm hình thành diễn ngôn về chủ nghĩa phương Đông (Orientalism), thời điểm khi tất cả các thành tố ý thức hệ của nó hội tụ, cùng với một kho vũ khí đầy đủ các công cụ giúp phương Tây thống trị đã được sử dụng để bảo vệ nó. Bản thân cuộc xâm lược đóng góp không nhiều vào quá trình hiện đại hóa xã hội Ai Cập, bởi các nguyên tắc cách mạng mà người Pháp cố gắng đưa vào là quá cực đoan và xa lạ, dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ từ cư dân địa phương. Tuy nhiên Napoleon đã tạo ra một khoảng trống chính trị ở Ai Cập, nơi đã sớm được lấp đầy bởi Kavalali Mehmet Ali Pasha, người mà chỉ trong vòng một thập niên sau khi Pháp rút quân đã bắt đầu đặt nền móng cho những cải cách và quá trình hiện đại hóa ở Ai Cập vốn sau này sẽ đóng vai trò quan trọng ở khu vực Trung Đông.

Chiến dịch Ai Cập của Napoleon cũng đảo ngược các chính sách truyền thống của châu Âu đối với khu vực này. Thay vì giáng một đòn có chủ đích vào sức mạnh đế quốc của Anh, cuộc xâm lược của Pháp đã đẩy Đế quốc Ottoman, một đồng minh lâu năm của Pháp, tham gia vào một liên minh với các đối thủ cũ của nó là Nga và Anh, và làm biến đổi bản chất của sự cạnh tranh Pháp-Anh ở phương Đông. Cho đến thời điểm đó, Pháp đã tiếp cận Ấn Độ từ các căn cứ ngoài đảo của họ ở Ấn Độ Dương dựa vào sức mạnh hải quân của mình, vốn sẽ phải chạm trán với các hạm đội của Anh. Nhưng nỗ lực chinh phục Ai Cập của Napoleon đã làm thay đổi sâu sắc phương án trên bằng cách buộc Anh phải xem xét khả năng các cường quốc khác cũng có thể tiếp cận Ấn Độ thông qua các lãnh thổ tiếp giáp với tiểu lục địa Ấn Độ.

Khả năng này đã lôi kéo Anh vào nỗ lực lâu dài nhằm bảo đảm sự thống trị và bảo vệ các tài sản ở Ấn Độ trước một cuộc tấn công trên bộ. “Chúng ta đã giành được một đế chế bằng sức mạnh vũ trang”, đó là nhận định của các quan chức thuộc Công ty Đông Ấn của Anh vào năm 1798, “và chúng ta phải tiếp tục dựa vào sức mạnh vũ trang, nếu không nó sẽ rơi vào tay một cường quốc quân sự khác mạnh hơn.” Sự phụ thuộc vào sức mạnh quân sự này đã củng cố cho thời kỳ cai trị của Anh ở Ấn Độ cho đến năm 1947 và giúp Anh duy trì sự can dự ở Ai Cập, Yemen, Oman, Iran và Afghanistan.

Các cuộc chiến tranh của Napoleon đã tác động tới khu vực trung tâm Hồi giáo. Mặc dù về cơ bản cuộc chiến tranh chủ yếu liên quan đến châu Âu, chúng đã định hình mối quan hệ của Châu Âu với thế giới Hồi giáo trong thế kỷ tiếp theo. Đế chế Ottoman đã trở thành mục tiêu không chỉ của riêng đế quốc Nga, mà cả của Pháp, Áo và Anh – điều góp phần dẫn đến những mất mát lãnh thổ liên tiếp và dẫn đến sự xuất hiện của “Câu hỏi Trung Đông.” Hơn nữa, những điểm tương đồng giữa luận điệu và phương pháp của Napoleon với những phương pháp phương Tây sử dụng để can thiệp vào Trung Đông trong thế kỷ 20 nhấn mạnh tác động lâu dài của di sản Napoleon.

Vào giai đoạn 1810-1812, một thế kỷ trước sự xuất hiện của “Lawrence xứ Ả Rập”, các đặc vụ của Napoleon đã tìm cách khuyên các bộ lạc Ả Rập ở Syria và Iraq đoàn kết chống lại đế quốc Ottoman. Sau đó chính quyền Pháp đã thực hiện tầm nhìn của Napoleon về một đế chế thực dân Pháp. Năm 1830, quân đội Pháp, nhiều người trong số họ là cựu chiến binh của chiến dịch Ai Cập, đã xâm chiếm Algiers trên cơ sở của kế hoạch dự phòng được vạch ra dưới thời Napoleon hai thập kỷ trước đó và đặt nền móng cho một thời kỳ cai trị của thực dân Pháp kéo dài đến năm 1962.

Iran, cũng là một đế chế trong quá khứ, chịu đựng một số phận đau đớn không kém khi trở thành một con tốt trong tay các cường quốc châu Âu. Bị phản bội bởi cả Pháp và Anh, Iran đã phải chịu thất bại nhục nhã dưới tay Nga, đế quốc đã giành được Gruzia và Đông Nam Caucasia vào năm 1813 và thay thế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Các cuộc chiến tranh Napoleon đã cho thấy sự yếu kém rõ rệt ở các nhà nước Ottoman và Iran, đồng thời nhấn mạnh sự chênh lệch quân sự – kinh tế ngày càng tăng giữa họ và các cường quốc hàng đầu của châu Âu. Do đó, các cuộc chiến đã mở ra một kỷ nguyên với nhiều cải cách do nhà nước thực hiện, khi các nhà lãnh đạo Ottoman, Ai Cập và Iran tìm cách xây dựng chính quyền và quân đội của họ theo mô hình của châu Âu.

Đây là một trong những di sản lâu dài nhất của Napoleon ở Trung Đông. Những nhà cai trị có đầu óc cải cách như Quốc vương Ottoman Mahmud II, Mehmet Ali của Ai Cập và Hoàng Thái tử Iran Abbas Mirza đã không đặt câu hỏi về các chuẩn mực văn hóa hay cấu trúc xã hội của trật tự xã hội truyền thống. Thay vào đó, họ tin rằng các cải cách hành chính và quân sự theo kiểu châu Âu sẽ cho phép họ củng cố quyền lực trong nước và bảo vệ nhà nước của họ một cách hiệu quả hơn trước các mối đe dọa bên ngoài.

Tuy nhiên những cải cách này đòi hỏi việc đưa các tập quán phương Tây vào xã hội Hồi giáo và đặt ra những thách thức đối với các cấu trúc quyền lực hiện có, bởi điều đó đẩy chính quyền trung ương vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân một cách trực tiếp và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao nhiều nhóm – bao gồm các ulama (các nhà lãnh đạo tôn giáo), người Saudi ở miền trung bán đảo Ả Rập, giới quân sự Ottoman và giới tinh hoa truyền thống Iran – đã phản ứng rất tiêu cực, và bác bỏ ngay cả những thay đổi hiện đại hóa vốn có thể giúp bảo vệ tốt hơn quốc gia của mình.

Cuộc đối đầu này ngày càng được coi là một cuộc đấu tranh để định hình chính bản thân lối sống Hồi giáo. Và những ảnh hưởng sâu sắc của nó, cùng với các khía cạnh khác của di sản Napoleon, đã tiếp tục còn âm hưởng ở Trung Đông cho đến ngày nay.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ 

Tags: , , ,