Chùm ảnh: Thốt nốt – loài cây kỳ thú của miền Tây Nam Bộ

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cây thốt nốt đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống và văn hóa của các cộng đồng dân cư trong khu vực.

Những hàng cây thốt nôt cao vút, tán lá tròn xoe như quả cầu là một cảnh quan đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Xung quanh loài cây độc đáo này là nhiều điều lý thú ít người biết.

Trên phương diện khoa học, thốt nốt là một loài cây thuộc học cau, phân bố ở các vùng khí hậu nóng tại Nam Á và Đông Nam Á. Ở miền Tây, cây thốt nốt tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang.

Tên gọi cây thốt nốt bắt nguồn từ cách người Khmer gọi loài cây này là “th’not”. Ngoài ra cây còn có tên gọi khác là cây bối đa. Trong hàng ngàn năm lịch sử, cây thốt nốt đã giữ một vai trò đặc biệt quan trong trong đời sống và văn hóa của người dân trong khu vực.

Theo sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thốt nốt là loài cây đa dụng hiếm có: “Thân lớn dùng làm cung tên, nhánh nhỏ dùng làm dây thừng, lá già để đan từng tấm dùng che mưa gió, lá non tước ra làm buồm, chiếu, dùng trong cả nước”.

Ngày nay, cây thốt nốt vẫn là nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho việc lợp mái nhà, đan rổ rá, quạt, nón, ô, làm chất đốt (lá), đóng hàng rào, làm dây thừng (cuống lá), đóng đồ đạc, làm cột nhà, dầm cầu (thân)…

Đặc biệt, người xưa dùng lá thốt nốt già làm một loại giấy viết có thể để được rất lâu. Các nhà sư còn viết kinh Phật trên lá thốt nốt, sau đó lấy từng lá xâu lại thành một thiên (1.000 lá), gọi là kinh lá bối.

Trong văn hóa ẩm thực, cây thốt nốt cũng có rất nhiều ứng dụng. Đầu tiên phải kể đến là quả thốt nốt. Loại quả này to gần bằng quả dừa, vỏ cứng màu đen, mọc thành chùm chi chít như sung, nhìn rất bắt mắt.

Bên trong quả thốt nốt chia thành nhiều múi, mỗi múi to gấp hai hay ba lần múi mít, có cùi trắng ngần nằm trong lớp vỏ mỏng màu vàng. Phần cùi này khi ăn tươi thì mềm, ngọt mát và thơm hơn cả cùi dừa non.

Nguyên liệu ẩm thức khác từ cây thốt nốt là nước thốt nốt, được rút ra từ những bông hoa thốt nốt. Nước thốt nốt ngọt dịu, khi uống chay hoặc chế với cùi thốt nốt tươi tạo thành một đồ uống giải khát vô cùng hấp dẫn.

Nước thốt nốt khi thắng lên sẽ cho ra đường thốt nốt, một đặc sản nổi tiếng của miền Tây. Đường thốt nốt thường được dùng để nấu chè, làm các loại bánh truyền thống, nhưng cũng có thể ăn trực tiếp như một loại kẹo.

Ngoài ra, cây thốt nốt còn có thể dùng làm dược liệu. Theo sách “1.900 loài cây có ích ở Việt Nam”, nước thốt nốt có vị ngọt, tính bình, tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, kiện tỳ, giải nhiệt; dịch nhựa thốt nốt lên men rất bổ dưỡng; cuống cụm hoa thốt nốt được làm thuốc lợi tiểu, giải nhiệt trong xơ gan…

Có một điều thú vị là cây thốt nốt có cây đực và cây cái. Hoa cây cái có thể kết trái, còn hoa cây đực thì không. Vì vậy mà người ra thường dùng cây cái để thu hoạch trái, còn cây đực để thu hoạch nước.

Với tầm quan trọng đặc biệt trong cộng đồng, tại nhiều vùng đất, cây thốt nột được coi như biểu tượng văn hóa của địa phương, như Tamil, Nam Sulawesi, Indonesia và Campuchia. Trong khi đó ở Việt Nam, loài cây này đã trở thành một bản sắc văn hóa của miền Tây Nam Bộ…

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,