Cuộc vận động vua Bảo Đại thoái vị của quan đại thần Phạm Khắc Hòe

Trong sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta không thể quên công lao của cụ Phạm Khắc Hòe – một vị nhân sĩ yêu nước, tiến bộ, bằng hành động và cách ứng xử đúng đắn của mình đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự sụp đổ chế độ phong kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Tòa nhà Ngự Tiền Văn Phòng, nơi làm việc của các trợ lý thời vua Bảo Đại.

Phạm Khắc Hòe (1901 – 1995) sinh ra, lớn lên ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh – vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, trưởng thành trong một gia đình khoa bảng. Cụ đã từng học chữ Nho, rồi sau đó chuyển sang học chữ Pháp và Quốc ngữ, đỗ bằng Tiểu học Pháp – Việt (Primaire, năm 1918), rồi tốt nghiệp Cao đẳng Pháp luật và Hành chính Hà Nội (năm 1925). Cụ làm Tham tán Tòa sứ và lần lượt làm việc ở Huế, Quy Nhơn, năm 1933 thì chuyển sang ngạch quan lại Nam triều ở Đà Lạt, mãi năm 1940 mới chuyển về Huế. Đến năm 1944, Phạm Khắc Hòe được vua Bảo Đại tiến cử đảm nhận chức Đổng lý Ngự tiền Văn phòng (quan Thượng thư) tại triều đình Huế.  Nhờ thân cận và được tín nhiệm nên Phạm Khắc Hòe có thể dễ dàng trấn an, lý giải, thuyết phục vua Bảo Đại giác ngộ con đường giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Hưởng ứng chỉ thị của Đảng và Mặt trận Việt Minh về khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước khi thời cơ đến, trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử. Tại Huế, Việt Minh Thừa Thiên Huế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy đã nhanh chóng triển khai và phân công nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân nổi dậy, trong đó, đặc biệt coi trọng việc tìm cách liên hệ, kết nối và vận động Hoàng đế Bảo Đại chấp nhận thoái vị, nhường quyền quản lý cho chính quyền cách mạng. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế đã cử ông Tôn Quang Phiệt liên hệ với nhà vua thông qua Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe – một người có tư tưởng yêu nước và tiến bộ, là người trực tiếp làm việc bên cạnh vua Bảo Đại.

Sau khi cụ Hoè đi gặp Tôn Quang Phiệt, được cách mạng giao nhiệm vụ vận động vua Bảo Đại thoái vị. Về nhà Cụ liên tục soạn các sách lịch sử để hiểu rõ hơn những trường hợp của vua Luis XVI ở Pháp, Vua Nicolai II của nước Nga và các vị vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc và nhận thấy mình có đủ lý do để giúp vua Bảo Đại thấy cần phải thoái vị.

Khi phong trào Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra mạnh mẽ, nhiều người khuyên vua Bảo Đại nên dựa vào Nhật – Pháp chống lại Việt Minh. Riêng Phạm Khắc Hòe lại khuyên nhà vua trao ấn kiếm, viết chiếu thoái vị. Sáng ngày 17/3/1945, sau khi nghe Cụ nói về độc lập thật, độc lập giả, nói về Huỳnh Thúc Kháng thì Bảo Đại đã có sự chuyển biến tư tưởng và đưa cho Đổng lý Ngự tiền Văn phòng tờ giấy mà chính mình tự tay viết với nội dung: “Từ nay Trẫm sẽ tự cầm quyền và chế độ chính trị sẽ căn cứ vào khẩu hiệu “Dân vi quý”.

Vào ngày 17/8/1945, tại cuộc họp Nội các dưới sự điều hành của vua Bảo Đại, sau khi thống nhất các nội dung, Phạm Khắc Hoè đã dự thảo một văn bản (sau này gọi là “Chiếu động viên quốc dân”)  với 3 nội dung sau:

Thứ nhất là khẳng định tư cách và ý chí của dân tộc ta quyết tâm giữ vững nền độc lập

Thứ hai là kêu gọi mọi người ái quốc ra phò vua, giúp nước

Thứ ba là nêu cao tinh thần hy sinh của Hoàng đế với nội dung: “Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phương diện. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh giống như Trẫm”.

Trước khi chấp nhận thoái vị, vua Bảo Đại vẫn thắc mắc không biết lãnh tụ Việt Minh là ai, liệu có đồng ý giữ chính thể quân chủ hay không? Trước thắc mắc đó, cụ Hoè đã đến gặp Tôn Quang Phiệt kể chuyện về việc vận động nhà vua thoái vị và đồng thời hỏi anh Phiệt cho biết người cầm đầu Việt Minh là ai? Sau khi nghe Phạm Khắc Hoè kể câu chuyện mang màu sắc thần bí “Đụn sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”, thánh ở đây là Nguyễn Ái Quốc cũng chính là Hồ Chí Minh, lại thêm câu chuyện vào ngày Quốc Khánh (ngày Gia Long lên ngôi), Bảo Đại đi từ điện Kiến Trung ra điện Càn Long rồi mới lên kiệu ra Thái Hoà dự lễ. Khi Bảo Đại vừa bước lên kiệu thì ngay chỗ Vua vừa đi qua một cái rầm vừa rơi xuống ngay giữa hành lang, nếu nó rơi sớm dăm bảy giây thì Bảo Đại đã chết rồi. Đức Từ Cung cho rằng đó là Phật Thánh báo hiệu cho biết một bước ngoặt rất lớn sắp xảy ra trong đời vua Bảo Đại, nhưng nhà vua vẫn an toàn, vô sự. Phạm Khắc Hoè lý giải rõ hơn: “Cái rầm to tướng rơi tức là thực dân Pháp đổ từ nay không có Tây đứng bên cạnh Ngài nhưng Ngài vẫn an toàn vô sự nhờ có sự che chở của cách mạng”. Từ các sự kiện liên tiếp đã tác động đến tư tưởng, vua Bảo Đại bật ngay ra một câu tiếng Pháp“Ca vaut bien le coup alors” nghĩa là: “Như vậy thì thật đáng thoái vị”; “Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới .

Sau khi Bảo Đại quyết định thoái vị, Phạm Khắc Hoè liền gửi ngay cho Uỷ ban Nhân dân Cách mạng văn bản với nội dung: “Ngài vui lòng thoái vị ngay và sắp đặt sẵn sàng, nhưng vì có trách nhiệm với lịch sử và toàn thể quốc dân, muốn chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng. Ngài mong ông Chủ tịch Chính phủ Nhân dân Cách mạng lâm thời về gấp Thuận Hoá để Ngài giao chính quyền và Ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy”Chiếu thoái vị của nhà vua được cụ Phạm Khắc Hòe đưa ra niêm yết tại Phu Văn Lâu từ ngày 25/8/1945 và được vua Bảo Đại tuyên đọc trước toàn thể quốc dân, đồng bào vào chiều ngày 30/8/1945, tại lầu Ngọ Môn trong lễ Tuyên bố thoái vị và bàn giao mọi quyền lực cho đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đầu tháng 9/1945, cựu hoàng Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cựu Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cũng trở thành một công dân nước Việt Nam mới, được cách mạng giao cho chức Giám đốc Nha Pháp chính Bộ Nội vụ, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, Cố vấn kiêm Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị đàm phán với Pháp ở Đà Lạt và Fontainebleau. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Chính phủ trở về thủ đô, ông nhận chức Vụ trưởng Vụ Dân chính kiêm Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng, từ năm 1961 được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều khóa liên tục, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Bảng vàng danh dự (có 3 con đi bộ đội); Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.

Nói về việc làm của mình , trong tập hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Cụ Phạm Khắc Hoè đã viết: “Tôi làm việc theo tiếng gọi của Tổ quốc, theo sự thúc giục của lương tâm, với tấm lòng thiết tha mong muốn nước nhà có một chế độ mới thay thế chế độ vua quan lỗi thời mà cụ hiểu rất rõ”. Có thể nói, để có thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhanh chóng và ít đổ máu, thì Phạm Khắc Hoè bằng những biện pháp khôn khéo, thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị có vai trò rất quan trọng. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu cầu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”. Đó là nét độc đáo của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo tư tưởng nhân văn, chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nghệ thuật khởi nghĩa dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh do Hồ Chí Minh đứng đầu.

Theo LÊ THỊ MAI AN / BẢO TÀNG LỊCH SỬ THỪA THIÊN HUẾ

Tags: , , ,