Chuyện về 14 chiến sĩ Triều Tiên hi sinh cho cuộc đấu tranh của Việt Nam

Những trận không chiến oanh liệt để bảo vệ bình yên bầu trời miền Bắc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ. Nhưng 14 tấm bia mộ liệt sĩ Triều Tiên ở khu đồi rừng Hoàng (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) ngày ngày vẫn nhắc nhớ về những người bạn nước ngoài đã đổ máu cho độc lập của Việt Nam.

Chuyện về 14 chiến sĩ Triều Tiên hi sinh cho cuộc đấu tranh của Việt Nam

Sự kiện Mỹ tấn công cảng Hải Phòng ngày 5/8/1964 chính thức đánh dấu cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta lan rộng ra phạm vi cả nước. Những trận chiến trên không oanh liệt nhất của quân dân miền Bắc đã ghi được nhiều chiến công vang dội. Với những chiếc MiG-17, MiG-19 được cải tiến của Liên Xô, các chiến sĩ không quân Việt Nam đã hạ gục hàng loạt máy bay chiến đấu hiện đại của không lực Mỹ thời đó như F4, F111…

Tiếng vang về chiến công diệt máy bay Mỹ của quân dân miền Bắc đã bay khắp thế giới, trong đó có đất nước CHDCND Triều Tiên ở phía đông mặt trời mọc. Ngưỡng mộ thành tích của Việt Nam, ngay trong năm 1965, 12 sĩ quan và hai chiến sĩ không quân Triều Tiên đã được cử sang miền Bắc Việt Nam học hỏi kinh nghiệm chiến đấu.

Nơi đón tiếp họ là đơn vị không quân thuộc Quân đoàn 2 đóng tại sân bay dã chiến Kép (Hà Bắc cũ).

Các chiến sĩ Triều Tiên được những sĩ quan của ta ở sân bay Kép truyền đạt tỉ mỉ kỹ thuật lái máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-23 và chiến thuật tiêm kích trên không. Trong đó có một đặc điểm nổi trội của chiến tranh Việt Nam mà các chiến sĩ Triều Tiên học hỏi được là nghệ thuật đánh du kích trên không với khả năng lấy yếu thắng mạnh, phản ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh thực tế. Ngay trong năm 1965, khi bom đạn của máy bay Mỹ đang bắn phá điên cuồng miền Bắc, các chiến binh không quân Triều Tiên đã xung phong ra trận.

Cuộc chiến đấu của đội chiến binh Triều Tiên chủ yếu diễn ra trên vùng trời các tỉnh ven Hà Nội như Hà Bắc, Vĩnh Phúc và Hải Hưng. Với lòng cảm tử đặc trưng của dân tộc Triều Tiên đã chiến đấu là phải quyết tiêu diệt bằng được đối phương, không bảo vệ được phi cơ thì chiến binh cũng sẽ hi sinh theo nên trong các đợt xuất kích, 14 chiến binh Triều Tiên đều không trang bị dù cũng như các thiết bị thoát hiểm khác. Thậm chí một cựu chiến binh cùng thời với họ cho biết họ còn tự khóa chân mình vào chân ghế máy bay.

Ngày 24/9/1965, sau một số trận đánh khá thành công thì một tin buồn ập tới. Đó cũng là khúc mặc niệm bi tráng đầu tiên vang lên trên bầu trời Hà Bắc khi chàng chiến binh trẻ tuổi nhất trong số 14 người Triều Tiên tên Ươn-Hông-Xang (19 tuổi) anh dũng hi sinh. Đó là một trận đánh ngay ở vùng sân bay Kép. Xang hi sinh khi bắt đầu xuất kích. Trong năm 1966, cuộc chiến đấu của đội quân Triều Tiên vẫn diễn ra nhưng không có ai trong số họ hi sinh. Đến năm 1967, họ mất thêm 12 người. Người chiến sĩ Triều Tiên cuối cùng tên Kim-Chi-Hoan nằm xuống dưới bầu trời Việt Nam vào ngày 12/2/1968. 11 người đã nằm xuống dưới bầu trời Hà Bắc, hai ở Vĩnh Phúc và một ở Hải Hưng.

Như vậy chỉ trong chưa đầy ba năm, tất cả 14 chiến sĩ Triều Tiên được cử sang học hỏi rồi tình nguyện chiến đấu ở Việt Nam đều hi sinh. Theo đánh giá của một số cựu chiến binh thuộc Quân đoàn 2, trong thời gian đó những trận đánh của 14 chiến sĩ Triều Tiên góp phần cho thành tích tiêu diệt không lực Mỹ ở miền Bắc. Họ giúp bắn rơi và thiêu hủy hàng chục máy bay Mỹ trong thời gian ba năm. Tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm của họ làm vẻ vang sân bay dã chiến Kép thời đó. Sự hi sinh oanh liệt của họ xứng đáng được tưởng nhớ, biết ơn.

Do điều kiện chiến tranh, quân đội Triều Tiên đã đề nghị chôn cất các sĩ quan, chiến sĩ hy sinh tại Việt Nam. Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam sau khi tìm hiểu đã chọn mảnh đất ở xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang làm nơi an táng các liệt sĩ.

Đến năm 2002, Triều Tiên tổ chức cất bốc hài cốt các liệt sĩ về nước. Sau đó tỉnh Bắc Giang đầu tư, tôn tạo nơi đây thành khu tưởng niệm các liệt sĩ quân đội Triều Tiên.

.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , , , ,