Chùm ảnh: Nhà lớn Long Sơn – công trình kiến trúc kỳ lạ của đạo Ông Trần

Điều đặc biệt của Nhà Lớn Long Sơn là các công trình ở nơi đây không được xây theo một quy hoạch tổng thể nào cả. Các nhà lầu nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ.Chùm ảnh: Nhà lớn Long Sơn – công trình kiến trúc kỳ lạ của đạo Ông Trần

Nằm bên sườn phía Đông Núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhà lớn Long Sơn còn gọi là đền Ông Trần, là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ mang nhiều nét đặc sắc, độc nhất vô nhị.

Công trình này do Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp khoảng năm 1900) một ông đạo có tiếng cho xây dựng từ năm 1910-1929. Tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông cùng nhiều người tin theo ông. (>> Ông Đạo – một hiện tượng tôn giáo lý thú ở Nam Bộ).

Về tổng quan, Nhà Lớn Long Sơn là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, nằm trên tổng diện tích khoảng 2 ha.

Điều đặc biệt là các công trình ở nơi đây không được xây theo một quy hoạch tổng thể nào cả. Các nhà lầu nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không sau trước, đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nghiêm luật xây dựng đương thời.

Lúc đầu, Nhà Lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu, các con cháu và đệ tử Ông Trần đã cho thay thế một phần bằng gạch ngói và xi măng.

Chùm ảnh: Nhà lớn Long Sơn – công trình kiến trúc kỳ lạ của đạo Ông Trần

Nhìn chung, Nhà Lớn là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín và liên thông, được chia thành ba khu riêng biệt đó là: Khu nhà thờ, khu lăng mộ Ông Trần, và một khu gồm nhiều nhà với các chức năng khác nhau.

Các công trình đều mang màu sắc tươi sáng với tường vôi trắng, các ô cửa, mành che và vách gỗ sơn xanh, thể hiện nét tín ngưỡng của đạo Ông Trần và tính quần cư, đoàn kết giữa những người dân tha hương khi đến chốn rừng núi hoang vu lập nghiệp.

Gây ấn tượng nhất ở Nhà Lớn Long Sơn là khu nhà thờ. Khu nhà quay mặt về hướng Đông, tọa lạc trên diện tích 7.800m2, gồm tam quan, vườn hoa Bát quái, và nhiều nhà thờ.

Các nhà thờ có hai dạng là nhà lầu 2 tầng 8 mái ngói là Lầu Cấm (Tiền điện), Lầu Phật (Chính điện), Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Dài; và nhà trệt lợp ngói là Nhà Thánh, Nhà Hậu (Hậu điện).

Lầu Trời, Lầu Tiên và Lầu Phật, hợp với nhà Hậu thành hình chữ “khẩu” (口), ở giữa là khoảng sân lộ thiên có hồ nước ngầm, một bể nước nổi trong có hòn non bộ.

Bên trong các ngôi nhà này, các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Nổi trội nhất là các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú rất khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ.

Trong các gian thờ có vô số kỷ vật cổ, đa phần bằng gỗ quý. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, thì Ông Trần đã sưu tầm được khá nhiều vật dụng của cả ba miền Nam-Trung-Bắc như bàn ghế, tủ thờ, những bức hoành phi, liễn thờ…

Các bàn thờ là nơi thờ nhiều đối tượng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, danh nhân lịch sử và thờ Ông Trần cùng những người trong gia tộc họ Lê.

Các khu nhà khác của Nhà Lớn Long Sơn mang nhiều chức năng như lẫm lúa, kho đựng đồ, nhà bếp, nhà máy đèn, nhà ở của bá tánh và dòng tộc…

Việc trông coi và giữ gìn Nhà Lớn Long Sơn do nhân dân cùng con cháu ông Trần tự nguyện. Việc cúng lễ, quét dọn, tu sửa hằng ngày do phiên ngũ (năm người) đảm nhiệm, cứ ba ngày thay phiên một lần, với trên 300 người thay phiên nhau làm.

Khi tham quan Nhà Lớn, du khách sẽ bắt đầu từ khu nhà khách. Ở đây khách sẽ được mời dùng trà, bánh ít trần và khoai mì, sau đó được người hướng dẫn của Nhà Lớn đưa đi thăm các khu nhà chính.

Hàng năm vào ngày giỗ Ông Trần (20 tháng 2 Âm lịch) và ngày Tết Trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch), Nhà Lớn Long Sơn đều có tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng chục ngàn người gần xa về tham dự.

Vào năm 1991, toàn thể khu Nhà Lớn đã được công nhận là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.

Một số hình ảnh khác về Nhà Lớn Long Sơn.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,