Dân còn coi trọng tủ rượu hơn tủ sách, đất nước không khá nổi

Trong nhiều ngôi nhà ở Việt Nam, tủ rượu thường xuất hiện “bề thế” ở những nơi dễ nhìn thấy; trong khi tủ sách có thể không được dành cho một vị trí nào, dù là khiêm tốn.

Năm 2012, trong một chuyến đi thực tế, một anh phóng viên hỏi một ông nguyên tổng biên tập người Đan Mạch về việc làm sao để Việt Nam phát triển như các nước Bắc Âu? Ngay lập tức, ông thì thào trả lời “đọc sách” với rất nhiều hàm ý.

Châu Âu có cuộc dịch thuật vĩ đại vào thế kỷ 11 – 12, làm nền tảng phát triển khoa học, văn hóa và phổ cập tri thức cho mọi tầng lớp xã hội. Trong ngôi nhà của họ, qua nhiều thế hệ, không thể thiếu một tủ sách. Dễ dàng nhận ra sách cũng là món hàng thiết yếu đối với họ. Các dịch vụ vận chuyển phân phát sách của Amazon vẫn tấp nập như việc giao sữa, phát báo mỗi sáng. Mỗi cuốn sách được coi như một sản phẩm chắt lọc mà mỗi người có thể nhận được những giá trị riêng tùy thuộc vào nhận thức của bản thân. Nói như nhà văn nổi tiếng người Mỹ Edmund Wilson, “không có chuyện hai người cùng đọc một cuốn sách giống nhau”. Theo nghiên cứu của Eurostat năm 2011, người Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển đọc khoảng 12 cuốn sách mỗi năm.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013, người Việt Nam trung bình không đọc được một cuốn sách mỗi năm. Tôi nói tới đây chắc sẽ có nhiều người đổ lỗi cho các phương tiện nghe nhìn lấn át. Không ai phủ nhận Internet như một cái chợ tự do về thông tin, tra cứu kiến thức. Truyền hình bùng nổ các nội dung giải trí đang thống trị thời gian rỗi của con người. Trong “ngôi làng toàn cầu”, nhiều người tìm đến sách điện tử bởi sự tiện lợi, tuy nhiên nhìn xung quanh chúng ta, bao nhiêu người Việt Nam dùng điện thoại smartphone, Ipad để đọc sách. Người dùng đang dần trở thành nô lệ của công nghệ thay vì trở thành người tạo ra công nghệ, nếu không có thói quen tiếp nhận tri thức của nhân loại thông qua sách vở. Tại một buổi hội thảo, một CEO phương Tây nói rằng anh ta không ngại sử dụng chiếc điện thoại Nokia rẻ tiền với chức năng nghe gọi cơ bản, nhưng sợ không đọc những cuốn sách hay và tự loại bỏ mình khỏi những cuộc đàm luận thú vị với bạn bè, đồng nghiệp.

Sách nói ở đây không chỉ những tiểu thuyết giải trí, mà cả những tác phẩm cung cấp tri thức và các loại sách chuyên khảo. Tôi nhiều lần nhận được bài tập của sinh viên mà trong danh sách tham khảo không quá nổi ba cuốn chuyên khảo, và chỉ lật vài trang tôi biết được xào từ Internet. Nói rộng hơn, nhiều trí thức còn lười đọc sách thì đông đảo người dân xa lạ với sách là điều dễ hiểu.

Chúng ta biết rằng 40% chủ nhân các giải Nobel chính là người Do Thái, và bí quyết của họ là tạo thói quen đọc sách cho trẻ em từ nhỏ. Họ thậm chí còn ướp nước hoa lên sách để hấp dẫn trẻ em. Bàn về văn hóa đọc của người Việt Nam, nhiều người thường ví “tủ rượu” của người Việt và “tủ sách” của người Do Thái. Trong nhiều ngôi nhà ở Việt Nam, tủ rượu thường xuất hiện “bề thế” ở những nơi dễ nhìn thấy; trong khi tủ sách có thể không được dành cho một vị trí nào, dù là khiêm tốn.

Cuộc dịch thuật vĩ đại văn hóa và tri thức của phương Tây có thể được ví như mang lửa văn minh về khai sáng, khiến văn hóa đọc của họ bùng nổ, để có sự phát triển khiến thế giới nể trọng ngày nay. Nói như nhiều học giả, sách là nền tảng để chấn hưng đất nước. Nhà thơ, nhà văn Mỹ gốc Nga cho rằng: “Có những tội nặng hơn chuyện đốt sách. Một trong những tội đó là không đọc sách!”.

Theo PHẠM HẢI CHUNG / VNEXPRESS

Tags: , , ,