Đàng Trong qua khảo cứu nước ngoài: Nền học thuật đặc sắc

Xứ Đàng Trong có nhiều trường đại học, trong đó các giảng viên và các cấp bậc trong xã hội được cất nhắc lên theo lối khoa cử.

Tác giả: Cristophoro Borri.

Nguồn: Trích từ Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM.

Việc hành chính tại xứ Đàng Trong vừa trọng võ vừa chuộng văn tùy theo cơ hội. Người Nhật trọng nhiều về võ thuật hơn học thuật. Trái lại người Tàu trọng học thuật hơn võ thuật. Người Đàng Trong không hoàn toàn xa người Nhật và lại cũng gần người Tàu, nghĩa là ở giữa và cũng theo tinh thần của dân tộc mình. Do đó họ thưởng, đặt lên các chức vụ và cấp bậc trong nước, khi thì là tiến sĩ, lúc thì là tướng sĩ, họ chỉ định và cắt đặt lúc thì người này khi thì người kia tùy theo nhu cầu.

Đàng Trong qua khảo cứu nước ngoài:

Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai), văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong.

Xứ Đàng Trong cũng dạy và học theo lối khoa cử, dùng những sách và tác giả như Khổng Tử. Ông là một tác giả uyên thâm, với giáo thuyết sâu sắc và có uy tín nơi họ, cũng như nơi chúng ta, chúng ta có Aristotle. Và thực ra Khổng Tử kỳ cựu hơn. Sách của ông chứa đầy lý lẽ bác học, nhiều chuyện lạ, nhiều châm ngôn sâu sắc, nhiều tục ngữ và nhiều sự tương tự, tất cả đều bàn về thuần phong mỹ tục, như chúng ta có Seneca, Ciceron. Phải mất nhiều năm học mới có thể đọc được các câu, các chữ và các hình để viết. Cuốn sách họ chuộng hơn cả và quý trọng hơn cả là cuốn bàn về triết học luân lý gồm đạo đức học, kinh tế học, chính trị học. Thật là thích thú khi thấy và nghe họ học trong lớp, họ đọc và lớn tiếng xướng bài như thể ca hát. Họ phải làm thế để cho quen và tập cho mỗi lời một cung giọng riêng của nó, vì có rất nhiều, mỗi lời chỉ nhiều việc, tất cả đều khác nhau. Vì thế, để đàm thoại với họ thì cần phải biết những lý thuyết về âm nhạc và phép đối âm.

Ngoài những sách chúng tôi đã nói là những luận thuyết về luân lý, họ còn có những sách khác, như họ nói, giảng về những sự thần linh như việc sáng tạo và khởi thủy vũ trụ, linh hồn, ma quỷ thần thánh và nhiều giáo phái khác. Những sách này gọi là sách kinh khác với những sách đời gọi là sách chữ (kinh là kinh điển như Tứ thư, Ngũ kinh; còn sách chữ là sách viết thông dụng không thuộc kinh điển – ND). Chúng tôi sẽ nói về lý thuyết các đạo chứa đựng trong những sách đó ở phần thứ hai bản tường trình này, như vậy đúng chỗ của nó hơn.

Tiếng Đàng Trong phong phú và dồi dào

Tiếng nói thông thường thì khác với chữ viết họ dạy, họ đọc khi học và viết. Cũng như ở nơi chúng ta tiếng bình dân chung cho tất cả thì khác, còn tiếng Latin chỉ dạy trong trường thì khác. Đây là điểm khác với người Trung Hoa, văn nhân hay quý phái cũng chỉ có một thứ tiếng nói gọi là Quan Thoại, nghĩa là tiếng các tiến sĩ, quan tòa và quan cai trị. Còn chữ viết như chữ in trong sách thì có tới tám mươi ngàn chữ tất cả đều khác nhau. Vì thế các cha dòng Tên phải mất tám và có khi mười năm để học những sách ấy trước khi trở nên tinh thông và có thể đối đáp giao thiệp với họ. Nhưng người Đàng Trong đã rút bớt rất nhiều, chỉ còn giữ lại chừng ba ngàn chữ họ thường dùng để viết văn bài, thư tín, đơn từ, ký sự và những sự khác không liên quan tới sách in, thiết yếu phải soạn bằng chữ Hán. Người Nhật còn tài giỏi hơn, mặc dầu về sách viết và sách in, họ gắng theo người Tàu, nhưng về các việc thường thức họ đã sáng chế ra bốn mươi tám chữ phối hợp với nhau để diễn đạt và trình bày tất cả những gì họ muốn, không hơn không kém những vần a b c của chúng ta. Nhưng mặc dầu có thứ chữ này, chữ Hán vẫn rất thông dụng ở Nhật. Bốn mươi tám chữ này tuy tiện lợi hơn để diễn đạt tư tưởng, nhưng không được trọng bằng, đến nỗi người ta khinh chê coi như chữ của đàn bà.

Mặc dầu ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống ngôn ngữ người Trung Hoa, vì cũng như người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung, giọng khác nhau. Ngôn ngữ so với người Trung Hoa có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú và dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tai sành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng, các dấu khác nhau (Hoa ngữ có năm thanh, còn Việt ngữ có sáu thanh – ND).
Tiếng Đàng Trong, theo tôi, là một tiếng dễ hơn các tiếng bởi vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ nhưng chỉ có một tiếng hay lời rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay vị lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại là thay thế cho tất cả những biến cách và tất cả những thì, tất cả những ngôi cũng như những sự khác liên quan tới số và biến cách.

Phát triển ngành in ấn trước châu Âu

Việc phát minh tốt đẹp và tài tình về ngành in đã được thực hiện ở Trung Hoa và Đàng Trong trước khi được biết đến ở châu Âu, mặc dầu chưa được hoàn bị. Họ không xếp chữ nhưng dùng cái đục hay dao mà khắc hay đục trên một tấm gỗ những hình thái chữ mà họ muốn in trên sách. Rồi họ trải giấy trên bản gỗ đã khắc, đã gọt và cho vào ép, cũng như cách chúng ta làm ở châu Âu khi người ta in trên phiến đồng hay vật gì tương tự.

.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: