Chùm ảnh: Sửng sốt với triển lãm hàng không vũ trụ ở Moskva năm 1969

Nhân dịp tham gia một hội nghị quốc tế ở Moskva năm 1969, nhà khoa học nguyên tử người Mỹ David C. Cook đã có chuyến tham quan lý thú tại triển lãm thành tựu hàng không vũ trụ Liên Xô.

Ảnh: Rob Ketcherside Flickr.

Mô hình tên lửa đẩy Vostok (Phương Đông) được đặt trước khu nhà trưng bày Vũ trụ tại Trung tâm triển lãm Thành tựu kinh tế Liên Xô, Moskva năm 1969. Dòng tên lửa này đã mở ra cột mốc vĩ đại trong lịch sử khi đưa phi hành gia Yuri Gagarin vào vũ trụ ngày 12/4/1961.

Đầu mũi tên lửa Vostok và vệ tinh Luna 1 (quả cầu nhỏ phía trên) được trưng bày trong nhà triển lãm. Phóng năm 1959, Luna 1 là thiết bị vũ trụ đầu tiên của con người tiếp cận mặt trăng.

Từ trái qua phải là các vệ tinh Electron 2, Electron 1 (cùng phóng năm 1964, dùng để nghiên cứu bức xạ và môi trường ngoài vũ trụ) và Sputnik 3 (phóng năm 1958, nghiên cứu vật lý ở thượng tầng khí quyển).

Cận cảnh vệ tinh Elektron 1.

Vệ tinh Elektron 2. Các mẫu vệ tinh Elektron (gồm 1, 2 , 3, 4) đã thực hiện những nghiên cứu quan trọng để phục vụ cho chuyến bay đầu tiên của Yuri Gagarin vào không gian.

Mô hình ở giữa là tàu thăm dò Venera 2, phóng năm 1965 để phục vụ cho việc thăm dò sao Kim. Bên trái là Venera 5, phóng năm 1969 với cùng nhiệm vụ. Bên phải là vệ tinh Proton.

Cận cảnh vệ tinh Proton. Trong giai đoạn 1965–1968, Liên Xô đã phóng bốn vệ tinh Proton nhằm phát hiện tia vũ trụ và hạt cơ bản trong không gian. Ở xa hơn là mô hình tàu không gian Vostok 1 và tên lửa đẩy Kosmos.

Cận cảnh mô hình hình tàu không gian Vostok 1. Đây là con tàu đưa Yuri Gagarin lên vũ trụ ngày 12/4/1961.

Các mô hình được treo gồm vệ tinh Kosmos-97 (phóng năm 1965, dùng để tiến hành thử nghiệm liên quan đến đồng hồ nguyên tử), Kosmos-149 (phóng năm 1967, nghiên cứu kiểm soát định hướng bằng thiết bị ổn định khí động học) và Molniya (phóng năm 1964, phục vụ thông tin liên lạc).

Cận cảnh vệ tinh Molniya.

Mô hình tàu thăm dò Luna 3, được phóng năm 1959 với nhiệm vụ chụp ảnh nửa không nhìn thấy được của mặt trăng.

Mô hình Luna 9 – phi thuyền đầu tiên hạ cánh mềm trên mặt trăng vào ngày 3/2/1966.

Mô hình động cơ tên lửa RD-107, được phát triển từ năm 1954-1957, ứng dụng trong các dòng tên lửa R-7, Sputnik, Vostok và Voskhod.

Một mô hình tên lửa được trưng bày tại triển lãm.

Không gian triển lãm thành tựu hàng không vũ trụ Xô-viết luôn thu hút rất đông khách tham quan.

Mô hình tên lửa Vostok bên ngoài khu triển lãm.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Tags: , , , ,