Cụ Bùi Bằng Đoàn: Từ Bộ Hình Nam Triều đến Quốc hội Việt Nam DCCH

Cụ Bùi Bằng Đoàn (1889 – 1955) là một ông quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực và yêu thương dân chúng trong triều đình Huế. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong thế nên “xuất” hay nên “xử” của một nhà Nho, cụ đã nhận lời mời của Hồ Chủ tịch ra nhậm chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt Chính phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh tư liệu

Tổng tuyển cử 6/1/1946, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội và sau đó được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cụ đã lên Việt Bắc, sát cánh cùng Hồ Chủ tịch trong những thời điểm khó khăn nhất… Cuộc đời của cụ Bùi Bằng Đoàn là một tấm gương tận tụy, vì nước vì dân…

Ông quan thanh liêm

Cụ Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 17/8/1889 (Kỷ Sửu) trong một gia đình Nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Cụ từng đỗ Cử nhân dưới triều vua Thành Thái. Gặp thời Tây học bắt đầu thịnh hành, cụ phải khai thêm 3 tuổi cho đủ để vào học trường Hậu bổ. Đến năm 1933, cụ đã giữ chức Nam triều Tư pháp Bộ Thượng thư, nổi tiếng là ông quan đức độ, thanh liêm, chính trực, chăm dân. Trên công đường ở những nơi cụ làm quan, đều có treo một bảng thông báo “không nhận quà biếu”.

Với người nhà, cụ rất nghiêm khắc, cấm tiệt việc nhận quà, nếu lỡ nhận rồi thì phải mang đi trả lại. Khi làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ đã đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo lập được một vùng lúa, dâu rộng lớn. Ghi công đức cụ, dân địa phương đã làm lễ tế sống vị “phụ mẫu chi dân” trẻ tuổi ngay nơi nhậm chức. Năm 1925, trước việc báo chí lên án cảnh phu đồn điền ở miền Nam bị bóc lột dã man, Chính phủ Nam Triều đã cử Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của Pháp. Cụ đã tiến hành thanh tra thấu đáo, viết một bản báo cáo dày đến 100 trang bằng tiếng Pháp nêu bật lên những điều vô lý trong chính sách đối với phu đồn điền. Những kiến nghị xác đáng của bản báo cáo đã được nhà đương cục chấp nhận, giảm thiểu những chế độ hà khắc đối với công nhân đồn điền cao su thời đó.

Cụ Bùi Bằng Đoàn là một người đặc biệt thông minh, theo Nho học nhưng rất giỏi Toán, nhất là môn đại số. Còn đối với Pháp văn, cụ là người tinh thông. Chính vì thế, năm 1925, mặc dù đang làm tri phủ Nghĩa Hưng nhưng vẫn được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án cụ Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, Bùi Bằng Đoàn đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu để rồi sau đó tòa án đã không khép được cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống hình thức “an trí ở Huế”. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ, Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia Chính phủ bù nhìn, cáo quan về quê. Tuy nhiên, Chính phủ Nam Triều đã mời cụ ở lại bằng được và giao giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Ở thời điểm “đêm trước” của cách mạng, tổ chức Việt Minh đã tiếp xúc và mời cụ làm Hội trưởng Hội Bảo vệ tù chính trị. Và cụ đã đến với Việt Minh, đến với cách mạng một cách tự nhiên, như phẩm chất vốn có trong con người chính trực của cụ.

Một lòng theo cách mạng

Ông Bùi Nghĩa, con trai cụ Bùi Bằng Đoàn kể lại: Không biết cụ đã tham gia Việt Minh từ bao giờ nhưng kế hoạch tổ chức mít tinh ngày 17/8 như thế nào, Việt Minh sẽ nhân dịp đó tổ chức diễn thuyết ra sao cụ đều biết cả. Ngày 2/9/1945, cụ được mời tham gia dự lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình. Tại buổi lễ đó, cụ Bùi Bằng Đoàn đã gặp Hồ Chủ tịch và cụ Hồ đã có nhã ý mới cụ Bùi tham gia chính quyền cách mạng. Việc này, cụ đã kể lại cho con cháu trong nhà ngay sau đó. Tuy nhiên, khi cách mạng thành công, theo lẽ thường, cụ đã “treo ấn, từ quan” về an trí ở quê nhà Liên Bạt, Hà Tây. Sống trong cảnh điền viên chẳng được bao lâu, ngày 17/11/1945, cụ nhận được thư của Hồ Chủ tịch mời ra gánh vác việc nước. Bức thư viết: “Thưa Ngài/ Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi muốn mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe/Kính thư – Hồ Chí Minh”.

Từ một ông quan thanh liêm, chính trực làm việc dưới triều đình phong kiến, nhận thức rõ đường lối cách mạng và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ lại rời quê, dấn thân vào con đường cách mạng. Tham gia chính quyền mới, cụ đã từng giữ các chức vụ: Cố vấn Chủ tịch nước, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, đại biểu Quốc hội khóa I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội từ tháng 11/1946 cho đến khi tạ thế, tháng 4/1955.

Trong thời gian tham gia cách mạng của cụ Bùi Bằng Đoàn, có hai sự kiện đáng ghi nhớ. Một là, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 18/12/1946, cơ quan Ban Thường trực Quốc hội phải sơ tán đến địa điểm mới và ngôi nhà của cụ tại thôn Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Tây trở thành trụ sở làm việc của Ban Thường trực Quốc hội một thời gian. Hai là, thời gian ở Việt Bắc cụ lâm bệnh nặng, cuối năm 1948 Hồ Chủ tịch và T.Ư đã quyết định đưa cụ về xuôi để dưỡng bệnh. Khi về gần đến nhà thì gặp lính Pháp đang càn quét ở Vân Đình, cụ phải lánh đi. Khi đó, một mình cụ bà Trần Thị Đức ở nhà, đang cất dấu tài liệu của Quốc hội, của Đảng thì bị giặc Pháp ập vào và bắn chết. Sự hy sinh của cụ bà mãi tới năm 1955, khi về thăm nhà cụ Bùi mới được biết.

Cụ Bùi Bằng Đoàn làm việc trong một thời gian ngắn tại chiến khu Việt Bắc. Tại đây, mối thâm giao giữa cụ Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn không chỉ là tình cảm cách mạng mà còn là của những người bạn tri âm. Có lẽ ai cũng biết bài thơ Hồ Chủ tịch tặng cụ Bùi Bằng Đoàn:

“Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi ghe nghiêng soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ Xuân tặng một bài”…
Cụ Bùi cũng đã có bài thơ họa:
“Sắt đá một lòng vì chủng tộc
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù”.

Ở núi rừng Việt Bắc kham khổ, gặp bạo bệnh, cụ phải giao việc của Ban Thường trực Quốc hội lại cho cụ Tôn Đức Thắng và cụ Tôn Quang Phiệt để về xuôi chữa bệnh. Tuy xa T.Ư, xa Hồ Chủ tịch nhưng cụ vẫn thường xuyên liên hệ với chiến khu, vẫn thư từ và gửi góp ý cho T.Ư và Chính phủ về những vấn đề mà cụ quan tâm. Thỉnh thoảng, cụ vẫn trả lời phỏng vấn, viết báo để động viên quân, dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Từ Thượng thư Bộ Hình Nam triều, chuyên lo việc xử án nổi tiếng thanh liêm, chính trực, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc, của chế độ cũ – mới để tham gia chính quyền cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Việt Nam. Đức thanh liêm và tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của cụ Bùi Bằng Đoàn thật đáng để chúng ta kính trọng và học tập.

Theo NGUYỄN MINH ĐỨC / KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: , , ,