Chuyện về trung tâm cai nghiện thuốc phiện thời vua Tự Đức

Để giúp những người nghiện hút cai nghiện, vua Tự Đức từng cho bàn định đặt nơi cai nghiện, cho người đi tìm mua các phương thuốc.

Chuyện về trung tâm cai nghiện thuốc phiện thời vua Tự Đức

Sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839 – 1842), tình trạng buôn bán thuốc phiện lậu vào Đại Nam ngày càng phổ biến, dẫn tới cái hại cho dân, cho nước. Bản thân các vua triều Nguyễn đều hiểu cái hại của nha phiến: “Thuốc phiện là thứ thuốc mê, cái hại rồi đến khuynh gia bại sản, hại tính mệnh người”.

Vì vậy, các vua nhà Nguyễn muốn dùng nhiều biện pháp răn trừng, nghiêm cấm để mong ngăn được tệ hút thuốc phiện. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc phiện vẫn diễn ra trong dân chúng, thậm chí cả trong hàng ngũ quan lại. Đặc biệt, ở thời Tự Đức có rất nhiều quan lại hút trộm thuốc phiện.

Năm Tự Đức thứ 7 (1854), loạt quan lớn đã tự thú và bị tố giác hút trộm thuốc phiện, trong đó có Thống chế Trương Tiến, Thị lang Nguyễn Đồng Khoa, Lãnh binh Đỗ Phó, Phạm Văn Huy, Bố chánh Lê Thúc Đôn. Ngay sau đó, các quan viên này đều bị cho giải chức để cai nghiện.

Cũng trong năm đó, Tuần phủ Hưng Hóa Phan Tĩnh can vào khoản hút trộm thuốc phiện bị giải về Kinh. Trong Châu bản triều Nguyễn viết: “Tuần phủ Hưng Hoá Phan Tĩnh can vào khoản hút trộm thuốc phiện đã có chỉ phê chuẩn giao cho đình thần tư gọi về Kinh xét nghiệm”. Trong Đại Nam thực lục cũng chép: “Tĩnh vì hút thuốc phiện, bị tham hặc, cho nên phải đòi về Kinh để xét nghiệm”.

Tiếp đó là Thự Lãnh binh Thanh Hóa Phan Văn Huy, Án sát Lạng Sơn Lê Tăng Mậu đều can vào khoản hút trộm thuốc phiện khiến người thì bị về Kinh để kiểm nghiệm, người thì bị giải chức để cai nghiện.

Tuy năm Tự Đức thứ 18 (1865) cho đánh thuế thuốc phiện nhưng vẫn “cấm ngặt” quan viên hút thuốc phiện và cho đánh thuế nặng vào dân thường hút để mong sợ mà bỏ. Chính sử chép: “Thuốc phiện lệ có cấm ngặt, nhưng dân ngu đã mắc thành nghiện, cấm cũng khó chừa, chỉ làm lợi cho kẻ buôn bán lén lút mà thôi, chi bằng bỏ lệ cấm đi mà đánh thuế, phải đánh thuế rõ nặng để cho người bán ít đi, mà người hút cũng ít, thế là không cấm mà cấm, cũng là cái kế biến thông” nhưng “các quan chức, theo lệ vẫn cấm ngặt”. Song, tệ hút thuốc phiện vẫn còn.

Để giúp những người nghiện hút, vua Tự Đức từng cho bàn định đặt nơi cai nghiện, cho người đi tìm mua các phương thuốc. Theo nội dung bản tấu ngày 19 tháng 2 năm Tự Đức 31 (1878) của Bộ Hộ trong Châu bản triều Nguyễn cho biết: “Tháng Chạp năm ngoái bộ thần đem lời xin của Bát phẩm Phan Tôn xin đặt ty Cai nghiện thuốc phiện để giải trừ bệnh nghiện nha phiến cho dân tâu lên đầy đủ. Phụng Châu phê: Gần đây, nhật báo nói rằng có phương thuốc rất hiệu nghiệm, kiểm tra cho chính xác và hỏi Lê Điều”.

“Ngày 23/2 năm nay theo tờ phúc của nguyên Khâm phái thần Lê Điều trình rằng: Năm ngoái đến Hương Cảng thấy có bán các loại thuốc bột giới dương yên. Bộ thần đã trình xin sao lục đơn này gửi cho các tỉnh có thuyền nước Thanh đến buôn bán có giữ, mua được bao nhiêu đem về nộp để trị bệnh. Đã sức cho mua được 1 gói và 1 đơn về phương pháp điều trị. Bộ thần vâng xét thấy bệnh nghiện nha phiến là 1 bệnh nặng, nhiều lần đã tìm phương pháp tẩy trừ mà vẫn chưa hiệu nghiệm. Nay xin do phủ thần Thừa Thiên mua 1, 2 gói về chữa. Nếu hiệu nghiệm làm tờ tấu ngay”.

Sử liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết thêm, năm Tự Đức thứ 33 (1880), nhà vua đã sắc xuống cho quan ở các địa phương xem xét trong hạt nếu có người nào có thể chữa trị bệnh nghiện thuốc phiện thì tâu báo.

Đặc biệt, trong các bản tấu liên quan tới việc xin đặt ty Cai nghiện thuốc phiện, tìm người có phương pháp chữa trị và thuốc cai nghiện đều có bút tích ngự phê của vua Tự Đức.

Điều này cho thấy sự quan tâm giải quyết tệ hút thuốc phiện “lưu truyền độc hại cho bản thân người ta và trong nước”. Đồng thời, trong những năm tại vị, vua Tự Đức đã nhiều lần trăn trở, cho Đình thần nghị bàn tìm giải pháp ngăn chặn vấn nạn thuốc phiện đang gây hại cho dân, cho nước. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử đã khiến vua Tự Đức gặp nhiều trở ngại và bất lực khi giải quyết vấn nạn này.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,