Chuyện ăn Tết của vua Minh Mạng

Vua Minh Mạng lên ngôi đúng ngày mùng Một Tết. Ngay sau khi lên ngôi vua ban chiếu miễn thuế cho dân, thưởng cho tôn thất và các quan. Mùng 2 Tết, làm lễ cúng vua cha, mùng 3, yết các miếu thờ tổ tiên.

Chuyện ăn Tết của vua Minh Mạng

Lăng vua Minh Mạng.

Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm (1791-1841), là vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Ông là vị vua làm việc rất chăm chỉ, Đại Nam dưới thời trị vì của ông là quốc gia hùng mạnh bậc nhất trong khu vực, khiến ngoại bang nể sợ. Vua Minh Mạng lên ngôi ngày mùng Một Tết năm Canh Thìn (1820). Sử cũ ghi lại tương đối đầy đủ những hoạt động của nhà vua trong ngày Tết.

Ngay sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng ban chiếu gồm 16 điều đặc ân như miễn thuế cho nhân dân, ban thưởng cho tôn thất và các quan. Ngày mùng Hai Tết, làm lễ cúng vua cha, ngày mùng 3, vua yết các miếu thờ tổ tiên rồi sau đó, ban tặng bạc và thưởng cơm rượu cho các bậc kỳ lão trong kinh kỳ.

Trong năm ở ngôi đầu tiên, vua Minh Mạng vẫn đang trong thời gian để tang vua cha là vua Gia Long. Sau lễ giỗ lần đầu (lễ Tiểu tường) vua Gia Long vào ngày 19 tháng Chạp, vua Minh Mạng bàn với quần thần về nghi lễ Nguyên đán.

Lễ Nguyên đán

Quần thần tâu rằng sau lễ Tiểu tường, nhà vua có thể chủ trì lễ tế được rồi, và đề xuất đúng ngày Chính đán (mùng Một Tết), nhà vua nên thân hành yết Thái miếu (nơi thờ phụng các vị chúa Nguyễn). Các quan tham gia làm bồi tế, sau đó nhà vua về ngự điện ở Cần Chính, đổi mặc áo thường, các quan vẫn mặc triều phục, đợi ở sân điện Thái Hoà để vào triều kiến. Còn ngày thường thì nhà vua vẫn mặc áo trắng ngự ở Tiện điện mà nghe chính sự để trọn số tháng cư tang. Nhà vua nghe theo lời bàn đó.

Do đó, vào ngày mùng Một Tết năm sau, tức năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, đeo đai ngọc, tiến hành tế Thái miếu, sau đó ban lệnh miễn lễ triều hạ cho các quan.

Sau đó vua đổi áo thường, ngự ở điện Cần Chính, các quan vào chiêm bái. Nhà vua ban cho các quan bạc thay cho việc đãi yến theo thứ bậc khác nhau.

Ngày mùng 2, nhà vua dâng lễ lớn ở điện Hoàng Nhân, nơi thờ vua Gia Long. Đến ngày mùng 7 thì chính thức khai ấn.

Ngày mùng 10, nhà vua cho tiến hành duyệt binh. Nhà vua mặc nhung phục ngự ở điện Càn Nguyên xem duyệt. Lệ duyệt binh bắt đầu từ đấy. Cũng từ năm này, vua Minh Mạng cho thủy quân diễn tập chèo thuyền và lấy làm lệ thường niên.

Năm Minh Mạng thứ 4, được mùa, khi khai bút đầu năm, nhà vua đã tự viết 6 chữ lớn: “Phúc Thọ Thượng Thọ Hữu Niên” vào 4 bức giấy rồng, đưa bảo bầy tôi rằng: “Năm mới trẫm khai bút viết sáu chữ ấy, hai chữ “Thượng Thọ” là dâng cung Từ Thọ (nơi ở của Thái hậu), để cầu phúc lớn, hai chữ “Hữu Niên” để cầu cho dân ta năm nay được mùa, hai chữ “Phúc Thọ” để ở bên hữu chỗ ngồi để theo ý nghĩa nhà vua thu phúc mà ban cho dân”.

Vua Minh Mạng cũng thường xuyên làm thơ khai bút đầu xuân. Thường nhà vua ngự ở điện Văn Minh, triệu hoàng thân và văn võ đại thần cho ngồi, ban nước chè uống, bình thơ vua làm. Trong số rất nhiều bài thơ xuân của nhà vua, bài “Ngày Tết Nguyên đán khai bút”, có câu:

“Canh diệt tứ thời nhưng phục thuỷ,
Ưu cần nhất niệm hựu tòng đầu…”.

(Bốn mùa thay đổi quay vòng mới,
Một dạ chăm lo lại bắt đầu).

Giảm thuế, ban thưởng trong chiếu xuân

Trong thời gian trị vì, nhiều lần trong chiếu đầu xuân, vua Minh Mạng giảm thuế cho nhân dân, như năm đầu lên ngôi, năm thứ 5, thứ 6, thứ 10… Mức thuế được giảm từ 1 phần 10 đến 4 phần 10, tùy vào tình hình mùa màng của từng địa phương.

Không chỉ ban thưởng cho các quan trong kinh, ngày Tết, vua Minh Mạng cũng nhớ đến các quan ở xa. Năm Minh Mạng thứ 6, nhà vua bảo thị thần rằng: “Sự mừng xuân ban khắp cả bầy tôi mà thành thần Gia Định vì giữ ngoài không được dự yến ở triều đình, trẫm rất lấy làm áy náy”.

Vua bèn sai thị vệ đem phẩm vật ban cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt, các văn võ thuộc thành như Trương Tiến Bửu, Nguyễn Văn Thuỵ, Nguyễn Xuân Thục, Trần Nhật Vĩnh đều được thưởng cả.Không chỉ thưởng cho các quan, vua Minh Mạng cũng ban cho các giám sinh Quốc tử giám mỗi người 10 quan tiền.

Quan bộ Hộ là Nguyễn Hữu Thận nói thưởng thế là quá hậu. Vua trả lời rằng: “Cho con hát đàn bà hầu hạ thì không nên hậu, chứ học trò của báu của nhà nước, ngày nay nuôi để ngày khác dùng, há chẳng nên hậu hay sao ?”.

Ngày đầu năm, nhà vua cũng ban thường cho những người dân sống thọ, như ân chiếu ban hành năm Minh Mạng thứ 11, quy định các kỳ lão trên 100 tuổi ban thưởng 3 lạng bạc, trên 90 tuổi thưởng 2 lạng bạc, trên 80 tuổi thưởng 1 lạng bạc.

Đầu xuân, nhà vua thường xuất hành du xuân ra ngoài thành, như năm thứ 6, ngự ra Đông Giao, khi đi về lệnh giảm thuế thân 1 phần 10 cho dân các xã đi qua, lại thưởng thêm cho dân xã 500 quan tiền. Năm sau, vua xuất hành đi thăm về phía đông Kinh thành, cũng thưởng cho dân ở dọc đường 2.000 quan tiền.

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhân lễ Lục tuần đại khánh của Hoàng thái hậu, đầu năm nhà vua ban ân điển gồm 13 điều, như miễn hết tiền thuế thân, tiền đầu quan, tiền điệu, tiền cửa đình cho cả nước, giảm tiền thóc gạo thuế lệ về điền thổ tới 5 phần 10…

Từ năm Minh Mạng thứ 10, triều đình bắt đầu làm lễ Nghênh xuân và Tiến xuân, tức các lễ đón xuân và tiến thần Câu mang, với con trâu đất, để cầu nguyện cho thời tiết được lành, mùa màng được thuận.

Lễ tế cờ

Năm này, vua Minh Mạng cũng cho đổi lễ Đầu xuân ra quân làm lễ tế cờ. Theo đó, ngày 11 tháng Giêng, nhà vua đặt triều nghi ở điện Cần Chánh để quan Khâm mạng bái mạng. Đến kỳ tế cờ, trước một ngày Hữu ty làm đàn đặt án ở ngoài quách phía nam Kinh thành, án giữa đặt một bài vị “Kỳ đạo chi thân”, án bên trái đặt ba bài vị “Kỳ đầu đại tướng”, “Lục đạo đại tướng”, “Ngũ phương kỳ thần”, án bên phải đặt 4 bài vị “Chủ tể chiến thuyền chính thân”, “Kim cổ dác nạo pháo chi thần”, “Cung thỉ phi thương phi thạch chi thần”, “Trận tiền trận hậu thần kỳ”, đều hướng về phía nam.

Trước án thờ đều bày lễ tam sinh (cúng các loại gia súc trâu, dê, lợn), hai bên có 300 biền binh mang súng, 10 con voi lễ, 3 cố đại bác. Ngày tế cờ, quan Khâm mạng làm lễ, sau đó bắn 3 phát đại bác, rồi trở về phục mạng.

Theo lệ ban yến và thưởng cho các hoàng tử thân công và các quan văn võ, thì các quan từ cấp Chánh ngũ phẩm trở lên mới được dự tiệc. Năm 1828, do là dịp Tứ tuần đại khánh (nhà vua tròn 40 tuổi), nên vua cho đặc cách cho các quan văn từ Chánh lục phẩm trở lên, võ giai thực thụ Suất đội đều được dự.

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), lại ban quy định là vào lễ tết Nguyên đán trong cung đình từ hoàng tử tước công và quan viên văn võ đều cho ăn yến tiệc, thưởng đồ vật có thứ bậc.

Ngoài việc giữ nghiêm lễ tế các vị tổ tiên, vua Minh Mạng cũng yêu cầu tế lễ chu đáo các đền thờ các vua thời trước, như trong dụ ban hành cuối năm Minh Mạng thứ 7 (1826): “Những thành trấn khác có đền miếu thờ tự đế vương, văn thánh các đời mỗi nơi lập một đàn tế tự và phối tế với các miếu thờ thần trong điển tại trị sở”.

Theo LÊ TIÊN LONG / TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , , ,