Đàng Trong qua khảo cứu nước ngoài: Tính phóng khoáng của cư dân

Tất cả các nước phương Đông đều cho người châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên là họ ghét đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng, trái lại, ở xứ Đàng Trong họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ.

Tác giả: Cristophoro Borri.

Nguồn: Trích từ Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM.

Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi, khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người ta đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu.

Trọng khách và hào hiệp

Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị đó mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng, như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng sống chung trong một nhà, mặc dầu trước đó chưa bao giờ họ thấy nhau, biết nhau. Họ coi là một nết rất xấu nếu ai ăn món gì dù rất nhỏ mọn mà không chia sẻ cho bạn, bẻ cho mỗi người một miếng. Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối, họ coi như bị ràng buộc bởi phép công bằng.

Có lần có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là chữ đói, có nghĩa là tôi đói. Vừa nghe thấy người ngoại quốc than thở như vậy và đi qua các cửa nhà người dân mà kêu đói, thì tất cả người dân đều động lòng thương và cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ, đến khi chúa cấp cho họ một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến một lãnh thổ mà ở đó họ gặp được những người rộng rãi, cho họ các thứ để sống mà không phải làm việc. Cuối cùng, người thuyền trưởng buộc phải vác gậy đánh đập thì họ mới chịu sửa soạn xuống tàu, đem chất trong tàu thóc gạo họ đã xin được.

Nếu người Đàng Trong nhanh nhảu và rộng rãi hay cho, thì mặt khác họ lại hay xin những gì họ thấy. Thế nên khi họ vừa đưa mắt nhìn thấy những vật họ cho là hiếm và lạ là họ đem lòng thèm muốn và nói ngay xin một cái, có nghĩa là cho tôi xin cái đó. Họ coi là rất bất lịch sự nếu người ta từ chối, dù đó là vật quý hiếm và chỉ có một cái mà thôi. Ai từ chối họ thì liền bị coi là người xấu. Do đó, một là nên giấu đi, hai là sẵn sàng cho người nào xin.

Một thương gia người Bồ không ưa cách cư xử lạ lùng đó, bởi vì hễ họ trông thấy ông cầm đồ vật gì đẹp trong tay là họ xin liền. Một hôm ông nhất quyết cũng làm thử như họ. Ông tới gần thuyền của một người đánh cá nghèo và để tay trên một cái rổ lớn đầy cá, ông nói bằng tiếng bản xứ xin một cái, nghĩa là cho tôi xin cái này. Chẳng nói chẳng rằng, người thuyền chài đưa ngay cho ông rổ cá để ông đem về. Người Bồ đem về nhà, rất sửng sốt và khen ngợi lòng quảng đại của người Đàng Trong. Thực ra, vì thương người thuyền chài nghèo khổ nên sau đó ông trả tiền rổ cá theo giá của nó.

Lễ độ, hòa nhã

Người dưới rất kính trọng người trên, họ dùng tất cả cách thức tỉ mỉ và những lời khen tế nhị, nhất là họ đặc biệt kính trọng người già nua tuổi tác, bao giờ họ cũng nể người có tuổi hơn.

Trong mọi việc, ở vào bất cứ cấp bậc nào, gia thế nào, bao giờ họ cũng nhường ưu tiên cho người già hơn. Vì thế có một lần mấy viên quan lớn tới thăm nhà chúng tôi, mặc dầu đã được người thông dịch cho họ biết là có một cha lớn tuổi hơn cả, nhưng không phải là Bề trên, thế nhưng không tài nào ngăn cản họ chào người có tuổi đó trước hết, sau mới chào Bề trên, là người trẻ tuổi hơn.

Trong tất cả các nhà cửa người Đàng Trong, dầu nghèo nàn đến đâu đi nữa, người ta cũng giữ ba cách ngồi. Cách thứ nhất kém hơn cả là ngồi trên chiếu trải trên đất bằng và đó là cách ngồi của những kẻ cùng cấp bậc. Cách thứ hai là ngồi trên những thứ dây bố hay dây da căng thẳng có trải chiếu nhỏ và mịn hơn, dành cho người đáng kính hơn. Cách thứ ba là trên một thứ bục cao hơn đất chừng tám tấc làm thành như cái giường và chỉ dành cho các quan và bậc chức vị bản địa hay những người lo việc thiêng liêng, như các cha dòng chúng tôi thường được ngồi.

Vì người Đàng Trong tử tế và có tính tình hòa nhã, nên họ rất trọng người ngoại quốc, họ để cho mỗi người tự do sống theo đạo của mình và ăn mặc tùy sở thích của mình. Do đó họ khen cách làm của người nước ngoài, phục giáo thuyết của người nước ngoài và dễ dàng chuộng đạo giáo của người nước ngoài hơn đạo giáo của mình: trái hẳn với người Tàu, họ chỉ khen ngợi xứ sở họ cùng cách làm và đạo giáo của họ mà thôi.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: ,