Chùm ảnh: Thành cổ Quảng Trị – mỗi tấc đất là một tấc máu xương

Trong trận đánh kéo dài từ ngày 28/6 – 16/9/1972, hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng đã hi sinh trong tòa thành lịch sử. Rất nhiều người trong số đó mới ở độ tuổi 18, đôi mươi, là những chàng sinh viên “gác bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Khu vực cổng chính của thành cổ Quảng Trị.

Tòa thành này được vua Gia Long cho xây dựng năm 1809, ban đầu được đắp bằng đất. Tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành gần 2.000m. Ảnh: Bên trong thành cổ Quảng Trị.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thành cổ Quảng Trị được biết đến với những trận đánh lớn trong các năm 1968, 1972. Trong đó, cuộc chiến ở thành cổ Quảng Trị trong Chiến dịch Xuân Hè 1972 được coi là một trong những trận chiến ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Cổng phía Đông thành cổ với hai cánh cửa sắt lỗ chỗ vết đạn.

Trận chiến này đã kéo dài trong suốt 81 ngày đêm, giữa lực lượng Giải phóng phòng thủ trong thành với quân lực VNCH có sự yểm trợ bằng pháo binh và không quân Mỹ. Ảnh: Khẩu súng thần công cổ bên cổng thành với nhiều vết đạn trên nòng.

Trong cuộc chiến này, sự quả cảm của các chiến sĩ Giải phóng đã khiến kế hoạch tái chiếm thành trong 2 tuần của đối phương bị kéo dài tới 3 tháng so với kế hoạch ban đầu là 2 tuần, qua đó giúp Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam duy trì được thế mạnh trên bàn đàm phán ở Paris. Ảnh: Hành trang của chiến sĩ Giải phóng được trưng bày tại thành cổ.

Trong trận đánh kéo dài từ ngày 28/6 – 16/9/1972, hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng đã hi sinh trong tòa thành lịch sử.

Rất nhiều người trong số đó mới ở độ tuổi 18, đôi mươi, là những chàng sinh viên “gác bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Đài chứng tích sinh viên – chiến sĩ thành cổ Quảng Trị.

Sau trận đánh, toàn bộ thành cổ gần như bị san phẳng, chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Ảnh: Một đoạn tường thành đã sụp đổ.

Trong thập niên 1990, tỉnh Quảng Trị cho tôn tạo lại thành để làm di tích. Ngay trung tâm thành được xây một đài tưởng niệm ghi dấu ấn 81 ngày đêm năm 1972. Ảnh: Đài tưởng niệm bên trong thành.

Ngày nay, thành cổ Quảng Trị được người dân trong vùng xem là một vùng đất thiêng liêng, vì bất cứ tấc đất nào nơi đây cũng có máu xương của các chiến sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Cũng trong những ngày hè 1972, dòng sông Thạch Hãn bên thành cổ Quảng Trị đã chứng kiến huyền thoại bám cầu, bám sông, mở đường Nam tiến dưới mưa bom bão đạn của các chiến sĩ quân Giải phóng. Ảnh: Bến thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn.

Đã có rất nhiều chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời. Ảnh: Đài tưởng niệm bên sông Thạch Hãn.

Những thế hệ sau này sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Ảnh: Tháp chuông thành cổ Quảng Trị.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , , , ,