‘Chuyện tử tế’: Một kiệt tác của nền điện ảnh tài liệu Việt Nam

Ít có bộ phim nào mở đầu vừa triết lý vừa mộc mạc tới vậy: “Người biên tập bộ phim này cho hay từ rất xa xưa có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, trong mọi nhà, dòng họ, mỗi dân tộc…

…Hãy bền bỉ đánh thức nó… bởi thiếu nó một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người – người tử tế“.

Bộ phim tài liệu nổi tiếng Chuyện tử tế bắt đầu từ câu chuyện ngày giỗ đầu của nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết (1940 – 1986). Những thước phim hồi tưởng lại hình ảnh đạo diễn Trần Văn Thủy với nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết. Trên giường bệnh, nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết tâm sự với bạn bè, sau những cơn đau xé ruột thì những lúc tỉnh táo thì ông thích đọc sách và rất thích đoạn luận về tâm hồn và thể xác trong cuốn sách Quy luật của muôn đời của nhà văn Nga Dumbatzê.

“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng tới nỗi một người không thể mang nổi bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp cho người khác, người ấy lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của một con người không để chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”, nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết đã đọc cho bạn bè nghe ngay trên giường bệnh những ngày cuối đời…

Hành trình bộ phim cứ thế trên chặng đường đi tìm những câu chuyện tử tế, trả lời cho câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?”. Đạo diễn Trần Văn Thủy đã kéo mạch phim đi theo những phận đời, những hoàn cảnh sống khác nhau. Đó là hình ảnh một giáo viên dạy Toán giỏi phải đi bán rau kiếm sống. Đó cũng là hình ảnh cựu chiến binh từng chiến đấu dũng cảm 8 lần bị thương, với đời thường lăn lộn kiếm sống qua ngày bằng công việc sửa xe đạp…

Lấy đi nhiều nước mắt của người xem trong phim là hình ảnh cậu bé có người mẹ bị hủi. Vì thương con, và chịu sự kỳ thị của người đời, người mẹ ấy chỉ biết đêm đêm, trong cái tối tăm, dù gió bấc mưa phùn vẫn miệt mài đóng từng viên gạch để xây ngôi nhà cho con. Hạnh phúc cuối cùng cũng mỉm cười khi người mẹ hủi ấy được bác sĩ cứu chữa và trở về với cậu con trai. Hình ảnh mẹ dắt con đi dọc bờ sông khiến người xem ấm lòng đến lạ. Đó cũng là một câu chuyện tử tế.

Năm 2016, nhân dịp hơn 30 năm bộ phim Chuyện tử tế được giới thiệu với công chúng, đạo diễn Trần Văn Thủy có chia sẻ rằng, khát vọng của xã hội gồm có những người tử tế, xã hội không có người tử tế thì khó sống lắm. “Trong môi trường đạo đức này, xuất phát từ việc giáo dục chân chính, giáo dục đầu tiên phải dạy là làm người”, ông nói.

Có người nói đạo diễn Trần Văn Thủy dũng cảm khi làm phim, nhưng ông nói mình không nghĩ tới sự dũng cảm nào cả, mà việc tới thì phải làm, phải có trách nhiệm với đất nước. Và cũng bởi tình yêu quê hương đất nước, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, nên ông không có gì phải sợ, và làm phải bằng hết khả năng của mình trong công việc.

Bằng tất cả tài năng và sự gửi gắm “chuyện tử tế”, đạo diễn Trần Văn Thủy đã dồn vào những cảnh kết phim với tâm sự của chính đạo diễn với nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết: “Có dám tranh cãi với ai đâu và có gì mới đâu? Chỉ thương bạn, người đồng nghiệp xấu số, lúc sống và lúc chết đều vui lòng để chúng tôi quay phim. Nỗi bất hạnh to lớn trong quá khứ của gia đình cậu ta kể ra ở đây không tiện. Vậy mà vẫn tự cậu ta đùa bỡn với chính cái chết của mình cho đến lời cuối. Cậu ta bảo rằng, tao thèm sống quá, muốn sống nữa để xem chúng mày làm cái phim tao chết như thế nào…”.

Và rồi, cũng chính những lời bình cuối phim khiến suy tư của mỗi người như mở rộng hơn: “Trải qua một thời gian rất dài chúng tôi mới chiêm nghiệm được rằng: để thấu hiểu nỗi đau của một con người không phải là một việc dễ dàng gì. Không dễ dàng gì nhất là khi ta không sống cuộc sống người đời. Chỉ có sống cuộc sống của người đời, chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui của người đời thì may ra mới hiểu được, nghĩ được và làm được đúng đôi điều… Và cuối cùng dù nhọc lòng và mất công những điều chúng tôi – những nhà làm phim biết được chỉ như một giọt nước, mà những điều chưa biết lại là biển cả”.

Chuyện tử tế là một bộ phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy, được sản xuất năm 1985. Bộ phim được xem là “siêu phẩm” của Việt Nam khi một tác phẩm phim tài liệu được chiếu độc lập ngoài các rạp chiếu phim, với các suất chiếu dày đặc, thay vì thói quen là phim tài liệu là để “chiếu kèm với phim truyện”. Tác phẩm này cũng là tập 2 của bộ phim tài liệu gây tiếng vang trước đó – Hà Nội trong mắt ai (năm 1982) của đạo diễn Trần Văn Thủy.

Chuyện tử tế đã giành giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức và được 12 đài truyền hình quốc tế mua bản quyền để phát lại. Cho đến nay đây vẫn được đánh giá là một trong những bộ phim tài liệu xuất sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy cùng với các tác phẩm nổi tiếng của ông như Những người dân quê tôi, Hà Nội trong mắt ai, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai…

Với những sự chiêm nghiệm ở hiện tại, sức sống của bộ phim còn nguyên giá trị, khi câu chuyện về “việc tử tế, người tử tế” vẫn là đề tài bàn luận hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Không ít khán giả sau khi xem bộ phim này đã cho rằng “Chuyện tử tế tưởng đơn giản, nhưng làm được lại không đơn giản. Bộ phim này lột tả được một phần lớn thực trạng thời bấy giờ và thời nay”; hay “Một bộ phim đi trước thời đại với những triết lý đơn giản của cuộc sống”. Bởi vậy, nếu có thể bạn hãy dành chút thời lượng để xem lại tác phẩm từng được nhận định là “một trong những bộ phim tài liệu cần thiết công chiếu cho nhân loại” này.

Theo HOÀNG VÂN / DÂN TRÍ 

Tags: ,