Chúng ta có thể trốn thoát khỏi bản thân được không?

Bàn về thân phận con người và làm những việc mà chúng ta chưa từng nghĩ mình có thể làm được.

Chúng ta có thể trốn thoát khỏi bản thân được không?

Tác giả: Iskra Fileva, Tiến sĩ, Phó giáo sư triết học tại Đại học Colorado, Mỹ.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-philosophers-diaries/202005/can-we-escape-ourselves

Biên dịch: Chó béo cute.

Đôi lúc, chúng ta đổi việc, đổi người yêu hay chuyển đến sống ở một thành phố khác để tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ, nhưng khi cơn phấn khích lúc ban đầu lắng xuống, chúng ta nhận ra rằng ở mức độ sâu xa hơn thì hầu như chả có điều gì thay đổi: Con người chúng ta vẫn y như cũ. Đời sống nội tâm của chúng ta về cơ bản không hề thay đổi. Chúng ta vẫn có xu hướng – như trước kia – hay suy nghĩ tiêu cực, hay lo lắng hoặc nói điều gì đó mà ý ta không như vậy trong lúc nóng giận bột phát. Và khi đó chúng ta biết rằng,không phải chúng ta đang trốn chạy khỏi một thành phố, một công việc hay một ai đó, mà chúng ta đang trốn chạy khỏi chính bản thân mình.

Chúng ta có thể tìm cách quên đi bản thân bằng cách hoàn toàn đắm chìm vào một hoạt động, chẳng hạn như xem phim, chơi game, hoặc bắt tay vào một dự án. Một số người thì chọn dùng nhiều loại thuốc/ma túy khác nhau để có thể thay đổi trạng thái ý thức của mình.

Những kỹ thuật đó có thể mang lại cho ta một khoảng thời gian được nghỉ ngơi, thư giãn, nhưng hiệu quả chỉ tạm thời. Đến một lúc nào đó, chúng ta không bị kiểm soát và được phép làm theo ý mình, ở một mình với những suy tư trong đầu, rồi ta lại lần nữa đụng phải bản ngã cũ của mình. Như thể có những phần trong chúng ta hành động như kẻ đột nhập chiếm giữ tâm trí chúng ta. Chúng ta muốn loại bỏ những phần đó, và ta có thể tạm thời bắt chúng lặng im, nhưng dù ta có thể giành chiến thắng trong một trận chiến cá nhân chống lại chúng thì có vẻ như ta không thể nào chiến thắng cả cuộc chiến. Những kẻ xâm nhập luôn quay trở lại. Có thể nói là, xin mạn phép ông Sartre, địa ngục không phải là người khác: Chúng ta có thể lựa chọn tránh mặt người khác. Địa ngục là nơi mà chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi, bất kể chúng ta có đi đến đâu: chính là tâm trí của chúng ta. Hoặc dù thế nào đi nữa, khía cạnh ngột ngạt của tâm trí chúng ta.

Người kể chuyện vô danh của cuốn tiểu thuyết hiện sinh Notes from Underground (Hồi ký viết dưới hầm) của tác giả Dostoyevsky đề xuất một chiến lược khác: chấp nhận bản thân và tìm được niềm an ủi khi nhận ra bạn chẳng thể thay đổi. Có lúc người kể chuyện đã đi xa tới mức cho rằng sau nhiều năm vật lộn để vượt qua mặt xấu xa của mình, ông đã chạm đến cảm giác vui mừng (vâng!) với sự đồi bại của mình vì ông thấy đó là thứ không thể thoát được:

“Đến mức tôi còn cảm thấy một nỗi thích thú thầm kín, đê tiện, bất thường khi vào một trong những đêm Peterburg nhơ nhuốc nhất, tôi trở về nhà, về cái xó của mình, và cũng ý thức rõ hơn rằng ngày hôm nay mình lại làm một việc đê tiện, rằng việc mình làm không còn cách gì vớt vát được nữa. Và thế là, tôi lại âm thầm tự đay nghiến, chửi rủa, dày vò mình đến nỗi cuối cùng niềm cay đắng biến thành một cảm giác ngọt ngào nhục nhã, đáng nguyền rủa, và sau rốt trở thành một khoái lạc thực sự. Vâng, đúng thế: khoái lạc! Tôi muốn nhấn mạnh điều đó: khoái lạc! Tôi phải nói ra điều ấy vì lúc nào tôi cũng muốn biết xem những người khác có cảm thấy được những khoái lạc như vậy không… cái khoái lạc ở đây chính là do mi ý thức được quá rõ ràng sự hèn hạ của mi; là do mi cảm thấy bị đẩy tới cái giới hạn cuối cùng; mi biết tình cảm ấy thật là ê chề; nhưng lại không có cách gì chống lại được, rằng mi không có lối thoát nào hết; rằng không bao giờ mi có thể trở thành con người khác được, và cuối cùng, cho dù mi có đủ thời giờ, đủ lòng tin để biến thành cái gì khác đi nữa, thì chưa chắc mi đã muốn mình biến đổi. Hoặc giả nếu có muốn, mi cũng sẽ bất lực chẳng làm gì được, bởi thực sự mi chẳng thể biến thành cái gì hết!” [1]

Loại an ủi này–hoặc nếu bạn muốn, sự cam chịu–thường chỉ mở ra cho những ai tin rằng họ không thể thay đổi. Mấu chốt ở đây là đi từ “Sao mà khó quá” đến “Không thể nào làm được.” Có khả năng là ngay cả một người giỏi cam chịu cũng không cho rằng nhân cách và thay đổi tính cách là việc quá sức. Bởi lý do này mà niềm vui của sự thụ động hầu như không bao giờ trọn vẹn. Vẫn còn đó nỗi hoài nghi dai dẳng rằng chúng ta đã bỏ cuộc quá sớm; rằng chúng ta chưa thực sự cố gắng.

Tuy nhiên, có đôi điều cần nói về chiến lược chấp nhận những phần khó ưa của một người. Lý lẽ ủng hộ cho nó không hẳn là lý lẽ mà người kể chuyện vô danh đưa ra (dù đó có thể là lý lẽ mà Dostoyevsky ám chỉ). Lúc đầu, người kể chuyện tự hỏi bản thân liệu đời sống nội tâm của ông ta có giống với đời sống nội tâm của người khác hay không, và ông đoán là không. Đối với ông, dường như ông là kẻ duy nhất bị dày vò tinh thần. Nhưng thật ra, ông là một người bình thường với một loạt những khó khăn bình thường. Những con quỷ của chúng ta có vẻ kinh khủng đối với chúng ta, vì chẳng ai biết người khác đang phải chiến đấu để vượt qua những suy nghĩ và khuynh hướng gì. Lẽ ra chúng ta nên hiểu rõ hơn. Một số mặt đen tối xấu xa bên trong chúng ta có liên quan đến thân phận con người của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta có thể cải thiện được tính cách và nhân cách của mình thì chúng ta cũng không thể trở thành thành viên của một giống loài khác và trút bỏ gánh nặng làm con người.

Rằng chúng ta không phải là kiểu người mà chúng ta ao ước trở thành không cho chúng ta cơ hội để vui mừng – mặc dù lời tuyên bố khoa trương của người kể chuyện vô danh thì đi ngược lại–nhưng ở mức độ mà những phần đáng ghét của chúng ta cực kỳ phổ biến và dường như đi cùng với thân phận con người, có lẽ chúng ta có thể tha thứ cho bản thân. Tính cách hạnh phúc vui tươi như thiên thần có thể không phải là một lựa chọn cho những sinh vật giống như chúng ta.

Song chúng ta vẫn phải tự hỏi: Chúng ta còn có thể làm được gì khác ngoài việc tự tha thứ cho bản thân? Liệu ta có thể trở thành người khác (dù phải thừa nhận, vẫn còn là con người)?

Tất nhiên là, đôi lúc sự thay đổi sẽ xuất hiện. Nó có thể đến mà không báo trước. Một ngày nọ, bạn nhận ra mình không còn yêu thích thể loại âm nhạc từng khiến bạn xúc động; hoặc đã thấy mỏi mệt với công việc mà nó từng là công việc mơ ước của bạn, hoặc một người mà bạn yêu sâu đậm mà bạn gần như không còn cảm xúc với họ nữa. Chúng ta cũng có thể gặp may và phát triển—mà chẳng cần nỗ lực—theo đúng cách mà ta muốn. Cũng như bạn có thể khám phá ra bạn ngày càng ghét một số thể loại âm nhạc, bạn có thể phát hiện thấy mình không còn sợ hãi trước những thứ từng khiến cho bạn trằn trọc mất ngủ hoặc bạn trở nên bình thản hơn hay bớt lo lắng hơn rất nhiều so với trước kia.

Nhưng chúng ta không thể chỉ biết ngồi đợi cho sự thay đổi thuận lợi xảy ra, cũng như cam chịu không phải là con đường tuyệt vời dẫn đến niềm vui, vì vậy những lúc khác, chúng ta chủ động quan tâm đến bản thân, chẳng hạn như, ta cố gắng để hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, hay bớt nhạy cảm trước những gì người khác nghĩ về ta.

Quả thực, thay đổi bản thân một cách chủ tâm theo những cách này có thể khá khó khăn. Dường như không có khả năng nhào nặn những tính cách của chúng ta theo ý mình khiến chúng ta rốt cuộc nhận ra đó là một sự thất bại trong việc trốn thoát khỏi bản thân ta.

Tuy nhiên, các chiến lược khả thi để tạo ra sự thay đổi dài lâu đã được đề xuất. Một chiến lược đáng đề cập đến là hãy chuyển sự chú ý từ bản thân sang người khác; nghĩ nhiều hơn về người khác và bớt nghĩ đến bản thân ta.

Đây là một vấn đề rất quan trọng, và nó đáng được thảo luận riêng. (Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng hạnh phúc đối với chúng ta nằm ở việc thỏa mãn những ham muốn của bản thân, nhưng trên thực tế, chúng ta thu được những lợi ích to lớn về mặt tâm lý khi làm cho người khác hạnh phúc. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực nghiên cứu về mối tương quan thần kinh của hiện tượng này. [2]) Về phương diện này, người ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi, ví dụ như, nếu bạn làm điều gì đó cho người khác thì có phải bạn là người thực sự hào phóng và biết quan tâm, hay là vì bạn mong đợi việc đó sẽ khiến bạn được hạnh phúc? Và tại sao chúng ta lại không biết rằng ta có thể hạnh phúc hơn khi nghĩ nhiều hơn đến người khác và bớt nghĩ đến bản thân? Nhưng tôi sẽ tạm gác lại những vấn đề đó.

Còn điều gì khác mà tôi muốn bình luận trước khi kết thúc cuộc thảo luận này? Có những lúc mà chúng ta làm được việc gì đó mà chúng ta không nghĩ rằng bản thân mình có thể làm được, chẳng hạn như vượt qua địa hình cực kỳ hiểm trở, lái một chiếc máy bay, hoặc rời bỏ một tổ chức mà chúng ta và mọi người đều tin rằng ta sẽ không bao giờ bỏ. Loại thay đổi sau cùng thường được xem như sự giải thoát. Điều thú vị ở đây là hương vị của sự giải thoát luôn hiện diện trong những trường hợp như vậy ngay cả khi chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng mình không hạnh phúc với bản ngã cũ và luôn sống với giả định rằng những trở ngại bên trong–ví dụ, cam kết với một tổ chức, hoặc sợ độ cao–là một phần của con người chúng ta.

Và có lẽ là vậy. Chúng là một phần của bản ngã mà chúng ta từng là. Chỉ có điều, ngay cả khi chúng ta chấp nhận con người mình, chúng ta vẫn muốn được thoát khỏi nó.

Do đó, chúng ta có thể tiến gần đến việc thoát khỏi bản thân, không phải bằng cách đi đâu hết, mà bằng cách làm những việc mà chúng ta không tin rằng mình có thể làm được. Khi loại trường hợp này được miêu tả trong tiểu thuyết–chẳng hạn, khi bà nội trợ hết lòng vì chồng con Nora trong vở kịch Ngôi nhà búp bê của Ibsen cuối cùng đã quyết định bỏ chồng–chúng ta có thể trải nghiệm được sự giải phóng mang tính đồng cảm thay mặt cho nhân vật. Có một điều gì đó mang tính trao quyền khi ta chỉ đơn giản quan sát người khác làm những việc mà họ chưa từng nghĩ rằng họ có thể làm được. Nhìn thấy một người vượt qua những trở ngại nội tâm và thoát khỏi bản thân anh (cô) ta theo cách này hứa hẹn rằng có lẽ, chúng ta cũng có thể thoát khỏi bản thân và trở thành kiểu người mới; và điều đó có thể, biết đâu đó, theo một cách thức nhỏ bé khiêm tốn, chúng ta có thể thoát khỏi tình cảnh của con người.

——————–

Tài liệu tham khảo:

[1] Dostoyevsky, F. (1864/1992). Notes from Underground. Mineola, NY: Dover Publications, pp. 4-5.
[2] Park, S. et al. (2017). “A Neural Link Between Generosity and Happiness,” Nature Communications 8, 15964.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM

Tags: