Chuyện viên kim cương người Anh ‘trấn lột’ của Ấn Độ để gắn vào vương miện Hoàng gia

Koh-i-Noor là một trong những viên kim cương lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới. Hiện viên kim cương này được trang trí trên vương miện của Hoàng gia Anh.

Lịch sử ban đầu của viên kim cương Koh-i-Noor vẫn là một ẩn số. Người ta chỉ biết rằng nó được tìm thấy ở khu vực Kollur thuộc vương quốc Kakatiya. Kakatiya là triều đại Ấn Độ cai trị phần lớn khu vực phía đông Deccan bao gồm Telangana và Andhra Pradesh ngày nay, và các phần của phía đông Karnataka và nam Odisha trong khoảng từ thế kỷ 12 đến 14.

Năm 1323, Koh-i-Noor lần đầu bị sang tay bằng vũ lực. Ulugh Khan – anh trai và là tướng của người cai trị Vương quốc Hồi giáo Delhi Alauddin Khalji – đánh chiếm Vương quốc Kakatiya và viên kim cương bị tước lấy làm chiến lợi phẩm.

Koh-i-Noor đã qua tay nhiều vua chúa cho đến Babur, vị hoàng đế đầu tiên của đế quốc Mughal. Nó đã từng thuộc về hoàng đế rất nổi tiếng đó là Shah Jahan của Mughal (1592 – 1666), người đã cho xây dựng ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal.

Năm 1739, sau cuộc chinh phạt Ấn Độ của đế quốc Ba Tư, Nadir Shah của nhà Afsharid đã giành quyền sở hữu và đặt tên cho viên kim cương là Koh-i-Noor (tiếng Ba Tư nghĩa là “Ngọn núi của ánh sáng”). Nhưng Koh-i-Noor được cho là không mang lại may mắn cho những người đàn ông nếu họ mang nó. Theo truyền thuyết, chỉ có các vị thánh hoặc phụ nữ mới có thể mang viên kim cương Koh-i-Noor trên người và bất cứ người phụ nữ nào mang nó sẽ có quyền lực tối thượng. Có người cho rằng vua Nadir Shah bị ám sát năm 1747 là ứng nghiệm lời nguyền của viên kim cương.

Sau khi Nadir Shah băng hà, viên kim cương rơi vào tay của một trong số những tướng lĩnh của ông là Ahmad Shah Durrani, người về sau trở thành vua Afghanistan. Năm 1809, một trong số những hậu duệ thừa kế của vương quốc Durrani đã buộc phải cống viên kim cương Koh-i-Noor cho vị vua vương quốc Sikh quyền lực tại Punjab (thời đó thuộc Ấn Độ, nay thuộc Pakistan) là Maharaja Ranjit Singh. Tuy nhiên, người Sikh đã bị đánh bại bởi thực dân Anh trong 2 cuộc chiến tranh.

Năm 1849, sau khi tuyên bố Punjab là một phần của Đế quốc Anh, quân Anh đã ra lệnh cho vua Sikh dâng kim cương Koh-i-noor cho nữ vương Victoria của Anh. Năm 1850, dưới áp lức quân sự của người Anh, Maharaja đã buộc phải dâng kim cương. Đây là lần cuối cùng Koh-i-Noor được sang tay như chiến lợi phẩm.

Một bản sao của viên kim cương Koh-i-Noor.

Năm 1852, Koh-i-Noor đã được cắt để có trọng lượng hiện tại là 105,6 carat (so với trọng lượng ban đầu là 186 carat). Dù đã chi trả gần 8.000 bảng Anh cho việc cắt hơn 40% trọng lượng, Hoàng tử Albert (chồng nữ vương Victoria), người giám sát việc gia công kim cương, vẫn chưa ưng ý với thành phẩm này. Từ đó Koh-i-Noor cũng mất ngôi vị “viên kim cương lớn nhất thế giới”.

Bởi viên kim cương này chưa từng bị bán nên thật khó để xác định chính xác trị giá. Màu sắc, độ tinh khiết, kích thước và bề dày lịch sử đã khiến cho viên kim cương trở nên vô giá. Theo một số ước tính, Koh-i-Noor có thể có trị giá hơn 20 tỷ USD.

Sau khi giành độc lập vào năm 1947, Ấn Độ kiên quyết đòi Anh trao trả lại viên kim cương. Họ cho rằng Koh-i-Noor đã bị lấy bất hợp pháp và phải trả lại cho Ấn Độ. Một số quốc gia khác gồm Iran (Ba Tư cũ), Afghanistan và Pakistan cũng yêu cầu trả lại viên kim cương này cho mình. Các nước này đã đưa ra bằng chứng trong lịch sử rằng họ đã sở hữu Koh-i-Noor.

Trong số các quốc gia kể trên, Ấn Độ được coi là “chủ nhân” hợp pháp nhất bởi nơi đây có hầm mỏ tìm thấy viên kim cương và cũng là nơi mà viên kim cương thuộc sở hữu cuối cùng trước khi bị đế quốc Anh cưỡng chiếm.

Nhưng chính phủ Anh khẳng định việc họ có Koh-i-Noor là hợp pháp và không chấp thuận việc trả lại, đồng thời tuyên bố viên kim cương này là di sản lịch sử của Anh Quốc. Việc nước Anh hoàn trả viên kim cương có lẽ sẽ làm nảy sinh thêm vô số yêu cầu không mong muốn khác từ những quốc gia từng bị đế quốc Anh cướp bóc trong lịch sử, và người Anh chẳng ngu gì mà làm vậy.

Koh-i-Noor từng ngự trên vương miện của thái hậu Elizabeth (mẹ của Nữ hoàng Elizabeth II – người vừa qua đời ngày 8/9/2022) tại lễ đăng quang của vua George VI. Năm 2002, khi thái hậu Elizabeth qua đời, Koh-i-Noor lại có mặt trên chiếc vương miện được đặt ở quan tài của bà.

Hiện tại, chiếc vương miện đính viên kim cương nổi tiếng này được trưng bày tại Tháp London ở thủ đô nước Anh.

Theo KHÁM PHÁ THẾ GIỚI

Tags: ,