Đám cưới lớn nhất Sài Gòn của con gái ông Thiệu

Đám cưới con gái Tổng thống Thiệu diễn ra ngày 19/1/1973 giữa một bối cảnh chính trị rối ren, được coi là đám cưới đình đám nhất Sài Gòn trước 1975.

Đám cưới lớn nhất Sài Gòn của con gái Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Vào giai đoạn chót của cuộc thương lượng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger tại Paris 1973, dư luận báo chí Sài Gòn rộ lên công khai về thái độ bực dọc của Tổng thống Mỹ Nixon trước việc Tổng thống Thiệu khăng khăng chưa chịu chấp nhận nội dung Hiệp định để ký kết theo ngày giờ Washington thỏa thuận. Thiệu lo lắng cho số phận của mình và giới quân phiệt Sài Gòn một khi Mỹ rút mà quân miền Bắc vẫn còn, Chính phủ Cách mạng lâm thời vẫn hiện hữu…

Trước ngày ký hiệp định Paris, Tổng thống Thiệu vẫn cố ý trì hoãn dây dưa, thư đi tin lại nhiều lần, khiến Tổng thống Nixon dằn bút, đe dọa: “Tôi hoàn toàn tin chắc rằng nếu các ông không ký Hiệp định thì toàn bộ ngân sách chúng tôi viện trợ cho các ông sẽ bị cắt giảm. Vì lý do đó, chúng tôi yêu cầu các ông tiến hành việc ký kết văn bản mà tướng Haig mang đến cho ông vào ngày 23 tháng Giêng năm 1973 và ông phải ký vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973 (…). Nếu các ông từ chối không ký hiệp định thì các ông đừng trông mong gì vào khả năng giúp đỡ của chúng tôi. Ý kiến trong quốc hội và công luận không cho phép chúng tôi làm khác (…). Tôi thừa nhận đây không phải là một hiệp định lý tưởng nhưng đây là hiệp định duy nhất mà (chúng ta) có thể tiến hành trong tình hình hiện nay (…). Đối với tôi có hai lựa chọn cần thiết: một là tiếp tục né tránh ký hiệp định, điều này có hại và thiển cận, hai là dùng hiệp định làm phương tiện để thiết lập nền tảng mới cho quan hệ Mỹ – Nam Việt Nam (…). Tôi tha thiết hy vọng ông sẽ lựa chọn giải pháp duy nhất… Chân thành, Richard Nixon” (trích các thư của Nixon gửi Thiệu từ hồ sơ tối mật của TS Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, nhiều người dịch).

Cuối thư Nixon căng thẳng “Vì tính nghiêm trọng của tình hình và những hậu quả sắp tới, tôi đã phái tướng Haig trở lại Sài Gòn vào sáng thứ bảy 20 tháng Giêng năm 1973. Đây là cơ hội mới nhất… mọi kế hoạch vạch sẵn không thể thay đổi được”.

Vào lúc đó, ngày 19/1, Thiệu vừa nghĩ đến kế hoạch “Hùng Vương” phá Hiệp định, vừa lo đám cưới cho con gái của mình: Nguyễn Thị Tuấn Anh 18 tuổi.

Lực lượng cảnh sát đặc biệt được em út của Thiệu tung ra, lính bồng súng chào, làm tăng thêm vẻ “đình đám” của lễ cưới Tuấn Anh. Chú rể lớn hơn cô dâu 10 tuổi là: Nguyễn Tấn Triều, con trai của Giám đốc Hàng không Việt Nam Nguyễn Tấn Trung được xem là đám cưới lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ.

Dư luận thời đó gọi đám cưới này là cuộc “phối hợp nghệ thuật” giữa quyền và lực. Hai ông sui, một thì nắm quyền sinh sát dưới đất (dinh Độc Lập), một thì cai quản hoạt động trên trời (Hàng không Việt Nam)! Giám đốc Trung thuộc gia đình giàu có nức tiếng.

Ông Thiệu xuất hiện với áo gấm xanh hai tà phủ dài quá đầu gốì, chiếc quần thụng trắng, đầu đội khăn đóng, hai tay chắp lại trước bụng. Cạnh là vợ ông, bà Mai Anh, người Công giáo. Trước khi được chính đức Tổng giám mục làm phép hôn phối sáng 19/1, chú rể Triều cũng mặc áo gấm, đầu chít khăn, theo phía đàng trai mang lễ vật tới nhà ông bà gia. Ngoài chiếc micro và vài vật dụng trang trí nhỏ nhặt là có vẻ “tây”, còn cách ăn mặc của cả hai ông bà Thiệu, các bà cụ hai bên nội ngoại, nụm rượu, khay nữ trang đều mang vẻ cổ kính “ta về ta tắm ao ta”. Chú rể Triều xụp xuống lạy ông bà Thiệu tỏ lòng trở thành con rể từ phút đó. Hoan hỉ đáp lại, ông bà Thiệu trao chú rể một mớ nữ trang đáng giá. Trước giờ lên xe hoa, cô dâu Tuấn Anh đeo chuỗi hạt quanh cổ, mặc bộ áo cưới đỏ thắm, đầu chít khăn vành dây màu vàng.

Với tựa đề: “Đám cưới lớn nhất Việt Nam”, một tuần báo văn nghệ xuất bản tại Sài Gòn năm 1973 mô tả đám cưới lớn nhất Sài Gòn có đến 500 khách mời gồm các đại thương gia, chính khách, tướng tá… dự tiệc lớn tại nhà trai: “Sau đó lễ tại nhà thờ lớn (…) mau chóng trở thành một đám cưới theo nghi thức Tây phương. Cô dâu đã bỏ khăn vành dây, bộ áo cưới màu đỏ cổ truyền và chuỗi hột đeo cổ, để mang bộ áo cưới màu tuyết trắng và tấm voan trên đầu có cái đuôi thật dài và phải có cô phù dâu đỡ cho khỏi phủ xuống đất. Chú rể cũng đã bỏ áo gấm để mang bộ âu phục mới toanh và đúng mốt. Ghi thêm: bộ áo cô dâu bằng sa-tanh trắng thêu hoa bạc lóng lánh, voan trùm đầu dài 5 thước. Cô dâu, chú rể được kết hợp do Tổng giám mục Sài Gòn, dưới tên thánh là Bernadette và Martin. Chú rể đã theo về đạo cô dâu. Sau tuần trăng mật, cô dâu chú rể sang Mỹ cùng theo học Đại học Pittsburg”.

Đang khi chú rể Triều và cô dâu Tuấn Anh vui hợp hôn, điện thoại dinh Độc Lập reo nhiều lần bởi Tòa đại sứ Mỹ gọi tới, thúc giục Thiệu mau trả lời.

Thiệu biết không thể kéo dài thêm cơn giận của Tổng thống Mỹ. Ông ta thấy cần phải đáp ứng yêu cầu của Nixon vì an ninh và quyền lợi của chính bản thân ông cũng như giới quân phiệt Sài Gòn. Gần hết thời hạn “tối hậu thư” nêu ra là phải trả lời Nixon trước 12 giờ, giờ Washington ngày 21 tháng Giêng, rằng có chịu ký hiệp định hay không, Thiệu đã cho mời đại sứ Bunker đến dinh Độc Lập để nói một lời “Vâng!”

Theo MỘT THẾ GIỚI

Tags: ,