Cứu vãn môi trường biển Việt Nam: Sự lạc quan xa vời

Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận thức được những nguy hại khôn lường và hệ lụy của vấn đề ô nhiễm môi trường biển mang lại. Cũng càng không phải đến bây giờ chúng ta mới có những chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm hạn chế và giải quyết triệt để vấn đề này. Tuy nhiên mọi sự lạc quan, những tín hiệu tích cực vẫn đang nằm ở… phía trước!

Cứu vãn môi trường biển Việt Nam: Sự lạc quan xa vời

Đất nước ta có đường bờ biển chạy dài từ Bắc chí Nam, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái vươn ra biển, nhìn ra biển, với khoảng hơn 3.200 km bờ biển. Ngoài những nguồn lợi vô tận từ biển mang lại mà chúng ta đã và đang khai thác ngàn đời qua, chúng ta cũng đã và đang có những chương trình hành động bài bản, chiến lược cho vấn đề bảo vệ môi trường biển ngày một thiết thực, hữu dụng hơn. Công bằng mà nói, xã hội càng văn minh, nền kinh tế càng phát triển, sự giao thoa kinh tế thương mại và đầu tư ngày càng tăng tiến … thì biển Việt Nam (cũng như nhiều quốc gia có biển khác) càng đối diện với những nguy hại khôn lường của vấn đề ô nhiễm môi trường biển nóng bỏng và khắt khe hơn.

Rác thải công nghiệp, rác thải nhựa, những sự cố ô nhiễm môi trường biển, sự canh tác và khai thác ồ ạt thiếu kiểm soát trong nuôi trồng thủy hải sản… đã liên tiếp diễn ra. Và cũng đã có nhiều giải pháp đưa ra, nhưng đến hôm nay, sự thành công rõ ràng vẫn chưa được như mong đợi.

Chẳng hạn, theo báo cáo của Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển (Bộ TN&MT), tình trạng ô nhiễm nước biển ven bờ, đặc biệt, vùng cửa sông, bến cảng, rác thải nhựa trên biển là vấn đề được đặc biệt quan tâm bởi chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển là hiện tượng nuôi thủy sản tràn lan, không có quy hoạch. Ngay cả các hoạt động du lịch cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển.

Điển hình là Vườn Quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, được coi là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam với nhiều khu dự trữ tài nguyên sinh thái biển lớn. Nhưng từ một hòn đảo khá đẹp và trong lành, Cát Bà đã dần dần bị biến thành một hòn đảo “tạp” kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản. Những khu du lịch, những khu nuôi cá lồng bè, khu đánh bắt cá… tất cả đều được quy hoạch không thể khác hơn là nằm chình ình trên mặt biển. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác được đổ trực tiếp xuống biển và thực tế đã tạo ra những vùng “biển chết” cục bộ.

Sự cố môi trường biển Fomosa ở biển miền Trung cách đây mấy năm cũng là một ví dụ. Ngoài việc gây thiệt hại tại chỗ với những con số thống kê khủng khiếp, thì rõ ràng hệ lụy mà nó để lại đã không thể được xử lý, giải quyết ngày một ngày hai. Rồi thực tế, các khu công nghiệp bám biển cũng là mối đe dọa lớn đối với môi trường vùng bờ khi hàng loạt các nhà máy nhiệt điện, chế biến dầu khí, thép và giấy thi nhau mọc lên khắp dải ven biển từ Bắc tới Nam. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý nguồn thải từ những khu công nghiệp, nhà máy này vẫn còn nhiều bất cập.

Công bằng mà nói, dù đã có nhiều nỗ lực và đã có những kết quả quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ môi trường biển được ghi nhận thời gian qua, song nhìn lại còn không ít bất cập khi nhiều công cụ quan trọng nhằm bảo vệ môi trường biển còn thiếu và yếu. Ví như việc xây dựng văn bản pháp luật tuy đã có nhiều nỗ lực xong vẫn thiếu hụt những văn bản quan trọng để hướng dẫn triển khai Luật TNMT biển và hải đảo như: Nội dung cấp phép nhận nhìn ở biển, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; hay các kế hoạch hoạt động của địa phương lại “nằm chờ” Chiến lược quy hoạch cấp quốc gia …

Còn nhớ tại chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương” – hoạt động trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6), tổ chức tại TP Đà Nẵng từ ngày 23 đến 29/6/2018 -Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Hiện nay, rác thải trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Để giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý với những hoạt động, dự án cụ thể. Trong đó, hoạt động làm sạch bãi biển là dịp để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Tuy nhiên có một điều thiết yếu theo quan điểm của người viết chuyên mục này, là không thể phó mặc vấn đề chung tay bảo vệ môi trường biển cho một vài bộ ngành chức năng hoặc các địa phương ven biển. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước tích cực phối hợp, tham gia với ngành tài nguyên và môi trường trong việc thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển nhằm gìn giữ môi trường biển cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

Đó cũng chính là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho chính chúng ta hôm nay!

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT 

Tags: ,